Thấp, gầy, béo đừng mơ vào Học viện Tòa án: Cứng nhắc, bất hợp lý?
TPO – Học viện Tòa án có quy định, cân nặng trên 60kg là không được dự thi vào trường. Nhiều ý kiến cho rằng, quy định này nếu không dựa trên đặc thù nghề nghiệp sẽ là cứng nhắc, làm mất đi cơ hội học tập giữa các thí sinh.
Cứng nhắc, không hợp lý
HV Tòa án vừa có công văn về hướng dẫn công tác sơ tuyển vào trường năm 2019, có quy định, đối với nữ phải cao từ 1,55m trở lên, cân nặng trong khoảng từ 48kg đến 60kg. Đối với nam, phải cao từ 1m60 trở lên, cân nặng từ 48kg đến 80kg.
Ngoài ra, thí sinh không được mắc dị hình, khuyết tật, nói ngọng. Nhân thân của thí sinh như: Cha, mẹ, anh chị em ruột hoặc vợ/chồng chưa từng vi phạm pháp luật hình sự đến mức bị kết án (trừ lĩnh vực giao thông).
Luật sư Nguyễn Tiến Hòa, trưởng văn phòng SB Law tại TP.HCM cho rằng, nên so sánh từ góc độ tuyển sinh của các trường đặc thù, như Học viện Cảnh sát, Học viện An Ninh Nhân dân, Học viện Hàng Không, vì tính chất nghề nghiệp nên có yêu cầu về chiều cao, cân nặng, ngoại hình, và được chỉ thỉ theo Bộ Công an hoặc Cục Hàng không .
Cũng theo Luật sư Hòa, Học viện Toà án được quản lý bởi Toà án Nhân dân tối cao, đây là 1 cơ quan tư pháp độc lập, không giống như trực thuộc các trường ĐH khác trực thuộc quản lý của Bộ GD&ĐT hoặc Bộ Công an.
Học viện Toà án tuyển đối tượng từ phổ thông trung học giống các trường ĐH khác, và cấp bằng cử nhân Luật giống như các trường đào tạo Luật. Điều này có nghĩa là sinh viên sau khi tốt nghiệp thì sinh viên không phải là thẩm phán ngay .
Vì thế, theo LS Hòa, thẩm phán phải được đào tạo theo quy trình riêng và được bổ nhiệm khi đủ tiêu chuẩn, trình độ và các điều kiện khác và lúc này nếu có áp dụng các quy định về cân nặng, tuổi, trình độ… thì là quy chế riêng của Toà ).
“Nói các khác, không phải tất cả sinh viên tốt nghiệp học viện Toà án đều sẽ làm trong ngành Toà án, nên ngay từ giai đoạn tuyển sinh đầu vào mà học viện đưa đăng ký này theo anh là không hợp lý”- Luật sư Hòa nêu quan điểm.
Cản trở quyền học tập của thí sinh
Cũng theo luật sư Nguyễn Tiến Hòa, chiều cao, cân nặng của con người có thể thay đổi theo thời gian.
“Quy định về tiêu chuẩn với sinh viên năm thứ nhất, nam cao 1,60m, nặng tới 80kg và nữ cao 1,55m mà nặng tới 60kg vẫn đủ điều kiện dự tuyển. Nhưng sau đó họ béo lên thì lúc đó sẽ thế nào?”- Luật sư Hòa nhấn mạnh.
Mặt khác, việc HV Tòa án quy định, các thí sinh phải đáp ứng điều kiện không quá 22 tuổi cũng là một quy định cản trở quyền học tập của học sinh.
“Nếu một sinh viên sau khi tốt nghiệp trường đại học khác rồi, lúc đó muốn học ngành này, thí sinh có đủ mọi tiêu chuẩn nhưng chỉ vì quá tuổi thì không được phép dự thi nữa sao”- Luật sư Hòa đặt câu hỏi.
Do đó, theo Luật sư Hòa, không nên hạn chế quyền lựa chọn nghề nghiệp cũng như quyền học tập của công dân.
“Rõ ràng đây là quy định cản trở quyền học tập của thí sinh. Vì đối tượng tuyển giống các trg đh khác mà họ lại áp dụng cơ chế tuyển sinh theo tiêu chuẩn sơ tuyển của các trường an ninh, cảnh sát. Còn đối với thẩm phán thì đã có tiêu chuẩn, điều kiện riêng, chỉ cần áp dụng những tiêu chuẩn, điều kiện đó là đủ”- Luật sư Hòa nêu quan điểm.
Trước đó, Trường ĐH Sư phạm TP HCM cũng khiến dư luận xôn xao khi đưa ra dự kiến tuyển sinh ĐH hệ chính quy năm 2019 với điều kiện xét tuyển vào các ngành đào tạo giáo viên là: Nam phải cao từ 1,55m trở lên; nữ phải cao từ 1,50m trở lên. Sau đó, trường đã nhanh chóng rút lại dự định này.