Thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam đã đạt 16,6% GDP
Chiến lược tài chính đến năm 2030 vừa được Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái ký ban hành quy định nhiều mục tiêu cụ thể, trong đó có việc dư nợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp đạt tối thiểu 20% GDP vào năm 2025. Tuy nhiên, kết thúc năm 2021, dư nợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam đã đạt 16,6% GDP.
Huy động vốn qua kênh chứng khoán tăng tốc mạnh mẽ
Quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp tăng bình quân 46%/năm trong 5 năm gần đây
Báo cáo về thị trường trái phiếu của SSI cho biết, tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) năm 2021 đạt 723 nghìn tỷ đồng. Theo đó, quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp tăng bình quân 46%/năm trong 5 năm gần đây và đã chiếm 16,6% GDP của Việt Nam.
Quy mô thị trường TPDN tăng mạnh từ 4,93% GDP (2017) lên tới 16,6% GDP (2021). SSI cho rằng, dù kênh tín dụng vẫn là kênh huy động vốn chính của các doanh nghiệp nhưng kênh chứng khoán đang tăng tốc mạnh mẽ, quy mô thị trường cổ phiếu và TPDN tăng nhanh từ mức 68% (2020) lên mức tương đương 88% (2021) so với tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế. Sự tăng trưởng này phù hợp với định hướng phát triển thị trường vốn, giảm sự phụ thuộc của doanh nghiệp vào tín dụng ngân hàng của cơ quan quản lý.
Dự báo nhu cầu đầu tư còn lớn và mặt bằng lãi suất trái phiếu doanh nghiệp còn hấp dẫn, SSI cho rằng, thị trường trái phiếu doanh nghiệp năm 2022 còn khả năng tăng tốt. Tuy nhiên, những thay đổi về quy định pháp lý, cụ thể là dự thảo sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP đối với phát hành trái phiếu riêng lẻ và Thông tư 16/2021/TT-NHNN quy định việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán TPDN có thể tác động mạnh đến thị trường.
Theo SSI, dự thảo sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP ngoài việc quy định chi tiết hơn về trách nhiệm công bố thông tin, hoạt động lưu ký tập trung, điều kiện đăng ký/ thay đổi/hủy bỏ giao dịch trên Sở giao dịch chứng khoán… để phát triển thị trường thứ cấp, còn đưa ra một số điểm sửa đổi bổ sung quan trọng, có thể tác động mạnh đến thị trường TPDN. Cụ thể bổ sung các yêu cầu sau:
• Doanh nghiệp không được phát hành trái phiếu để góp vốn dưới mọi hình thức, mua cổ phần, mua trái phiếu của doanh nghiệp khác, hoặc cho doanh nghiệp khác vay vốn.
• Trường hợp phát hiện doanh nghiệp phát hành sử dụng tiền thu từ phát hành trái phiếu không đúng mục đích tại phương án phát hành trái phiếu hoặc cam kết với NĐT thì NĐT yêu cầu doanh nghiệp phát hành trái phiếu mua lại trái phiếu trước hạn.
• Yêu cầu có xếp hạng tín nhiệm đối với doanh nghiệp phát hành trái phiếu và trái phiếu phát hành trong trường hợp phát hành trái phiếu cho NĐT chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân, phát hành trái phiếu không có TSĐB, không có bảo lãnh thanh toán, doanh nghiệp phát hành có kết quả kinh doanh của năm liên trước năm phát hành lỗ hoặc có lỗ lũy kế tính đến năm phát hành.
SSI cho rằng, việc siết cứng quy định về mục đích phát hành với dòng vốn trái phiếu (thường dài 3-5 năm) cũng có thể khiến doanh nghiệp phải cân nhắc lại về kênh gọi vốn này
Theo SSI, các TPDN có mục đích sử dụng là góp vốn hay không có tài sản đảm bảo (TSĐB)/bảo lãnh thanh toán không phải là ít. Các quy định trên nếu có hiệu lực sẽ giảm bớt đáng kể cơ hội huy động vốn trái phiếu của các doanh nghiệp.
Ngoài ra, việc siết cứng quy định về mục đích phát hành với dòng vốn trái phiếu (thường dài 3-5 năm) cũng có thể khiến doanh nghiệp phải cân nhắc lại về kênh gọi vốn này.
Cùng với đó, Thông tư 16/2021/TT-NHNN quy định việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán TPDN đã chính thức có hiệu lực từ 15/01/2022. Trong đó một số quy định siết chặt hơn như TCTD chỉ được mua trái phiếu của tổ chức phát hành không có phát sinh nợ xấu trong 12 tháng gần nhất (tại tất cả các TCTD); không được mua lại TPDN chưa niêm yết đã bán và/hoặc trái phiếu phát hành cùng lô/đợt với trái phiếu đã bán trong vòng 12 tháng; không được bán TPDN cho các công ty con. Theo định hướng, các NHTM sẽ tập trung vào kênh tín dụng ngắn hạn và TPDN sẽ là kênh huy động vốn vay trung và dài hạn của doanh nghiệp; việc các NHTM cấp tín dụng cho doanh nghiệp thông qua đầu tư TPDN cũng sẽ hạn chế hơn.
Trong cuộc chia sẻ mới đây về tương lai TTCK năm 2022, TS. Vũ Bằng, nguyên Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nhận định, kênh trái phiếu riêng lẻ giúp các doanh nghiệp, ngân hàng huy động được hàng trăm nghìn tỷ đồng vốn năm 2021 là rất đáng trân trọng, không nên phủ nhận và không quá ngại rủi ro. Chính sách phát triển thị trường vốn nên theo hướng tăng cường minh bạch và chỉ nên chặn đúng chỗ có rủi ro để tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp huy động vốn.
TS. Vũ Bằng gợi ý, với doanh nghiệp phát hành không có tài sản đảm bảo, quy định pháp lý chỉ nên cho phép doanh nghiệp huy động một tỷ lệ nhỏ trên vốn chủ sở hữu; quy định việc phát hành cho một lượng nhà đầu tư nhất định và kỳ hạn trái phiếu ngắn… Quy định cũng nên từng bước buộc doanh nghiệp phải xếp hạng tín nhiệm, để nhà đầu tư biết rõ hơn cơ hội và rủi ro trước khi quyết định rót vốn. “Chính sách chỉ nên kiểm soát những chỗ rủi ro và thúc đẩy tính minh bạch, chứ không nên chặn quá chặt, sẽ làm mất cơ hội lớn lên của rất nhiều doanh nghiệp, nhất là các tổ chức tài chính, các công ty chứng khoán”, ông Bằng nói.
Chủ thể tham gia thị trường trái phiếu đang thay đổi
Các ngân hàng đang thu hẹp vai trò ở cả khía cạnh tổ chức phát hành và nhà đầu tư trên thị trường TPDN
Điểm mới nữa đến từ thay đổi pháp lý là việc quy định xếp hạng tín nhiệm sẽ là yêu cầu bắt buộc trong tương lai đối với một phần các đợt phát hành trái phiếu. Cụ thể, theo Luật Chứng khoán 2019 và Nghị định 155/2020/NĐ-CP, các tổ chức phát hành hoặc trái phiếu chào bán ra công chúng phải được xếp hạng bởi tổ chức xếp hạng được Bộ tài chính cấp phép trong các trường hợp:
Tổng mệnh giá trái phiếu huy động trong mỗi 12 tháng >500 tỷ đồng và >50% vốn chủ sở hữu; hoặc (2) Tổng dư nợ trái phiếu theo mệnh giá tính đến thời điểm đăng ký chào bán lớn hơn 100% vốn chủ sở hữu. Quy định này có hiệu lực từ 1/1/2023. Dự thảo sửa đổi Nghị định 153 cũng yêu cầu bắt buộc xếp hạng tín nhiệm đối với một số trường hợp phát hành trái phiếu.
Báo cáo của SSI cũng cho biết, các ngân hàng đang thu hẹp vai trò ở cả khía cạnh tổ chức phát hành và nhà đầu tư trên thị trường TPDN cho thấy sự tăng trưởng thực chất của thị trường này với định hướng dần trở thành kênh dẫn vốn trung và dài hạn thay thế cho kênh tín dụng.
Trong năm 2021, các hình thức phát hành đa dạng hơn, nhà đầu tư nước ngoài gia tăng sở hữu TPDN Việt Nam. Các trái phiếu phát hành năm 2021 có kỳ hạn bình quân ngắn hơn 0,4 năm và lãi suất bình quân giảm 111bps. Trái phiếu Bất động sản vẫn là nhóm có lãi suất hấp dẫn nhất thị trường, bình quân là 10,4%/năm. Trái phiếu đảm bảo (một phần/toàn bộ) bằng cổ phiếu và trái phiếu không có tài sản đảm bảo chiếm 53% tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp phi tài chính phát hành năm 2021.
SSI cũng chỉ ra rằng, nhà đầu tư nước ngoài đang gia tăng sở hữu TPDN Việt Nam. Trong năm 2021, các NĐTNN mua tổng cộng 48,2 nghìn tỷ đồng TPDN sơ cấp, tăng 288% so với lượng mua năm 2020. Nếu loại trừ số trái phiếu phát hành quốc tế, số trái phiếu phát hành nội địa NĐTNN mua năm 2021 là 8 nghìn tỷ đồng – tăng 80% so với 2020. Mặc dù lượng mua của NĐTNN vẫn khá nhỏ bé, chỉ chiếm 6,7% lượng phát hành cả năm 2021 nhưng đã tăng đáng kể so với tỷ trọng chỉ 2,7% trong năm 2020 cho thấy sức hấp dẫn của thị trường này trong mắt các NĐTNN cũng đang tăng lên.
Về lãi suất, trái phiếu bất động sản vẫn là nhóm có lãi suất hấp dẫn nhất thị trường (10,3%-10,6%), trong bối cảnh mặt bằng lãi suất giảm thấp. Một số doanh nghiệp BĐS phát hành trái phiếu lãi suất cao nhất thị trường (12-13%/năm) là CTCP Phát triển BĐS Phát Đạt, CTCP Hoàng Phú Vương, CTCP Osaka Garden, CTCP Galatic Group, Cty TNHH Đầu tư Bất động sản Unity… Nhu cầu huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp BĐS ngày càng tăng do khó tiếp cận tín dụng ngân hàng hơn. Số lượng các doanh nghiệp BĐS phát hành tăng từ 141 doanh nghiệp năm 2020 lên 193 doanh nghiệp trong năm 2021. Để hấp dẫn nhà đầu tư khi mà chất lượng tài sản đảm bảo không cao, nhóm này phải duy trì lãi suất phát hành tốt hơn các nhóm khác.
Toàn cảnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp 2021
Năm 2025, quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 100% GDP; dư nợ thị trường trái phiếu tối thiểu 47% GDP
Quyết định số 368/QĐ-TTg ngày 21/3/2022 phê duyệt Chiến lược tài chính đến năm 2030 đặt ra mục tiêu phát triển thị trường chứng khoán ổn định, hoạt động an toàn, hiệu quả, có cơ cấu hợp lý, cân đối giữa thị trường tiền tệ với thị trường vốn, giữa thị trường cổ phiếu với thị trường trái phiếu và thị trường chứng khoán phái sinh.
Đến năm 2025, quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 100% GDP; dư nợ thị trường trái phiếu đạt tối thiểu 47% GDP, trong đó dư nợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp đạt tối thiểu 20% GDP. Đến năm 2030, quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 120% GDP, dư nợ thị trường trái phiếu đạt tối thiểu 58% GDP, trong đó, dư nợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp đạt tối thiểu 25% GDP.
Quyết định cũng đặt mục tiêu đến năm 2025, hoàn thành nhiệm vụ sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước. Đến năm 2030, củng cố, phát triển một số tập đoàn kinh tế nhà nước có quy mô lớn, hoạt động hiệu quả, có khả năng cạnh tranh trên thị trường khu vực và quốc tế trong một số ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế.