Thợ nề ở quê

Tết ra, sau những ngày lễ hội, mùa xây dựng lại tiếp diễn. Các đội thợ nề quê tôi lại lỉnh kỉnh dụng cụ, phương tiện, xe, máy toả đi nhận việc, triển khai các hợp đồng. Mùa xây dựng diễn ra tứ thời và sôi động khắp nơi, bất kể mùa khô, mùa mưa hay những tháng đông giá rét. Nhiều ngôi nhà phải thi công qua 2 năm. Có đội thợ làm tới ngày giáp Tết mới rửa dao bay…

Ngôi nhà mới của một nông dân ở xã Cẩm La.

Ngôi nhà mới của một nông dân ở xã Cẩm La.

Trước đây, chỉ cần chiếc dao xây, chiếc bay, cây thước… người thợ đã vào những công việc xây trát đơn giản như dựng ngôi nhà cấp bốn ba gian hoặc năm gian, dựng khu nhà kho HTX, làm căn bếp, chồng cái chuồng lợn, cái cổng ngõ, bờ tường… bằng gạch xỉ vôi, gạch chỉ lò thủ công. Một thời các loại gạch xỉ vôi Đò Chanh, Uông Bí thịnh hành làm vật liệu chính, thợ chỉ xây một thời gian ngắn đã xong một công trình.

Nay trong nhịp điệu phát triển mới của nông nghiệp nông thôn, công trình xây dựng và nghề thợ nề ở quê cũng khác xưa rất nhiều, với những con đường lát bê tông, những ngôi nhà cao tầng, biệt thự, trường học, trụ sở… Các khu dân cư tự xây mở ra khắp làng trên, xóm dưới. Nhu cầu xây dựng ngày một tăng. Vật liệu xây dựng toàn loại cao cấp: Gạch ngói Yên Hưng, Giếng Đáy, Hạ Long, gạch ngoại, đá ốp lát… Xi măng thì đủ các hãng Hải Phòng, Hoàng Thạch, Lam Thạch, Cẩm Phả… Sắt thép có Thái Nguyên, Việt Úc, Hoà Phát… Các tốp, các đội thợ xây dựng phải trang bị thêm nhiều loại công cụ và máy móc: Tời quay, máy trộn bê tông, máy đầm, máy cưa, máy khoan cắt… Xe ô tô vận chuyển nguyên vật liệu đổ tận chân công trình cùng giàn giáo, cốp pha, sắt thép ùn về các khu dân cư. Xe ủi, máy xúc, máy cẩu vào đến tận chân móng, san gạt mặt bằng.

Những năm sau chiến tranh, cha tôi xây một ngôi nhà khá to để chăn nuôi trâu bò, gà lợn, chúng tôi phải thức khuya dậy sớm gánh gạch, chở vôi cát, đánh vữa để sáng ra kịp có việc cho thợ đến xây. Chi li nhặt nhạnh từng chút vữa rơi vãi, gom vào đánh lại. Thuở ấy hiếm xi măng, được phân phối bao xi măng Rồng Vàng Hải Phòng, xi măng Yên Cư là quý giá lắm. Còn chủ yếu đánh vữa bằng vôi cát thật nhuyễn “nhão cứt cò”. Rắc tí xi măng cũng phải từ từ như người rắc men ủ rượu. Rồi còn lo đóng bè tre, lát gỗ, chuốt dây mây dây chão buộc giàn giáo chắc chắn để thợ có chỗ đứng xây lên cao. Cách đây hơn chục năm, anh bạn tôi làm thợ xây ở Phong Cốc từng bị ngã giàn giáo, tấm bê tông còn non đổ ập xuống đè gẫy lưng. Anh thành người tật nguyền đến bây giờ, không lao động được nữa. Ngày nay xi măng tràn ngập. Nhà nào, công trình nào cũng xây bằng vữa xi măng, đổ bê tông cốt thép. Chủ thợ chả phải lo thiếu vữa, dè xẻn như ngày xưa. Nhà cao đến đâu cũng có giàn giáo đưa nguyên vật liệu lên tới đó.

Những năm cuối thế kỷ trước, cả làng tôi chỉ có anh em, chú cháu nhà ông phó Quý, phó Khanh cả đời làm nghề thợ nề xây nhà cửa, cầu cống cho làng. Sau này các con cháu cũng theo nghề và lập các tổ thợ làm ăn được, tay nghề cao bay xa hàng xã. Ở Hải Yến một thời nổi tiếng nhiều đội thợ khéo như đội cụ phó Thiệp, cụ phó Tắc, ông phó Ấm, phó Đến, phó Phàng… Liên Hoà có cha con cụ phó Cao, phó Nhai… Liên Vị có đội thợ phó Cánh từng để lại những ngôi nhà tân khoa to đẹp nổi tiếng…

Đội thợ nề của anh Nguyễn Minh Phượng đã “cắm chốt” ở TX Quảng Yên từ hơn 10 năm nay.

Đội thợ nề của anh Nguyễn Minh Phượng đã “cắm chốt” ở TX Quảng Yên từ hơn 10 năm nay.

Trong trào lưu “làng hoá phố”, phố nâng cấp, đô thị và làng quê nơi nơi phát triển, cư dân ai cũng muốn có ngôi nhà khang trang, cao tầng thoáng mát. Dân vùng biển quê tôi, để chống chọi với thiên nhiên khắc nghiệt, bão gió dữ dằn, nhà cửa thường phải lo chắc chắn, vững bền. Các công trình phúc lợi, hạ tầng cơ sở nông thôn phát triển; rồi các nghĩa trang nhân dân la liệt, thi nhau xây lăng mộ… Biết bao nhu cầu của cuộc sống cần đến thợ nề. Trên đà đó, những năm gần đây đội ngũ thợ nề bung ra rất mạnh. Mỗi năm lại thêm nhiều đội, nhiều công ty xây dựng ra đời để đáp ứng nhu cầu. Nghề thợ nề ở quê trở thành một nghề thu hút nhiều lứa tuổi lao động, đặc biệt là các độ tuổi trẻ khoẻ từ 20 đến 40 và bổ sung thêm việc làm cho các độ tuổi từ 50-60. Chị Vũ Thị Dơi ở xóm tôi, gần 40 tuổi nhờ chuyên đi phụ vữa cho thợ mới có tiền trang trải và nuôi hai đứa con ăn học.

Cùng với các thứ khác, vật liệu xây dựng ngày một tăng giá. Nông dân chóng mặt và ngộp thở trước tình hình xây dựng hiện nay. Công thợ nề cũng từ đó mỗi lúc một tăng lên. Ở quê, từ chỗ làm công nhật, “tiền trao cháo múc”, bây giờ hầu hết các đội thợ đều nhận khoán gọn cả công trình. Công nhật chênh chao từ 200.000 đến 220.000đ, công phụ vữa từ 120-150.000đ/công. Công khoán trọn gói, bóc tách phần sơn quét trang trí, điện nước, giá từ 850.000đ đến 900.000đ/m2. Nhà biệt thự công tới 1 triệu đồng/m2. Được một ngôi nhà hai tầng hoặc biệt thự, riêng tiền công thợ nề mất tới 200-300 triệu đồng chứ không ít. Cách đây ba, bốn năm, làm một ngôi nhà cấp bốn mất từ 150 đến 200 triệu đồng; nhà cao tầng từ 300-500 triệu đồng, nay lên tới 700 triệu, thậm chí còn tới 1,2 tỷ hay hơn nữa…  

Các công trình xây dựng ở quê thường luôn biến động trong tình trạng vừa thi công vừa thiết kế, không bản vẽ, không đồ án, quy hoạch gì cả. Sư tuỳ chủ. Thuận mắt ta ra mắt người. Thợ khéo lựa chiều theo ý chủ. Nhà nọ theo mốt hoặc cải tiến theo mẫu nhà kia. Mỗi nhà thêm bớt một kiểu. Mỗi đội thợ một cách “mô đi phê” kiến trúc. Trình độ tay nghề không phải đội nào cũng ngang nhau. Rất hiếm các ông thợ, các đội thợ qua đào tạo lý thuyết và thực hành trong các trường lớp đào tạo ngành nghề xây dựng chính quy. Những người này chỉ học qua thực tế công việc. Ngoài những gia đình cha truyền con nối, chỉ cần cầm con dao, chiếc bay xây đặt gạch, trát tường, qua ngày qua tháng quen tay, người dân đã gọi họ là thợ nề. Trong số đó nhiều thanh niên thi trượt THPT, thi trượt đại học, cao đẳng. Nhiều người từ lính xuất ngũ về không tìm được việc làm trong các cơ quan xí nghiệp. Có người đang làm ngoài sông biển, đang theo trâu cày trên ruộng, bạn bè rủ đi phụ vữa làm thêm… cũng thành thợ nề. Có người tự xây cái cổng ngõ, cái nhà bếp, quen tay, thấy làm được, sống được và cả thấy yêu nghề… cũng thành thợ nề. Ông em thấy ông anh xây trát kiếm được cơm nuôi vợ con, liền theo phụ mấy ngày… rồi cũng thành thợ nề! Anh Sử – một thợ nề chỉ chuyên xây các nhà công trình phụ và xây mộ chí các nghĩa trang, theo anh thì đây là những công trình vừa sức. Anh thổ lộ: Mình không xin đâu được việc thì đành ở nhà xúc vữa đặt gạch, cốt sao có công ăn việc làm cùng vợ con ấm giường ấm chiếu… 

Không kiến thức kiến trúc xây dựng gì, họ vẫn nghiễm nhiên thành thợ nề hành nghề trong dân gian và dân gian sẵn sàng mời gọi, đón rước: Cả đời làm ăn, mấy khi có thợ đến nhà! Thợ nề tại chỗ ở làng không kham nổi việc, đã có đội ngũ thợ nề (cũng tương tự hoàn cảnh như vậy) từ các nơi tứ xứ tham gia vào công cuộc xây dựng. Thanh niên từ Hải Dương, Bắc Giang, Bắc Ninh, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình… cũng từng nhóm từng đội về đây lập lán trại, thuê nhà trọ nhận việc. Buổi đầu còn lạ nước lạ cái, về sau họ đều là những nhóm, những đội cắm chốt được lâu dài. Họ sống trong hoàn cảnh tạm bợ, ăn uống kham khổ, ngày đi làm, tối về nghỉ ngơi lấy lại sức, hầu như không có, không tham gia một sinh hoạt văn hoá nào. Có chăng cũng chỉ xem nhờ chiếc ti vi của nhà chủ. Sống và làm việc trong môi trường lao động nặng nhọc, dầu dãi nắng sương, họ không có bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội. Ốm đau chỉ vài viên thuốc cảm, lọ dầu gió qua loa. Thỉnh thoảng mới có dịp về thăm quê, gia đình, vợ con. Cũng không hiếm người sa đà vào các tệ nạn xã hội.

Nhiều đội thợ nề bám trụ ở vùng Hà Nam, Quảng Yên đến hai, ba chục năm nay gần như thành quê hương của họ. Thực tế cũng không ít các “cai thầu” ăn nên làm ra, tạo công việc ổn định cho nhiều lao động, đời sống anh em thợ cũng được đảm bảo. Còn họ cũng mở mặt dần lên do tổ chức quản lý tốt, chất lượng công trình được dân hài lòng, ca ngợi. Những gia chủ khó tính thường tìm đến họ để kén tay nghề.

Các khu dân cư tự xây góp phần từng bước đổi mới diện mạo vùng quê Quảng Yên.

Các khu dân cư tự xây góp phần từng bước đổi mới diện mạo vùng quê Quảng Yên.

Anh Bùi Huy Tuyến ở Phong Hải trưởng thành từ những ngày tập tễnh phụ  xây. Xuất phát từ phong trào Đoàn Thanh niên vượt khó vươn lên lập nghiệp, anh đã đi học nghề tận Công Ty xây dựng 319 của Quân Khu Ba. Có kiến thức, có tay nghề, xác định đây là nghề tương lai phát triển và sống được, Tuyến về lo tổ chức các anh em có tay nghề thành lập Đội xây dựng ở quê. Tiếng lành đồn xa. Tuyến thu hút được nhiều lao động lành nghề. Đội của anh đã xây dựng được nhiều công trình nhà ở được nhân dân các phường xã tín nhiệm và giải quyết việc làm ổn định cho hàng trăm lao động… Giờ đây anh là một “Thủ lĩnh” của một đội xây dựng mạnh ở Quảng Yên. Nhớ ngày còn trứng nước, Tuyến từng tâm sự với tôi:

– Từ lâu tôi đã yêu thích nghề xây dựng. Buổi đầu vất vả lắm! Đêm nằm không yên. Bao giờ hình bóng ngôi nhà đang xây cũng hiện lên thôi thúc. Người dân chắt chiu dành dụm, bỏ ra tiền của ao ước một ngôi nhà, mình phải cố gắng xây đắp sao cho vừa đẹp vừa bền chắc, xứng với lòng tin. Quản lý phải luôn kiểm tra đôn đốc anh em thợ, cố gắng đảm bảo an toàn, không để xảy tai nạn lao động. Mỗi lần xong một ngôi nhà, ngắm nghía thành quả do công sức trí tuệ làm nên, càng thêm yêu quê hương mình và nghề xây dựng điểm tô cho cuộc sống nơi đây…

Nguyễn Văn Phượng cũng vậy. Phượng quê Ninh Giang (Hải Dương), về xã Cẩm La gây dựng sự nghiệp thợ nề đã hơn mười năm. Cần cù, chịu khó học hỏi, không ngừng cải tiến, nâng cao mẫu kiến trúc, anh luôn đi đầu gương mẫu trong mọi công việc nặng nhọc và quan tâm sát sao đời sống anh em. Anh chỉ nhận vừa kế hoạch để thi công đúng thời gian chứ không vượt quá sức. Phượng bảo: “Chữ tín là vàng, là thước đo người thợ xây!” Các đội thợ Nguyễn Văn Dinh, Dương Văn Bộ… đang là những đội thu hút được nhiều công trình. Dương Văn Bộ bộc bạch: “Năm nay cháu chỉ nhận 3 công trình nhà cao tầng và phấn đấu khánh thành đúng hạn với chất lượng tốt cho gia chủ…”.

Nhưng bên cạnh đó cũng không ít các nhóm, các đội thợ nề làm ăn thua lỗ, đổ vỡ. Nguyên nhân thì có nhiều. Nào do “thợ cả” hoặc “chủ thầu” thiếu trình độ văn hoá, trình độ nghề nghiệp, trình độ quản lý. Nào do tập hợp nhiều thợ non tay nghề, lơ là trách nhiệm hoặc mất đoàn kết, sinh thói chọn việc và lười biếng… Nhiều ông thợ cả còn nhận nhiều công trình cốt lấy thị trường, rải mành mành chạy sô, trốn tránh các công đoạn kỹ thuật. Có đội thợ còn do “thủ lĩnh” ham chơi, thả lỏng kỷ luật… Từ đó lâm vào tình cảnh “bốc mũi bỏ lái”, “bóc ngắn cắn dài”, gây ra những công trình chất lượng kém, dẫn đến mất uy tín… Không ít đội thợ đã bị chia đàn hoặc giải thể.

H. quê ở Hải Dương theo bạn về Quảng Yên làm nghề đã hơn 20 năm. Ban đầu chỉ làm thợ xây “ăn theo”. Sau tách ra về quê tuyển quân, lập nhóm riêng rồi thành một đội xây dựng cũng khá sầm uất. Làm ăn đang lên, từ chỗ “tay không bắt giặc” thành một thợ xây trát giỏi, H. đã cầm đầu một đội thợ “chinh đông dẹp bắc” với nhiều công trình được dân truyền tụng. Nhưng hiện giờ bất ngờ vỡ nợ. Nghe đâu H. chạy vào các tỉnh phía Nam tìm chốn làm ăn khác. Quân của H. bơ vơ, người về quê, kẻ tìm chủ mới. Được biết chỉ vì nhiễm thói ham chơi cờ bạc, H. “đang hiền lành, chịu khó là thế” bỗng thành kẻ “trỏ tay năm ngón” nhận việc bỏ đấy, mặc thợ ai nấy tự lo. Ban đêm thức trắng đỏ đen. Ban ngày làm việc mệt mỏi, chểnh mảng, khiến nhà chủ ta thán, công trình không đảm bảo tiến độ thi công và chất lượng sút kém… Tiếng tăm thợ H. khéo tay đành dừng lại ở những ngôi nhà năm ngoái.

Đã từng xảy trường hợp đội thợ nề nọ nhận việc, tạm ứng tiền xong, xuống móng được mấy ngày, chả hiểu vì sao đêm đêm lần lượt thợ lặng lẽ bỏ trốn. Khi nhà chủ phát hiện ra thì… thợ cả cũng đã cao chạy xa bay. Còn có những công trình nhà cao tầng trong dân do thiết kế và xây dựng vội vã, thiếu đồng bộ đã bị nghiêng lún hoặc sập đổ. Hiện ở Phong Cốc, Quảng Yên vẫn còn những ngôi nhà do xử lý móng và chất lượng kết cấu kém bị nghiêng chập vào nhau. Rồi nhiều vụ sập tường, sập sàn, sập mái đã từng xả ra, do bê tông dỡ non, do thợ vô ý chỉ gõ một nhát dao vào ô ánh sáng cửa sổ vừa xây xong.., Từ những non yếu, không được đào tạo quy củ của đội ngũ thợ, người dân quê đã có thể đếm đầu ngón tay những hiệp thợ nề đáng tin cậy.

Thợ nề ở quê với bao nỗi nhọc nhằn, vất vả. Thợ nề ở quê với bao sự thả nổi cùng bao điều bất cập. Các cấp chính quyền, các nhà quản lý các địa phương cần giúp đỡ họ, đầu tư, tổ chức họ được đào tạo bài bản để có những đội thợ, những công ty xây dựng lành nghề. Cần quản lý và tạo cho họ môi trường lao động ổn định lâu dài nhằm phục vụ cho phát triển cơ sở vật chất hạ tầng nông thôn đồng bộ, văn minh, bảo vệ môi trường sinh thái và xã hội…

Dẫu sao, nghề thợ nề đã và đang góp phần giải quyết công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động, Và họ đang là những người ít nhiều góp phần tạo nên diện mạo đổi mới và vẻ đẹp hôm nay của các làng quê.

Dương Phượng Toại