Thú chơi tranh Tết
Những màu sắc rực rỡ trong tranh dân gian mang đến nguồn năng lượng tươi vui, ấm cúng, rộn rã sắc xuân. Tranh Tết không chỉ mang tới lời chúc năm mới hòa hợp, thịnh vượng mà còn là nơi lưu giữ một phần hồn Việt trong lành và nhân hậu.
Các cụ xưa có câu “Nhất chữ, nhì tranh, tam sành, tứ mộc” để chỉ 4 thú chơi tao nhã trong dịp Tết Nguyên đán của người Việt xưa. Chơi tranh ngày Tết là thú chơi đa dạng, muôn hình muôn vẻ, tùy theo phong tục tập quán của địa phương, cũng như địa vị, phẩm hàm trong xã hội của chủ nhân.
Sự trở lại của dòng tranh Kim Hoàng khiến những người chơi tranh dân gian thích thú
Ở Hà Nội cũng như khu vực trung du Bắc Bộ có nhiều làng tranh dân gian nổi tiếng như: tranh Đông Hồ (Bắc Ninh), tranh Kim Hoàng (Hà Nội), tranh Hàng Trống (Hà Nội)…
Xưa, các làng tranh, cứ đến Tết lại nhộn nhịp in vẽ rồi quẩy đi bán khắp các nẻo chợ quê. Hương Xuân, sắc Tết từ đó mà theo mỗi tờ tranh đến từng nhà. Mỗi bức tranh không chỉ là sự kết hợp hài hòa, sắc sảo của cách nhìn và quan niệm về thế giới, hiện lên như là biểu trưng của tinh hoa và kỹ thuật dân gian điêu luyện; mà còn là sự tinh tế trong thẩm mỹ, là những thông điệp và ước vọng nhân sinh.
Ở các phiên chợ quê, góc tranh Tết bao giờ cũng nhộn nhịp, với sắc màu bắt mắt, tươi vui. Thường sau ngày ông Công ông Táo, dù là nhà giàu hay nhà nghèo, mọi người cũng đều đi chợ mua những bức tranh Tết, với hy vọng đón vinh hoa, phú quý về nhà và gỡ tranh cũ xuống treo tranh mới lên với hàm ý “Tống cựu, nghinh tân”.
Tranh Tết dân gian rất đa dạng về thể loại như tranh tín ngưỡng, tranh chúc tụng, tranh lịch sử, tranh châm biếm, tranh phong cảnh… Đã là tranh treo Tết thì bao giờ cũng mang ý nghĩa như một thông điệp, một lời cầu chúc cho gia chủ một năm phát tài, phát lộc, vạn sự như ý.
Phần lớn các gia đình nông thôn thường treo các bức tranh dân gian nhỏ, giá cả phải chăng, thuộc nhiều đề tài để bày tỏ đồng thời nhiều ước vọng. Ở gian thờ cúng tổ tiên, các gia đình treo tranh mâm ngũ quả. Ngoài cổng, mọi người thường dán hai bức tranh, một bên là ông Tiến tài, một bên là ông Tiến lộc, với mong muốn đón nhiều tài lành, phúc ấm cho gia chủ. Cũng có nhà lại dán cặp tranh thần hộ mệnh là những ông tướng nhà trời để xua đuổi ma quỷ, bảo vệ cho gia đình một năm mới an khang, thịnh vượng. Trong nhà, mọi người thường treo, dán tranh dân gian Đông Hồ hay Kim Hoàng với những đề tài được ưa chuộng trong dịp Tết, như: Tranh “Mẹ con đàn gà”, “Mẹ con đàn lợn” với ước vọng gia đình đông vui, hòa thuận; Tranh “Vinh Hoa”, “Phú Quý” với cậu bé mũm mĩm ôm gà, ôm vịt tượng trưng cho điềm phúc; Tranh “Gà trống” sặc sỡ và oai vệ, tượng trưng cho Ngũ Quý…
Đối với gia đình ở thành phố, việc treo tranh, chơi tranh không đơn giản chỉ là chơi cho có không khí Tết, mà bức tranh còn đồng thời là vật trang trí để kiến tạo nên một không gian sang trọng, chứng tỏ lễ giáo gia phong của gia đình. Chính vì vậy, họ thường chọn treo tranh Hàng Trống với những bức như: Tranh “Tố nữ” thể hiện vẻ đẹp dịu dàng, mới mẻ và thân thuộc giữa con người với thiên nhiên; tranh “Tứ quý” thể hiện ước vọng bốn mùa Xuân – Hạ – Thu – Đông luôn tràn ngập âm thanh vui tươi; tranh “Lý ngư vọng nguyệt” với mong muốn đỗ đạt, như cá chép vượt vũ môn hóa rồng; tranh “Thất đồng” vẽ 7 em bé vui chơi với cây đào tiên đang ra hoa kết trái, thỏa mãn mong ước của con người về một cuộc sống phồn vinh, hạnh phúc; tranh “Tam đa” tượng trưng cho phúc đức, tài lộc và sống lâu…
Bên cạnh những bức tranh Tết mang đậm sắc thái văn hóa, lịch sử, tâm linh, mọi người cũng có thể dành vị trí trang trọng trong nhà để đón chào năm mới bằng những bức vẽ hình con giáp đại diện cho năm sắp tới.
Với màu sắc rực rỡ, đề tài phong phú, đường nét độc đáo, những bức tranh dân gian ngày Tết không đơn thuần chỉ để trang trí cho căn nhà thêm phần ấm áp, rực rỡ sắc màu của mùa Xuân, mà còn là không gian văn hóa với những giá trị thẩm mỹ, triết lý xã hội và ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Chính thế, tranh Tết trở thành một phần không thể thiếu trong không gian của ngày Tết cổ truyền xưa.
Tuy nhiên thời gian gần đây, thú chơi tranh Tết có phần mai một. Đặc biệt, khi các làng tranh hiện nay cũng khó sống được với nghề, thì việc thúc đẩy thú chơi tranh dân gian mỗi khi Tết đến Xuân về là việc nên làm. Trong thời gian qua, cũng đã có những nỗ lực đáng khích lệ đến từ một số nghệ nhân, nhà nghiên cứu để vực dậy một thú chơi tranh dân gian. Nếu tranh Hàng Trống, nghệ nhân Lê Đình Nghiên vẫn bền bỉ giữ nghề, cuối năm tập trung cung cấp cho người yêu tranh những bộ tranh nổi tiếng của dòng tranh Hàng Trống thì nhà sưu tập Nguyễn Thị Thu Hòa lại có công khôi phục lại dòng tranh dân gian Kim Hoàng đã mất dấu trên thị trường hơn nửa thế kỷ. Những mẫu tranh dân gian Kim Hoàng được nghiên cứu khôi phục đã khiến cho những người chơi tranh Tết và nặng lòng với văn hóa dân tộc thích thú. Không chỉ vậy, bà Hòa còn cùng các họa sĩ, nhà nghiên cứu tạo thêm những mẫu tranh mới cho dòng tranh Kim Hoàng để phục vụ nhu cầu chơi tranh Tết.
Tranh dân gian Việt Nam nói chung và tranh Tết nói riêng, có thể coi là “bách khoa thư” về đời sống của người Việt, từ quan niệm vũ trụ cho đến các tư tưởng khai phóng, đề cao giá trị nhân văn bên trong mỗi con người đều được hiện diện.
Bên cạnh mảng tranh dân gian, hiện nay, cứ Tết đến Xuân về, nhiều họa sĩ lại dành thời gian để vẽ tranh con giáp phục vụ nhu cầu chơi tranh Tết của công chúng đương đại. Có thể kể tới những cái tên như: Lê Trí Dũng, Đỗ Phấn, Thành Chương, Công Quốc Hà, Tào Linh, Đào Hải Phong, Lê Thiết Cương… Hiện nay, tranh con giáp được các họa sĩ vẽ trên nhiều chất liệu, bột màu trên bìa, sơn dầu trên toan, sơn mài trên vóc… Thậm chí, nghệ nhân – họa sĩ Nguyễn Tấn Phát ở làng cổ Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội) còn làm 2023 tượng điêu khắc với hình tượng con mèo bằng chất liệu gỗ mít phủ sơn mài truyền thống. Những bức tượng chú mèo sinh động được nghệ nhân phối hợp với đá ong tạo nên những tác phẩm điêu khắc sống động, thu hút người chơi trong những không gian trang trí hiện đại…