Thời kỳ phục hưng của nhiên liệu hóa thạch đe dọa mục tiêu COP27

Quang Duy (Theo Business Insider, Project Syndicate)-Chủ nhật, ngày 06/11/2022 17:05 GMT+7

Tháp làm mát của nhà máy nhiệt điện ở Neurath, Đức – Ảnh: AP

Sự phục hưng của nhiên liệu hóa thạch

Cuộc xung đột Nga – Ukraine và sự gián đoạn nguồn cung khí đốt của Nga cho châu Âu đã gây ra một cuộc khủng hoảng năng lượng, khi giá cả mặt hàng này tăng chưa từng thấy kể từ năm 1973. Tình hình sẽ còn trở nên xấu hơn khi dòng khí đốt tự nhiên của Nga tới châu Âu nhiều khả năng sẽ tiếp tục bị cắt giảm hoặc thậm chí dừng hẳn trước mùa Đông năm nay. Châu Âu ở trong tình huống tiến thoái lưỡng nan, một bên là nhu cầu cấp thiết của việc sưởi ấm trong mùa Đông đã tới sát cửa, bên còn lại là nhiệm vụ giảm dần nhiên liệu hóa thạch để chuyển sang năng lượng tái tạo. Đối mặt với lựa chọn khó khăn này, nhiều nước trong khu vực quyết định ưu tiên các mục tiêu ngắn hạn và quay trở lại hoặc tăng cường tỷ lệ sử dụng than đá trong sản xuất năng lượng.

Sự phục hưng của nhiên liệu hóa thạch (Fossil Fuel Renaissance) là cụm từ báo chí phương Tây sử dụng khi chứng kiến sự trở lại của than đá trong việc sản xuất năng lượng tại châu Âu. Thực tế cho thấy, sản lượng nhiệt điện đã tăng hơn 20% ở Pháp, Đức, Italy, Hà Lan, Tây Ban Nha và Anh kể từ năm 2021. Các nước châu Âu cũng đẩy mạnh tiêu thụ than trong những tháng gần đây. Trang Business Insider phân tích biểu đồ giá cho thấy, giá than đá trong tháng 9/2022 tại châu Âu đã tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Thêm nhiều công ty điện ở Áo, Hà Lan và Italy cân nhắc việc sử dụng than trở lại. Trong khi đó, Đức – nền kinh tế lớn nhất châu Âu – đang trở lại sử dụng than để đảm bảo nguồn cung năng lượng trước mùa Đông. Tập đoàn năng lượng Uniper của Đức đã tái khởi động một nhà máy nhiệt điện cho đến tháng 4/2023. “Trong năm 2022 này, than đá là lựa chọn rẻ cho hoạt động sản xuất điện. Giá than còn tăng cao bởi tình trạng khan hiếm khí đốt ở châu Âu. Tuy nhiên với mức giá hiện tại, than đá vẫn sẽ là lựa chọn cạnh tranh trong khoảng 2,5 năm tới”, chuyên gia Fabian Rønningen của công ty Rystad Energy nhận định trên tờ Business Insider.

Thời kỳ phục hưng của nhiên liệu hóa thạch đe dọa mục tiêu COP27 - Ảnh 1.

Giá than đá đang dao động quanh vùng cao nhất trong lịch sử – Ảnh: VTV Digital

Khi Trái Đất ngày càng nóng lên…

Trong sự phát triển của nhân loại, vai trò của năng lượng hóa thạch nói chung và than đá nói riêng rất quan trọng. Than đá, dầu mỏ, khí đốt là nguồn cung năng lượng chủ yếu trên toàn cầu. Than là nguyên liệu chính trong các nhà máy nhiệt điện, các máy hơi nước, đầu máy xe lửa. Nhiệt điện từ đốt than cũng tạo ra nguồn năng lượng lớn đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của nhiều quốc gia trên thế giới.

Tuy nhiên năng lượng hóa thạch cũng bị xem là “thủ phạm” chính tàn phá môi trường và gây biến đổi khí hậu. Theo số liệu của Liên hợp quốc, hoạt động của con người đốt nhiên liệu hóa thạch như than, dầu và khí đốt là nguồn chính tạo ra CO2 và là yếu tố đóng góp lớn nhất vào biến đổi khí hậu, chiếm gần 75% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính toàn cầu. Trong đó, than đá tạo ra lượng khí thải nhà kính nhiều nhất, gấp đôi so với khí tự nhiên và nhiều hơn 30% so với xăng.

Thời kỳ phục hưng của nhiên liệu hóa thạch đe dọa mục tiêu COP27 - Ảnh 2.

Sử dụng nhiên liệu hóa thạch là tác nhân chính tạo ra khí nhà kính (CO2) gây biến đổi khí hậu – Ảnh: VTV Digital

Khi các quốc gia tăng cường sử dụng năng lượng hóa thạch, mục tiêu giới hạn mức độ nóng lên toàn cầu vào năm 2100 ở mức 1,5º C so với thời kỳ tiền công nghiệp chắc chắn sẽ không thể thực hiện được. Bài phân tích trên trang Project Syndicate cho thấy nhiệt độ bề mặt Trái Đất hiện nay, ước tính đã cao hơn 1,1º C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp. Nhiệt độ sẽ tăng nhẹ ngay cả khi thế giới ngừng thải khí nhà kính ngay lập tức, một điều rõ ràng sẽ không xảy ra.

Xu hướng sử dụng năng lượng hiện tại của thế giới đang dẫn đến tình trạng khí hậu ấm lên ở tốc độ nhanh hơn nhiều so với ước tính. Biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến các tảng băng, rừng nhiệt đới và lãnh nguyên, thể hiện ở tình trạng nhiệt độ cao kỷ lục ở châu Âu và các nơi khác, hạn hán, cháy rừng, bão lũ dữ dội hơn và ngày càng đông người phải di cư vì khí hậu khắc nghiệt.

Các nỗ lực nhằm làm chậm biến đổi khí hậu gặp khó khăn do quan điểm cho rằng nỗ lực này phải trả giá bằng tăng trưởng kinh tế. Bài phân tích trên trang Project Syndicate cho thấy quan điểm này ngày càng sai sự thật: Chính biến đổi khí hậu đang gây thiệt hại tốn kém, trong khi các giải pháp thay thế cho nhiên liệu hóa thạch có thể tạo ra việc làm và giảm chi phí năng lượng theo thời gian. Tuy nhiên, sự phản kháng đối với hướng đi này rất gay gắt, đặc biệt là ở những khu vực lâu nay phụ thuộc vào việc sản xuất nhiên liệu hóa thạch.

Các nỗ lực hạn chế sử dụng nhiên liệu hóa thạch

Giữa tháng 9/2022, 532 quỹ đầu tư quốc tế, quản lý khối tài sản 39.000 tỷ USD, đã ký vào một bản tuyên bố chung gửi chính phủ các nước kêu gọi tăng cường ứng phó với cuộc khủng hoảng khí hậu. Bản tuyên bố chung nêu rõ các nước cần nâng cao mục tiêu tham vọng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, bao gồm đặt ra kế hoạch loại bỏ dần việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch và thúc đẩy chuyển đổi sang năng lượng tái tạo dựa trên khoa học. Các quỹ đầu tư cho biết họ đã tính toáng và bảo đảm khả năng tạo ra lợi nhuận trong dài hạn, trong kế hoạch chuyển đổi sang mô hình kinh tế có lượng phát thải ròng bằng 0.

Ô nhiễm không khí, chủ yếu do đốt nhiên liệu hóa thạch, được cho là nguyên nhân khiến 7 triệu người tử vong mỗi năm. Trước đó, khoảng 200 tổ chức và hơn 1.400 chuyên gia y tế cũng ký vào bức thư kêu gọi chính phủ các nước đối thoại và đàm phán để đạt được hiệp ước quốc tế mang tính ràng buộc về loại bỏ dần các nhiên liệu hóa thạch – điều mà họ nhấn mạnh là mối đe dọa nghiêm trọng đối với sức khỏe con người. Các tổ chức và chuyên gia y tế cho rằng, việc loại bỏ nhiên liệu hóa thạch sẽ ngăn chặn 3,6 triệu ca tử vong mỗi năm vì ô nhiễm không khí.

Thời kỳ phục hưng của nhiên liệu hóa thạch đe dọa mục tiêu COP27 - Ảnh 3.

Lượng tiêu thụ than toàn cầu dự báo tăng 0,7% trong năm 2022 lên 8 tỷ tấn – Ảnh: Getty

Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres, khi đi thăm các vùng bị lũ lụt ở Pakistan, cũng kêu gọi các nước phát thải lớn ngừng đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch và chuyển sang đầu tư vào năng lượng tái tạo để “chấm dứt chiến tranh với thiên nhiên”.

Thời kỳ phục hưng của nhiên liệu hóa thạch đe dọa mục tiêu COP27 - Ảnh 4.

Dự án điện gió lớn nhất thế giới ở Biển Bắc, ngoài khơi bờ biển phía đông Vương quốc Anh – Ảnh: AP

Hy vọng lạc quan nhất để ứng phó với biến đổi khí hậu hiện nay, có thể đến từ công nghệ. Chủ yếu là những công nghệ cho phép chúng ta ngăn chặn hoặc thậm chí đảo ngược biến đổi khí hậu, cho dù bằng cách loại bỏ một số carbon trong khí quyển hoặc bằng cách đưa các phần tử phản chiếu vào khí quyển để giảm lượng ánh sáng mặt trời chiếu tới Trái Đất. Việc phát triển những công nghệ như vậy cần phải được ưu tiên.

Có một ví dụ sinh động gần đây cho thấy kết quả đáng kinh ngạc một khi các nguồn lực của thế giới được tập trung về một phía, đó chính là COVID-19. Mặc dù con số tử vong trên toàn cầu do đại dịch này lên tới hơn 6 triệu người, nhưng nỗ lực của các nhà khoa học, các chính phủ và doanh nghiệp hợp tác với nhau để phát triển một thế hệ vaccine hiệu quả cao trong thời gian ngắn kỷ lục, đã cứu hàng tỷ người khỏi 1 thảm họa lớn hơn. Với biến đổi khí hậu cũng vậy, bên cạnh các cam kết chính trị thì chúng ta sẽ phải dựa vào khoa học để cứu ngôi nhà chung Trái Đất và tự cứu chính mình.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!