Thổi luồng gió tri thức về nông thôn

Thứ Năm 04/08/2022 , 07:05 (GMT+7)

‘Đang có luồng gió mới từ những người trẻ đưa tri thức về nông thôn với những mô hình khởi nghiệp hay và thành công’.

“Đang có luồng gió mới từ những người trẻ đưa tri thức về nông thôn với những mô hình khởi nghiệp hay và thành công”, TS. Ngô Thị Thu Trang, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Nông thôn – Saemaul Undong, thuộc Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh nhận định.

TS Ngô Thị Thu Trang, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Nông thôn - Saemaul Undong, thuộc Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh

TS Ngô Thị Thu Trang, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Nông thôn – Saemaul Undong, thuộc Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh

Nếu chịu khó quan sát sẽ thấy lực lượng trẻ ở lại nông thôn làm nông nghiệp tương đối nhiều, nhiều người trong đó có trình độ chuyên môn, học thức. Có rất nhiều mô hình khởi nghiệp nông nghiệp thành công.

Vừa rồi trong khóa đào tạo “Sản xuất, chứng nhận và thương mại nông sản hữu cơ” do Mekong Organics tổ chức, tham gia phần lớn là giới trẻ. Họ học hỏi mô hình sản xuất bài bản hơn như canh tác hữu cơ kết hợp với du lịch nông thôn. Nông nghiệp hữu cơ rất khó làm nhưng nhiều người trẻ chịu vất vả, khởi nghiệp từ nông nghiệp hữu cơ, sau nhiều thất bại, hiện tại cũng có nhiều mô hình thành công.

Đưa tri thức về nông thôn

Giới trẻ đó có phải là con em nông dân trở về làm nông hay là giới trẻ từ những ngành nghề khác, thất vọng với cuộc sống của thành phố mà bỏ phố về quê thưa bà?

Tôi thấy đa phần là con em nông dân học xong trở về quê làm nông chứ không đơn giản chỉ là tâm lý bất mãn với cuộc sống đô thị. Họ tâm huyết và đam mê. Cũng có thể đó là do vai trò của Bộ NN-PTNT và những hoạt động về nông nghiệp, nông thôn đang có bước chuyển biến khá tích cực. Trong quá trình giảng dạy tại trường, tôi cũng thường trao đổi với sinh viên rằng nếu em nào cảm thấy có năng lực và đam mê về lĩnh vực nông nghiệp, muốn phát triển nông thôn thì cứ quay về, ở đó có rất nhiều cơ hội cho các em được thể hiện năng lực của mình, góp phần xây dựng những làng quê đáng sống.

Nhiều người trẻ mà nhất là ở thành phố sau khi đọc báo, nghe đài hay xem truyền hình về những mô hình nông nghiệp đã mơ mộng, bỏ phố về quê, bỏ phố về rừng nhưng sau đó phần lớn lại bỏ rừng về phố. Bà có thấy có thực tế đó không?

Thực tế cũng có. Làm nông không phải dễ, mà làm bài bản, có tâm huyết cho một nền nông nghiệp sạch, bền vững lại càng khó. Có những nhóm người trẻ từ khu vực đô thị về nông thôn để làm nông nghiệp, sau đó lại từ khu vực nông thôn về đô thị để tiếp tục làm việc như trước đây. Cũng có thể một phần các em chưa có định hướng rõ ràng ngay từ đầu, khi gặp nhiều trở ngại trong khởi nghiệp nông nghiệp, tạo dựng cơ ngơi ở vùng nông thôn thì dẫn đến nản chí.

Tuy nhiên tỷ lệ đó theo tôi không cao, chủ yếu là thuộc về nhóm bất mãn với cuộc sống đô thị trở về quê như dịch Covid-19 vừa rồi đã khiến cho một luồng di dân rất lớn từ TP Hồ Chí Minh về các vùng quê, sau đó lại trở về thành phố. Còn nhóm thứ hai, những bạn trẻ có kế hoạch cuộc đời, có chương trình khởi nghiệp rõ ràng ngay từ đầu thì khi trở về nông thôn sẽ bám trụ tốt hơn. Họ là những con em nông thôn hay những sinh viên học những ngành nông nghiệp, nông thôn thậm chí những ngành có liên quan như du lịch, nhân học, địa lý, văn hóa…

Nói chung bức tranh nông thôn có nhiều màu hồng hơn là màu u ám bởi đang có luồng gió mới từ những người trẻ đưa tri thức về nông thôn với những mô hình khởi nghiệp hay và thành công. Họ với vai trò vừa là nông dân, vừa là nhà khoa học, vừa là nhà kinh doanh, tất cả tạo nên sự thành công cho nông nghiệp, nông thôn.

Hái rau rừng ở Khu du lịch Cánh đồng bất tận tại huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An. Ảnh: Dương Đình Tường.

Hái rau rừng ở Khu du lịch Cánh đồng bất tận tại huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An. Ảnh: Dương Đình Tường.

Hoạt động của Trung tâm Phát triển Nông thôn – Saemaul Undong đang trợ giúp nông dân thế nào thưa bà?

Khởi đầu từ năm 2016, Trung tâm thành lập với sứ mệnh xây dựng những làng mới theo tinh thần Saemaul Undong của Hàn Quốc, có ký kết hợp tác với Hàn Quốc, được quỹ SGF của Hàn Quốc tài trợ. Tuy nhiên, theo thời gian, chúng tôi cảm thấy nhiệm vụ, sứ mệnh của Trung tâm trong vai trò phát triển nông nghiệp, nông thôn của cả nước là rất quan trọng. Vào năm 2018, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn ký kết hợp tác với Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương thuộc Bộ NN-PTNT trong các lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn, chương trình OCOP và du lịch nông thôn…

Bây giờ thực sự có thể nói đơn vị chúng tôi là một cánh tay nối dài của Văn phòng

Điều phối Nông thôn mới Trung ương và Bộ NN-PTNT trong quá trình tư vấn Chương trình OCOP, các Chương trình NTM, các nghiên cứu về du lịch nông thôn, phát huy những giá trị văn hóa bản địa. Tinh thần của Saemaul Undong là cần cù, tự lực, hợp tác. Hiện tại chúng tôi đang hỗ trợ cho các làng điểm của Saemaul Undong trong các vấn đề như nâng cao năng lực, nâng cao nhận thức của nông dân.

Nếu để ý 14 làng điểm từ Bắc vào Nam do SGF tài trợ đều khó khăn, tuy nhiên có nhiều nội lực để phát triển. Phần tri thức hóa nông dân có thể thấy rất rõ, nhà trường tham gia tập huấn để nâng cao năng lực của cộng đồng trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cũng như chất lượng sản phẩm, kể cả những nhóm học sinh, sinh viên và mới đây nhất là phối hợp với tổ chức SGF tập huấn nâng cao tinh thần Saemaul Undong trong sản xuất cho nhóm công nhân trong các xí nghiệp.

Dán tem vào chuối xuất khẩu ở HTX LaBa Banana Đạ K’Nàng (huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng). Ảnh: Dương Đình Tường.

Dán tem vào chuối xuất khẩu ở HTX LaBa Banana Đạ K’Nàng (huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng). Ảnh: Dương Đình Tường.

Sự thay đổi dân trí

Dân trí ở miền Tây đã thay đổi ra sao khi bà còn nhỏ và hiện nay?

Hồi xưa ông bà tôi có 9-10 người con, ai được đi học tới nơi tới chốn đã là của hiếm. Thời bố tôi có học, có bằng là tốt rồi, có thể tổ chức phân công làm ở những vị trí khác nhau có thể đúng hoặc không đúng chuyên môn, nhưng thời nay các nhà tuyển dụng thường đăng tuyển những vị trí cần đúng chuyên môn đào tạo. Thế hệ của tôi mỗi nhà 1-2 con thì lại phải lo sao cho con học tốt nhất. Dân trí tăng lên đó là tiến trình phát triển tất yếu của xã hội trừ những khu vực quá khó khăn về kinh tế.

Dân trí của miền Tây hiện nay được nâng cao do họ tự học hay do những nguồn nào thưa bà?

Cũng phải tùy, ở những khu vực khó khăn, vùng sâu vùng xa, bà con không được tiếp cận những tri thức mới hoặc được tiếp cận nhưng trình độ dân trí thấp, không có đột phá về tìm hiểu hay chủ động trong tìm hiểu để nâng cao năng lực.

Tuy nhiên khu vực đô thị và cận đô thị, ví dụ như những điểm du lịch ở miền Tây họ chịu học hỏi lắm, nông dân là những nhà khoa học trong các phát minh ra công cụ sản xuất, thuốc sinh học và những máy móc phục vụ sản xuất, chế biến. Nông dân là nhà kinh doanh khi họ chủ động tìm kiếm và kết nối thị trường, nông dân là nhà dự báo thời tiết bằng tri thức bản địa khi nhìn mây biết mưa, nhìn trời cao biết nắng… và là nhà chuyên môn thật sự trong lĩnh vực sản xuất của mình.

Cấy giống rau thủy canh. Ảnh: Dương Đình Tường.

Cấy giống rau thủy canh. Ảnh: Dương Đình Tường.

Đặc trưng văn hóa của miền Tây như vậy thuận lợi và khó khăn thế nào trong việc nâng cao nhận thức thưa bà?

Cũng còn tùy vào mỗi địa phương, mỗi đối tượng khác nhau cho thấy sự phấn đấu hay không trong việc nâng cao nhận thức trong sản xuất và trong cuộc sống. Điều kiện tự nhiên thuận lợi của miền Tây Nam Bộ trước đây với phù sa màu mỡ từ các con sông dẫn đến việc canh tác nông nghiệp trù phú, cá tôm đầy đồng, người dân làm chơi, ăn thiệt nên phần nào đó nó có sức ì với những đối tượng họ thấy cuộc sống của mình đủ rồi, không cần phấn đấu nữa hay những khu vực vùng sâu, vùng xa nhận thức chưa được nâng cao, gần như sống ỉ lại vào thiên nhiên.

Tuy nhiên hiện nay nông dân chủ động hơn trong nâng cao nhận thức trong sản xuất thích ứng với mội trường tự nhiên, nhất là môi trường xâm nhập mặn như những năm gần đây. Về làng hoa Sa Đéc tỉnh Đồng Tháp có thể thấy những nông dân trồng hoa cảnh, cỏ kiểng rất chủ động trong kinh doanh, kết hợp du lịch nên đẩy mạnh cả nông nghiệp lẫn du lịch. Tự họ phát triển, thống nhất về cơ chế quản lý, tự tìm hướng cho mình đi, tìm những nhà tư vấn như chúng tôi để hỏi về cách làm như thế nào cho phù hợp.

Như ở cồn Hô tỉnh Trà Vinh, cồn Thới Sơn ở tỉnh Cần Thơ người dân tự hợp tác, tự đi học hỏi rồi về liên kết để phát triển du lịch cộng đồng. Như ở Bến Tre, khu du lịch sinh thái Nguyễn Gia – hộ nông dân trồng măng cụt và các loại cây ăn trái ở huyện Chợ Lách tỉnh Bến Tre khai thác vào sản phẩm du lịch, có homestay ngay trong khu lưu trú, thu hút khách rất đông nhất là vào cuối tuần.

Chuẩn bị bầu xuống giống cây. Ảnh: Dương Đình Tường.

Chuẩn bị bầu xuống giống cây. Ảnh: Dương Đình Tường.

“Tôi thấy để tri thức hóa nông dân, vai trò lãnh đạo phải là then chốt, không phải tôi khen Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đâu nhưng khi ông là Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp đã rất gần dân, hiểu và đồng hành cùng họ. Tôi vẫn thường hay nghe nông dân Đồng Tháp gọi ông bằng sư phụ với sự thân thương và gần gũi. Nay là Bộ trưởng ông cũng rất quan tâm đến nông dân đặc biệt là tri thức hóa nông dân. Theo ông nông dân phải vừa là nhà khoa học, vừa là nhà sản xuất và cũng là nhà kinh doanh giỏi”.

(TS Ngô Thị Thu Trang).

Kỹ năng và tạo niềm tin nông sản Việt

Theo bà Trang, một trở ngại rất lớn trong phát triển nông nghiệp bài bản là còn những thành tố vẫn xem trọng “sản lượng” hơn “chất lượng”. Tâm lý sản xuất như “mì ăn liền” nghĩa là sao cho đạt sản lượng cao nhất nên bỏ qua các bước để đảm bảo chất lượng, an toàn. Trở ngại nữa trong tri thức hóa nông dân là vấn đề nguồn thu và lợi nhuận. Nếu để ý sẽ thấy sầu riêng và mít những năm gần đây trồng rất nhiều và tôi đang lo việc ấy, về sau bán cho ai?

Nông dân ta có cái vui lắm, khi trồng mà không bán được 1-2 vụ là đốn ngay trồng cây khác bởi họ cũng phải trang trải nguồn sống. Tôi rất hi vọng các nhóm trẻ từ thành phố trở về quê hoặc đang ở quê sẵn sẽ tiếp nối những thành công của bố mẹ mình, như HTX Rau an toàn Mười Hai ở Cần Đước, Long An, như anh Hồ Quang Trí con ông Hồ Quang Cua làm doanh nghiệp kinh doanh gạo ST25 ở Sóc Trăng và nhiều câu chuyện giới trẻ khởi nghiệp thành công ở vùng nông thôn khác. Đó là những tín hiệu tốt của tri thức hóa nông dân, phải lấy những mô hình thành công để tạo ra động lực cho giới trẻ học về nông nghiệp, công nghệ chế biến… trở về quê làm việc.

Kiểm tra buồng chuối mới trỗ ở HTX LaBa Banana Đạ K’Nàng (huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng). Ảnh: Dương Đình Tường.

Kiểm tra buồng chuối mới trỗ ở HTX LaBa Banana Đạ K’Nàng (huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng). Ảnh: Dương Đình Tường.

Truyền thông hiện nay cũng một góp phần gây ảo tưởng về thành công trong nông nghiệp dễ bởi chỉ nêu những mô hình được mà không nói đến những thất bại. Bài học thành công quan trọng nhưng có khi bài học thất bại còn quan trọng hơn. Bà nghĩ sao về chuyện này?

Tôi nghĩ truyền thông có vai trò quan trọng, ví dụ một sản phẩm nông nghiệp đang không tiêu thụ được, chỉ cần 1-2 bài báo xoáy mạnh về vấn đề đó một cách tiêu cực thì sẽ làm cho tình hình tồi tệ hơn.

Không phải tất cả đều nhìn theo chiều hướng “hoa hồng”, có những bài học thành công cũng cần phải có những bài học thất bại để mọi người suy ngẫm. Nhưng viết thất bại không phải để cho người khác bỏ cuộc hay khiến cho họ nản mà phải cho họ thấy từ thất bại đó sẽ có những thành công sau này. Còn những mô hình thành công chắc chắn là phải có những thất bại trước đó, nhất là nông nghiệp hữu cơ như chú Tư Việt ở tỉnh Kiên Giang có mô hình lúa mùa bản địa trồng theo hướng hữu cơ giờ đang làm khá tốt nhưng cũng phải trải qua rất nhiều khó khăn để đạt được điều đó. 

Rau thủy canh của Lang Biang Farm, TP Đà Lạt. Ảnh: Dương Đình Tường.

Rau thủy canh của Lang Biang Farm, TP Đà Lạt. Ảnh: Dương Đình Tường.

Trải nghiệm môi trường học tập tại Pháp thì bà thấy việc tri thức hóa nông dân của họ chủ yếu do nông dân tự học, do ngành nông nghiệp, do các viện, trường hay những nguồn nào?

Cuối thế kỷ thứ 19, bước sang thế kỷ 20, các nhà hoạch định chính sách Pháp mới dần chú trọng bảo vệ ngành nông nghiệp. Sự tự động hóa, hệ thống hóa trong công nghiệp cũng dần được áp dụng vào nông nghiệp, qua đó tạo bước tiến hoàn toàn mới cho toàn ngành.

Ngày nay, thế hệ nông dân trẻ ở Pháp coi nông nghiệp là một ngành nghề đòi hỏi kỹ năng không kém gì những công việc khác. Nông dân phải quy hoạch đất trồng, tính toán lượng phân bón, thuốc trừ sâu, trồng hay chăn nuôi thứ gì để đem lại lợi nhuận nhất. Họ không ngừng tự học hỏi. Những người dân bình thường của Pháp cũng hỗ trợ cho nông dân họ, ví dụ thay vì mua cà rốt của Tây Ban Nha với giá rẻ hơn ½ nhưng họ lại mua cà rốt của Pháp. Tuy nhiên để làm được điều này thì nông dân phải không ngừng phấn đấu để tạo uy tín, để người tiêu dùng cảm thấy tự tin hoàn toàn về chất lượng, độ an toàn của nông sản nội địa.

Nếu các sản phẩm nội địa có chất lượng tốt thì người tiêu dùng cũng có tâm lý mua ủng hộ, nhất là trong các chiến dịch giải cứu nông sản đã thể hiện tinh thần tương thân, tương ái của cả cộng đồng. Người nông dân ta phải tạo được uy tín để đáp lại tinh thần tương thân, tương ái đó của người tiêu dùng. Tuy nhiên giờ người tiêu dùng đang sợ, một nỗi sợ vô hình rằng nông sản chỗ nào thật, chỗ nào giả, chỗ nào có thuốc hóa chất, chỗ nào không. Nói chung là rất bộn bề nên chưa tạo ra lòng tin tuyệt đối.

Hiện tại một số doanh nghiệp đang xoáy sâu vào bộ nhận diện thương hiệu để hễ nhắc tới sản phẩm là nhớ tới chất lượng. Vậy sắp tới tri thức hóa nông dân không nằm ở chuyện tôi sản xuất giỏi mà còn là tôi làm nhận diện thương hiệu giỏi. Ở Đồng Tháp chỗ chú Hương, Công ty Hương Sen Đồng Tháp, một nông dân bằng tình yêu quê hương đang cố gắng xây dựng một thương hiệu cho sen. Ông đang làm rất tốt điều đó. Sản phẩm sen trên thị trường có rất nhiều nhưng sản phẩm của ông chú ý đến chất lượng, có nghiên cứu nên rất chất lượng…

Tôi muốn nói nâng cao tri thức cho nông dân để đến lúc nào đó họ phải coi sản phẩm làm ra như đứa con tinh thần của mình, phải chuẩn hóa nó lên thì mới thành công. Lúc đó không cần thì sản phẩm cũng đã tạo uy tín trong lòng người tiêu dùng.

Nếu chúng ta hỗ trợ nông dân các phương tiện máy móc nhưng không biết họ có cần không, có phù hợp không, có biết dùng không thì thất bại. Mọi thứ phải đi từ nhu cầu cụ thể của dân mới phát huy hiệu quả được. Quan trọng phải tổ chức sản xuất, liên kết lại để cùng phát triển đưa nền nông nghiệp nước nhà ngày càng thịnh vượng qua việc tri thức hóa nông dân.

Xin cảm ơn bà!