‘Thôn nữ Lý Tử Thất’ và bóng dáng ĐCS Trung Quốc đằng sau những video ‘triệu like’
Nội Dung Chính
‘Thôn nữ Lý Tử Thất’ và bóng dáng ĐCS Trung Quốc đằng sau những video ‘triệu like’
Đầu năm 2020, Lý Tử Thất – một YouTuber làm các video về ẩm thực, cuộc sống thôn quê bất ngờ được truyền thông của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tung hô rầm rộ. Khiến những video của cô ban đầu không được nhiều người biết đến trở nên nổi tiếng khắp thế giới chỉ trong một thời gian ngắn. Tại sao ĐCSTQ lại “ưu ái” Lý Tử Thất đến vậy?
“Câu chuyện Trung Quốc” đằng sau hiện tượng Lý Tử Thất là gì? Bức tranh nông thôn Trung Quốc có thực sự đẹp như trong video của cô, với non xanh nước biếc, cảnh sắc hữu tình, vừa trù phú vừa bình yên hay không? Hay đó chỉ là “tấm bình phong” mà ĐCSTQ muốn thế giới nhìn thấy?
Từ giữa tháng 12/2019, hàng loạt các hãng thông tấn của nhà nước Trung Quốc như: Tân Hoa Xã, Nhân Dân Nhật Báo, Đài truyền hình trung ương Trung Quốc, Weibo chính thức của Đoàn Thanh niên Cộng sản Trung Quốc, Ủy ban Giám sát Nhà nước, Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương Trung Quốc, đã liên tiếp đăng tải các bài viết ca ngợi Lý Tử Thất.
Hội thanh niên nông thôn làm giàu thuộc Đoàn thanh niên Cộng Sản Trung Quốc cũng mời cô gái này làm “Đại sứ quảng bá”. Tờ China News Weekly bình chọn cô là “nhân vật có ảnh hưởng của năm”. Chỉ trong ba tuần, những bài viết liên tục và dày đặc của các phương tiện truyền thông Trung Quốc đã thu hút sự chú ý của người dân trong và ngoài nước đến cô gái nhỏ bé này.
Tại sao truyền thông nhà nước Trung Quốc lại ưu ái Lý Tử Thất?
Nhà bình luận độc lập về Đại lục Chương Khải (Zhang Qi) chia sẻ với The Epoch Time rằng, ĐCSTQ sẽ tạo ra một số nhân vật, xây dựng những hình tượng “anh hùng” để dẫn dắt dư luận và kiểm soát xã hội vào những thời điểm khác nhau. Nhưng sự tô vẽ này sẽ không lộ liễu như cách tuyên truyền trong quá khứ, bởi nó không còn phù hợp với thị hiếu bây giờ. Nó có thể thông qua một số hoạt động thương mại hóa giống như “Thời báo hoàn cầu”, đang cố gắng tìm kiếm hiệu ứng của giới truyền thông và tạo ra thị trường dư luận của riêng mình.
“Video của Lý Tử Thất phù hợp với tâm trạng, cảm xúc và thẩm mỹ của công chúng, cũng tạo ra tiếng vang rất lớn trong bối cảnh xã hội hiện tại. Hơn nữa, một nền kinh tế trực tuyến rộng lớn mà đại diện là những người nổi tiếng sẽ phù hợp với nhu cầu tuyên truyền, nơi lồng ghép được hình thái ý thức tư tưởng của ĐCSTQ một cách kín đáo và tinh tế hơn. Nó cũng có thể cộng hưởng với những cảm xúc mang tính dân gian phổ biến”, ông Chương nói.
Ông Lý Phong, nghệ thuật gia ở Bắc Kinh chia sẻ với thời báo The Epoch Times rằng, hiện nay hải ngoại đều đang phê bình, chỉ trích việc ĐCSTQ phá hoại môi trường. “Những điều cô gái chia sẻ trên video có thể bị Trung Cộng mang ra sử dụng để tuyên truyền, quảng bá rằng, vùng nông thôn ở Trung Quốc vẫn đẹp và trù phú như thế. Thanh niên ở nông thôn Trung Quốc còn có thể tự chủ gây dựng sự nghiệp. Những thước phim của cô gái đẹp đến mộng mơ, nhưng trên thực tế hầu hết các vùng nông thôn bây giờ đều trở nên cằn cỗi và hoang vu, không có ai trồng trọt”.
Cần phải nói thêm rằng, Trung Quốc là quốc gia cấm sử dụng nền tảng YouTube. Vậy thì, “Một cô thôn nữ có thể tự quay những cảnh đó không? Cô ấy lại có thể vượt tường lửa và đăng tải những video đó lên YouTube? Có thể, ban đầu Lý Tử Thất đã tự quay một số video và quả thực thấy có tiềm năng trong lĩnh vực này. Và từ đó, dần hình thành nên một đội nhóm xây dựng video và hình ảnh phía sau những video của cô gái. Tất nhiên, vai chính trong những video này chỉ có Lý Tử Thất, nhưng đằng sau đó là cả một đội ngũ, một công ty chuyên nghiệp. Hậu trường phía sau cô gái này là ai? Nội dung của những video vốn từ đầu đã phù hợp cho mục đích tuyên truyền của ĐCSTQ rồi”, ông Lý Phong cho biết.
Lý Tử Thất và phía sau hậu trường
Theo thông tin trên mạng, Lý Tử Thất tên thật là Lý Giai Giai, sinh năm 1990 tại Miên Dương, Tứ Xuyên, Trung Quốc. Cha mẹ cô ly hôn khi cô còn nhỏ, cô sống cùng với ông bà. Năm 2004, khi Lý Tử Thất 14 tuổi, bỏ học lên thành phố làm việc, làm nhân viên phục vụ trong khách sạn và DJ trong quán ba. Tám năm sau, năm 2012, bà ngoại bệnh nặng, cô rời thành phố trở về nông thôn để chăm sóc bà. Để có tiền trang trải cuộc sống, cô mở một cửa hàng bán đồ trên Taobao.
Năm 2015, để quảng cáo cho cửa hàng trên Taobao của mình, Lý Tử Thất bắt đầu tự biên tự diễn những thước phim về món ăn cổ xưa, nhưng không thu hút được sự chú ý, số lượng người theo dõi trên Weibo chưa đến 10.000. Bài viết: “Tại sao blogger ẩm thực phong cách cổ đại của Lý Tử Thất thu hút sự chú ý?” được đăng trên trang web của Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương ngày 12/12/2019 có đoạn: “Những video ban đầu tương đối thô sơ, đủ sự sáng tạo nhưng thiếu hiệu quả thị giác, thiếu vẻ đẹp bố cục. Kỹ thuật cắt ghép, biên tập hậu kỳ và nhạc nền trong video đều tương đối đơn giản”.
Ngày 25/4/2016, video “Cherry Liquor” (Rượu anh đào) của cô đã lọt vào mắt CEO công ty phần mềm chụp, chỉnh sửa ảnh Meitu, và được đăng trên trang chủ của Meipai. Chỉ trong nửa ngày, video này đã thu hút tới 10.000 lượt thích và nhận được sự quan tâm rộng rãi của công chúng.
Đến tháng 8/2016, Lý Tử Thất chính thức ký hợp đồng với công ty TNHH Công nghệ Hàng Châu Weinian, và đăng ký thương hiệu “Lý Tử Thất” vào ngày 29/8/2016. Nguồn vốn đứng đằng sau Hàng Châu Weinian không chỉ bao gồm hệ thống Weibo (Công ty TNHH Quản lý vốn mạo hiểm Bắc Kinh Weimeng Chuangke, nắm giữ 12,26% cổ phần và là cổ đông thứ hai). Ngoài ra còn có Sở Phát thanh và Truyền hình Hồ Nam (Mango Wen Chuang nắm giữ 6,56% cổ phần).
Theo số liệu, công ty Hàng Châu Weinian thành lập ngày 28/2/2013. Trên trang web chính thức của công ty này giới thiệu Weinian là một công ty xuyên quốc gia, thông qua việc ươm tạo và tích hợp sâu vào mạng lưới KOL (Key Opinion Leader – Người có tầm ảnh hưởng). Công ty cho phép người dùng trải nghiệm một lối sống tốt hơn bằng cách trao quyền cho người có tầm ảnh hưởng ở một lĩnh vực nào đó (KOLs).
Tháng 11/2016, video “Mì bò Lan Châu” của Lý Tử Thất được tung ra đạt 50 triệu lượt xem trên mạng và hơn 600.000 lượt thích. Tháng 4/2017, video “Xích đu” đạt 80 triệu lượt xem trên mạng và hơn 1 triệu lượt thích.
Điều đáng nói là, tháng 5/2017 Lý Tử Thất bị cư dân mạng nghi ngờ có sự hỗ trợ của một đội ngũ phía sau. Cô đã viết một bài dài trên trang Sina Weibo để trả lời nghi vấn này. Tuy nhiên, ngày 13/5, cô ra thông báo ngừng giải thích.
Theo thông tin tìm kiếm doanh nghiệp, ngày 20/7/2017, Lý Tử Thất thành lập công ty TNHH Truyền thông văn hóa Tứ Xuyên Tử Thất dưới danh nghĩa Lý Giai Giai và nắm 49% cổ phần, cổ đông lớn nhất là Hàng Châu Weinian, chiếm 51% cổ phần.
Kể từ năm 2018, video của Lý Tử Thất đã phổ biến rộng rãi trên Facebook và YouTube ở nước ngoài. Chỉ trong 3 tháng, số người theo dõi trên YouTube đã vượt quá 1 triệu. Cô được cư dân mạng nước ngoài gọi là “Sức mạnh bí ẩn đến từ phương Đông”. Trên Facebook cũng thu hút hàng triệu lượt xem. Thời điểm này, Lý Tử Thất có hơn 20 triệu người theo dõi trên Sina Weibo và gần 8 triệu người theo dõi trên YouTube.
Tháng 12/2019, ông Thôi Vĩ (Cui Wei) – Giám đốc điều hành của Mango Wen Chuang (Công ty Đổi mới Văn hóa Mango Wen Chuang) chia sẻ với giới truyền thông rằng: “Những video của Lý Tử Thất luôn được yêu thích. Những video này có nội dung hay, chất lượng kỹ thuật cao, thậm chí đạt đến trình độ quay phim tài liệu truyền hình”.
CCTV khi bình luận về sự thành công của Lý Tử Thất đã nói: “Lý Tử Thất là một kỳ tích, một phép lạ của việc truyền bá văn hóa ra quốc tế”. Không những vậy, họ còn bình luận video của cô như sau: “Không có lời nào ca ngợi Trung Quốc, nhưng cô ấy đã kể những câu chuyện rất hay về văn hóa Trung Quốc, một câu chuyện nên thơ về Trung Quốc”.
Một số người bày tỏ, những sản phẩm văn hóa của cô có thể so sánh với “mấy Học viện Khổng Tử”. Cũng có độc giả trên mạng bày tỏ: “Chỉ một Lý Tử Thất bằng mười Cục Tuyên truyền Trung ương”. “Lấy sức lực của một người để hóa giải những ý kiến trái chiều đang đe dọa Trung Quốc”.
Nói về sự nổi tiếng của Lý Tử Thất, ông Chương Khải bày tỏ: “Một cô gái 9X thực sự không hiểu chính trị, cũng không có nhu cầu về chính trị. Cô ấy rất tự tại, có mục đích sống và bộc lộ nó ra bằng cảm xúc. Nói một cách chính xác, cô ấy bị lợi dụng. Tôi nghe nói đội ngũ đứng phía sau cô ấy là những người đã xây dựng bộ phim tài liệu ‘Trung Quốc trên đầu lưỡi’ (Một bộ phim tài liệu từng làm dấy lên sơn sốt “ẩm thực Trung Quốc” trên toàn thế giới). Đội ngũ này có thể đã hỗ trợ và giúp cô ấy thực hiện một số nội dung video. Điều này cũng có thể nhìn ra được từ những góc quay, cảnh quay v.v., mục đích là tăng view và đạt được hiệu quả kinh doanh, và dĩ nhiên cũng có chính phủ đứng phía sau hậu thuẫn. Điều này vừa hay mang lại lợi nhuận khổng lồ cho cá nhân cô, cũng vừa giúp ĐCSTQ tuyên truyền về Trung Quốc một cách ẩn ý”.
‘Mê hồn dược’
Video của Lý Tử Thất lấy bối cảnh vùng nông thôn Trung Quốc, tập trung nội dung vào các món ăn hoặc làm đồ dùng truyền thống. Video hoàn hảo từ cảnh làng quê yên bình, phong cách cổ xưa, bóng dáng thôn nữ nhu mì hiền thục đến những món ăn ngon và đẹp mắt. Cùng với đó là hiệu ứng hình ảnh sống động, màu sắc bắt mắt, khiến người xem như lạc vào chốn bồng lai tiên cảnh với khói bếp mờ ảo, tiếng nhạc réo rắt, ngân nga vô cùng cuốn hút.
Những video của cô biến vùng nông thôn tại Trung Quốc thành thiên đường tại thế gian. Tuy nhiên, Sử Thiến (Shi Qian) – một người tới từ Miên Dương, Tứ Xuyên, quê hương của Lý Tử Thất chia sẻ với phóng viên The Epoch Times rằng: “Vùng nông thôn ở quê chúng tôi đâu đâu cũng tan hoang đổ nát hết rồi, chỉ có người già, không có sức sống. Tôi không hề cảm thấy nơi mình đang ở giống như xứ sở thần tiên”. “Ý tưởng ban đầu của cô ấy có thể chỉ là giấc mơ đẹp của những người trẻ muốn trốn tránh hiện thực”.
Ông Lý Phong nói rằng, hầu hết họ hàng của ông ấy đều ở nông thôn. “Tôi cũng đi du lịch từ Nam chí Bắc, Giang Tô, Chiết Giang, Hồ Nam, Hồ Bắc, Đông Bắc v.v. Đặc biệt, Sơn Tây và Tây Bắc vô cùng hoang vắng, môi trường bị hủy hoại đến mức không còn sống được nữa, đã không còn “núi non trùng điệp” nữa rồi, bạn vẫn tin những cảnh sông núi tươi đẹp mà cô ấy quay lên là thật sao?”.
“Cô ấy chưa bao giờ thực hiện bất kỳ video nào về vùng nông thôn bị chà đạp và phá hủy. Vùng nông thôn hiện nay gần như đầy rẫy tranh chấp và đau khổ. Nông thôn Trung Quốc có thực sự đẹp như vậy không?”, ông Lý nói.
Đối với sự ca ngợi của giới truyền thông và quan chức Trung Quốc rằng, Lý Tử Thất “kể một câu chuyện hay về Trung Quốc”, ông Chương Khải bày tỏ, quan chức ĐCSTQ đang cố gắng kéo việc tuyên truyền lên một tầm cao mới. Cái gọi là “nên thơ bình dị và thiên đường chốn hẻo lánh”, kỳ thực là một loại thuốc phiện tinh thần có hại. “Trong hoàn cảnh kinh tế suy thoái, các vấn đề xã hội đấu đá nhức nhối, tạo nên một giấc mơ về nơi điền viên sơn thủy hữu tình thì đây đúng là một loại ’mê hồn dược’”.
“Khi toàn bộ cái gọi là giấc mơ đô thị hoá và tăng trưởng kinh tế không đạt được, ĐCSTQ cho những người trẻ tuổi một giấc mơ trở về nông thôn, hoà mình vào cảnh quan thiên nhiên, để vừa sống một cuộc sống tự tại vừa có thể làm giàu giống như Lý Tử Thất. Điều này sẽ thôi thúc nhiều người muốn quay về quê hương lập nghiệp”, ông Chương Khải nói.
Một cư dân mạng có nick name Mingshigewu viết: “Các văn nhân và nghệ thuật gia cổ xưa khi lấy một hiện thực xã hội nào đó làm đề tài sáng tác, ý đồ đằng sau nó rất ít là để ‘duy trì hiện trạng cuộc sống’, mà thực sự là để bộc lộ sự bất mãn với hệ thống hoặc sự cai trị của vua chúa, dựa vào ‘cuộc sống điền viên’ để giải thoát cho tư tưởng của mình. Theo tôi, video của Lý Tử Thất thì ngược lại: phim được quay để “giữ nguyên hiện trạng”, và mục đích là hướng sự chú ý của khán giả vào những hình ảnh mang tính quốc gia và văn hóa, hơn là mượn cuộc sống dân giã để thể hiện lối sống tự do tự tại, hoặc ít nhất nó không phải là những thước phim phản ánh cuộc sống điền viên thực sự”.
“Trong thời đại mà văn hóa thị giác vô cùng quan trọng, thời đại mà độ chân thực ngày càng trở nên khó tìm, làm sao để người xem không bị lừa dối bởi những hình ảnh này, để rồi bị chúng thao túng có thể là vấn đề nan giải nhất mà mọi người đang phải đối diện”, Mingshigewu viết.
Đây không phải những thước phim về văn hoá truyền thống Trung Hoa
ĐCSTQ ca ngợi Lý Tử Thất vì đã kế thừa, sáng tạo văn hóa truyền thống và đưa nó ra thế giới. Nhưng ông Chương Khải bày tỏ, video của Lý Tử Thất không thể hiện được nội hàm trong văn hóa truyền thống Trung Hoa, mà chỉ là sự theo đuổi thẩm mỹ thị giác trống rỗng nhằm thu hút sự chú ý.
“Hơn nữa, trong bối cảnh văn hóa Trung Quốc hiện nay, khi nói đến văn hóa truyền thống và các yếu tố văn hóa Trung Quốc, đều đã bị gắn liền với cỗ xe của chủ nghĩa dân tộc, trở thành nơi thâm nhập để tuyên truyền chủ nghĩa dân tộc, thực hiện cái gọi là giấc mơ Trung Quốc của riêng mình, đây là điều những người cầm quyền muốn làm nhất. Không có nội hàm văn hóa truyền thống Trung Quốc cũng không quan trọng, quan trọng là cần có người trợ giúp, những cú nhấp chuột và số lượng nhấp chuột là được, bởi nó tương đương với việc quảng bá điều này ra thế giới. Do đó, nó vốn không mang những giá trị về văn hoá truyền thống cổ xưa của người Trung Quốc”, ông Chương cho hay.
Ông Chương Khải cũng nói rằng, toàn bộ xã hội Trung Quốc hiện nay đã bị thương mại hóa, văn hóa đã trở thành một ngành công nghiệp. “Việc thúc đẩy của chính phủ sẽ không chỉ mang lại nguồn thuế để thu mà còn thu hút nhiều người có trình độ văn hóa hơn tham gia vào guồng quay của ‘cỗ xe văn hóa’ và ‘Giấc mộng Trung Hoa’. Đạt được điều này là được rồi. Với người dân hiện nay, chỉ cần có người hỗ trợ, kiếm được tiền là tốt rồi, họ không có tư tưởng phải chịu trách nhiệm cho điều gì khác ngoại trừ bản thân họ”.
“ĐCSTQ đã ‘vật chất hoá’ toàn bộ xã hội. Bầu không khí tiền tài là tối thượng được nhà nước cố tình củng cố. Lý Tử Thất vốn là một sản phẩm của ngành thương mại này, những video của cô giống như một thứ thuốc phiện tinh thần, đối với xã hội là một trạng thái không bình thường về thẩm mỹ, không có dẫn hướng về tinh thần chứ đừng nói gì tới văn hóa truyền thống. Những điều có thể dẫn dắt về tinh thần tại đây chắc chắn sẽ bị cấm chỉ, giải trí phổ biến thông thường cho quần chúng cũng là một cách để ĐCSTQ duy trì sự ổn định vị trí cầm quyền của mình”.
“ĐCSTQ chỉ quan tâm tới hai điểm. Một là làm thế nào để quản lý hiệu quả bộ máy quan liêu của mình và làm nó hoạt động cao độ để kiểm soát toàn bộ xã hội. Hai là, tận dụng và vắt kiệt nguồn lực của xã hội để nuôi dưỡng bộ máy quan liêu này. Do đó, hai lĩnh vực mà ĐCSTQ làm tốt nhất là thu thuế và duy trì ổn định”, ông Chương Khải nói.
‘Phong sát’ hay ‘Cách Mạng Văn Hóa’ đương đại?
Tuy nhiên, những cá nhân gắn chặt lợi ích của mình với ĐCSTQ thường có kết thúc không có hậu. Điển hình là cuộc “phong sát” hàng loạt những nghệ sĩ lớn, vừa có tiền vừa có tầm ảnh hưởng mới xảy ra ở Trung Quốc đại lục trong những ngày gần đây.
Ví dụ như Trịnh Sảng (Zheng Shuang), ngôi sao từng dính scandal nhờ mang thai hộ và bỏ rơi con. Ngày 27/8, cô bị cơ quan chức năng thông báo về hành vi trốn thuế và phải nộp phạt 299 triệu nhân dân tệ (tương đương với hơn 1.000 tỷ VNĐ). Nhiều tác phẩm của Trịnh Sảng đã bị gỡ và Weibo bị cấm vĩnh viễn.
Tối ngày 26/8, ngôi sao Triệu Vy cũng bất ngờ bị “phong sát” toàn bộ trên mạng Internet, toàn bộ những tác phẩm điện ảnh và truyền hình nổi tiếng của cô như “Hoàn Châu Cách Cách” đã bị gỡ bỏ. Tìm kiếm cái tên “Triệu Vy” trên nhiều trang web nhưng đều không có kết quả. Bất kỳ ai dính tới “phong sát” cũng đồng nghĩa với việc chấm dứt sự nghiệp, không được phép tham gia hoạt động nghệ thuật. Ngoài ra, còn có các tin tức như ca sĩ Hoắc Tôn (Huo Zun) rút khỏi showbiz; nhiều nhóm người hâm mộ của diễn viên Triệu Lệ Dĩnh (Zhao Liying) bị đóng cửa; tài khoản Weibo studio của Lâm Tâm Như (Ruby Lin Xinru) dừng hoạt động mà không có thông báo trước, v.v.
Trang tin tức đại lục NetEase cho biết vào ngày 27/8 rằng, chỉ trong vài giờ, dường như làng giải trí Hoa ngữ đã xảy ra một trận động đất lớn.
Ông Trần (Chen), một công chức trong thể chế ở Trung Quốc, nói với phóng viên The Epoch Times rằng, ngoài việc chấn chỉnh và tăng cường kiểm soát ngành công nghiệp giải trí, ĐCSTQ còn muốn thâu tóm của cải trong ngành này.
Không biết, Lý Tử Thất có nằm trong danh sách “nuôi béo lấy thịt” lần này của ĐCSTQ hay không, chỉ biết rằng lượng người theo dõi cô tương đương với một ngôi sao hạng A. Ngoài sản xuất nội dung, Lý Tử Thất còn kinh doanh thực phẩm. Và lợi nhuận trong suốt quãng thời gian làm YouTube cũng như kinh doanh của cô là một con số khổng lồ.
Bất ngờ là, ngày 30/8/2021, trợ lý của Lý Tử Thất tuyên bố trên trang Sina rằng, Lý Tử Thất sẽ tạm ngừng hoạt động trong thời gian sắp tới. Theo đó, cô sẽ ngừng đăng video cuộc sống thôn quê để tập trung làm việc khác. Trợ lý này thông tin rằng, Lý Tử Thất cần tập trung cho việc học và nâng cao tay nghề, vì cô chưa có bằng cấp 3.
Tuy nhiên, việc Lý Tử Thất ngừng sản xuất video trên các nền tảng mạng xã hội đang khiến nhiều người phải đặt ra nghi vấn, nhất là khi thông báo ngừng hoạt động của cô chỉ mới xuất hiện sau đợt “phong sát” các nghệ sĩ gây chấn động ở Trung Quốc cách đây vài ngày.
Đông Mai
(Theo The Epoch Times và t/h)