Thông cáo báo chí tuần thứ 32 (Từ ngày 03/8 đến ngày 09/8/2019)

Thông cáo báo chí tuần thứ 32 (Từ ngày 03/8 đến ngày 09/8/2019)

I. THÔNG TIN VỀ TÌNH HÌNH KINH TẾ – XÃ HỘI TRONG TUẦN 31

1. Lĩnh vực Giao thông:

a) UBND tỉnh đã thống nhất phương án thí điểm phân luồng, tổ chức giao thông, đảm bảo an toàn cho du khách ra vào Cửa Ngăn và Đại Nội Huế (công văn số 5598/UBND-GT ngày 08/8/2019).

Theo đó thống nhất phương án thí điểm cấm ô tô trên 09 chỗ lưu thông ra/vào đường Cửa Ngăn vào các khung giờ: Sáng từ 8h00-11h00, chiều từ 14h00-17h00; thời gian thí điểm trong 2 tháng; Tổ chức phân luồng đối với xe điện chở khách du lịch đi ra theo hướng Cửa Hòa Bình – Đặng Thái Thân – Lê Huân – Yết Kiêu – Nguyễn Trãi (qua Cửa Nhà Đồ) ra Bến xe Nguyễn Hoàng nhằm giảm tải cho các xe điện ra vào Cửa Hiển Nhơn.

b) Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương có buổi kiểm tra, làm việc với các ngành và địa phương có liên quan về tiến độ triển khai công tác giải phóng mặt bằng tại Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Cam Lộ – La Sơn.

c) Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương có buổi làm việc với các sở ngành, địa phương về triển khai các giải pháp bảo đảm an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh. Phó Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo thời gian tới cần tập trung đẩy mạnh công tác tuần tra kiểm soát, tập trung các tuyến, địa bàn trọng điểm, phức tạp về tai nạn giao thông. Tập trung sớm xử lý dứt điểm những bất cập về tổ chức giao thông, khắc phục điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông; tăng cường các giải pháp bảo đảm ATGT đường sắt, đường thủy nội địa theo quy định của pháp luật. Chủ động triển khai các đợt cao điểm để giải quyết tình hình phức tạp về trật tự ATGT, tập trung vào các lỗi vi phạm tốc độ, nồng độ cồn, lạng lách đánh võng, xe dù – “xe ké”…

2. Lĩnh vực Nông nghiệp:

Tình hình DTLCP đến ngày 08/8/2019:

Tỉnh Thừa Thiên Huế: bệnh DTLCP đang xảy ra trên đàn lợn của 9.471 hộ chăn nuôi, 581 thôn, 109 xã thuộc 9 huyện. Tổng số lợn mắc bệnh và đã tiêu hủy là 56.420 con với tổng trọng lượng tiêu hủy là 3.176.738 kg. Cụ thể như sau:

– Huyện Phú Vang: 19 xã, tiêu hủy 13.510 con.

– Thị xã Hương Thủy: 12 xã, tiêu hủy 5.221 con.

– Huyện Quảng Điền: 11 xã, tiêu hủy 8.428 con.

– Thị xã Hương Trà: 13 xã, tiêu hủy 6.166 con.

– Huyện Phong Điền: 15 xã, tiêu hủy là 19.538 con.

– Thành phố Huế: 13 Phường, tiêu hủy 423 con.

– Huyện Phú Lộc: 16 xã, tiêu hủy là 2.924 con.

– Huyện A Lưới: 5 xã, tiêu hủy 79 con.

– Huyện Nam Đông: 5 xã, tiêu hủy 131 con.

Đã có 14 xã có bệnh đã qua 30 ngày không phát sinh thêm ổ dịch mới: Dương Hòa, Phú Sơn (H.Thủy), Hương Sơ, Vỹ Dạ, Thuận Hòa, Phú Thuận, Kim Long (Tp Huế), Phú Thuận (P.Vang), Hương Phong, Hồng Quảng, Hồng Hạ (A Lưới), Lộc Vĩnh, Lộc Tiến, Xuân Lộc (Phú Lộc).

Có 07 xã có dịch bệnh đã qua 30 ngày nhưng sau đó lại phát sinh lợn bệnh: Phong Sơn (P.Điền), Phú Dương, Phú Thanh (P.Vang), Vinh Hiền, TT Phú Lộc (P.Lộc), Hương Thọ (H.Trà), An Hòa (Tp Huế).

Giá lợn hơi  nhập các tỉnh về lò Bãi dâu 34-35000đ. Giá mua trong dân heo F1 26 – 27.000đ.

3. Lĩnh vực Đầu tư xây dựng cơ bản:

Ngày 05/8/2019, UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 5450/UBND-TH chỉ đạo Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế:

– Khẩn trương báo cáo kế hoạch thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tu bổ, tôn tạo hệ thống kè hộ thành hào, kinh thành Huế theo yêu cầu của UBND tỉnh tại Công văn số 5139/UBND-TH ngày 24/7/2019, báo cáo trước ngày 16/8/2019; chủ trì tổ chức họp báo để thông tin đến các cơ quan thông tấn báo chí về vấn đề trên.

– Chỉ đạo, phối hợp các đơn vị liên quan có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục tình trạng đỗ xe lộn xộn tại khu vực di tích Nghênh Lương Đình để đảm bảo mỹ quan di tích.

4. Lĩnh vực Đối ngoại:

Ngày 8/8, Chủ tịch UBND tỉnh đã ký các quyết định tiếp nhận khoản viện trợ của các tổ chức sau:

– Tiếp nhận khoản viện trợ 678 xe lăn mới 100% trị giá 37.317,07 USD của Tổ chức Trả lại tuổi thơ (GIBTK/Hoa Kỳ) thông qua Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh để thực hiện hoạt động trao tặng cho các đối tượng khuyết tật nghèo sống trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

– Tiếp nhận dự án viện trợ không hoàn lại “Hỗ trợ người có hoàn cảnh khó khăn và học sinh nghèo tại tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2019” do Tổ chức The Compassion Flower (TCF) tài trợ với tổng vốn dự án là 1.828 tỷ đồng (Một tỷ tám trăm hai mươi tám triệu đồng).Các hoạt động chính của dự án gồm hỗ trợ y tế, chăm sóc sức khỏe cộng đồng: Tổ chức khám bệnh và phát 700 phần quà cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại các huyện A Lưới và Phú Lộc, Hỗ trợ nguồn nước sạch thông qua chương trình xây dựng giếng nước, hỗ trợ máy lọc nước và xây nhà vệ sinh tại Thị xã Hương Thủy, Hương Trà và huyện Phú Lộc.

– Tiếp nhận dự án viện trợ không hoàn lại “Hỗ trợ trẻ em mồ côi và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn” do Tổ chức cứu trợ trẻ em không cha mẹ (ACWP-Hoa Kỳ) tài trợ với tổng vốn dự án viện trợ không hoàn lại là 31.710 USD, tương đương 729.330.000 đồng. Các hoạt động chính của dự án bao gồm: Tổ chức 04 đợt khám bệnh lưu động với số lượng khám khoảng 300-400 người dân/đợt; 01 đợt tiêm vắc-xin ngừa viêm gan B cho 300 em học sinh tiểu học; hỗ trợ phẫu thuật chỉnh hình cho 15 em khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn; Tiếp tục cấp học bổng cho 70 em có hoàn cảnh khó khăn; hỗ trợ hoạt động phổ cập tiểu học cho khoảng 260 em tại các phường/xã vùng dự án; Tiếp tục hỗ trợ chi phí duy trì số lượng đàn bò khoảng 43 con bò cái sinh sản đã tặng cho các em có hoàn cảnh khó khăn từ các năm trước và mua mới 20 con bò cái trao tặng cho các xã khó khăn.

– Tiếp nhận khoản viện trợ bằng tiền trị giá 90 triệu đồng của tổ chức Phuc’s Fond thông qua Liên hiệp các Tổ chức Hữu nghị tỉnh để tổ chức trao quà cho các hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở xã A Ngo (huyện A Lưới), xã Thủy Bằng (thị xã Hương Thủy), huyện Phú Lộc và huyện Nam Đông.

5. Lĩnh vực Văn hóa:

a. UBND tỉnh đã thống nhất chủ trương tu sửa cấp thiết di tích kiến trúc nghệ thuật Tháp đôi Liễu Cốc, phường Hương Xuân, thị xã Hương Trà, trên cơ sở nguồn vốn đã được UBND tỉnh bố trí thuộc Chương trình mục tiêu phát triển văn hóa năm 2019 (công văn số 5425/UBND-VH).

b. UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 5423/UBND-VH trả lời UBND thành phố Huế liên quan đến vị trí đặt bức tượng “Người đàn ông cúi chào”. Theo đó, UBND tỉnh đề nghị UBND thành phố Huế đặt tượng cách vị trí đề xuất ban đầu khoảng 20 – 30m hướng phía Nhà Khèn tại Công viên 3/2 hoặc vị trí khác phù hợp theo đề xuất của UBND thành phố Huế.

6. Lĩnh vực Cải cách hành chính:

a. Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 5382/UBND-HCC yêu cầu tất cả các sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường kiểm soát chặt chẽ việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật có quy định về thủ tục hành chính nhằm nâng cao chất lượng công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật có quy định thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

b. UBND tỉnh đã công bố Danh mục thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung lĩnh vực Trồng trọt thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên Huế (Quyết định số 1909/QĐ-UBND);  bổ sung thủ tục hành chính mới ban hành, được sửa đổi, bổ sung thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh thực hiện theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh (Quyết định số 1910/QĐ-UBND).

7. Lĩnh vực nội vụ:

UBND tỉnh tổ chức Lễ công bố Quyết định bổ nhiệm bổ nhiệm ông Nguyễn Xuân Sơn, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông giữ chức vụ Giám đốc sở Thông tin và Truyền thông, thời hạn giữ chức vụ 5 năm kể từ ngày 01/8/2019.

II. CÁC CHÍNH SÁCH, CHỈ ĐẠO NỔI BẬT TRONG TUẦN

1. Các chính sách, chỉ đạo nổi bật trong tuần

– Ngày 01/8/2019, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 182/KH-UBND về việc triển khai thực hiện Nghị định số 24/2019/NĐ-CP ngày 05 tháng 3 năm 2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 19/2011/NĐ-CP ngày 21 tháng 3 năm 2011 quy định chi tiết một số điều của Luật Nuôi con nuôi trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

– Ngày 05/8/2019, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 183/KH-UBND về việc rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2019 theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016-2020 nhằm rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh.

– Ngày 06/8/2019, UBND tỉnh ban hành Công văn số 5488/UBND-NĐ về việc quản lý nhà thuộc sở hữu Nhà nước trên địa bàn tỉnh.

– UBND tỉnh vừa có Công văn số 5463/UBND-CT gửi UBND thành phố Huế về việc tập trung xử lý dứt điểm chợ cóc, chợ tạm xung quanh chợ An Cựu, chợ Bến Ngự.

– Ngày 8/8/2019, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 184/KH-UBND về việc tổ chức các hoạt động kỷ niệm 30 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 – 22/12/2019) và 75 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2019).

– Ngày 8/8/2019, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 185 /KH-UBND về việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 25/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” (sau đây gọi tắt là Chỉ thị số 12/CT-TTg).

– Ngày 8/8/2019, UBND tỉnh ban hành 196/KH-UBND về việc tổ chức Lễ đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất và kỷ niệm 30 năm Ngày tái lập tỉnh Thừa Thiên Huế (1989 – 2019) (dự kiến vào ngày 17/8/2019)

 (Toàn bộ nội dung các văn bản được đăng tải tại địa chỉ: http://vbpl.thuathienhue.gov.vn/default.asp?opt=doc_office&UnitId=2)

2. Sự kiện, hội nghị lớn đã diễn ra trong tuần:

a) Sáng 07/8, tại thành phố Huế đã diễn ra Hội nghị đặc biệt các quan chức cấp cao Nông Lâm Nghiệp AMAF ASEAN+3 lần thứ 18 cùng các đối tác chiến lược (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc). Đây là hội nghị thường niên theo Đề án nhiệm kỳ Chủ tịch AMAF lần thứ 40 và trong nhiệm kỳ Việt Nam làm Chủ tịch AMAF. Trong khuôn khổ hội nghị AMAF ASEAN +3, các đại biểu đã tập trung thảo luận và thông qua một số nội dung ưu tiên trong lĩnh vực nông nghiệp như khung chính sách ASEAN +3 có liên quan đến thực phẩm, nông nghiệp, lâm nghiệp; cùng các hoạt động hợp tác của AMAF ASEAN +3 như: vấn đề an ninh lương thực, quản lý rừng bền vững, ứng phó và thích nghi với biến đổi khí hậu, kiểm soát và quản lý dịch bệnh trên cây trồng vật nuôi; nhất là tăng cường hợp tác khu vực về khoa học công nghệ, thương mại và đầu tư phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp bền vững…

b) Chiều 06/8, tại Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, đoàn Thanh tra do Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Minh làm trưởng đoàn đã công bố Quyết định Thanh tra việc thực hiện pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai; hoạt động thăm dò, khai thác cát, sỏi và quản lý đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh. Đây là cuộc thanh tra theo kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hàng năm.

c) Sáng ngày 6/8, Bộ GD&ĐT đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết năm học 2018-2019, triển khai nhiệm vụ năm học 2019-2020, sự kiện diễn ra ngay trước thềm năm học mới. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, lãnh đạo một số bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố tại các điểm cầu truyền hình trực tuyến.

d) Chiều ngày 07/8/2019, đã diễn ra hội nghị liên tịch giữa UBND tỉnh và Liên đoàn Lao động tỉnh. Theo đánh giá trong năm 2018, LĐLĐ tỉnh và UBND tỉnh đã phối hợp triển khai tốt nhiều mặt công tác như: kiểm tra, giám sát, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công nhân, viên chức, lao động; đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục trong CNVCLĐ; tổ chức phong trào thi đua trong CNVCLĐ và phát triển đoàn viên, xây dựng tổ chức công đoàn.

IV. CÁC SỰ KIỆN, HỘI NGHỊ LỚN TRONG TUẦN TỚI

1. Hội nghị xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và đầu tư công năm 2020, kế hoạch trung hạn 2021-2025 do Bộ KHĐT tổ chức (ngày 12/8/2019);

2. Họp UBND tỉnh thông qua Đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã (ngày 14/8/2019);

3. Tiếp công dân định kỳ tại Trụ sở Tiếp công dân tỉnh (ngày 14/8/2019);

4. Đối thoại trực tuyến trên Cổng TTĐT tỉnh về chủ đề XD nông thôn mới gắn với tái cơ cấu nông nghiệp (ngày 15/8/2019);

5. Hội nghị sơ kết 01 năm triển khai thực hiện Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại cấp xã trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế (ngày 17/8/2019).

6. Lễ đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất và kỷ niệm 30 năm Ngày tái lập tỉnh Thừa Thiên Huế (1989 – 2019) (ngày 17/8/2019 tại Trung tâm Văn hóa Trung tâm tỉnh Thừa Thiên Huế).

V. GIẢI ĐÁP CÁC KIẾN NGHỊ CỦA CÁC CƠ QUAN THÔNG TẤN BÁO CHÍ ĐÃ TIẾP NHẬN TRONG TUẦN 31

1. Đối với vấn đề Báo VnExpress.net nêu:

Thuyền Long Quang đậu trước bến Nghinh Lương Đình tổ chức dịch vụ ăn uống trên thuyền, xe cộ ra vào công viên gây ra tình trạng lộn xộn, phản cảm. Không biết UBND tỉnh có kế hoạch tạo một bến thuyền riêng để thuyền Long Quang đậu, nếu không có cần trả lại không gian trước bến Nghinh Lương Đình.

Trả lời của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế:

Năm 2008, thực hiện theo chủ trương của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã phục hồi thành công thuyền Long Quang dựa trên nguyên bản ngự thuyền Tế Thông thời nhà Nguyễn. Mục tiêu việc phục dựng thuyền Long Quang là phục vụ các kỳ Festival Huế và đưa vào khai thác hoạt động kinh doanh dịch vụ phục vụ nhân dân địa phương và khách du lịch trên sông Hương. Tuy nhiên, trong quá trình đưa vào khai thác, dịch vụ thuyền Long Quang đã gặp một số khó khăn nhất định.

Giai đoạn 2008-2013, hoạt động dịch vụ thuyền Long Quang do Trung tâm tổ chức triển khai chưa đạt hiệu quả, số thu bình quân mỗi năm chỉ đạt từ 80 – 90 triệu đồng/năm, không đủ để bù đắp các chi phí.

Năm 2014, thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về xã hội hóa các hoạt động dịch vụ, Trung tâm đã chủ động mời gọi đầu tư và ký kết hợp đồng kinh doanh dịch vụ thuyền Long Quang đối với Công ty TNHH Lê Quý Dương, địa chỉ tại 216 Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3, thành phố Hồ Chí Minh. Thời hạn ký từ 01/07/2014 đến 30/06/2019, mức giá hợp đồng ký kết là 200 triệu đồng/năm. Đến tháng 01/2016, do việc kinh doanh không đạt hiệu quả, công ty TNHH Lê Quý Dương đã có văn bản xin chấm dứt hợp đồng trước thời hạn.

Sau khi kết thúc hợp đồng với Công ty TNHH Lê Quý Dương, Trung tâm tiếp tục mời gọi đầu tư và ký kết hợp đồng với Công ty Cổ phần Huế Của Ta, địa chỉ tại tòa nhà Viettel, 11 Lý Thường Kiệt, thành phố Huế ký kết hợp đồng dịch vụ thời hạn từ 10/06/2016 đến 30/05/2021, mức giá hợp đồng là 200 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, do hoạt động không hiệu quả, đến tháng 10/2018, Công ty Cổ phần Huế Của Ta cũng đã có văn bản xin chấm dứt hợp đồng trước thời hạn .

Đến tháng 01/2019, Công ty TNHH Đầu tư hạ tầng và du lịch Đông Á (gọi tắt là Công ty Đông Á), địa chỉ 41 Hùng Vương, thành phố Huế đã đến làm việc với Trung tâm và có đơn xin ký kết hợp đồng triển khai dịch vụ tại thuyền Long Quang có thời hạn từ 25/01/2019 đến 24/01/2019, mức giá hợp đồng ký kết là 220 triệu đồng/năm.

Sau hơn 10 năm hoạt động, thuyền Long Quang đã có nhiều hư hỏng, không đảm bảo an toàn trong việc phục vụ khách du lịch. Sau khi ký kết hợp đồng với Trung tâm, Công ty Đông Á đã chủ động đầu tư hơn 1,1 tỷ đồng từ nguồn vốn tự có của công ty để sửa chữa, nâng cấp và thay thế một số hạng mục của thuyền nhằm đảm bảo chất lượng phục vụ và an toàn cho du khách (giải pháp sửa chữa, thay thế theo đúng nguyên trạng ban đầu).

Đầu tháng 07/2019, Công ty Đông Á đã triển khai dịch vụ ẩm thực kết hợp tham quan trải nghiệm trên sông Hương và nhận được nhiều sự quan tâm của du khách. Dịch vụ đang trong quá trình triển khai thử nghiệm, do đó bên phía Công ty Đông Á chưa kịp thời sắp xếp, bố trí được điểm đậu, đỗ xe phù hợp, dẫn đến tình trạng xe cộ của khách ra vào công viên lộn xộn, gây phản cảm. Vấn đề này, Trung tâm sẽ chủ trì, phối hợp cùng Công ty Đông Á nhằm chấn chỉnh, sắp xếp, bố trí xe của du khách đậu đỗ tại khu vực bến xe Nguyễn Hoàng khi tham gia dịch vụ thuyền Long Quang

Trong thời gian tới, sau khi bến thuyền số 5 Lê Lợi được đầu tư hoàn thành và đưa vào sử dụng. UBND tỉnh sẽ chỉ đạo thuyền Long Quang neo đậu và khai thác tại bến số 5 Lê Lợi, trả lại cảnh quan không gian trước bến Nghinh Lương Đình.

2. Đối với vấn đề Báo Thừa Thiên Huế nêu:

Hưởng ứng phong trào sản xuất vật liệu xây dựng thay thế cát sỏi lòng sông hiện đã có 02 doanh nghiệp đang làm máy xử lý rác thải thành cát, sỏi xây dựng. Xin hỏi UBND tỉnh có khuyến khích, hỗ trợ cho các doanh nghiệp này nhân rộng mô hình?

Trả lời:

Ủy ban nhân dân tỉnh rất hoan nghênh các tổ chức, cá nhân sớm bắt tay vào nghiên cứu, đầu tư công nghệ xay cát từ các nguồn nguyên liệu khác nhau như đá làm vật liệu xây dựng thông thường, rác thải xây dựng… nhằm từng bước thay thế, giảm thiểu nguồn cát được khai thác từ bãi bồi, lòng sông. Hoạt động trên phù hợp với chính sách hiện nay cũng như lâu dài mà tỉnh đang khuyến khích và đã có nhiều ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo tỉnh tại các Thông báo (Thông báo số 337/TB-UBND ngày 27/12/2018, Thông báo số 95/TB-UBND ngày 28/3/2019… của UBND tỉnh).

Về việc khuyến khích, hỗ trợ cho các doanh nghiệp có đầu tư công nghệ xay cát, trên cơ sở đề xuất của các ngành, địa phương, cụ thể là tại Công văn số 731/BC-SXD ngày 05/4/2019 của Sở Xây dựng, tỉnh sẽ cụ thể hóa chính sách, trong đó sẽ ưu tiên hỗ trợ một số nội dung:

– Tạo điều kiện để các doanh nghiệp sản xuất cát nhân tạo được vay vốn ưu đãi đối với các dự án đầu tư sản xuất cát nhân tạo trên địa bàn tỉnh;

– Tạo điều kiện thuận lợi trong việc cấp giấy phép khai thác khoáng sản đá gắn liền sản xuất cát nhân tạo;

– Quan tâm giải quyết các vấn đề liên quan về đất đai (cho thuê đất, đền bù giải phóng mặt bằng…);

– Xác định giá thuế tài nguyên đối với cát xay;

– Ban hành lộ trình quy định sử dụng cát nghiền trong các công trình sử dụng ngân sách nhà nước…

3. Đối với vấn đề Báo Văn hóa nêu:

Sau hơn 01 năm hoạt động, Đường sách Hai Bà Trưng đã bộc lộ nhiều hạn chế và sai sót. Đoàn kiểm tra liên ngành đã làm việc và cho biết sẽ chấm dứt hoạt động đường sách này. Nhưng đến nay đã 03 tháng trôi qua vẫn chưa thấy dừng hoạt động. Xin hỏi bao giờ chấm dứt hoạt động đường sách này?.

Trả lời của UBND thành phố Huế:

Ngày 12/7/2019, Phó Chủ tịch thường trực UBND thành phố Nguyễn Đăng Thạnh đã chủ trì buổi họp nghe báo cáo việc triển khai thí điểm “Đề án không gian sách đường Hai Bà Trưng, Thành phố Huế”.

Sau khi nghe báo cáo của của Công ty Cổ phần sách Huế C&C  và ý kiến của các đơn vị dự họp, đồng chí Nguyễn Đăng Thạnh đã kết luận như sau:

Không gian sách đường Hai Bà Trưng, Thành phố Huế chính thức đi vào hoạt động từ ngày 01/5/2018 sau khi Đề án thí điểm với thời gian là 2 năm được UBND Thành phố đồng ý triển khai tại công văn số 1238/UBND-VH ngày 16/4/2019. Đường sách với hơn 10.000 đầu sách mới và 20.000 đầu sách cũ đã góp phần nâng cao đời sống tinh thần, phát triển các giá trị văn hóa đọc cho người dân địa phương.

Tuy nhiên, sau hơn một năm hoạt động, Không gian sách còn nhiều khó khăn, bất cập như: lượng khách đến Không gian sách còn hạn chế; khu sách cũ hiện nay vẫn chưa quy hoạch hợp lý, gây mất mỹ quan và chiếm nhiều diện tích vỉa hè; hệ thống điện chưa đảm bảo an toàn, sách không có nguồn gốc, xuất xứ khá nhiều, các đầu sách chưa bảo đảm chất lượng như mục đích và yêu cầu mà Đề án Không gian sách đã đề cập…

Để khắc phục các bất cập trên, Tại buổi họp UBND Thành phố đã yêu cầu Công ty Cổ phần sách Huế C&C khắc khẩn trương khắc phục các tồn tại trong thời gian triển khai Đề án thí điểm đường Sách trước ngày 15/8/2019. Sau thời gian nêu trên nếu Công ty Cổ phần sách Huế C&C không thể khắc phục các vấn đề trên, UBND Thành phố sẽ xem xét có quyết định ngừng thực hiện Đề án thí điểm Không gian sách trước thời hạn.

4. Đối với vấn đề Báo Văn hóa nêu:

Viện Nghiên cứu phát triển tỉnh đang xây dựng chương trình “Huế sách – Huế sạch” nhằm thúc đẩy văn hóa đọc trên địa bàn tỉnh. Qua đó, kỳ vọng xây dựng “Huế – thành phố sách”. Vậy, Viện đã có những cách làm và giải pháp gì để thực hiện chương trình trên? Viện Nghiên cứu phát triển tỉnh sẽ có những hướng làm như thế nào để không bị “thất bại” như mô hình Đường sách Hai Bà Trưng.

Trả lời của Viện Nghiên cứu phát triển tỉnh:

Triển khai thực hiện Kế hoạch 72/KH-UBND của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và đóng góp một phần trong đổi mới giáo dục Thừa Thiên Huế, vừa qua Viện đã phối hợp với các tổ chức, cá nhân và các chương trình cộng đồng đang có sẵn ở Huế xây dựng đề án thúc đẩy chương trình đọc sách với thông điệp “HUE OPEN BOOK: MỞ SÁCH, MỞ TƯƠNG LAI”

Mục đích đưa Huế trở thành một trong những tỉnh thành có tỉ lệ người dân đọc sách cao nhất nước; Thay đổi nhận thức và hành vi để đối tượng tự tìm tới sách trong chương trình “Huế sách – Huế sạch” và đưa sách tới người đọc;Tạo thói quen đọc sách, thúc đẩy văn hóa đọc trong cộng đồng; Duy trì mạnh mẽ đề án “Huế sách – Huế sạch”, hướng tới xây dựng văn hóa đọc phát triển bền vững.

* Hình thức triển khai:

Nguồn sách hỗ trợ (bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài):Mỗi tủ sách sẽ có một thông điệp là Góp sách, cụ thể các cá nhân hảo tâm có thể đóng góp sách của mình vào đây. Góp sách là giải pháp cho tủ sách nhỏ đặt ngoài trời, giảm thiệt hại về nguồn lực; Sách tặng từ các nhà xuất bản; Sách tặng từ các học giả, khách du lịch; Sách tặng từ các tổ chức.

Xây dựng các tủ sách trong nhà trường đặt tủ sách tại các vị trí dễ thấy, thuận lợi: Tủ sách hành lang; Tủ sách lớp học; Tủ sách nơi ghế đá ở khuôn viên trường; Hỗ trợ phát triển thư viện trường; Kết hợp nhà trường tổ chức truyền thông về giá trị đọc sách và phương pháp đọc sách trong giờ giải lao hoặc ngoại khóa;

* Các điểm đọc sách cộng đồng (Nghiên cứu nội dung cho từng địa điểm được lựa chọn để đặt tủ sách.

– Tủ sách lớn, số lượng sách từ 100 cuốn trở lên;

– Tủ sách nhỏ, số lượng sách (từ 50-100 cuốn sách);

– Khảo sát kết nối chọn địa điểm nhằm đặt sách đúng nơi có thể mang lại hiệu quả cao nhất và giảm thiệt hại;

– Hình thức đặt tủ sách: Thiết kế ý tưởng góc đặt kệ sách cho người dân và khách du lịch tại các điểm tham qua, nhà hàng, khách sạn; Nghiên cứu các loại sách phù hợp với từng địa điểm đọc sách cho trẻ em; Nghiên cứu sách, kệ và điểm đọc sách tại các địa phương, phường, thị trấn, huyện, xã.

* Địa điểm dự kiến: Những nơi lui tới của học sinh, sinh viên và giáo viên (Đối tượng chính trong dự án) với không gia phù hợp và tạo cảm hứng cho việc đọc sách. Ví dụ: Quán trà Om, Lavin Home, Cà phê Cộng, View Cafe, Coffee House, Readme book corner…;  Các cơ quan và công ty; Kết hợp với các tổ chức ở các địa phương, phường, xã, huyện để đặt kệ sách; Con đường sách gồm khoảng 10 tủ sách nhỏ đặt trước các tiện có màu sắc đặc trưng của dự án HUE OPEN BOOK thì sẽ tạo ra một hiệu ứng khá hay kích thích tò mò cho người đọc; Đặt ở những nơi có camera giám sát (Smart City); Mỗi tủ sách sẽ có vài quyển sách mồi được bọc kỹ để bảo quản; Liên kết với các thư viện gia đình mà người Huế đã có truyền thống đọc và lưu trữ từ xưa như: Tủ sách Gác thọ lộc nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân; tủ sách của các nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Thông, Trần Đại Vinh, Phan Thuận An, Lê Nguyên Lưu, Tôn Thất Quỵ…; Tủ sách tiếng nước ngoài như: tủ sách gia đình ông Đỗ Trinh Huệ, Trần Văn Phương, Bửu Ý, Viễn Bào…;  Không gian hai bên bờ sông Hương, trên đường đi bộ Nguyễn Đình Chiểu.

* Thời gian: Đề án thực hiện liên tục và tạo ra hệ sinh thái hỗ trợ cho việc đọc sách.

* Các hình thức hoạt động khác nhằm phát triển đề án: Chuẩn bị đề án để công bố với cộng đồng, nhà tài trợ và đơn vị thụ hưởng (dự kiến tháng 9/2019 công bố đề án); Tổ chức các cuộc thảo luận open talk, workshop, cuộc thi bé đọc sách, trại sáng tác…; Tổ chức một số sự kiện tại các không gian nghệ thuật như Nhà lưu niệm Lê Bá Đảng, Điềm Phùng Thị, các bảo tàng nghệ thuật, đường đi bộ Nguyễn Đình Chiểu, không gian tại các trường phổ thông, Đại học/Cao đẳng; Bình chọn các tác giả có nhiều đầu sách tại Huế, xem như là một hình thức xiển dương văn hóa Viết và đọc;

* Tài chính thực hiện đề án: Đề án sử dụng nguồn lực tài chính thông qua các dự án tài trợ, xã hội hóa và đóng góp từ cộng đồng thông qua các hoạt động cụ thể; Hiện tại Đề án “Huế sách – Huế sạch” đang chuẩn bị hoàn thiện nên chưa đánh giá được việc thành công hay thất bại, tuy nhiên, quan điểm của Viện Nghiên cứu phát triển và đề án là hỗ trợ tối đa và kết nối các chương trình đang triển khai để nâng cao văn hóa đọc và đóng góp một phần nhỏ cho đổi mới giáo dục tại tỉnh Thừa Thiên Huế.

5. Trả lời vấn đề Báo Lao động Xã hội nêu:

Giai đoạn 2001 – 2007, HĐND xã Lộc An, huyện Phú lộc đã xin chủ trương quy hoạch đất xen ghép để cấp cho đối tượng là giáo viên, bộ đội xuất ngũ….tuy nhiên khi quy hoạch chưa được duyệt thì đã tiến hành cấp đất và không có quyết định giao đất dẫn đến tình trạng hiện nay người dân ở không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, không xây dựng được nhà trên đất của mình. Được biết vụ việc đã được báo cáo lên UBND tỉnh, xin hỏi UBND tỉnh chỉ đạo xử lý đối với vấn đề này như thế nào?

Trả lời:

* Về vấn đề này, UBND tỉnh đã nhận được báo cáo của UBND huyện Phú Lộc báo cáo về vụ việc liên quan đến việc từ năm 2001 đến 2007, HĐND xã Lộc An đã xin chủ trương quy hoạch đất xen ghép để giao đất cho các hộ dân chưa có nhà ở. Quy hoạch đã được UBND huyện phê duyệt và UBND xã Lộc An đã tiến hành giao đất cho các hộ dân nhưng chưa thực hiện đầy đủ các quy trình và không lưu trữ đầy đủ hồ sơ vì vậy, trong quá trình dẫn đến tình trạng hiện nay người dân không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở và không được xây dựng nhà ở.

Vì vậy, để giải quyết vướng mắc, tồn tại trong công tác giao đất và cấp giấy chứng nhận nêu trên, UBND tỉnh đã có văn bản giao Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát, tham mưu xử lý theo quy định hiện hành.

6. Trong tuần, trên kênh tương tác chính quyền với báo chí VP UBND tỉnh đã nhận được một số câu hỏi của các phóng viên báo chí. Tất cả những câu hỏi này đã được tiếp nhận và chuyển cho các cơ quan chức năng trả lời. Các phóng viên báo chí có câu hỏi theo dõi câu trả lời tại kênh tương tác này.

Về các vấn đề nói trên, sau khi các đơn vị được giao nhiệm vụ báo cáo UBND tỉnh, VP UBND tỉnh sẽ cung cấp thông tin đầy đủ cho cho các cơ quan thông tấn báo chí./.

VĂN PHÒNG UBND TỈNH THỪA THIÊN HUẾ