Thủ tục cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học công nghệ

Quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế cùng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang tạo ra những cơ hội lớn nhưng cũng đặt ra những thách thức không nhỏ đối với nước ta trong giai đoạn mới. Năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) của một nước phải dựa trên nền tảng phát triển khoa học công nghệ (KHCN) của quốc gia, trong đó thị trường KHCN là khâu then chốt, cầu nối giữa cung và cầu để chuyển những thành quả KHCN vào thực tiễn phát triển kinh tế. Theo đó, để thúc đẩy sự phát triển của khoa học – công nghệ, việc thành lập các doanh nghiệp khoa học công nghệ là rất cần thiết. Căn cứ báo cáo của các Sở Khoa học và Công nghệ, tính đến tháng 11/2020, cả nước đã có 538 doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học công nghệ.

Doanh nghiệp khoa học công nghệ là gì?

Doanh nghiệp khoa học công nghệ là doanh nghiệp trực tiếp thực hiện các hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và cả hoạt động sản xuất kinh doanh các loại sản phẩm từ kết quả nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ đó. Sản phầm kinh doanh của doanh nghiệp khoa học công nghệ là những sản phầm hữu hình hoặc vô hình, do tính đặc biệt của sản phầm trong lĩnh vực kinh doanh này nên việc thành lập doanh nghiệp khoa học công nghệ có những sự khác biệt và những điều kiện riêng tất yếu.

Cơ sở pháp lý

  • Luật Khoa học và Công nghệ 2013.
  • Nghị định số 08/2014/NĐ-CP ngày 27/01/2014 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Khoa học và Công nghệ.
  • Nghị định 13/2019/NĐ-CP về doanh nghiệp khoa học và công nghệ
  • Công văn 1048/BKHCN-PTTTDN năm 2019 hướng dẫn cấp Giấy Chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ theo Nghị định 13/2019/NĐ-CP do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành
  • Quyết định 395/QĐ-BKHCN về việc công bố thủ tục hành chính mới ban hành, thủ tục hành chính được thay thế trong lĩnh vực hoạt động khoa học và công nghệ thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Khoa học và Công nghệ
  • Nghị định số 96/2010/NĐ-CP ngày 20/9/2010 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 115/2005/NĐ-CP ngày 05/9/2005 quy định cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức khoa học và công nghệ công lập và Nghị định số 80/2007/NĐ-CP ngày 19/5/2007 về doanh nghiệp khoa học và công nghệ.
  • Thông tư liên tịch số 06/2008/TTLT-BKHCN-BTC-BNV ngày 18/6/2008 hướng dẫn thực hiện Nghị định số 80/2007/NĐ-CP về doanh nghiệp khoa học và công nghệ.
  • Thông tư liên tịch số 17/2012/TTLT-BKHCN-BTC-BNV ngày 10/9/2008 của Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính và Bộ Nội vụ sửa đổi, bổ sung Thông tư liên tịch số 06/2008/TTLT-BKHCN-BTC-BNV ngày 18/6/2008 hướng dẫn thực hiện Nghị định số 80/2007/NĐ-CP về doanh nghiệp khoa học và công nghệ.

Điều kiện cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học công nghệ

  • Được thành lập và hoạt động theo Luật doanh nghiệp;
  • Có khả năng tạo ra hoặc ứng dụng kết quả khoa học và công nghệ được cơ quan có thẩm quyền đánh giá, thẩm định, công nhận theo quy định tại khoản 2 Điều 7 của Nghị định 13/2019/NĐ-CP; Doanh nghiệp thuộc một trong hai trường hợp:
  • Có năng lực tạo ra kết quả KH&CN được cơ quan có thẩm quyền đánh giá, thẩm định, công nhận theo quy định. Năng lực tạo ra kết quả KH&CN được thể hiện ở việc doanh nghiệp tự nghiên cứu, phát triển, hoàn thiện, tạo ra kết quả KH&CN được cơ quan có thẩm quyền đánh giá, thẩm định, công nhận.
  • Có năng lực ứng dụng kết quả KH&CN được cơ quan có thẩm quyền đánh giá, thẩm định, công nhận theo quy định. Năng lực ứng dụng kết quả KH&CN được thể hiện ở việc doanh nghiệp đảm bảo được các điều kiện cần thiết (quy định tại mẫu số 02 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 13/2019/NĐ-CP) để triển khai ứng dụng kết quả KH&CN vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
  • Có doanh thu từ việc sản xuất, kinh doanh sản phẩm hình thành từ kết quả khoa học và công nghệ đạt tỷ lệ tối thiểu 30% trên tổng doanh thu.
  • Đối với doanh nghiệp đã thành lập từ đủ 5 năm trở lên: có doanh thu từ việc sản xuất, kinh doanh sản phẩm hình thành từ kết quả KH&CN đạt tỷ lệ tối thiểu 30% trên tổng doanh thu. Việc xác định tỷ lệ doanh thu để cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp KH&CN: doanh nghiệp tự kê khai trong hồ sơ đăng ký chứng nhận doanh nghiệp KH&CN (có thể kê khai theo kết quả kinh doanh của quý hoặc năm) và chịu trách nhiệm về tính chính xác, hợp pháp của thông tin. Cơ quan quản lý căn cứ vào báo cáo tình hình sản xuất, kinh doanh sản phẩm hình thành từ kết quả KH&CN của doanh nghiệp hàng năm để thực hiện việc quản lý, rà soát, bảo đảm doanh nghiệp duy trì được điều kiện chứng nhận doanh nghiệp KH&CN.
  • Đối với doanh nghiệp mới thành lập dưới 5 năm: không cần đáp ứng điều kiện về tỷ lệ doanh thu.

Hồ sơ đề nghị chứng nhận doanh nghiệp khoa học công nghệ

  • Giấy đề nghị chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ (theo mẫu);
  • Văn bản xác nhận, công nhận kết quả khoa học và công nghệ của cơ quan có thẩm quyền (bản sao xuất trình kèm bản chính để đối chiếu hoặc bản sao có chứng thực), thuộc một trong các văn bản sau:
  • Văn bằng bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ;
  • Quyết định công nhận giống cây trồng mới, giống vật nuôi mới, giống thủy sản mới, giống cây lâm nghiệp mới, tiến bộ kỹ thuật;
  • Bằng chứng nhận giải thưởng đối với kết quả thực hiện nhiệm vụ đã đạt được các giải thưởng về khoa học và công nghệ do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền chủ trì, phối hợp tổ chức xét tặng giải thưởng hoặc đồng ý cho tổ chức xét tặng giải thưởng;
  • Quyết định công nhận kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước; Giấy xác nhận hoặc giấy thẩm định kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ không sử dụng ngân sách nhà nước;
  • Giấy chứng nhận đăng ký chuyển giao công nghệ;
  • Các văn bản xác nhận, công nhận khác có giá trị pháp lý tương đương.
  • Phương án sản xuất, kinh doanh sản phẩm hình thành từ kết quả khoa học và công nghệ (theo mẫu).
  • Quy trình tạo ra và ứng dụng kết quả KH-CN, những ưu điểm và khả năng phát triển của sản phẩm
  • Chứng minh được có năng lực ứng dụng kết quả KH&CN được cơ quan có thẩm quyền đánh giá, thẩm định, công nhận theo quy định để triển khai ứng dụng kết quả KH&CN vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
  • Danh mục các sản phẩm hình thành từ kết quả khoa học và công nghệ
  • Tiêu chuẩn cơ sở do doanh nghiệp ban hành áp dụng cho sản phẩm KHCN
  • Văn bản chứng minh doanh nghiệp có doanh thu từ việc sản xuất, kinh doanh sản phẩm hình thành từ kết quả khoa học và công nghệ đạt tỷ lệ tối thiểu 30% trên tổng doanh thu (đối với doanh nghiệp hoạt động từ đủ 5 năm).

Trình tự, thủ tục đề nghị chứng nhận doanh nghiệp khoa học công nghệ

Bước 1: Doanh nghiệp nộp hồ sơ tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả – Sở Khoa học và Công nghệ các tỉnh hoặc qua đường bưu điện hoặc trực tuyến

Bước 2: Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả Sở Khoa học và Công nghệ kiểm tra tính đầy đủ và hợp lệ của các giấy tờ có trong hồ sơ

  • Trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp: Nếu hồ sơ đầy đủ thì công chức tiếp nhận hồ sơ cấp giấy biên nhận có ngày hẹn kết quả cho người nộp hồ sơ; Nếu hồ sơ chưa đầy đủ thì công chức tiếp nhận hồ sơ hướng dẫn cho người nộp hồ sơ bổ sung hồ sơ theo quy định.
  • Trường hợp nộp hồ sơ qua đường bưu điện: Nếu hồ sơ đầy đủ thì công chức tiếp nhận hồ sơ chuyển hồ sơ để giải quyết theo quy định; Nếu hồ sơ chưa đầy đủ thì công chức tiếp nhận hồ sơ có thư mời người có tên trong đơn đến cơ quan để hướng dẫn bổ sung hồ sơ theo quy định.
  • Trường hợp nộp hồ sơ trực tuyến: Nếu hồ sơ đầy đủ thì công chức tiếp nhận hồ sơ chuyển hồ sơ để giải quyết theo quy định; Nếu hồ sơ chưa đầy đủ thì công chức tiếp nhận hồ sơ trả hồ sơ kèm yêu cầu chỉnh sửa hoặc bổ sung hồ sơ trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến.

Bước 3: Giải quyết hồ sơ

  • Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Sở Khoa học và Công nghệ trả lời doanh nghiệp về tính hợp lệ của hồ sơ, trong đó nêu rõ tài liệu, nội dung cần sửa đổi, bổ sung và thời hạn sửa đổi, bổ sung nếu hồ sơ chưa hợp lệ.
  • Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Sở Khoa học và Công nghệ thẩm định hồ sơ và quyết định việc cấp hoặc từ chối cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ.
  • Trường hợp kết quả khoa học và công nghệ có liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau, cần mời chuyên gia hoặc thành lập hội đồng tư vấn, thời hạn cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ không quá 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ.
  • Trường hợp Sở Khoa học và Công nghệ chưa đủ điều kiện kỹ thuật đánh giá kết quả khoa học và công nghệ, trong thời hạn 05 ngày làm việc từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Khoa học và Công nghệ gửi công văn kèm theo toàn bộ hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ về Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ.

Bước 4: Căn cứ vào ngày hẹn trên Biên nhận Doanh nghiệp đến nhận kết quả trực tiếp hoặc qua đường bưu điện.

Bước 5: Cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ

Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ, Sở Khoa học và Công nghệ công bố trên cổng thông tin điện tử của cơ quan về tên, địa chỉ và danh mục sản phẩm hình thành từ kết quả khoa học và công nghệ của doanh nghiệp đó.

Quý khách hàng có nhu cầu đề nghị chứng nhận doanh nghiệp khoa học công nghệ vui lòng liên hệ Công ty luật Việt An để được hỗ trợ nhanh nhất!