Thời trang Việt bứt phá

Sau chuyến trở về từ Dubai trong khuôn khổ hoạt động Ngày Quốc gia Việt Nam tại Triển lãm thế giới-EXPO 2020 Dubai, những nghệ sĩ tham gia trình diễn tại Chương trình “Dòng chảy bất tận” vô cùng tự hào khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quảng bá văn hóa và hình ảnh đất nước, con người Việt Nam tới bạn bè quốc tế.

Thành công của chương trình được đánh giá cao, mở đầu cho lộ trình triển khai chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030.

Điểm nổi bật của “Dòng chảy bất tận” là màn trình diễn những bộ sưu tập thời trang mới nhất của các nhà thiết kế Việt Nam. Bộ sưu tập “Những giấc mơ” của nhà thiết kế Vũ Việt Hà mê hoặc người xem bởi hình ảnh các địa danh nổi tiếng là những di sản của Việt Nam được thế giới công nhận được thêu rất tinh xảo trên tà áo dài nền nã, thướt tha.

leftcenterrightdel

 Tiết mục múa hoa sen trong chương trình “Dòng chảy bất tận”. Ảnh: TTXVN

“Hái mơ” của nhà thiết kế Lý Quí Khánh lại mang tinh thần nghệ thuật truyền thống vào thế giới thời trang may đo cao cấp, tôn vinh nghệ nhân và nghề thủ công địa phương. Hoa hậu H’Hen Niê cùng các người mẫu quốc tế trình diễn mẫu đầm, áo dài thổ cẩm thể hiện nét độc đáo trong từng hoa văn, màu sắc, gửi gắm một thông điệp về văn hóa truyền thống và tinh thần dân tộc Việt Nam như dòng chảy không bao giờ ngừng.

Toàn bộ show diễn đã gây ấn tượng mạnh cho đại biểu, khách tham quan triển lãm và khán giả xem truyền hình khắp thế giới.

Cũng như mọi lĩnh vực khác, thời trang Việt Nam đã trải qua một năm đầy thách thức, biến động do dịch Covid-19. Dù vậy, với nhiều nỗ lực và đổi mới, năm 2021 ghi nhận nhiều dấu ấn đáng nhớ của thời trang Việt: Các sự kiện được tổ chức chuyên nghiệp, hấp dẫn và ngày càng có nhiều nhà thiết kế, người mẫu chinh phục thị trường quốc tế; thợ may giỏi được đào tạo từ các trường chuyên ngành, từ những cuộc thi chuyên môn.

Tất cả nói lên sự nỗ lực, bứt phá của những nhà thiết kế, ngành thời trang, may mặc Việt Nam không đứng ngoài xu hướng chung của thế giới, gắn với bản sắc văn hóa và đi theo hướng bền vững, thân thiện với môi trường.  

Năm vừa qua cũng là năm hàng loạt thương hiệu thời trang nước ngoài có mặt tại Việt Nam, khiến thị trường ngày càng cạnh tranh khốc liệt. Song, theo đánh giá của những người làm nghề, đây cũng là cú hích để thời trang Việt nỗ lực bước qua “khung cửa hẹp” và nâng tầm thương hiệu trên trường quốc tế.

Theo thống kê mới nhất của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Việt Nam vượt Bangladesh thành nhà xuất khẩu hàng may mặc lớn thứ hai thế giới với trị giá hơn 35 tỷ USD trong năm 2020. Với kết quả này, Việt Nam chỉ xếp sau Trung Quốc về bán hàng may mặc trên toàn cầu.

Sản phẩm may mặc “Made in Vietnam” chiếm 6,4% thị phần thế giới. Năm 2010, thị phần chỉ là 2,9%. Các doanh nghiệp dệt may đã vượt lên khó khăn, duy trì đà tăng trưởng tốt trong năm 2021, ước đạt 39 tỷ USD, tăng 11,2% so với năm 2020.

Trong đó, Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của dệt may Việt Nam với 15,9 tỷ USD; EU đạt 3,7 tỷ USD; Hàn Quốc đạt 3,6 tỷ USD và Trung Quốc đạt 4,4 tỷ USD chủ yếu là xuất khẩu sợi… Mục tiêu năm 2022, ngành dệt may phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu 42,5 đến 43,5 tỷ USD. 

Tuy nhiên, vẫn phải nhìn nhận thực tế rằng, ngành thời trang nước ta chưa chuyên nghiệp, dẫn đến tình trạng người may cứ sản xuất, người bán cứ phân phối, chưa tạo được chuỗi hoàn chỉnh so với thương hiệu nước ngoài.

Trong khi bản chất của thời trang là cập nhật liên tục các xu hướng mới, thời trang đa phong cách và làm thỏa mãn nhu cầu về mẫu mã, chất lượng cho người dùng, thì các thương hiệu trong nước chưa theo kịp, khâu marketing còn đơn giản, khiến ngân sách lớn nhưng hiệu quả thấp nên một số sản phẩm “Made in Vietnam” thường có giá cao, mất lợi thế cạnh tranh.

Để thời trang Việt sánh ngang các thương hiệu ngoại thì doanh nghiệp không chỉ tận dụng lợi thế sân nhà với yếu tố nhân công giá rẻ mà phải áp dụng kỹ thuật cao, thiết kế giỏi, nâng cao chuỗi giá trị.

Bên cạnh đó, nguồn nhân lực ngành thời trang như nhà thiết kế, công nhân may phải thường xuyên cập nhật kỹ thuật tiên tiến, nguồn nhiên liệu mới để theo kịp nhu cầu trong nước và quốc tế.

CHÂU XUYÊN