Thu, chi tiền lương nhân viên hợp đồng nấu ăn tại các trường mầm non công lập tại TP Hạ Long: “Tuyệt đối không thu thừa, không chi sai mục đích”
Gần đây, Báo Quảng Ninh nhận được phản ánh của nhiều phụ huynh học sinh về việc thu, chi tiền lương nhân viên hợp đồng nấu ăn tại các trường mầm non công lập trên địa bàn thành phố. Để làm rõ hơn nội dung này, Báo Quảng Ninh đã có cuộc trao đổi với đồng chí Vũ Văn Hạnh, Trưởng Phòng GD-ĐT TP Hạ Long.
Ảnh minh hoạ
– Các khoản đóng góp của học sinh 20 trường mầm non công lập trên địa bàn thành phố nhiều năm qua không có tiền thuê người nấu ăn. Nhưng kể từ tháng 4 năm nay, tất cả các trường mầm non đều thu 60.000 đồng/học sinh để chi tiền lương nhân viên hợp đồng nấu ăn. Điều này đã gây ra nhiều băn khoăn, thắc mắc trong phụ huynh học sinh. Đồng chí có thể lý giải rõ hơn về sự thay đổi này?
+ Thực hiện Đề án 25, ngành GD-ĐT thành phố đã giảm 78 nhân viên hợp đồng nấu ăn tại các trường mầm non công lập không hưởng lương từ ngân sách. Trong khi đó, hiện trên địa bàn TP Hạ Long không có cơ sở dịch vụ cung ứng việc nấu ăn cho trẻ. Việc tổ chức bữa ăn cho trẻ là hoạt động không thể thiếu nhằm đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng cho trẻ. Theo Thông tư liên tịch số 71/2007/TTLT-BGDĐT-BNV của Bộ GD-ĐT, Bộ Nội vụ hướng dẫn định mức biên chế sự nghiệp trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập, với địa bàn không có cơ sở dịch vụ cung ứng cho việc nấu ăn cho trẻ thì được thuê khoán người nấu ăn, 1 người phục vụ 50 trẻ mẫu giáo hoặc 35 trẻ nhà trẻ. Từ đó, UBND thành phố đã cho phép Phòng GD-ĐT triển khai tổ chức nấu ăn, hợp đồng nhân viên nấu ăn cho trẻ tại 20 trường mầm non công lập thành phố. Các trường đã thông báo đến tất cả cha mẹ học sinh có nhu cầu thuê người nấu ăn theo đúng quy định hiện hành. Từ tháng 4-2015, tất cả các trường mầm non đã thu 60.000 đồng/học sinh để chi tiền lương nhân viên hợp đồng nấu ăn.
– Vậy khoản thu, chi tiền lương nhân viên hợp đồng nấu ăn tại các trường mầm non công lập tại TP Hạ Long được tính toán như thế nào, thưa đồng chí?
+ Để thống nhất được mức thu giữa các đơn vị, Sở GD-ĐT cũng đã ban hành văn bản số 2173/SGDĐT-KHTC hướng dẫn thực hiện các khoản thu trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh, năm học 2014-2015. Trong đó, danh mục các khoản thu theo thoả thuận bao gồm: Tiền ăn, tiền chăm sóc bán trú, tiền nước uống, tiền trông giữ phương tiện tham gia giao thông của người học. Cơ sở giáo dục mầm non công lập không có nhân viên nấu ăn hưởng lương từ ngân sách và ở địa bàn không có cơ sở dịch vụ cung ứng việc nấu ăn cho trẻ thì được thuê khoán người nấu ăn, mức tiền công chi trả được thỏa thuận theo quy định tại Nghị định số 182/2013/NĐ-CP ngày 14-11-2013 của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các cơ quan, tổ chức có thuê mướn lao động.
Theo đó, mức lương thấp nhất là 2.400.000 đồng (vùng 2) x 1,07 = 2.568.000 đồng/người/tháng. Các khoản đóng góp do người sử dụng lao động phải trả là 2.568.000 đồng x 23% = 590.640 đồng/người/tháng, bao gồm: 18% BHXH, 3% BHYT, 1% bảo hiểm thất nghiệp, 1% công đoàn phí. Như vậy, số tiền thấp nhất mỗi học sinh phải đóng để chi trả cho 1 nhân viên nấu ăn là 2.568.000 + 590.640 = 3.158.640 đồng : 50 người = 63.173 đồng. Để tiện cho việc chi trả, Phòng GD-ĐT thống nhất mỗi học sinh đóng 60.000 đồng/tháng.
Mức thu này là mức quy định tối đa, các trường tự cân đối lập dự toán chi để tính mức thu trên cơ sở thu đủ chi, tuyệt đối không thu thừa, không chi sai mục đích, có sổ sách phiếu chi, thu, hạch toán vào báo cáo tài chính.
– Vậy, hiện thành phố cần bao nhiêu nhân viên nấu ăn mới đáp ứng đủ việc nấu ăn cho trẻ mầm non hệ công lập?
+ Hiện bậc học mầm non công lập của thành phố có 239 lớp với khoảng 7.582 học sinh. Theo đặc thù của bậc học mầm non, mỗi ngày trẻ phải được ăn 3 bữa (1 bữa trưa và 2 bữa phụ sáng – chiều); ăn theo khẩu phần dinh dưỡng của bậc học mầm non quy định mỗi độ tuổi, cân nặng có khẩu phần ăn riêng; phải bón, đút cơm, cháo cho các cháu. Để tổ chức ăn cho trẻ, chúng tôi đã bố trí 78 nhân viên nấu ăn, đồng thời các trường cũng có các giáo viên, nhân viên kiêm nhiệm cho hoạt động này.
Tuy nhiên, theo nội dung Đề án 25 và thực hiện hướng dẫn Thông tư liên tịch số 71/2007/TTLT-BGDĐT-BNV của Bộ GD-ĐT, Bộ Nội vụ, 1 người phục vụ 50 trẻ mẫu giáo hoặc 35 trẻ nhà trẻ, chúng tôi phải bố trí lại nhân viên nấu ăn. Theo tính toán, 20 trường mầm non trên địa bàn thành phố cần khoảng 120 nhân viên nấu ăn. Do đó, chúng tôi tiếp tục thực hiện hợp đồng 78 nhân viên nấu ăn tại các trường, đồng thời tuyển thêm 42 nhân viên. Cũng theo nội dung Đề án 25, tại một số trường, các nhân viên y tế, kế toán vẫn tiếp tục kiêm nhiệm hoạt động nấu ăn của trường; còn giáo viên dôi dư được luân chuyển đến công tác tại các trường thiếu giáo viên, không phải kiêm nhiệm việc nấu ăn của trường nữa.
– Xin cảm ơn đồng chí!
Nguyễn Hoa (Thực hiện)