Thị trường bia, nước giải khát dịp áp Tết: Rầm rộ khuyến mãi, giảm giá

Hiện nhiều nhà kinh doanh bia, nước giải khát chạy đua khuyến mãi. Tuy nhiên, có sự chênh lệch lớn về giá và tỷ lệ khuyến mãi giữa các điểm bán.

Sự chênh lệch lớn về giá và tỷ lệ khuyến mãi 

Theo Tuổi Trẻ, thay vì tăng giá bia, nước giải khát dịp cận Tết như thường thấy vào các năm trước, hiện nhiều nhà kinh doanh phải chạy đua khuyến mãi. Tuy vậy, có sự chênh lệch lớn về giá và tỷ lệ khuyến mãi giữa các điểm bán.

Theo ghi nhận, khuyến mãi rầm rộ nhất trong các nhà bán lẻ hiện nay là ở các trang thương mại điện tử và siêu thị. Ghi nhận ngày 25/12 tại nhiều cửa hàng Bách Hóa Xanh ở TP.HCM, bia Tiger loại thùng 12 lon (mỗi lon 500ml) từ 275.000 đồng giảm còn 255.000 đồng/thùng, bia Việt loại thùng 12 lon từ 135.000 đồng giảm còn 123.000 đồng, Strongbow mua 4 tặng 1.

Tương tự, tại nhiều siêu thị Co.opmart ở TP.HCM, bia Tiger (loại 24 lon) từ 374.500 đồng giảm còn 366.000 đồng/thùng, bia Larue từ 262.600 đồng/thùng giảm còn 199.000 đồng/thùng. Ngoài ra, theo một nhân viên đứng quầy ở siêu thị, từ đầu tháng 1-2023 sẽ áp dụng giảm giá cho thương hiệu Heineken. Một số siêu thị khác như MM Mega Market, Emart… cũng đang áp dụng giảm giá cho nhiều loại bia nhưng mức giảm thấp hơn (phổ biến chỉ khoảng 3-8%).

Ngoài bia, nhiều sản phẩm nước giải khát cũng đang được giảm giá và khuyến mãi. Cụ thể, tại các siêu thị ở TP.HCM, nhiều sản phẩm của Coca-Cola giảm từ 10.000 – 24.000 đồng/thùng kèm tặng quà cho khách.

Xu hướng thị trường - Thị trường bia, nước giải khát dịp áp Tết: Rầm rộ khuyến mãi, giảm giá

Thay vì tăng giá bia, nước giải khát dịp cận Tết như thường thấy vào các năm trước, hiện nhiều nhà kinh doanh phải chạy đua khuyến mãi. Ảnh minh họa từ internet 

Tương tự, trên các trang thương mại điện tử như Shopee, Lazada…, nhiều nơi bán cũng rầm rộ giảm giá từ 10 – 30%, thậm chí 50%, cho nhiều thương hiệu nước giải khát như Mirinda, Coca-Cola, Vĩnh Hảo, Bidrico…

Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện thương hiệu Bidrico (TP.HCM) cho biết các tháng trước đơn vị đã cho tăng 5-8% giá bán đối với một số sản phẩm nước giải khát, thức uống bổ dưỡng do đầu vào tăng. Tuy nhiên, vào thời điểm giáp Tết, giá bán đang được giữ ổn định, thậm chí nhiều ưu đãi.

Trong khi đó, nhiều đơn vị kinh doanh cho biết, sau thời gian tăng nóng trong gần hai năm qua, giá bia các tháng trước Tết đã có xu hướng chững lại, thậm chí giảm là thực tế. Tuy vậy, do khác biệt chính sách về giá và lượng hàng nhập nên vẫn còn có sự chênh lệch lớn về giá bán giữa các điểm bán. Cụ thể, giá bia bán ra tại siêu thị thường thấp hơn các cửa hàng tạp hóa từ 5 – 15%, trong khi đó trên các trang mạng điện tử vẫn còn tình trạng khuyến mãi ảo.

Bà Nguyễn Bích Vân, chủ tạp hóa Bích Vân (quận Bình Thạnh), nhận xét dù giữ hay giảm giá nhưng tính ra giá nhiều loại bia Tết năm nay vẫn đang cao hơn khoảng 12% so với năm ngoái và 20 – 25% so với trước dịch Covid-19.

Dữ liệu và dự báo

Chia sẻ trên Pháp Luật TP.HCM tháng 5/2022, ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia Rượu Nước giải khát Việt Nam (VBA) cho biết, mức thuế Tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có cồn (bia, rượu) đã được điều chỉnh tăng dần qua các năm từ 50% năm 2015 đến nay 65%.

Song song đó, tác động dịch Covid-19 thời gian qua đã làm chuỗi cung ứng bị đứt gãy cộng thêm gần đây xung đột Nga – Ukraine đã làm giá các nguyên liệu cũng như chi phí logistics tăng phi mã. Vì vậy, từ quý II-2022 giá bia đã phải điều chỉnh tăng từ 15%-30%.

“Nếu chính sách thuế TTĐB được điều chỉnh tăng trong năm 2023 – 2025 thì dự kiến giá bia tiếp tục tăng cao hơn nữa so với hiện nay”, ông Việt nói.

Cũng theo ông Việt, do ảnh hưởng dịch Covid-19, sản xuất ngành bia năm 2020 giảm 14% so với năm 2019. Năm 2021 sản lượng tiếp tục giảm 7,8% so với năm 2020. Tổng sản lượng tiêu thụ bia giảm hơn 20% so với năm 2019 tương đương giảm hơn 1 tỷ lít bia. Trong khi đó, theo Bloomberg lượng tiêu thụ bia ở Việt Nam năm 2020 ước giảm đến 25%.

“Sau khi trở lại trạng thái bình thường mới, các doanh nghiệp vô cùng khó khăn. Sản lượng sản xuất và tiêu thụ vẫn chưa thể phục hồi như trước do chi phí các nguyên liệu đầu vào tăng từ 20%- 50% chưa có dấu hiệu giảm. Bên cạnh đó là sự đứt gãy chuỗi cung ứng, thiếu nguồn nguyên liệu sản xuất…”, ông Việt nói.

Theo VBA, ngành đồ uống thúc đẩy các ngành du lịch, dịch vụ, thương mại phát triển, đóng góp lớn vào ngân sách nhà nước khoảng 60 ngàn tỉ đồng/năm. Các nhà máy sản xuất kinh doanh đồ uống có mặt ở 51 tỉnh thành và đóng góp ngân sách lớn cho các địa phương.

Đặc biệt, năm 2018 các nhà máy đóng góp ngân sách cao nhất cho TP.HCM hơn 23.000 tỉ đồng, cao thứ hai là Hà Nội hơn 4.800 tỉ đồng, tiếp đến là Đà Nẵng hơn 2.300 tỉ đồng…

Tuy nhiên, năm 2020 do ảnh hưởng dịch bệnh đóng góp cho ngân sách nhà nước của ngành bia rượu nước giải khát đã giảm 10.000 tỉ đồng.

 

Đào Vũ (T/h)