‘Thế giới di động’ và văn hoá kinh doanh

LTS: Đại dịch Covid-19 xảy ra ngoài mong muốn, Thế Giới Di Động và các chủ mặt bằng cần điều chỉnh quyền và nghĩa vụ hợp đồng của mình thế nào cho hợp lý, hợp pháp và nhất là cho “văn hoá”? Nhà nước có cần can thiệp trực tiếp trong trường hợp này hay không? VietTimes xin mở đầu việc bàn luận này bằng bài viết của tác giả Minh Tuấn.

Sự việc Công ty CP Thế Giới Di Động – chủ hệ thống Thế Giới Di Động/Điện Máy Xanh – đơn phương thông báo tới các đối tác sẽ không đóng/giảm tiền thuê mặt bằng trong thời gian ngừng kinh doanh do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và giãn cách xã hội đang gây chú ý đặc biệt trong dư luận. Ở góc độ pháp lý, đã có nhiều phân tích của giới luật sư và báo chí cùng cộng đồng mạng, ở bài viết này chúng tôi chỉ chủ yếu bàn luận từ góc độ văn hóa, hiểu như là cách thế ứng xử nhân văn của con người trong một xã hội.

Thế Giới Di Động được thành lập vào tháng 3/2004 với 3 cửa hàng nhỏ ở TP. HCM, năm 2007 đã lên 40 cửa hàng, năm 2012 là 220, đến 2018 lên đến con số 2.160 cửa hàng có mặt trên khắp 63 tỉnh thành của cả nước. Với doanh thu năm 2019 là 5,554 tỉ USD, Thế Giới Di Động (TGDĐ) ở vị trí thứ 59 châu lục và lần thứ 3 liên tiếp là đại diện duy nhất của Việt Nam góp mặt trong top 100 nhà bán lẻ lớn nhất châu Á – Thái Bình Dương (dẫn theo thegioididong.com).

Như vậy, có thể nói TGDĐ đã thành công lớn trên thị trường, trở thành một biểu tượng khởi nghiệp ở Việt Nam trong 2 thập niên đầu của thế kỷ 21. Tất nhiên có nhiều yếu tố đã làm nên một TGDĐ như chúng ta từng được thấy, trong đó chắc chắn có việc xây dựng thành công văn hóa bán hàng chuyên nghiệp và đẹp.

Điểm qua vài nét. Những ai tới cửa hàng TGDĐ đều sẽ thấy một phong cách giao tiếp rất khác biệt, từ cách nhân viên của họ đặt tay lên ngực và cúi chào, đến sự lễ độ của người giữ xe. Nếu bạn để xe ngoài trời thì đừng lo, khi bước ra khỏi cửa hàng, chiếc yên của bạn đã được che mát chứ không phơi nắng đến phỏng rát như ở đa số nơi khác. Nhân viên sẽ dắt xe ra cho bạn và cúi chào khi bạn rời đi. Không bao giờ bạn thấy nhân viên của TGDĐ cau có và tỏ ra khó chịu, mà ngược lại luôn tươi cười, nó tạo một cảm giác dễ chịu, thân thiện, hòa ái rất đặc trưng. Những cái cử chỉ nho nhỏ như vậy đã góp phần không tầm thường trong việc làm ra một thương hiệu lớn.

Phong cách của những nhân viên TGDĐ đã khiến không ít người quan tâm tới xã hội học, văn hóa học hay thậm chí những vấn đề sâu xa về con người phải đặt câu hỏi và tìm kiếm kết luận. Qua TGDĐ, người ta thấy: ồ, con người Việt Nam hoàn toàn có thể thay đổi, trở nên văn minh, lịch sự, hiện đại; những lề thói của sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ, manh mún, tuỳ tiện thậm chí chộp giật hoàn toàn có thể gột rửa nếu được quản trị một cách thông minh, khoa học… Sự giáo dục không phải là điều gì quá khó để thay đổi một con người cũng như để làm ra một không gian văn hóa. TGDĐ là một gợi ý và bằng chứng rất sinh động cho hy vọng về một sự đổi thay văn hóa hoàn toàn có thể trở thành hiện thực trên một mức độ rộng lớn hơn mang tầm xã hội.

Tuy nhiên, những “khủng hoảng truyền thông” trong dịch Covid-19 ở năm 2021 này đang làm méo mó đi hình ảnh của một TGDĐ từng khá đẹp trong mắt cộng đồng. Đầu tiên là những thông tin về nâng giá thực phẩm giữa đại dịch trong các cửa hàng Bách Hóa Xanh (BHX), và bây giờ là đơn phương không trả tiền thuê mặt bằng. Lối hành xử này của TGDĐ gây bất bình sâu sắc. Một làn sóng tẩy chay liên quan đến BHX đã khiến công ty này mất đi hàng ngàn tỉ đồng doanh thu “chỉ sau một đêm”. Cung cách kẻ cả, trịch thượng và thiếu tôn trọng các đối tác mặt bằng được thể hiện trong “công văn” mà TGDĐ gửi đi song song với việc không trả tiền một lần nữa đẩy công ty này vào sự thất vọng, ác cảm của không ít người tiêu dùng.

Song song với quy tắc ứng xử bằng pháp luật là văn hóa giao tiếp của con người, cả hai phải được bảo đảm thì mới có thể xây dựng được thương hiệu bền vững và lớn mạnh lâu dài. TGDĐ đang tự làm “mất điểm” khi vi phạm vào cả 2 nguyên tắc này.

Đối với một doanh nghiệp thì niềm tin và thiện cảm của người tiêu dùng là tài sản lớn nhất. “Lấy lòng” công chúng không phải chỉ bằng các phép tính của ngành quản trị kinh doanh hay là chất lượng sản phẩm; như đã thấy, văn hóa mà TGDĐ từng xây dựng được là một giá trị chắc chắn đã đóng góp rất lớn vào doanh thu của công ty này.

Trên tất cả những “chiến lược giao tiếp” thì sự tử tế từ bên trong mới giúp con người cũng như doanh nghiệp nối kết, phát triển và thịnh vượng lâu dài được. Văn hóa là thứ phải trải qua quá trình lắng đọng, thành trầm tích, thành bản chất; nhưng văn hóa cũng có thể nhanh chóng bị hủy hoại.

Một tinh thần phụng sự có lẽ luôn cần có để song hành với khát vọng thành công về tài chính. TGDĐ đã mang đến những bài học thật sự giá trị về gây tạo và hủy hoại văn hóa. Trong bối cảnh xã hội Việt Nam đang rất cần những nền tảng giá trị cho cả hiện tại và tương lai mà ở đó kinh tế đóng vai trò nền tảng thì việc đầu tư cho văn hóa để làm nền tảng có lẽ hơn bao giờ hết cần được ưu tiên một cách nghiêm túc và xác lập vai trò thật rõ.

Văn hoá và văn hóa kinh doanh có thể xây dựng được và đem lại lợi lạc rất lớn – như trường hợp TGDĐ đã minh chứng; nhưng cũng như công ty này vừa cho thấy, văn hoá kinh doanh ngay cả khi đã giúp đạt được lợi lạc lớn về tiền bạc vẫn có thể đang còn là một cái gì đó chưa thật vững chãi, tức vẫn còn mong manh, thời vụ, vẫn có thể sứt mẻ, đổ gãy dễ dàng.

Khát vọng thành công tiền bạc cần phải đi kèm với khát vọng phụng sự, vì cộng đồng. Có lẽ đó là thứ điều kiện “không có không xong” có tính chất nền móng để từ đó xây nên một thứ văn hoá kinh doanh vững chãi, trường tồn, không dễ gì lung lạc, đổi dời.

Xã hội Việt Nam hơn nửa thế kỷ qua đã trải qua các mẫu hình tiêu biểu, từ con người quần chúng, rồi con người giai cấp và bây giờ là lúc phải hun đúc con người văn hóa. Ở đó, nói như nhà văn Nguyễn Khải: “Nói cho cùng, để sống được hàng ngày tất nhiên phải nhờ vào những giá trị nhất thời. Nhưng để sống cho có phẩm hạnh, có cốt cách nhất định phải nhờ vào những giá trị bền vững.”