Thú chơi hoa, cây cảnh ngày Tết
Cầu kỳ chơi hoa thủy tiên
Nổi tiếng về sự cầu kỳ ấy là chơi hoa thủy tiên. Đừng tưởng thú chơi này chỉ có trong sách vở, vì bây giờ, cuộc sống bận rộn thế này, vội vã thế này, mấy ai dư dả thời gian mà ngồi tỉa tót từng củ thủy tiên, đợi đến 30, mùng 1 Tết hoa bừng ra khoe hương sắc.
Vẫn còn nguyên đó thú chơi hoa cầu kỳ của người Hà Nội, dù người sống ở Hà Nội bây giờ phần nhiều không phải là người Hà Nội gốc. Nhưng người nọ vẫn rỉ tai người kia, nếu đêm giao thừa, mà trong nhà có bông thủy tiên nở thì đó là năm vô cùng may mắn, nhiều tài nhiều lộc.
Nhưng như đã ngấm cái cốt cách sành sỏi trong chơi hoa, nên dù người tỉnh nào về Hà Nội, thì mỗi khi Tết đến xuân về đều mong cho gia đình mình được đẹp, được sang, được sáng sủa khang trang.
Người chơi hoa thủy tiên chia sẻ kinh nghiệm để hoa nở đúng Tết
Số người chơi hoa thủy tiên trong dịp Tết bây giờ không phải quá ít. Giờ đây, nếu ưa sống chậm, bạn vẫn có thể gặp và trò chuyện với những cụ già yêu hoa thủy tiên theo “di truyền”. Đó là những người “bị” thủy tiên chinh phục từ lúc còn thơ, theo chân cha mẹ dọc ngang phố cổ mà lựa mà chọn cho kỳ được một nhành thủy tiên về chơi trong mấy ngày Tết.
Như ông Nguyễn Đức Hoan ở làng Ngọc Hà (Quận Ba Đình) kể, hồi còn nhỏ, ông được chứng kiến những cuộc thi hoa thủy tiên của các cụ sành chơi hoa ở Hà Nội. Khi ấy, ông thường được theo cha đi ngắm những bình thủy tiên đẹp mắt, được chăm sóc cầu kỳ tạo thế phượng múa, long giáng, hạc chầu, tiên sa, rồng bay… Chính điều này đã gieo vào lòng ông cái thú chơi hoa thủy tiên, để bây giờ, tình yêu đó lại nảy nở trong con cháu ông. Vì thế không Tết nào nhà ông Hoan lại thiếu bát thủy tiên tỏa hương thơm với bộ rễ cực kỳ đẹp mắt.
Chơi đào cũng lắm công phu
Bên cạnh sự cầu kỳ, kỹ lưỡng trong từng nhát dao, trong từng bát nước chơi thủy tiên thì chơi đào, chơi quất là thú chơi phổ thông và hấp dẫn số đông người Hà Nội.
Hoa đào có ý nghĩa mang xuân vào nhà, còn cây quất có ý nghĩa mang lộc về trong năm mới. Đây là hai loài cây thường xuất hiện trong nhà của nhiều gia đình. Nhà rộng kiểu gì cũng phải đủ hai thứ, còn nhà ai hẹp thì cành đào trên ban thờ, cây quất đặt bên bàn nước đã trở thành quen thuộc.
Nhưng để trở thành thú chơi, thì người Hà Nội xưa nay tỏ rõ sự cầu kỳ của mình. Sinh thời, Tết năm nào nhà văn Băng Sơn cũng phải lên vườn đào Nhật Tân, chợ hoa Quảng Bá để lựa cho mình một cành đào thế. Ông không thích những cành đào được uốn tròn, giống nhau. Đây cũng là sở thích của nhiều người. Nhất định phải tận tay tận mắt ngắm nghía, chọn lựa một cành đào phai thật ưng để cắm trong phòng khách.
Nhà văn Kim Lân cũng vậy. Hồi còn sống, ông gắn bó với căn nhà nhỏ trong xóm Hạ Hồi. Cứ mỗi khi gần Tết, nhà văn lại dành hẳn mấy tuần lễ để chọn cho kỳ được một cành đào phai ưng ý. Đào phai là đúng đào ta, thế lại còn phải tự nhiên, không cầu kì. Bình cắm hoa của ông cũng không được lòe loẹt mà chỉ là cái chum hoặc lọ sành lớn, đúng chất mộc mạc dân dã. Thú chơi hoa của nhà văn “Vợ nhặt” quả có khác với người thường. Ông cũng yêu các loại hoa lá, tự trồng các loại lan, đỗ quyên, cúc đại đóa….
Những chậu lan tự tay ông chăm bón tỉ mẩn để khi ra hoa thì thưởng thức hoặc đem tặng cho những người bạn thân như nhà văn Nguyễn Tuân. Riêng cúc đại đóa nhiều màu thì ông rất yêu, để bây giờ, khi ông đã rời xa cõi tạm, trên bàn thờ của ông lúc nào cũng có một lọ cúc tươi do các con ông cắm.
Cầu kỳ vào bậc nhất và thể hiện “đẳng cấp” riêng người Hà Nội mới có phải nói đến đào thất thốn. Được coi là giống đào tiến vua, biết người quý mến mình nên đào đỏng đảnh, khó chiều vì thế càng ít, càng hiếm người chơi. Anh Hàm, một người “đắm đuối” với đào thất thốn lâu năm trên làng hoa Nhật Tân kể rằng, cây đào này dáng rất bé nhỏ, chỉ cao chừng 1m đổ lại. “Nhỏ nhưng có võ”, thất thốn khiến người khác say mê bởi sự kỳ lạ của mình. Đó là gốc cây thì xù xì, mốc meo, nhiều người không biết tưởng là cây củi mục, từ thân đến ngọn chẳng có lá có chồi, nụ lại đen xì như đã bị kẹn, không nở được. Có khi hoa mọc giữa thân, có khi còn mọc sát đất, có khi nụ đấy mà vài năm mới nở hoa. Khi nở thì hoa có hai màu nhung đỏ và hồng phai, có mùi hương rất dễ chịu…
Thú chơi quất cảnh
Trong khi đó, quất cũng là một loài cây không thể thiếu trong ngày Tết, tưởng chừng dễ dãi nhưng với người Hà Nội, để chọn được một cây quất đẹp, theo đúng nghĩa để thưởng thức thì cũng có nhiều tiêu chuẩn. Cây đẹp là cây có đủ quả xanh, quả chín, quả con, lại có cả hoa, các tầng tán thì phải có ý nghĩa kèm theo đó. Mấy năm gần đây nhiều người có “mốt” chơi những loại cây có “ngũ quả” ghép chung vào đó nhưng cũng có người không thích bởi sự thiếu tự nhiên. Chung quy cũng là bởi sở thích riêng của mỗi người.
Trong khi đó, địa lan, tulip và trăm ngàn loài kỳ hoa dị thảo khác du nhập từ các nơi vào cũng làm phong phú thêm đời sống của người Hà Nội. Mạn Quảng Bá, Tây Hồ đã quanh năm ngát hương, vào dịp áp Tết lại càng nhộn nhịp bởi người ta đổ về các nhà vườn, các siêu thị hoa để chọn cho được những chậu hoa thắm tươi, đặc biệt nhất dùng để thưởng thức hay biếu tặng người thân. Nhưng nhiều cư dân của Hà Nội, nhất là các cụ ông cụ bà sống lâu năm ở Hà Nội, Tết đến nhất định phải có bình hoa thược dược rực rỡ sắc màu cắm xen mấy cành violet tím. Như thế mới là Tết, thiếu hai thứ hoa ấy cùng với những hạt mưa bụi li ti, dường như mùa Xuân chưa trọn vẹn…
Mùa xuân là mùa của hoa lá đâm chồi nảy lộc, nở bừng rực rỡ. Mang những màu sắc tươi tắn sặc sỡ vào nhà cũng là cách để người Hà Nội đón năm mới với hi vọng về sự may mắn, thịnh vượng, thành công. Dù những cây hoa cảnh truyền thống hay những loài hoa mới được nhập về thì cũng đều làm phong phú thêm đời sống tinh thần của người Hà Nội. Bên cạnh những thú chơi đẳng cấp thì thú chơi hoa thông thường, bình dân cũng làm đậm đà thêm cái Tết của người Thủ đô.