Thời trang nhanh và những mối nguy hại tới môi trường
Thuật ngữ thời trang nhanh, hay còn được gọi là thời trang ăn liền (tiếng Anh: Fast Fashion), được sử dụng để mô tả các quy trình cực kỳ nhanh và rẻ tiền được sử dụng trong ngành công nghiệp thời trang.
Thị trường thời trang nhanh có ảnh hưởng và giúp ngành công nghiệp thời trang phát triển vượt bậc. Tuy nhiên, tỉ lệ thuận với sự phát triển đó là những tác động xấu đến môi trường mà chúng ta rất cần những biện pháp kịp thời, hữu hiệu để giải quyết.
Ở Mỹ, hàng triệu người mua sắm rất vui mừng khi “chớp” được các xu hướng thời trang mới nhất với giá thành rẻ. Trong khi đó, ở phía còn lại của thế giới, những người lao động lương thấp – nhiều người trong số đó là các bạn gái trẻ – đang bị vắt kiệt sức bởi thời trang nhanh, nhân công không được bảo vệ an toàn hoặc không có quyền lợi đầy đủ.
Thị trường thời trang nhanh có ảnh hưởng và giúp ngành công nghiệp thời trang phát triển vượt bậc. Thế nhưng điều này cũng kéo theo những ảnh hưởng xấu tới môi trường. Công nghiệp thời trang được xem là ngành gây ô nhiễm lớn thứ hai trên thế giới, chỉ sau ngành dầu mỏ. Nó chiếm 10% lượng khí thải carbon toàn cầu do năng lượng được sử dụng trong sản xuất, chế tạo và vận chuyển.
Theo Cục Bảo vệ Môi sinh Hoa Kỳ (EPA), năm 2018, 11,3 triệu tấn hàng dệt may đã được đưa vào các bãi chôn lấp và 3,2 triệu tấn được đốt, thải ra một lượng lớn khí nhà kính. Một nghiên cứu do thương hiệu Labfresh công bố cho thấy, 57,1% chất thải thời trang từ 15 quốc gia trên khắp EU được đưa vào các bãi chôn lấp. Còn theo một báo cáo của tổ chức WRAP của Anh, có tới 350.000 tấn quần áo (ước tính trị giá 140 triệu bảng Anh) đã qua sử dụng đổ vào bãi rác mỗi năm ở nước này.
Có thể thấy sự phổ biến của thời trang nhanh trong cuộc sống – trên mạng xã hội và trong tủ quần áo của mỗi người. Theo trang Vox, dù có ít thống kê khoa học về mối liên hệ của ngành thời trang với biến đổi khí hậu song chúng ta đều biết chúng có nhiều nguy hại cho môi trường. Bởi lẽ, polyester là loại sợi được sử dụng phổ biến nhất trong quần áo, được làm từ nhựa và không bao giờ bị phân hủy hoàn toàn. Thay vào đó, chúng hoạt động giống như các dạng nhựa khác, hiếm khi được tái chế, mất nhiều năm để phân hủy, gây hại tới động vật hoang dã.
Không những vậy, từ việc vận chuyển quần áo giữa các cơ sở sản xuất, mặt bằng của hàng quần áo trên khắp thế giới đều có thể thải lượng khí carbon ra môi trường. Một báo cáo mới đây từ Diễn đàn Kinh tế thế giới ước tính, ngành công nghiệp thời trang tạo ra 5% lượng khí thải nhà kính toàn cầu, tính cả phần cả nguyên liệu, quá trình sản xuất, vận chuyển hàng hóa. Ngoài ra, việc tiêu thụ nước của ngành công nghiệp thời trang dẫn đến áp lực lên các vùng nước và các hồ chứa nước ngọt.
Vấn đề đặt ra lúc này là rất cần sự thay đổi ở cấp độ vĩ mô của ngành thời trang, trước tiên có thể bắt đầu từ các nhà bán lẻ với giải pháp tìm nguồn nguyên liệu bền vững và khử carbon trong chuỗi cung ứng của mình. Một loạt các giải pháp cụ thể được đưa ra như: chuyển sang các loại vải có thể tái chế như bông hoặc những loại tiêu thụ ít nước hơn như vải lanh; nên bắt đầu sử dụng sợi tự nhiên hoặc bán tổng hợp để giảm thiểu chất thải dệt may; cần có giờ làm việc tối ưu, điều kiện làm việc lành mạnh và không gian an toàn cho người lao động; các thương hiệu thời trang cần cam kết chuyển sang thương hiệu bền vững; tái chế hoặc quyên góp quần áo thay vì bỏ chúng vào thùng rác.
Về phía các công dân trên toàn cầu, nếu thực sự mong muốn trở thành người tiêu dùng thông thái, góp phần chung tay giảm thiểu tác hại của thời trang nhanh đến môi trường, mỗi người đều có thể tham khảo một số gợi ý như: lựa chọn các thương hiệu thời trang bền vững; ưu tiên chất lượng thay vì số lượng; quyên góp hoặc bán quần áo đã qua sử dụng; trao đổi quần áo với bạn bè, người thân, tái chế quần áo cũ thành các vật dụng hữu ích khác…
Link tham khảo
https://www.outlookindia.com/outlookmoney/opinions-and-blogs/disastrous-effects-of-non-sustainable-fast-fashion-8352
https://www.thedrum.com/news/2021/08/20/what-can-fashion-brands-do-address-their-environmental-impact