Thời trang cao cấp và thời trang sản xuất công nghiệp
Thời trang cao cấp và thời trang sản xuất công nghiệp
Chúng ta thấy rất rõ trang phục có vị trí quan trọng như thế nào trong cuộc sống, ngoài những chức năng thông thường, trang phục ngày nay còn có vị trí như một mạng truyền thông tốc độ cao, bởi trang phục luôn gắn bó khăng khít với mỗi con người, hòa nhập vào bản thể mỗi cá nhân dù họ ở bất cứ địa vị xã hội nào.
Chúng ta thấy rất rõ trang phục có vị trí quan trọng như thế nào trong cuộc sống, ngoài những chức năng thông thường, trang phục ngày nay còn có vị trí như một mạng truyền thông tốc độ cao, bởi trang phục luôn gắn bó khăng khít với mỗi con người, hòa nhập vào bản thể mỗi cá nhân dù họ ở bất cứ địa vị xã hội nào.
Tuy nhiên trong xu hướng thời trang hiện nay chúng ta thấy có rất nhiều chủng loại trang phục được gọi bằng những cái tên khác nhau: thời trang trình diễn, thời trang nghệ thuật, thời trang sản xuất hàng loạt, thời trang ứng dụng, cách dùng những thuật ngữ đó không mang tính khoa học, cần có những quan điểm và sự nhìn nhận đúng đắn về thời trang, từ cách gọi tên đến phương thức sáng tạo thời trang. Tựu chung lại có 2 dòng thời trang: Thời trang cao cấp và thời trang sản xuất công nghiệp.
1. Thời trang cao cấp (Haute couture)
Haute Couture là gì? chúng ta thấy thời trang và trang phục là hai phạm trù riêng biệt, không thể có thời trang nếu không có Haute couture. “Haute Couture là một thuật ngữ Pháp được sử dụng cho chất lượng cao nhất của các nhà thiết kế may mặc đặt làm riêng theo kích thước, là một sản phẩm nghệ thuật bao hàm sự kết hợp tuyệt vời với công nghệ kỹ thuật các ngành nghề thủ công với phụ kiện cao cấp cụ thể như: các nhà sản xuất lông, kim hoàn, thợ thêu, để tôn tạo các thiết kế của họ. Các nhà thiết kế không thể tự gọi mình là thời trang cao cấp trừ khi họ được thông qua bởi “syndicale de ta Fédération francaise de la couture” (liên đoàn thời trang cao cấp Pháp) [3, 200]
Sau Thế chiến II, thuật ngữ thời trang cao cấp bắt đầu xuất hiện ở châu Âu từ các nhà thiết kế như Dior và Givenchy, các thương hiệu này hiện nay vẫn còn nổi tiếng về đẳng cấp và sự đắt tiền. Các mẫu thiết kế được làm đặc biệt trên các thông số đo trực tiếp trên cơ thể người mặc, mang tính độc quyền, hầu như làm bằng tay, cẩn thận đến từng chi tiết, trong cấu trúc hoàn toàn chỉ phù hợp với cơ thể của riêng cá nhân họ và tạo sự hoàn hảo cho từng khách hàng. Sau khi lựa chọn kiểu cách cô ấy muốn, khách hàng được đo và phải được chuẩn bị ít nhất 3 phụ kiện đi cùng, đôi khi nhiều hơn. Trong trường hợp khách hàng trong một thành phố thấy một bộ trang phục giồng hệt mình được cho là một thảm họa.
Thiết kế handmade của Raf Simons trong BST Haute Couture cuả thương hiệu thời trang Dior, nguồn: [4]
Thời trang cao cấp chi phí cao, phụ thuộc vào thương hiệu các nhà thiết kế Haute Couture. Một hãng thời trang cao cấp như Chanel sẽ có khoảng 150 khách hàng thường xuyên và một thương hiệu như Dior sẽ làm cho khoảng 20 khách hàng với thời trang cao cấp một năm. “Chi phí của một mặt hàng thời trang cao cấp có giá khoảng £ 10.000 cho một áo choàng đơn giản đến £ 40.000 và thường vượt quá con số đó. Ví dụ trong năm 2002 một đầm thời trang Chanel có có giá £ 20.000. Giữa năm 2004 một một đầm dài buổi tối chi phí £ 50.000” [5]. Nếu một người không giàu thật khó để hiểu tại sao giá của thời trang cao cấp quá cao, nhưng đó là chi phí cho dịch vụ, tay nghề, sự khác biệt của một thiết kế độc đáo và sự tuyệt vời của vật liệu chất lượng tốt nhất.
Để sản xuất một bộ trang phục cao cấp mất từ 100-150 giờ, đôi khi lên đến 1000 giờ. Các trang phục dạ tiệc buổi tối sang trọng có thể có hàng ngàn hạt khâu tay được thực hiện bởi các chuyên gia thêu nổi tiếng ở Paris hay Milan, v.v… Các chuyên gia làm các phụ kiện hoặc thiết kế mũ, đồ trang trí, các nút, thắt lưng, nữ trang, giày dép và phần sáng tạo bề mặt vải để bổ sung vẻ đẹp cho các loại vải theo những ý tưởng thời trang được tạo ra. Haute Couture độc quyền các loại vải cao cấp sang trọng, mới lạ, đắt tiền từ: lụa, chinfon, vải sợi, sợi len mịn, cashmeres, bông, da, da lộn hoặc lông thú…các mẫu thiết kế vải và màu sắc, được dành riêng cho thời trang cao cấp.
Một người có vị trí quan trọng chịu trách nhiệm cho khách hàng (vendeuse), đơn đặt hàng của họ và giám sát suốt quá trình từ sản phẩm chính đến phụ kiện. Thiết kế tạo mẫu và may maket bằng thứ vải trắng gần giống mẫu vải thật nhưng tiết kiệm, bởi các loại vải đắt tiền có thể chi phí £ 100 hoặc nhiều hơn cho một mét vải. Các maket có thể được thao tác, đánh dấu và điều chỉnh để phù hợp với các thông số cụ thể của mô hình sống (khách hàng) cho đến khi người thiết kế, nhân viên và khách hàng của mình đều hài lòng. Sau đó thiết kế hướng dẫn nhân viên may sản phẩm chính thức trong các vật liệu được lựa chọn và độc quyền. Một thợ may sẽ làm việc trên các sản phẩm từ đầu đến cuối. Việc cắt và hoàn thiện được thực hiện trong một phòng khép kín và người thợ may này chịu trách nhiệm về tất cả mọi thứ được sản xuất trong phòng đó. Khâu cuối cùng kiểm tra sản phẩm hoàn thiện với những tiêu chuẩn cao nhất đảm bảo nó là thời trang cao cấp, phê duyệt và quyết định để trao cho khách hàng. Cuối cùng bộ trang phục phải thực sự phù hợp, vừa vặn, làm nổi bật những ưu thế của khách hàng và giảm bớt những khiếm khuyết về thể hình.
Hình1: Mô hình và các mẫu thiết kế Haute Couture của thương hiệu thời trang Dior
Thời trang cao cấp hiện nay đắt tiền, có thể lên tới triệu bảng Anh, do vậy rất ít mẫu được bán trong năm. Điều này là không đáng ngạc nhiên khi biết rằng chỉ có khoảng 3000 phụ nữ như vậy trên toàn thế giới thực sự có thể đủ khả năng để mua quần áo ở mức cao nhất, và chỉ có khoảng 300 người mua thường xuyên. Do vậy các mẫu thiết kế thời trang cao cấp chỉ chiếm tỷ lệ rất hạn chế, lợi nhuận từ hoạt động này là không đáng kể, đôi khi còn bị thua lỗ.
Vậy với một tỷ lệ bán hàng thời trang cao cấp thấp như vậy vì sao cần nỗ lực và chi phí vào đó quá lớn? Câu trả lời nằm trong cụm từ “bán một giấc mơ”! Một giấc mơ của dấu ấn thời trang, vẻ đẹp mà người bình thường khó có thể mua vào. Song người bình thường lại có thể đủ khả năng sử dụng các sản phẩm khác như chai nước hoa, những chiếc khăn quàng cổ, đồ trang sức, túi, của các thương hiệu thời trang cao cấp mà một siêu mẫu vẫn thường dùng.
Các show thời trang cao cấp thu hút rất lớn phương tiện truyền thông và được công chúng chú ý tới. Một người sử dụng thời trang cao cấp có thể kéo theo 1000 phụ nữ trên thế giới mặc theo mình. Điều này làm cho lợi nhuận lớn cho các nhà thiết kế thời trang cao cấp thông qua khối lượng bán hàng trên thị trường quốc tế. Đồng thời dòng thời trang cao cấp luôn là cầu nối giữa thương hiệu thời trang với người tiêu dùng trên toàn thế giới về dòng thời trang sản xuất công nghiệp của thương hiệu đó.
2. Thời trang sản xuất công nghiệp (ready-to-wear)
Thời trang thực sự như một thế giới của ảo ảnh và là một ngành công nghiệp mang lại nhiều tỷ bảng Anh mỗi năm. Nếu thời trang cao cấp kích thích trí tò mò, khơi dậy lòng ham muốn, bằng những cách thức mà chúng ta vừa khám phá ở phần trên: những bí ẩn của thời trang cao cấp được giải thích, sự phức tạp của công đoạn thiết kế được mô tả, ngược lại dòng thời trang sản xuất công nghiệp lại có sự thu hút riêng với sự sản xuất công nghiệp, với số lượng lớn và kích thước tiêu chuẩn, lan tỏa trên phạm vi rộng.
Ready-to-wear hoặc prêt-à-porter thường được viết tắt là RTW là thuật ngữ dùng cho các mẫu thiết kế chuẩn phù hợp với hầu hết mọi người. Họ sử dụng các thông số chuẩn, trang thiết bị nhà máy với kỹ thuật hoàn thiện sản phẩm nhanh, để giữ chi phí thấp, so với một phiên bản đơn chiếc cùng kiểu dáng.
Từ thời Trung Cổ đến thời Phục Hưng hầu như chưa có khái niệm về thời trang may sẵn, nhưng vào những năm 1700, Mỹ, Trung Quốc và châu Âu ngành công nghiệp quần áo đã bắt đầu phát triển. Năm 1820, dây đo được phát minh, giúp cho việc định cỡ quần áo, và năm 1846 máy may của Elias Howe sáng chế đã tăng thêm các yếu tố cho quần áo may sẵn đồng loạt phát triển [6]. Đặc biệt trong thời nội chiến Hoa Kỳ, đồng phục quân đội có nhu cầu sản xuất rất với số lượng lớn, kích thước tiêu chuẩn giúp cho sự cung cấp hàng loạt trang phục nhanh và tiện lợi mà may đo không thể cung cấp được.
Đầu thế kỷ XIX siêu thị trở nên phổ biến, các siêu thị mở ra khắp nơi để bán các loại trang phục may sẵn. Tại Paris năm 1838. Tại New York, Alexander Turney Stewart mở cửa hàng riêng của mình, được đặt tên AT Stewart, cũng được gọi là Marble Palace (Cung điện Đá cẩm thạch), trên sân khấu Broadway (hình 2).
Hình 2: Siêu thị thời trang đầu tiên Marble Palace (Cung điện Đá cẩm thạch)
Thời trang may sẵn dành cho trẻ em.
Máy may điện của Isaac Singer, đã ra đời vào năm 1889 [6], là một chất xúc tác cho quần áo may sẵn. Thời trang Ready-to-wear đã tìm thấy chỗ đứng trong tầng lớp trung lưu, nơi mà những người không thật giàu có để thuê một ai đó, yêu cầu đặt may quần áo của riêng mình. Quần áo của các nhà máy xuất hiện tất cả các nơi trên thế giới, vì việc sử dụng máy may chưa bao giờ dễ dàng hơn, một dây chuyền lắp ráp là vô cùng đơn giản. Công nghệ tiến bộ đã có một tác động đáng kể đến việc sản xuất quần áo trong các nhà máy ở cuối thế kỷ XX. Hầu hết các tiến bộ liên quan đến máy tính, với một mức độ cao của tự động hóa, thông số của mẫu sản phẩm được truyền tới máy tính, trải vải và cắt tự động đều được lập trình để thực hiện các chức năng cần thiết. Máy cắt laser có thể cắt ra từng mảnh của hàng may mặc trong một hoạt động đơn lẻ và có thể được lập trình trước để cắt hàng trăm mảnh trong các kích cỡ khác nhau được chuẩn hóa.
Việc xây dựng sản phẩm sản xuất hàng loạt cũng có các tiêu chuẩn khác thời trang cao cấp do bản chất công nghiệp. Thời trang may sẵn đa dạng chủng loại và phục vụ các lứa tuổi khác nhau từ trẻ em, thanh thiếu niên, đến trung niên và người già, từ trang phục nam đến trang phục nữ, trang phục đi làm, đi chơi, picnic đến trang phục thể thao vv… Cho đến nay tất cả các hãng thời trang cao cấp như Chanel, Dior, Lacroix hay Julien Fournie vv… cũng đều sản xuất dòng thời trang này, đó là dòng sản phẩm mang lại một lợi nhuận lớn hơn do khối lượng cao hơn so với thời trang cao cấp, đó là lợi ích thiết thực.
Trong khi thời trang cao cấp thường được trình bày các bộ sưu tập theo mùa, bởi các hãng thời trang gọi là Tuần lễ thời trang rộng khắp các thành phố, và nổi bật nhất trong số này bao gồm London , New York , Milan và Paris, được tổ chức hai lần một năm, thời trang sản xuất công nghiệp cũng được quảng bá theo cách đó song được tổ chức một cách riêng biệt và sớm hơn so với dòng thời trang cao cấp. Chúng ta cần có những kiến thức nhất định để hiểu và phân biệt giữa thời trang cao cấp và thời trang sản xuất công nghiệp khi sử dụng, thiết kế cũng như khi nói đến thời trang.
Tài liệu tham khảo:
1. Erika Thiet (1980 – tái bản 2010), Geschichie des Kostüms, Henschelverlag, Berlin
2. Kyoto Costume Institube (2004), LA MODE Du XVIII au XX siècle. Taschen
3. Olivier Gerval (2009), Fashion concept to catwalk, Prgeone
4. Victo, “The Fabulous World of Dior Haute Couture”, http: //ourworldourstyle . blogspot.com/2013/01/the-fabulous-world- of – dior – haute – couture.html ngày 31/1/2013
5. www.fashion.com
6. Larousse (2001), Con người và những phát minh, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
N.K.H
(Bài đăng trên Tạp chí Mỹ thuật Nhiếp ảnh số tháng 6/2014)