Thơ về ẩm thực
Thơ ngày Xuân luôn được coi trọng, nay nhân ngày Tết bàn về thơ ẩm thực.
Các nhà thơ cổ kim đông tây viết về rượu đều rất hay (Thảnh thơi thơ túi rượu bầu – Nguyễn Công Trứ; hay Trăm năm thơ túi rượu vò/ Nghìn năm thi sĩ, tửu đồ là ai – Tản Đà, hoặc Gặp nhau là nhớ mùi rượu Hiếu – Nguyễn Trọng Tạo), nhưng lại ít làm thơ về các món ẩm thực trong cuộc sống.
Âu thứ gì thân thuộc với cuộc sống con người cũng đều là chất liệu thơ cả, nhưng rượu có lẽ dễ gửi gắm tâm trạng hơn các món ăn. Thơ về ẩm thực khó viết vì ai lại đi đưa chuyện ăn uống trần tục vào thơ! Nói thế, nhưng thơ về ẩm thực nhiều đến độ có thể xuất bản thành một tuyển tập!
Cao Bá Quát, thời làm quan ở Huế giữa thế kỷ XIX, một chiều trên con đò Sông Hương, đậu bến chợ Đông Ba, cùng bạn bè thưởng thức một món Huế rất đặc biệt, nhớ đời. Đó là món sanh cầm (bắt sống), tức bắt con cá diếc nhỏ đang bơi trong chậu, cuộn vào bánh tráng nhúng với các loại rau, gia vị rồi chấm tiêu muối, làm mồi uống rượu.Vào miệng rồi con cá còn ngọ nguậy! Chưa ăn thì sợ, nhưng ăn rồi thấy ngon, thấy khoái, thấy bữa rượu tri âm đầy cảm kích. Thế là có thơ:
Tú hà phong tiếp giải ngao phong
Lan thú hành ca mộ thị dông
Tiếu thố bồn tiên đại như chỉ,
Ngũ bôi tam khẩu dĩ nang không
(Hương Giang tạp vịnh, bài 8).
(Thái Trọng Lai dịch nghĩa: Gió tôm thêu tiếp gió cua rùa/Người lái ghìm thuyền vừa làm vừa hát chỗ chợ Đông Ba vào phiên chiều/Cười đưa ra chậu cá tươi (con) lớn bằng ngón tay/(Chỉ) năm chén (rượu) ba cuốn bánh đã rỗng túi)
Tản Đà cũng là nhà thơ viết nhiều về Thú ăn chơi. Ông ca ngợi các món ẩm thực miền Trung, Nam, Bắc: Hà tươi cửa biển Tu-ran/Long Xuyên chén mắm, Nghệ An chén cà/Sài Gòn nhớ vị cá tra/Cái xe song mã, chén trà Nhất Thiên/Đa tình con mắt Phú Yên/Hữu tình rau bí ông quyền Thuận An… (Nhất Thiên là một tiệm cao lâu ở Sài Gòn xưa; Ông quyền Thuận An là người lính gác Trần Hải quan cửa Thuận An).
Các nhà thơ Việt Nam thời hiện đại cũng có nhiều người viết về ẩm thực. Nhà thơ Võ Quê có cả chùm thơ về các món ăn nổi tiếng của Huế như Cơm hến, Bánh bèo, Bánh nậm, Bánh bột lọc, Bánh phu thê… “Đã nghe ớt đỏ cay nồng/Tìm trong vị hến một dòng Hương xanh/Ruốc thơm, cơm nguội, rau lành…/Mời anh buổi sáng chân thành món quê” (Cơm hến).
Có nhà thơ có câu thơ rất hình tượng về món cá dìa hấp của Huế: “Cá dìa đầy đĩa trăng đơm”. Về tình quân dân trong kháng chiến, Hồ Vi có bài thơ “Lời quê”, trong đó có đoạn nói về món ăn đồng quê rất cảm động:
Chị ơi! đem dũi ra ngoài ruộng
Kiếm ít đam cua chút của đồng
Thêm đôi ba miếng anh em đỡ
Của nhà quê kiểng buổi thu đông
Nhà thơ Phùng Quán xưng tụng ẩm thực Việt rất giỏi! Ông viết về món Cà Gióng “…Ăn hết bảy nong cơm/Ba nong cà/Chú bé không cha/Làng Phù Đổng/Vươn vai đứng dậy thành Thánh Gióng/Người-cứu-nước-khổng-lồ”, rồi “Cà Nghệ thịt giòn ruột đặc…/Muối một vại cà/ăn một năm…/Bù đi bù lại/Đánh hai đế quốc to/Hết hai chục vại cà!”. Món cà muối trong thơ Phùng Quán là biểu tượng của sức mạnh thần kỳ Việt Nam. Trong bài thơ Tự Vấn, cũng viết về ẩm thực, Phùng Quán tự cật vấn: “Tôi có quyền gì được no hơn nhân dân tôi một miếng ăn?!”. Đó chính là đạo lý ẩm thực Phùng Quán!
Ở Huế còn lưu truyền một cuốn sách dạy nấu ăn bằng thơ, rất hy hữu! Đó là cuốn Thực phổ bách thiên của bà Trương Thị Bích, con dâu nhà thơ Tùng Thiện Vương Miên Thẩm, viết từ thế kỷ thứ XIX. Anh Hoàng Phủ Ngọc Tường tặng tôi một bản phôtô sách tái bản tại Hà Nội thời Pháp thuộc. Sách quý ở chỗ, dạy nấu 100 món Huế (từ các món cung đình như nem công chả phụng đến các món bình dân rau dưa mắm) lại được soạn bằng thơ tứ tuyệt. Cả đề từ, lời tựa, phần tổng luận cũng bằng thơ tứ tuyệt. Một món chỉ bốn câu thơ, thế mà có thể đọc và thực hành nấu ăn được. Lời tựa sách do mẹ chồng đề, cũng bằng thơ, nêu được một triết lý văn hoá ẩm thực:
Một miếng ăn ngon tiếng để đời!
Bắt chước bà gia thuở dọn xơi
Làm thành thực phổ dạy cho người
Dâu, con, cháu, chắt coi mà học
Một miếng ăn ngon tiếng để đời
Vào sách, có bài Tổng luận rất đắc dụng cho nghề nấu ăn: Có khi cá thịt, có khi rau/Nấu nướng, chiên, xào phải đủ màu (tức gia vị)/Trong sạch là gương, tùy mặn lạt/Dẻo dai cơm chín chủ làm đầu. Cuốn sách còn có bài thơ viết về nguyên tắc sử dụng gia vị: Canh bầu mùi thích lá hanh hao/Cho biết rau hành bỏ bí đao/Hầm mít lại ưa sân với lốt/Bí ngô thời phải tỏi gia vào. Chúng tôi xin giới thiệu ba bài thơ về ba món. Còn bạn đọc muốn có nhiều bài, người viết bài này sẽ xin cung cấp.
Tôm chua
Tôm tươi phèn rửa bớt đầu đuôi
Muối, rượu say sưa để một hồi
Ớt, tỏi, măng, riềng, xôi đủ vị
Trộn đều, gài chặt ấy là rồi!
Nướng đuôi cừu
Đuôi cừu khéo ướp thịt thơm giòn
Vắt nước gừng vừa, nghệ, sả non
Nước mắm hành tiêu đường trộn bóp,
Vài giờ sẽ nướng thấm thêm ngon
Canh rau cải
Thịt béo mau nhàm, đổi cải canh
Rau non nấu khéo cũng ngon lành
Tôm gân, ruốc khuyết hoà chung một
Lóng (lọc) nước nêm vào nếm ngọt thanh
Thật là một cuốn sách tài tử và chuyên nghiệp, có thể lưu truyền muôn đời. Mới hay ẩm thực cũng là “đề tài” nhiều xúc cảm đối với nhà thơ lắm lắm!