Thời buổi công nghệ, đến bác sĩ chẩn đoán hình ảnh cũng lo sợ mất việc?
Khi nói đến đột phá số thức (digital disruption), được định nghĩa là những công nghệ số mới và mô hình kinh doanh ảnh hưởng đến những gì được coi là truyền thống, nhiều người sẽ giật mình bởi biết đâu họ sẽ mất việc.
Đầu tháng, Liên Hợp Quốc tuyên bố robot có thể thay thế công nhân và chiếm mất 2/3 số công việc ở các quốc gia đang phát triển. Trong tuần, McDonald’s đã tiết lộ dự định thay thế tất cả nhân viên thu ngân tại 14.000 cửa hàng bằng robot. Hay gần gũi hơn là câu chuyện của những bác tài xế trong thời buổi của công nghệ Uber, Grab.
Câu hỏi đặt ra là đột phá số thức sẽ tiếp tục đe dọa công việc của những ai nữa? – Tất cả mọi người, đó là câu trả lời của Elon Musk khi dự đoán về sự phát triển của trí thông minh nhân tạo. Thế nhưng, đó sẽ là một tương lai xa vời. Còn trong ngắn hạn thì các bác sĩ, cụ thể hơn là những ai làm việc trong lĩnh vực chẩn đoán hình ảnh, lúc này đã không thể ngồi yên.
Trí tuệ nhân tạo có khiến các bác sĩ chẩn đoán hình ảnh mất việc làm?
Người không nhất thiết phải có mặt trong đội ngũ bác sĩ
Chẩn đoán hình ảnh y tế là một lĩnh vực tiềm năng cho đột phá số thức. “Và giai đoạn đầu tiên thì đã đang diễn ra”, Don Woodlock, phó chủ tịch đồng thời là tổng giám đốc Enterprise Imaging, GE Healthcare cảnh báo.
Trước đây, một bác sĩ chẩn đoán hình ảnh có vai trò rất lớn. Ví dụ, nói về chứng phình và vỡ động mạch ngực, nó là một tình trạng chỉ được chẩn đoán bằng kinh nghiệm của một bác sĩ khi xem phim X-quang. Vỡ và phình động mạch không xuất hiện trên X-quang, nhưng các bác sĩ chẩn đoán hình ảnh có thể suy đoán ra nó.
Thế nhưng bây giờ, kỹ thuật chụp cắt lớp và cộng hưởng từ đã cho phép động mạch phình và vỡ được nhìn thấy tận mắt. Nó khiến cho vai trò của bác sĩ chẩn đoán hình ảnh giảm đi rõ rệt. Họ đã không cần phải dùng suy luận để phát hiện ra vấn đề của bệnh nhân, mà bây giờ chuyển sang sàng lọc các hình ảnh.
“Một vấn đề đối với chẩn đoán hình ảnh khi mà chúng ta số hóa những công cụ đó là những bác sĩ đang làm việc trong lĩnh vực này”, Woodlock nói. Họ không còn là một bác sĩ nữa và cũng không nhất thiết phải có mặt trong đội ngũ bác sĩ, những người thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân. Cơ bản thì họ chỉ là người thông dịch viên hình ảnh.
Nhưng vấn đề chưa dừng lại ở đó. Kỹ thuật chụp ảnh y tế hiện đại khiến cho các bác sĩ ngập trong thông tin. Ví dụ, một ca bệnh đa chấn thương, chụp cắt lớp vi tính có thể khiến bác sĩ phải xem hơn 4.000 hình ảnh.
Công nghệ hiện đại hơn, dữ liệu dễ xử lý hơn nhưng lại đi đôi với số lượng quá tải. Chẩn đoán hình ảnh đã chuyển từ một công việc đòi hỏi nhận thức chủ quan đến tiệm cận của một công việc chỉ cần xử lý khách quan. Điều này đã mở đường cho máy móc, cụ thể là trí thông minh nhân tạo, có thể tìm được vị trí của mình trong lĩnh vực chẩn đoán hình ảnh y tế.
Đột phá số thức đã mở đường cho trí thông minh nhân tạo đi vào lĩnh vực y tế
Khi các bác sĩ chẩn đoán hình ảnh trông thấy “sự trỗi dậy” của trí thông minh nhân tạo
Woodlock tiết lộ rằng tương lai tiếp theo của chẩn đoán hình ảnh chính là machine learning, tạm dịch là máy học. Cơ bản, đó là việc một máy tính có thể tự học hỏi kiến thức mới mà không cần phải lập trình. Nói đến máy học, nó có nghĩa là trí thông minh nhân tạo.
Trí thông minh nhân tạo sẽ mở ra một tương lai mới trong lĩnh vực y tế. Ngay đầu tháng trước, một nghiên cứu của Đại học Harvard đã chỉ ra trí tuệ nhân tạo với machine learning có thể giúp con người tìm ra những loại thuốc hoàn toàn mới.
Bằng cách dạy cho những cỗ máy kiến thức hóa học, nó có thể tự pha chế cả tỷ tỷ phân tử và tìm ra những loại thuốc chưa từng có trong lịch sử. Thế nhưng, các nhà khoa học khẳng định, trí tuệ nhân tạo không được tạo ra để thay thế nhiệm vụ của các nhà dược học. Nó chỉ có thể trở thành một người trợ lý cho con người.
Với trường hợp của những bác sĩ chẩn đoán hình ảnh, trí tuệ nhân tạo cũng chỉ có thể trở thành một người trợ lý. Ít nhất, trong tương lai gần là vậy. Điều này đã được nhấn mạnh tại Hội nghị thường niên của Hiệp hội chẩn đoán hình ảnh Bắc Mỹ vừa diễn ra trong tuần. Trí thông minh nhân tạo nên được xem như là một công cụ hỗ trợ các bác sĩ, chứ không phải thứ đe dọa thay thế vị trí của họ.
Trí tuệ nhân tạo chỉ có thể trở thành một người trợ lý. Ít nhất, trong tương lai gần là vậy.
Thời điểm hiện tại, trí thông minh nhân tạo đã không còn là chủ đề nóng của riêng ngành khoa học máy tính. Ngay cả các bác sĩ và ngành y tế lúc này cũng phải chuẩn bị cho một bước chuyển mình mới. Trong tương lai, họ sẽ phải làm việc với các cỗ máy có trí tuệ.
Đầu tuần, Giáo sư Saurabh Jha, đến từ Đại học Pennsylvania và Tiến sĩ Eric Topol, giám đốc Viện Khoa học Scripps Translational đã đăng một bài bình luận về vấn đề này trên tạp chí JAMA của Hiệp hội Y khoa Mỹ. Họ viết:
“Trí thông minh nhân tạo- những cỗ máy tính có thể bắt chước nhận thức của con người- thứ mà trước đây chỉ là một truyền thuyết trong khoa học viễn tưởng bây giờ đã trở thành hiện thực trong y học. Sự kết hợp giữa Dữ liệu lớn (Big Data) và trí thông minh nhân tạo, được gọi là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 sẽ thay đổi ngành chẩn đoán hình ảnh cũng như các chuyên khoa khác”.
Ngay vào lúc này, Enlitic, một startup y tế tại Thung lũng Silicon, đã đang sử dụng trí tuệ nhân tạo để xử lý phim chụp cắt lớp và cộng hưởng từ. Trong một số thử nghiệm, các thuật toán mà Enlitic phát triển được đã thể hiện tốt hơn cả 4 bác sỹ chẩn đoán hình ảnh cộng lại. Nó đã có thể xác định được chính xác những khối u lành tính và ác tính qua hình ảnh y tế.
Mặc dù đó là một bước tiến chóng mặt, giáo sư Saurabh Jha và Tiến sĩ Eric Topol cho biết: “Nói rằng máy tính có thể thay thế bác sĩ chuyên khoa và chẩn đoán hình ảnh có vẻ hơi phóng đại. Thế nhưng, các bác sĩ trong chuyên ngành này phải lập kế hoạc chiến lược cho một tương lai, trong đó trí thông minh nhân tạo sẽ là một phần của lực lượng lao động chăm sóc sức khỏe và y tế”.
Cuối cùng, có thể là các bác sĩ chẩn đoán hình ảnh sẽ không mất việc vì trí thông minh nhân tạo. Nhưng vai trò của họ sẽ được định nghĩa lại. Khi trí tuệ nhân tạo có thể thay thế một phần nhiệm vụ chẩn đoán y tế, con người sẽ được “di rời” tới các nhiệm vụ khác, mà cần tới trí thông minh thực sự của con người.
Bởi vậy các bác sĩ sẽ không phải lo sợ về “sự nổi dậy” của trí thông minh nhân tạo, nhưng họ phải học được cách thích ứng với điều đó.
Tham khảo Businessinsider, JAMA