Thủ tục Thành lập công ty gia công hàng hóa – Luật Việt An
Gia công hành hóa luôn đóng một vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng hàng hóa. Việt Nam có lợi thế về nguồn nhân công và quỹ đất để xây dựng nhà máy sản xuất nên gia công là một lĩnh vực mà nhiều nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm. Chính vì lẽ đó, đã có nhiều doanh nghiệp nhận gia công được lập nên. Vậy thủ tục thành lập công ty gia công như thế nào? Doanh nghiệp gia công cần lưu ý gì khi hoạt động kinh doanh.
Nội Dung Chính
Cơ sở pháp lý
- Luật doanh nghiệp 2020;
- Luật thương mại 2005;
- Nghị định 01/2021/NĐ-CP;
- Nghị định 69/2018/NĐ-CP;
Thủ tục thành lập công ty gia công hàng hóa
- Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ thành lập.
- Bước 2: Nộp hồ sơ thành lập công ty và đăng công bố lên Phòng đăng ký kinh doanh – Sở kế Hoạch và Đầu tư nơi doanh nghiệp đặt trụ sở.
- Bước 3: Nhận kết quả tại Sở kế Hoạch và Đầu tư.
- Bước 4: Khắc dấu công ty
- Bước 5: Thực hiện một số thủ tục sau thành lập.
Hồ sơ thành lập doanh nghiệp bao gồm
- Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp
- Dự thảo điều lệ công ty
- Danh sách thành viên đối với công ty TNHH 2 thành viên trở lên và danh sách cổ đông đối với công ty cổ phần kèm theo giấy tờ sau:
- Nếu cá nhân tham gia góp vốn: bản sao hợp lệ CMND căn cước công dân hoặc hộ chiếu còn hiệu lực
- Nếu tổ chức tham gia góp vốn: quyết định tham gia góp vốn và quyết định bổ nhiệm người quản lý vốn góp, bản sao giấy đăng ký doanh nghiệp, bản sao CMND/CCCD/hộ chiếu của người đại diện quản lý phần vốn góp.
Gia công là hoạt động thương mại, theo đó bên nhận gia công sử dụng một phần hoặc toàn bộ nguyên liệu, vật liệu của bên đặt gia công để thực hiện một hoặc nhiều công đoạn trong quá trình sản xuất theo yêu cầu của bên đặt gia công để hưởng thù lao. Trường hợp doanh nghiệp gia công cho đối tác nước ngoài thì sẽ được miễn thuế theo dạng hàng hóa tạm nhập, tái xuất.
Chủ thể được nhận gia công cho nước ngoài
- Thương nhân Việt Nam;
- Thương nhân có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Đối tượng gia công hàng hóa
- Hàng hóa không thuộc thuộc Danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, tạm ngừng xuất khẩu, hàng hóa thuộc Danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu, tạm ngừng nhập khẩu;
- Đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo giấy phép, thương nhân chỉ được ký hợp đồng sau khi được Bộ Công Thương cấp phép.
Hợp đồng gia công hàng hóa
Là văn bản pháp lý ghi nhận sự thỏa thuận của bên đặt gia công và bên nhân gia công về các quyền, nghĩa vụ và các vấn đề khác có liên quan.
Hình thức hợp đồng: phải bằng văn bản hoặc hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương.
Điều khoản trong hợp đồng
Các bên có thể tự do thỏa thuận nhưng phải có các điều khoản tối thiểu như sau:
- Tên, địa chỉ của các bên ký hợp đồng và bên gia công trực tiếp;
- Tên, số lượng sản phẩm gia công;
- Giá gia công;
- Thời hạn thanh toán và phương thức thanh toán;
- Danh mục, số lượng, trị giá nguyên liệu, phụ liệu, vật tư nhập khẩu và nguyên liệu, phụ liệu, vật tư sản xuất trong nước (nếu có) để gia công; định mức sử dụng nguyên liệu, phụ liệu, vật tư; định mức vật tư tiêu hao và tỷ lệ hao hụt nguyên liệu trong gia công;
- Danh mục và trị giá máy móc, thiết bị cho thuê, cho mượn hoặc tặng cho để phục vụ gia công (nếu có);
- Biện pháp xử lý phế liệu, phế thải, phế phẩm và nguyên tắc xử lý máy móc, thiết bị thuê, mượn, nguyên liệu, phụ liệu, vật tư dư thừa sau khi kết thúc hợp đồng gia công;
- Địa điểm và thời gian giao hàng;
- Nhãn hiệu hàng hóa và tên gọi xuất xứ hàng hóa;
- Thời hạn hiệu lực của hợp đồng.
Thuê, mượn, nhập khẩu máy móc, thiết bị của bên đặt gia công để thực hiện hợp đồng gia công:
Bên nhận gia công được thuê, mượn máy móc, thiết bị của bên đặt gia công để thực hiện hợp đồng gia công. Việc thuê, mượn hoặc tặng máy móc, thiết bị phải được thỏa thuận trong hợp đồng gia công.
Quyền và nghĩa vụ của các bên:
Với bên đặt gia công
- Giao toàn bộ hoặc một phần nguyên liệu, vật tư gia công theo thỏa thuận tại hợp đồng gia công;
- Nhận lại toàn bộ sản phẩm gia công; máy móc, thiết bị cho bên nhận gia công thuê hoặc mượn; nguyên liệu, phụ liệu, vật tư, phế liệu sau khi thanh lý hợp đồng gia công, trừ trường hợp được phép xuất khẩu tại chỗ, tiêu hủy, biếu, tặng theo quy định tại Nghị định này;
- Được cử chuyên gia đến Việt Nam để hướng dẫn kỹ thuật sản xuất và kiểm tra chất lượng sản phẩm gia công theo thỏa thuận trong hợp đồng gia công;
- Chịu trách nhiệm về quyền sử dụng nhãn hiệu hàng hóa, tên gọi xuất xứ hàng hóa;
- Tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam có liên quan đến hoạt động gia công và các điều khoản của hợp đồng gia công đã được ký kết;
- Được xuất khẩu tại chỗ sản phẩm gia công; máy móc, thiết bị cho thuê hoặc cho mượn; nguyên liệu, phụ liệu, vật tư dư thừa; phế phẩm, phế liệu theo văn bản thỏa thuận của các bên có liên quan, phù hợp với các quy định hiện hành về quản lý xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa và phải thực hiện nghĩa vụ thuế và các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật.
Bên nhận gia công
- Được miễn thuế nhập khẩu đối với máy móc, thiết bị, nguyên liệu, phụ liệu, vật tư tạm nhập khẩu theo định mức và tỷ lệ hao hụt để thực hiện hợp đồng gia công; được miễn thuế xuất khẩu đối với sản phẩm gia công;
- Được thuê thương nhân khác gia công;
- Được cung ứng một phần hoặc toàn bộ nguyên liệu, phụ liệu, vật tư để gia công theo thỏa thuận trong hợp đồng gia công; phải nộp thuế xuất khẩu theo quy định của Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu đối với phần nguyên liệu, phụ liệu, vật tư mua trong nước;
- Được nhận tiền thanh toán của bên đặt gia công bằng sản phẩm gia công, trừ sản phẩm thuộc Danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu, tạm ngừng nhập khẩu. Đối với sản phẩm thuộc Danh mục hàng hóa nhập khẩu có giấy phép, hàng hóa thuộc diện quản lý chuyên ngành thì phải tuân thủ các quy định về cấp phép và quản lý chuyên ngành;
- Phải tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam về hoạt động gia công xuất khẩu, nhập khẩu, sản xuất hàng hóa trong nước và các điều khoản của hợp đồng gia công đã được ký kết;
- Làm thủ tục xuất khẩu tại chỗ sản phẩm gia công; máy móc, thiết bị thuê hoặc mượn; nguyên liệu, phụ liệu, vật tư dư thừa; phế phẩm, phế liệu theo ủy nhiệm của bên đặt gia công.
Gia công chuyển tiếp
- Sản phẩm gia công của hợp đồng gia công này được sử dụng làm nguyên liệu gia công cho hợp đồng gia công khác tại Việt Nam;
- Sản phẩm gia công của hợp đồng gia công công đoạn trước được giao cho thương nhân theo chỉ định của bên đặt gia công cho hợp đồng gia công công đoạn tiếp theo.
Khi kết thúc hợp đồng gia công hoặc hợp đồng gia công hết hiệu lực, các bên ký kết hợp đồng gia công phải thanh lý hợp đồng và làm thủ tục thanh khoản hợp đồng với cơ quan Hải quan.
Quý khách hàng có nhu cầu thành lập công ty gia công hàng hóa, xin vui lòng liên hệ Công ty luật Việt AN để được hỗ trợ cụ thể.