Thiếu triết lý giáo dục, nặng kiến thức hàn lâm
Không thu học phí trẻ mầm non, học sinh THCS công lập
Theo Dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) có hai chính sách mới đáng chú ý là: Nâng chuẩn trình độ giáo viên mầm non từ trung cấp lên cao đẳng sư phạm. Đồng thời, chính sách không thu học phí đối với trẻ em mầm non 5 tuổi, học sinh trung học cơ sở trường công lập và hỗ trợ đóng học phí cơ sở ngoài công lập đối với trẻ em, học sinh diện phổ cập. Về chính sách nâng chuẩn trình độ giáo viên mầm non các ĐB đánh giá là rất phù hợp.
Toàn cảnh phiên thảo luận.
Bởi vì giáo dục mầm non là cấp học đầu tiên trong hệ thống giáo dục quốc dân, đặt nền móng cho sự phát triển về thể chất, nhận thức, tình cảm xã hội và thẩm mỹ cho trẻ em. Việc nâng chuẩn giáo viên đồng nghĩa với việc sẽ nâng cao về trình độ chuyên môn của đội ngũ giáo viên ở cấp học này.
Mặt khác, điều này cũng phù hợp với thông lệ quốc tế. Về chính sách miễn học phí, có ý nghĩa nhân văn và thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với giáo dục – đào tạo trong đó có học sinh, đặc biệt là đối với học sinh công lập. Đây là những điểm nhấn của dự án Luật này.
Kiến thức quá hàn lâm!
Như LĐTĐ từng phân tích, não bộ của trẻ em giống như làn da non đang trong quá trình phát triển, mấu chốt đặt ra phải để não bộ các cháu tiếp thu bao nhiêu kiến thức là đủ, bao nhiêu kiến thức để não bộ các cháu phát triển bình thường; bao nhiêu kiến thức sẽ làm xơ hóa não bộ (vì hấp thụ dư thừa dẫn đến quá tải).
Muốn vậy, trong quá trình soạn thảo sách giáo khoa, kiến thức đưa vào sách giáo khoa Bộ Giáo dục- Đào tạo nên mời cả các bác sĩ (chuyên ngành não, thần kinh) và các chuyên gia tâm lý học… như thế mới hy vọng kiến thức học của các cháu được giảm nhẹ.
Liên quan đến giáo dục, một trong những vấn đề mà cả xã hội quan tâm đó là trong khi chúng ta đã hội nhập rất sâu rộng vào sân chơi toàn cầu, là thành viên của rất nhiều tổ chức, thì giáo dục của ta lại vẫn tụt hậu so với nhiều nước, còn độ khó kiến thức sách vở lại cao hơn cả nhiều nước, trong đó có những nước phát triển hơn chúng ta.
Chính vì thế, phát biểu tại thảo luận ở hội trường sáng nay, ĐB Cao Đình Thưởng (Phú Thọ) cho rằng, hiện nay chất lượng dạy học còn chưa cao, rất chậm đổi mới, như dạy kỹ năng sống, đào tạo làm người và hướng nghiệp. Chương trình sách giáo khoa hiện quá nặng, khó tiếp thu.
ĐB Thường nhấn mạnh: “Chúng ta hình như đang phức tạp hóa vấn đề đơn giản. Ví dụ học sinh lớp 1 chỉ cần đạt mục tiêu biết đọc, biết viết; học sinh Trung học chỉ cần học kiến thức phổ thông… Nhưng hiện nay, chúng ta đang hàn lâm hóa những kiến thức đó và những điều rất đơn giản trở thành rất phức tạp, rối rắm nên học sinh rất khó tiếp thu”.
Nguyên nhân của vấn đề này, theo ĐB Cao Đình Thưởng, vấn đề này có một phần nguyên nhân xuất phát từ người lớn. Đơn giản, người lớn nghĩ ra quá nhiều điều để nhét vào đầu óc non nớt của trẻ, làm cho việc học tập trở thành gánh nặng. Cạnh đó, do áp lực quá lớn, một bộ phận không nhỏ trẻ sợ học, không thích học và chán học.
Đặc biệt, tâm lý phụ huynh muốn con mình trở thành con nhà người ta nên bắt các cháu phải giỏi, giỏi toàn diện một cách quá sức, dẫn đến tâm lý hoang mang, hoảng sợ. Đây là một quan niệm hết sức sai lầm trong giáo dục, trái với năng lực và sở trường của trẻ em. ĐB Thưởng phân tích thêm, về nguyên tắc, dạy học là phải đánh giá qua thi cử.
Nhưng hiện nay thi cử trở thành áp lực và gánh nặng quá lớn và bị hiểu rất sai lệch. Từ mục tiêu học để làm việc, để làm người trở thành học để thi nhưng thi để làm gì thì không ai trả lời đúng, dẫn đến mất phương hướng, gây hoang mang và nhiều tiêu cực như thời gian qua.
Cần có thiết lý giáo dục
Liên quan đến triết lý giáo dục, ĐB Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) nêu quan điểm: Triết lý giáo dục vốn được xem là kim chỉ nam trong toàn bộ hoạt động giáo dục xây dựng trên 4 trụ cột chính: Đối tượng, mục tiêu, nội dung, phương pháp giáo dục. “Đặt vấn đề, từ triết lý giáo dục của các nước, không ít học giả, nhà nghiên cứu đặt câu hỏi vậy triết lý giáo dục của Việt Nam là gì? Liệu từ mục tiêu, nội dung, phương pháp được chế định trong dự án Luật lần này, soi rọi được gì để có thể khái quát thành triết lý giáo dục của Việt Nam?”- ĐB Nhân trăn trở.
Trong khi đó, cũng theo ĐB Nhân, nếu so sánh mục tiêu, nội dung và phương pháp của dự án Luật lần này với Luật Giáo dục được Quốc hội thông qua cách đây 20 năm, dường như không thay đổi gì nhiều. Đành rằng, các giá trị được xem là phổ quát phải được gìn giữ nhưng trong từng thời kỳ phát triển khác nhau, yêu cầu khác nhau đòi hỏi những trụ cột của triết lý phải được vận hành theo hướng đổi mới để phù hợp với thời cuộc, vì đầu ra của giáo dục chính là những con người quyết định sự hưng thịnh hay tồn vong của một quốc gia, dân tộc…
ĐB Nhân dẫn chứng, không hiếm trường hợp sinh viên ra trường không viết được nổi một văn bản hay nhiều doanh nghiệp than phiền khi phải tuyển dụng sinh viên vừa ra trường vào đơn vị. Dường như việc chưa dành nhiều thời gian để đào tạo kỹ năng mềm từ nhà trường và tính chưa tự giác của người học đã cho ra đời những sản phẩm giáo dục khó lòng đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng và xã hội. Việc cắp sách đến trường mới chỉ dừng lại ở nghĩa vụ mà chưa phải là niềm vui, niềm khao khát được hướng dẫn để tiếp cận kho tàng tri thức của nhân loại.
Vì vậy, các ĐB cho rằng không những luật ban hành để làm tốt chức năng quản lý, mà quan trọng hơn Luật Giáo dục phải làm sao hội tụ những tinh túy để nâng cao chất lượng đào tạo, tránh tình trạng học sinh học quá nhiều, quá khó mà kiến thức thì lại chẳng nhiều; Học quá nhiều nảy sinh mâu thuẫn vừa tốn tiền vừa hao gầy sức khỏe (đối với học sinh từ bậc tiểu học đến bấc phổ thông); học quá nhiều mà ra trường lại chưa đáp ứng được nhu cầu của xã hội.
L.Hà