Thầy giáo chia sẻ kinh nghiệm thi toán vào ngôi trường thí sinh Olympia Hải An đang theo học, lứa 2007 có thể tham khảo
Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 ở Hà Nội đã kết thúc được một thời gian và lúc này, lứa học sinh 2006 đang mong chờ tuyển sinh hơn bao giờ hết. Còn với lứa học sinh 2007, việc đặt mục tiêu và ôn luyện lớp 10 ngay từ bây giờ là không hề sớm.
Được biết trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện hiện có 6 trường Trung học phổ thông chuyên và 2 trường Trung học phổ thông có lớp chuyên. Có 4 trường chuyên và trường có lớp chuyên trực thuộc Sở GD&ĐT Hà Nội. Ngoài ra có 3 trường chuyên của Đại học Quốc gia Hà Nội và 1 trường chuyên của Đại học Sư phạm Hà Nội. Xem thông tin của các trường này TẠI ĐÂY.
Với những em học sinh yêu thích các môn học tự nhiên thì THPT chuyên Khoa học Tự nhiên sẽ là một lựa chọn không thể bỏ qua. Tuy nhiên để vào được ngôi trường danh tiếng này thì các em cần có năng lực học tập thật sự xuất sắc, và tìm hiểu thật kỹ cấu trúc đề thi cũng như các yếu tố bên lề.
THPT chuyên Khoa học Tự nhiên.
Thí sinh Olympia lọt vào vòng chung kết năm Nguyễn Thiện Hải An.
Mới đây, thầy giáo Toán nổi tiếng Trần Nhật Minh đã có bài chia sẻ khá kỹ lưỡng về kinh nghiệm thi môn Toán điều kiện vào ngôi trường này. Học sinh các lứa sau có thể tham khảo:
Những điều cần biết về bài thi
Toán
điều kiện của chuyên KHTN
Đầu tiên phải nói rằng, cấu trúc và mức độ môn Toán (dù chỉ là điều kiện) ở chuyên KHTN là khác hẳn so với Toán chung của Sở. Nếu như các dạng bài Toán của Sở đa phần cơ bản và 1 học sinh học khá cũng có thể đạt từ 7 đến 8 điểm; thì việc đạt số điểm đó ở Toán vòng 1 chuyên Tự nhiên lại khác, ngay cả với các bạn thi chuyên Toán. Một học sinh thi Toán điều kiện của Sở đạt 9 điểm và Toán điều kiện Tự nhiên lại chỉ được… 3 điểm không phải chuyện lạ! Tôi (thầy Trần Nhật Minh) sẽ phân tích kỹ hơn về vấn đề này.
Xét về cấu trúc, đề Toán vòng 1 của chuyên Khoa học tự nhiên có thể chia ra các dạng sau:
– Phương trình vô tỉ.
– Hệ phương trình (đối xứng, đẳng cấp…)
– Số học: Chứng minh chia hết, phương trình nghiệm nguyên (sử dụng tính chất chia hết, chia có dư, tính chất số chính phương …)
– Hình học
– Bất đẳng thức
– Tổ hợp
Như vậy, có thể thấy, rất khác so với đề Toán của Sở, và mức độ từng bài cũng khác hẳn. Cho dù chỉ là đề điều kiện nhưng gần như 100% các bài của chuyên Tự nhiên đều nâng cao ở mức độ không hề nhẹ.
Với các bạn được học sâu về Toán thì không lạ (không lạ thôi chứ làm được không thì chưa biết), nhưng với các bạn chỉ học đơn thuần Toán Sở thì có khi nhìn vào đề thấy toàn các bài… chưa gặp bao giờ!
Ngay cả các bạn học và thi chuyên Toán, để đạt được 7 điểm ở đề này cũng không hề đơn giản. Thậm chí có năm, nhiều người còn than là sao đề Toán điều kiện Tự nhiên còn khó hơn cả Toán chuyên?
Các bạn thi chuyên Hóa, chuyên Sinh thì kêu trời là mình có thi chuyên Toán đâu, sao Toán điều kiện gì mà kinh khủng thế… Song thực tế là vậy, và nếu chúng ta muốn trở thành 1 thành viên của ngôi trường này, thì phải biết cách vượt qua áp lực đó. Dù là khó, nhưng nếu học tập trung và có chiến lược đúng đắn thì sẽ thành công.
Vậy chiến lược dành cho các bạn không học chuyên
Toán
ở bài thi
Toán
vòng 1 của chuyên KHTN là gì?
Trước hết, cần xác định rằng, không nên tham vọng đạt điểm số 8 hay 9. Nếu như thi Toán điều kiện của Sở, ngưỡng điểm 9 hay 9,5 là ngưỡng điểm chúng ta luôn kỳ vọng thì ở Toán điều kiện của trường Tự nhiên, đạt 6 hay 7 điểm đã có thể coi là thành công. Hay thực tế là nếu điểm môn chuyên ổn thì Toán vòng 1 chỉ cần qua mức điểm liệt, tức là 4 điểm cũng đủ đỗ.
Ví dụ như chuyên Sinh, chuyên Hóa của trường thường lấy 17,5 – 18 điểm; tức là nếu môn chuyên được 7 thì Toán 4 điểm là đạt, vì 7 x 2 + 4 = 8 (lưu ý dưới 4 là liệt và môn Văn không tính vào điểm xét hệ chuyên). Tất nhiên, mọi tính Toán chỉ mang tính tương đối, nhưng nhìn chung với các bạn không thi chuyên Toán, chúng ta hãy đặt ra kỳ vọng từ 5 – 6 điểm cho môn Toán điều kiện, còn nếu phấn đấu cao hơn nữa thì càng tốt.
Tiếp theo, để có được 5-6 điểm đó, chúng ta cần tập trung vào những dạng bài nào? Sẽ có những bài tập mà có lẽ ngay từ đầu nên xác định không quá hy vọng, hay thậm chí “bỏ qua” như câu hỏi về Bất đẳng thức, câu c hình và nhất là câu Tổ hợp. Hãy dồn sức vào những câu “dễ” kiếm điểm hơn (chú ý rằng dễ ở đây là dễ so với mấy bài kia thôi):
– Phương trình vô tỉ + Hệ phương trình: Giải quyết xong 2 câu này là được 4 điểm, đủ qua mức liệt và thậm chí cũng có thể là đủ để thi đỗ.
– Số học: Cố kiếm được từ 0,5 – 1 điểm.
– Hai ý a, b của bài Hình: Kiếm được từ 1 – 2 điểm.
Như vậy, nếu làm tối đa được các ý trên thì có thể đạt 7 điểm (gần như an toàn), còn không thì trừ hao đi sẽ là 5 – 6 điểm (cơ hội đỗ vẫn khá cao nếu điểm môn chuyên cũng từ 6,5 trở lên). Cứ cố gắng viết thật nhiều vì các thầy cô chấm điểm chuyên KHTN sẽ không quá máy móc, đôi khi chưa ra kết quả mà hướng đi đúng thì vẫn “cá kiếm” được những điểm số quan trọng. Nếu còn thời gian thì tiếp tục thử sức ở các câu khó hơn (nhưng nói thật là với các bạn không chuyên Toán, cày hết được mấy câu kia đã là thử thách lắm rồi).
Nhìn chung, về cơ bản thì đề Toán điều kiện của chuyên KHTN là 1 đề khó, nhưng không đòi hỏi học sinh phải làm hết, hay làm đến 7 – 8 điểm chúng ta chỉ cần vượt qua được khoảng 40% – 50% số bài là đã có thể đỗ rồi.
Vì vậy, 1 bạn học sinh có kiến thức chắc chắn, được ôn luyện đúng dạng và biết phân phối sức hợp lý ở các bài Toán “vừa miếng” thì cơ hội để trở thành 1 thành viên của ngôi trường danh tiếng này là vô cùng rộng mở.