Thắp sáng cuộc đời bằng nghị lực

3RiPrcF7.jpgPhóng toNguyễn Văn LongTTO – 28 tuổi là đã 25 năm anh sống trong bóng tối. Trên khuôn mặt sáng đầy thông minh ấy, đôi mắt từ lâu mờ đục và vô cảm trước ánh sáng. Nhưng phía sau đôi mắt là cả một nghị lực phi thường.

TTO – 28 tuổi là đã 25 năm anh sống trong bóng tối. Trên khuôn mặt sáng đầy thông minh ấy, đôi mắt từ lâu mờ đục và vô cảm trước ánh sáng. Nhưng phía sau đôi mắt là cả một nghị lực phi thường.

Người thanh niên ấy là Nguyễn Văn Long – “ông chủ” Cơ sở Massage giải quyết việc làm cho người khiếm thị Toàn Thắng ( 522B Nguyễn Tri Phương, Phường 12, Quận 10).

Khát vọng học tập

Sinh năm 1978, Nguyễn Văn Long là con út trong gia đình có 9 anh chị em, ở thị xã Bà Rịa – Vũng Tàu. Năm lên ba tuổi, căn bệnh ban quái ác đã cướp đi đôi mắt cả cậu bé Long. Tuổi thơ của Long không có ánh sáng, không phân biệt ngày – đêm, không được ngắm nhìn màu sắc vạn vật… quanh Long chỉ là màu đen âm u, buồn bã!

Bệnh tật nhiều lúc khiến Long nghĩ tương lai anh không biết sẽ trôi về đâu. Vậy mà không ai có thể ngờ rằng cậu bé Long bằng chính từng bước đi chậm chạp nhưng thật chắc chắn đã làm nên sự kỳ diệu như ngày hôm nay.

Năm 1987, Long bắt đầu đi học ở trường Nguyễn Đình Chiểu (trường dành cho trẻ khiếm thị). Năm 1996, vì trường Nguyễn Đình Chiểu chỉ đào tạo giới hạn cho học sinh cấp II và III nên Long được giới thiệu sang học trường THPH Nguyễn An Ninh (nay là trường THPT Bán công Nguyễn An Ninh, Quận 10).

“Môi trường sáng thật sự làm tôi bỡ ngỡ và lạc lõng” – Long tâm sự. Chín năm, Long học tập, vui đùa cùng với những người bạn đồng cảnh ngộ, bỗng chốc chuyển sang một nơi có thể nói quá xa lạ, ở hoàn cảnh ấy bất cứ ai cũng có cảm giác hụt hẫng như Long. Thời gian đầu của những năm học phổ thông thật sự là thử thách. Đã có lúc Long muốn buông xuôi tất cả, nhưng khát vọng học tập đã vực anh đứng dậy.

Nhận thấy khả năng tiếp thu của mình còn nhiều hạn chế so với các bạn trong lớp, Long nghĩ ra cách thâu lại bài giảng mỗi buổi học vào băng cassette. Những gì mù mờ chưa hiểu, Long hỏi lại thầy cô và bạn bè. Nhờ thế, Long nhanh chóng bắt kịp nhịp học ở trường. Bây giờ hồi tưởng lại, kỉ niệm khó quên nhất trong suốt thời áo trắng của Long là những lần kiểm tra và thi học kì. Những lúc ấy Long không dùng chữ nổi như thời ở trường Nguyễn Đình Chiểu. Vì thế trong khi bạn bè làm bài trên giấy thì Long phải làm bài… bằng miệng. Nghĩa là Long phải đọc bài làm của mình cho thầy cô nghe và chấm điểm ngay tại lớp.

Không dừng lại ở việc tốt nghiệp THPT, năm 1999, Long tiếp tục thi vào ngành Lịch sử của trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH KHXH & NV). Năm 2004, Long hoàn tất chương trình Đại học và thi tiếp lên Cao Học ngành Văn hóa học. Hiện, người thanh niên này đang gấp rút làm luận án Cao học và “tranh thủ” thêm Văn bằng II ngành Xã hội học tại trường ĐH KHXH & NV.

Hằng ngày, người ta vẫn thấy một cậu thanh niên từ Toàn Thắng ngồi trên chiếc xe Honda ôm quen thuộc đi đi, về về. Người thanh niên ấy chính là Long. Long luôn quan niệm “học không bao giờ hết”, có điều kiện Long sẽ theo đuổi việc học. Và hành trình tìm tri thức của Long vẫn còn dài…

Và một “ông chủ”

Những ai đến Toàn Thắng lần đầu sẽ khó nhận ra “ông chủ” ở đây. Long bình dị, vui vẻ và hài hước. Toàn Thắng giống một đại gia đình hơn là một cơ sở kinh doanh. Đại gia đình này có 18 thành viên nam, nữ khiếm thị.

Giải thích việc hình thành của cơ sở Massage giải quyết việc làm cho người khiếm thị Toàn Thắng, Long tóm lược trong 4 chữ “may rủi cuộc đời”. Vì bản thân Long là người khiếm thị và có thời gian dài chung sống với những người có cùng hoàn cảnh nên Long hiểu được tâm tư và nhu cầu của họ. Làm sao để người khiếm thị hòa nhập vào cộng đồng và tự làm việc nuôi sống bản thân? Câu hỏi đó luôn đặt ra trong suy nghĩ của Long. Người khiếm thị có thể làm gì khi bản thân họ vốn không nhìn thấy?

Long đã tìm hiểu và nhận ra 2 nghề phù hợp nhất: nhạc công và massage. Nhưng nhạc công đòi hỏi người khiếm thị phải có năng khiếu, trong khi đó, massage chỉ cần người khiếm thị vận dụng đôi bàn tay, chú ý và khéo kéo một chút thì người nào cũng làm đươc. Bên cạnh đó, trường Nguyễn Đình Chiểu cũng có chương trình đào tạo nghiệp vụ và dịch vụ massage với mục tiêu giải quyết việc làm cho người khiếm thị. Tuy nhiên, trường chỉ giải quyết một số ít, kết quả đạt được rất khả quan. Trước tình hình đó, Long quyết định mở cơ sở massage.

Cuối năm 2002, đầu năm 2003, Nguyễn Văn Long cùng một người bạn cùng học chung trường Nguyễn Đình Chiểu thành lập cơ sở. Một thời gian sau, do hoàn cảnh riêng của mỗi người nên cơ sở bị gián đoạn. Đến tháng 2-2005, Long chính thức thành lập cơ sở massage riêng mang tên Toàn Thắng với mong muốn làm chút gì đó cho người khiếm thị.

Có thể nói massage là nghề khá nhạy cảm, không ít người đã nghĩ méo mó khi nói đến. Chính vì thế, không ngạc nhiên khi khách đến Toàn Thắng đa phần chỉ có nam giới. “Tại đây nhân viên nam phục vụ khách nam và nhân viên nữ phục vụ khách nữ” – Long giải thích. Điều này khiến Long phải nghĩ ra giải pháp cho nhân viên nữ. Do đó, nhân viên nam phải tự túc chỗ ở, còn nhân viên nữ, Long bố trí cho họ ở lại cơ sở.

Bên cạnh đó, Long còn đề ra chương trình “xóa mù tin học” cho những nhân viên nhỏ tuổi có nhu cầu học. Mỗi tuần ba buổi, Long nhờ người bạn (là người khiếm thị) – Nguyễn Hoàng Bảo Vũ đến dạy tin học học cho 3 em nhân viên nữ. Ông chủ Toàn Thắng đang nuôi “tham vọng” là sẽ giải quyết việc làm cho nhiều người khiếm thị, chứ không phải chỉ dừng lại ở con số 18. “Với lượng khách trung bình và còn nhiều hạn chế như hiện nay, tôi chưa có khả năng nhận thêm nhân viên”. Phải chăng đây là bài toán tiếp tục thử thách Long?

Cộng đồng người khuyết tật

Đó là ước mơ của Long. Cộng đồng người khuyết tật là nơi người khiếm thị nói riêng và người khuyết tật nói chung sống và làm việc bình thường. Có lẽ vì thế trong luận án Cao học, Long không ngần ngại khi quyết định lựa chọn đề tài về người khiếm thị. Nếu Lịch sử thỏa mãn sở thích thì Văn hóa học và Xã hội học sẽ phục vụ cho những dự án tương lai của Long. “Tôi muốn mọi người nhìn người khuyết tật bằng ánh mắt bình đẳng!” – Long quả quyết.