Thủ tục thành lập công ty du lịch lữ hành nội địa – Tư vấn doanh nghiệp
Có thể nói ngành du lịch là một lĩnh vực đầu tư tiềm năng của Việt Nam. Thậm chí trong tương lai, nhiều loại hình dịch vụ đa dạng và sáng tạo sẽ là tiền đề để ngành du lịch ngày càng phát triển hơn nữa. Với những ai có ý định đầu tư vào lĩnh vực này, các thủ tục pháp lý cần thực hiện trước khi chính thức kinh doanh là một vấn đề rất đáng lưu tâm. Theo quy định tại Luật Du lịch 2017 thì có nhiều ngành, nghề kinh doanh du lịch; bao gồm các loại hình: lữ hành, lưu trú du lịch, vận chuyển khách du lịch, phát triển khu du lịch, điểm du lịch, dịch vụ du lịch khác. Trong số đó, kinh doanh lữ hành nhận được nhiều sự quan tâm nhất vì quy mô đầu tư không quá lớn như khu du lịch hay điểm du lịch mà còn là dịch vụ được nhiều khách hàng lựa chọn.
Nhằm gửi đến Quý Khách hàng những thông tin cần thiết, Công ty Luật Việt An xin tổng hợp một số quy định của pháp luật liên quan đến việc thành lập công ty kinh doanh lữ hành nội địa như sau:
Lữ hành là việc xây dựng, bán và tổ chức thực hiện một phần hoặc toàn bộ chương trình du lịch cho khách du lịch. Vậy, kinh doanh lữ hành là kinh doanh các chương trình du lịch mà thông thường được gọi là “tour” du lịch.
Theo khoản 5 Điều 9 Luật Du lịch 2017 thì “Kinh doanh du lịch khi không đủ điều kiện kinh doanh, không có giấy phép kinh doanh hoặc không duy trì điều kiện kinh doanh trong quá trình hoạt động theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan” là một trong những hành vi bị pháp luật nghiêm cấm. Như vậy, để có thể kinh doanh lữ hành nội địa, tổ chức cá nhân bắt buộc phải thành lập doanh nghiệp và xin cấp Giấy phép kinh doanh lữ hành nội địa.
Trình tự, thủ tục thành lập doanh nghiệp kinh doanh lữ hành nội địa
Bước 1: Nộp hồ sơ thành lập doanh nghiệp:
Hồ sơ thành lập doanh nghiệp bao gồm:
- Đơn đề nghị đăng ký doanh nghiệp;
- Dự thảo điều lệ doanh nghiệp;
- Danh sách thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc danh sách cổ đông công ty cổ phần;
- Chứng minh thư nhân dân hoặc hộ chiếu của thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc cổ đông công ty cổ phần;
- Tài liệu khác trong các trường hợp đặc biệt;
- Giấy ủy quyền cho Công ty Luật Việt An thực hiện dịch vụ thành lập doanh nghiệp.
Nơi nộp hồ sơ: Sở Kế hoạch và đầu tư nơi doanh nghiệp dự định đặt trụ sở chính.
Thời hạn: 03 – 06 ngày làm việc.
Kết quả: Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Bước 2: Thông báo thông tin đăng ký doanh nghiệp:
Thông tin về đăng ký doanh nghiệp phải được thông báo công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp trong vòng 30 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Nội dung công bố bao gồm các thông tin được ghi nhận trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Bước 3: Khắc dấu và công bố mẫu dấu:
Doanh nghiệp có thể ủy quyền cho Công ty Luật Việt An hoặc tự mình khắc dấu và thông báo về việc sử dụng mẫu dấu cho Sở Kế hoạch và đầu tư. Doanh nghiệp có thể tự quyết định hình thức, số lượng và nội dung con dấu nhưng phải thể hiện được tên và mã số doanh nghiệp.
Sau khi nhận thông báo về mẫu con dấu, Phòng Đăng ký kinh doanh trao Giấy biên nhận cho doanh nghiệp, thực hiện đăng tải thông báo của doanh nghiệp trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp và cấp Thông báo về việc đăng tải thông tin về mẫu con dấu của doanh nghiệp cho doanh nghiệp.
Thời hạn: Từ 04 ngày làm việc.
Điều kiện kinh doanh lữ hành nội địa:
- Là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp
Doanh nghiệp phải có đăng ký kinh doanh lữ hành nội địa tại cơ quan đăng ký kinh doanh có thẩm quyền:
Quý Khách hàng có thể tham khảo mã ngành nghề tại Quyết định 27/2018 của Bộ Kế hoạch và đầu tư. Cụ thể với hoạt động du lịch như sau:
Mã ngành: 7912 – Điều hành tua du lịch
Tuy nhiên, để thuận tiện cho việc kinh doanh, doanh nghiệp có thể đăng ký thêm một số ngành nghề liên quan phục vụ cho hoạt động du lịch:
Mã ngành
Chi tiết
7990
Dịch vụ đặt chỗ và các dịch vụ hỗ trợ liên quan đến quảng bá và tổ chức tua du lịch
7911
Đại lý du lịch
5510
Dịch vụ lưu trú ngắn ngày
5610
Nhà hàng và các dịch vụ ăn uống phục vụ lưu động
7320
Nghiên cứu thị trường và thăm dò dư luận
Người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành phải tốt nghiệp cao đẳng trở lên chuyên ngành về lữ hành. Trường hợp tốt nghiệp cao đẳng trở lên chuyên ngành khác phải học và thi cấp chứng chỉ nghiệp vụ điều hành du lịch quốc tế. Gồm các chuyên ngành sau:
- Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành;
- Quản trị lữ hành;
- Điều hành tour du lịch;
- Marketing du lịch;
- Du lịch;
- Du lịch lữ hành;
- Quản lý và kinh doanh du lịch.
- Quản trị du lịch MICE
- Đại lý lữ hành
- Hướng dẫn du lịch
- Ngành, nghề, chuyên ngành có thể hiện một trong các cụm từ “du lịch”, “lữ hành’, “hướng dẫn du lịch” do cơ sở giáo dục ở Việt Nam đào tạo và cấp bằng tốt nghiệp trước thời điểm Thông tư này có hiệu lực
- Ngành, nghề, chuyên ngành có thể hiện một trong các cụm từ “du lịch”, “lữ hành”, “hướng dẫn du lịch” do cơ sở đào tạo nước ngoài đào tạo và cấp bằng tốt nghiệp.
Trường hợp bằng tốt nghiệp không thể hiện các ngành, nghề, chuyên ngành quy định tại điểm l và điểm m khoản này thì bổ sung bảng điểm tốt nghiệp hoặc phụ lục văn bằng thể hiện ngành, nghề, chuyên ngành, trong đó có một trong các cụm từ “du lịch”, “lữ hành”, “hướng dẫn du lịch
- Ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa tại ngân hàng
Mức ký quỹ: 100.000.000 (một trăm triệu) đồng
Quý Khách hàng có nhu cầu tìm hiểu quy định pháp luật và các thủ tục thành lập công ty du lịch lữ hành nội địa hoặc các loại hình kinh doanh du lịch khác, xin vui lòng liên hệ Công ty Luật Việt An để biết thêm chi tiết!