Thấy hương bài, nhớ Tết xưa – BaoHaiDuong
Hương bài được nhiều gia đình sử dụng như một phần không thể thiếu trong Tết cổ truyền
Tuổi thơ của chúng tôi – những đứa trẻ sinh ra ở quê, ai cũng lưu giữ trong ký ức của riêng mình ít nhất một mùi hương gợi nhớ ngày Tết. Với tôi, đó là mùi khói hương bài nghi ngút nhưng cho cảm giác rất nhẹ nhàng, thư thái trong những ngày sum vầy bên gia đình.
Trước kia, trước vườn nhà ông bà nội tôi trồng rất nhiều cây hương bài. Cứ đến tháng 11 âm lịch, ông bà sẽ thu hoạch cây, lấy rễ rửa sạch, đem phơi khô, cắt nhỏ, sau đó sao cùng đại hồi, vỏ cây bạch đàn, quế chi… và nghiền nhỏ thành bột. Ông nội hoà hỗn hợp này với nước và thứ keo gì đó mà tôi không nhớ rõ để tạo kết dính. Ông dùng những đoạn tre nhỏ đã vót sẵn, dài chừng 40-50cm làm chân hương, cuộn hỗn hợp vừa trộn vào que rồi mang đi phơi khô.
Những cây hương bài ông bà làm thủ công chẳng được tròn trịa, cái to cái nhỏ, cái tròn cái dẹt, cái ngắn cái dài. Ấy vậy mà khi đốt lại toả ra thứ hương thơm nhẹ nhàng, thư thái đến lại. Trong những ngày Tết, ông bà nội lúc nào cũng giữ cho hương bài không tắt trên bàn thờ. Riêng đêm giao thừa, bà nội còn cắm cả hương bài phía trước cổng và vườn trước cửa nhà. Không biết bà làm thế để làm gì nhưng nó khiến tôi thích thú vì những làn khói trắng thơm nhè nhẹ, phảng phất cứ lan toả khắp nơi rồi từ từ hoà vào không khí.
Đã nhiều năm rồi ông bà tôi rời xa trần thế nhưng mùi hương bài vẫn hiện hữu trên bàn thờ gia tiên những ngày Tết đến, xuân về. Thường ngày mẹ tôi không thắp hương bài nhưng đến Tết kiểu gì cũng phải mua mấy bó. Bởi cũng như tôi, các thành viên trong gia đình ai cũng thích mùi hương bài. Thoảng trong tiết xuân, mùi thơm của khói hương vừa dịu nhẹ, vừa trầm sâu dẫn dắt chúng chúng tôi tưởng nhớ về tổ tiên, ông bà.
Tết về, mỗi nén hương bài thắp lên, những vòng khói cuộn tròn rồi bay đi như cuốn theo hết muộn phiền của năm cũ, hân hoan đón năm mới. Trong tiết trời se se lạnh, chỉ cần ngửi mùi hương phảng phất trong gió cũng đủ khiến lòng tôi bình yên.
TIẾN MẠNH