Tháp Bà Ponagar Nha Trang – Di sản văn hoá Chăm Pa lớn nhất Việt Nam
Nha Trang là thành phố biển xinh đẹp thu hút hàng triệu khách du lịch mỗi năm không chỉ bởi cảnh đẹp thơ mộng mà còn bởi những danh lam thắng cảnh mang đậm dấu ấn văn hoá và lịch sử.
Du lịch Nha Trang đâu chỉ có tắm biển, đi các đảo, hay vui chơi tại Vinwonder Nha Trang, ngoài vui chơi nghỉ dưỡng du khách còn có cơ hội tìm hiểu về lịch sử văn hoá và trải nghiệm các dịch vụ tắm bùn khoáng nóng nữa. Mà nhắc tới văn hoá lịch sử thì ở Nha Trang có Tháp Bà Ponagar vô cùng nổi tiếng. Tuy địa điểm du lịch Nha Trang này là một công trình kiến trúc của người Chăm Pa nhưng lại được xem là một trong những biểu tượng đặc trưng của du lịch Nha Trang. Tháp được thiết kế theo lối kiến trúc của người Chăm xưa với không gian độc đáo, khác biệt và ấn tượng. Không chỉ có vậy nơi đây còn là những màn biểu diễn của các nghệ sĩ với điệu múa của dân tộc Chăm với khăn vấn, chum trên đầu hoà quyện với các bản nhạc đặc trưng khiến cho một không khí lễ hội tuyệt đối hoàn hảo.
Nội Dung Chính
THÁP BÀ PONAGAR NẰM Ở ĐÂU?
Tháp Bà Ponagar là một danh thắng nổi tiếng bậc nhất ở Nha Trang nằm ngay chân cầu xóm Bóng (song song với cầu Trần Phú). Tháp Bà nằm ở ngọn đồi Cù Lao, cạnh cửa sông Cái hiền hoà,cách trung tâm thành phố tầm 2km, gần chợ Vĩnh Hải Nha Trang về phía Bắc trên đường 2/4 thuộc phường Vĩnh Phước, thành phố Nha Trang. Vị trí ngọn đồi khá thoáng gió với độ cao khiêm tốn chỉ 50m so với mặt nước biển. Từ xa bạn có thể nhận ra Tháp Bà Ponagar vì hình dáng và kiến trúc khá đặc sắc.
Chiêm ngưỡng Tháp Bà Ponagar từ xa
Tháp Bà Ponagar không phải là một tháp đơn lẻ mà còn là một quần thể tháp, mỗi ngọn tháp thờ một vị thần khác nhau, trong đó tháp chính cao 23m và tháp này thờ thần Ponagar. Hàng năm lễ hội Tháp Bà được tổ chức long trọng vào các ngày từ 21 đến 23 tháng 3 âm lịch.
TRUYỀN THUYẾT VỀ THÁP BÀ PONAGAR
Truyền thuyết về Tháp Bà Ponagar của người Chăm
Thiên Y A Na hay Thiên Y Thánh Mẫu A Na (Bà Đen) là một vị thần cổ đại được người Việt thờ phụng, người Chăm gọi bà là nữ thần Poh Yang Inư Nagar. Theo truyền thuyết của người Chăm thì nữ thần Ponagar được sinh ra từ mây và bọt biển, theo con nước biển dâng bà được đưa vào cửa sông Cái. Khi bà bước đi trên mặt đất, cây cỏ cúi đầu, muông thú tụ lại chầu để tỏ lòng tôn kính. Bằng phép thuật thần thánh bà đã tạo ra những lâu đài tráng lệ, cây lúa, cây ngô, những loại cây gỗ quý trong đó có Kỳ Nam.
Nữ thần Ponagar có rất nhiều chồng, trong hậu cung của bà có tới 97 người, trong đó chỉ có một mình Po Yan Amo là người có uy quyền và được tôn trọng nhất. Bà có tất cả 38 người con gái, tất cả đều hoá thành nữ thần, trong đó chỉ có 3 người được bà truyền nhiều phép thuật nhất là Poh Nagar Dara, Rarai A Naih và Poh Bia Tikuk được người dân tại Khánh Hoà, Ninh Thuận, Phan Thiết thờ phụng đến tận ngày nay.
Truyền thuyết về Tháp Bà Ponagar của người Việt
Tại núi Đại Điền (Đại An) có hai vợ chồng lão tiều phu nọ dù đã già nhưng vẫn chưa có con. Sau nhà họ có trồng 1 ruộng dưa, đến mùa dưa chín thường xuyên bị hái trộm nên ông lão quyết rình bắt được thủ phạm. Khi bắt được thủ phạm là một cô gái bé nhỏ, xinh đẹp nhưng không có cha mẹ, hai ông bà rut lòng thương nhận làm con nuôi mà không biết cô gái đó vốn là một nữ thần vì lí do bí mật nào đó mà phải hạ phàm.
Một thời gian sau, vùng núi Đại Điền gặp trận lũ lớn, nhà cửa tan hoang, vườn tược tiêu điều khiến nữ thần càng nhớ cảnh thiên cung xưa, nàng lấy đá và cây cỏ làm thành một hòn non bộ tuyệt đẹp. Cha nuôi của nàng thì thấy đó vốn chẳng phải việc hợp với con gái nên có buông lời trách mắng. Giận cha nàng hoá thân thành một khúc Kỳ Nam trôi dạt trên sông Cù Huân, ra biển và dạt bào bờ biển Trung Hoa.
Mùi hương từ khúc Kỳ Nam lan toả khắp nơi khiến nhiều người đến xem nhưng không một ai có thể vác được mặc dù khoẻ cỡ nào. Thái tử nước ấy nghe tin đồn tìm đến, khi nhấc lên lại thấy nhẹ khác thường. Chàng bèn đem khúc gỗ đó về cung. Một đêm nọ, chàng thấy có bóng người lạ ẩn hiện từ khúc Kỳ Nam. Sau nhiều đêm rình rập chàng cũng đã bắt được cô gái xinh đẹp tuyệt trần hoá thân từ khúc gỗ Kỳ Nam. Cô gái tự xưng mình là Thiên Y A Na và kể chàng nghe câu chuyện của mình. Ngay hôm sau, thái tử đã tâu với vua cha cho phép cưới nàng làm vợ, nhà vua cho truyền đại thần gieo quẻ thì được quẻ đại cát nên cho tổ chức hôn lễ ngay lập tức.
Hai vợ chồng sống rất hạnh phúc, sinh được hai người con – một trai, một gái có dung mạo khôi ngô, tuấn tú. Một hôm nỗi nhớ quê hương, nhớ cha mẹ, nàng bồng 2 con nhập vào khúc gỗ Kỳ Nam vượt biển trở về làng cũ.
Đến nơi nhưng cha mẹ nuôi đã về với cõi âm. Thiên Y xây đắp mồ mả cho cha mẹ nuôi và sửa sang nhà cửa để thờ phụng. Thấy nhân dân còn đói khổ, thật thà chất phác, bà đem kiến thức ở quê chồng dạy họ dệt vải, cấy cày, làm ruộng…cải thiện cuộc sống khắp vùng.
Từ đó ruộng nương luôn tươi tốt, đời sống nhân dân mỗi ngày một thêm phong phú. Đến một ngày có một con hạc trắng từ trên trời bay xuống rước bà và hai người con trở về thiên cung. Nhân dân trong vùng vì chịu ơn của bà nên đã xây tháp tạc tượng thờ phụng và mỗi năm vào ngày 23/3 âm lịch đều làm lễ dâng hoa.
Thái tử chờ đợi vợ con mãi không thấy về bèn đến núi Đại Điền tìm. Không tin Thiên Y A Na và hai con đã rời bỏ cõi tục, bộ hạ của Thái tử đã dùng đòn roi tra khảo người dân rất dữ, vì ngỡ họ che giấu mẹ con bà. Bị oan ức và đau đớn, nhiều người dân trong vùng đã thắp hương cúng vái bà. Ngay sau đó một trận cuồng phong nổi dậy, cát chạy đá bay nhấn chìm toàn bộ thuyền bè, thuộc hạ của Thái tử.
Theo lời người xưa kể lại thì những hòn đá to trước đền, giữa cửa sông Cù chính là những hòn đá theo trận cuồng phong năm xưa đã dìm đắm đoàn thuyền của thái tử Trung Hoa.
Tham quan kiến trúc độc đáo
Tổng thể kiến trúc của Tháp Bà gồm 3 tầng, đi từ dưới lên trên.
– Tầng 1: là lối đi với các bậc thang nối tiếp nhau dẫn bạn đến tầng 2.
– Tầng 2: nơi đây hiện nay chỉ còn lại hai dãy cột chính xây dựng bằng gạch hình tam giác. Mỗi bên 5 cột lớn đường kính khoảng 1m, cao hơn 3m, 12 cột nhỏ thấp hơn và đặt ở hai bên. Tất cả đều nằm trên nền gạch cao hơn 1m, đây là nơi để khách hành hương nghỉ giải lao, sắm sửa lễ vật trước khi lên dâng cúng ở những điện phía trên. Nơi đây tồn tại hàng nghìn năm nên khá rêu phong làm cho Tháp bà trở lên đồ sộ và trang nghiêm.
– Tầng 3: là tầng cuối cùng của khu tháp bà Ponagar có hai tháp chính và tháp cao nhất là nơi thờ mẹ xứ sở tức nữ thần Ponagar. Khi lên tới đây các bạn sẽ bắt gặp tháp chính nằm theo hướng Đông Bắc với chiều cao 23m, bên trong thờ nữ thần Ponagar. Tháp chính có thiết kế vô cùng đặc sắc, thân tháp có 5 hàng trụ áp tường chạy dọc, 4 góc là 4 tháp thu nhỏ với 3 tầng mái thu nhỏ dần, trên vòm có tấm phù điêu bằng đá.
+ Tháp Nam: cao 18m, là tháp lớn thứ 2 sau tháp chính thờ nữ thần Ponagar, tháp này có tên là Tháp Ông, thờ thần Shiva (chồng của nữ thần Ponagar).
+ Tháp Tây Nam: cao 9m, là tháp cao thứ 3, thờ thần Ganesha (vị thần của hạnh phúc, may mắn và trí tuệ). Tương truyền đây là tháp thờ con của nữ thần Ponagar.
+ Tháp Đông Nam: cao 7m, là tháp nhỏ nhất trong tất cả, đây là tháp thờ thần Skandha (thần tượng trưng cho sức mạnh và chiến tranh).
Tham quan hàng bia ký
Một điểm nổi bật trong khu Tháp Bà Ponagar chính là hàng bia ký, đây chính là những bia ký lâu đời nhất mà chỉ còn Tháp bà mới lưu giữ được.
Bia ký cổ Chăm Pa tại Tháp Bà Ponagar có giá trị rất lớn đối với các nhà nghiên cứu văn hoá, lịch sử và tôn giáo của vương quốc Chăm pa.
Tại đây bạn sẽ thấy 4 tấm bia đá nói về truyền thuyết bà Thiên Y A Na (Ponagar), trong đó có một tấm được khắc bằng chữ Hán – Nôm, được dựng vào năm 1856. Tấm thứ 2 được dựng vào năm 1871, tấm thứ 3 được dựng vào năm 1972 bằng chữ quốc ngữ và tấm bia cuối cùng được dựng vào năm 2010.
Thưởng thức nghệ thuật Chăm
Vào các buổi chiều, trên sân tháp sẽ có đoàn biểu diễn các điệu múa của người dân tộc Chăm. Các cô gái chàng trai mặc trang phục truyền thống của người Chăm, nam thì đội khăn trắng, đồ trắng, nữa thì áo dài vàng quấn khăn trắng, trên đầu có đội một lu nước. Họ biểu diễn những tiết mục vô cùng đặc sắc trên nền nhạc Chăm pa réo rắt vô cùng cuốn hút.
Lễ hội Tháp Bà và điệu múa Bóng huyền thoại
Không những mang ý nghĩa tâm linh cho người Chăm Pa mà lễ hội Tháp Bà cũng là ngày lễ lớn của tín dân Khánh Hoà. Hàng năm cứ đến ngày 20 – 23 tháng 3 âm lịch, lễ hội được tổ chức vô cùng long trọng. Người dân dâng hương, dâng hoa, dâng lễ vật để cầu mong dân chúng Khánh Hoà nói riêng và cả nước nói chung được ấm no, hạnh phúc và cầu xin mưa thuận gió hoà.
Đặc biệt màn múa bóng điêu luyện của các cô gái trẻ, đầu đội lễ vật, người hoa tươi, người đèn lồng ngũ sắc. Các cô gái mặc bộ áo xiêm rực rỡ, mới nhất, xiêm y của người Chăm, hộ ngả nghiêng, uốn lượn theo điệu nhạc. Điệu múa bóng là đặc trưng của người Chăm, chỉ múa dâng lên mẹ (Bà Thiên Y) mỗi khi dịp lễ.
Lễ hội diễn ra với rất nhiều nghi thức truyền thống như:
– Lễ thay y mẫu: diễn ra vào ngày 20/3 đúng giờ Ngọ 12H trưa.
– Lễ thả hoa đăng trên sông Cái: diễn ra vào lúc 19H – 21H ngày 20/3.
– Lễ cầu quốc thái dân an: diễn ra lúc 6h – 8h ngày 21/3.
– Lễ cúng ngọ, cúng thí thực: diễn ra lúc 12h – 12h30 ngày 21/3
– Tế lễ cổ truyền: diễn ra lúc 6h – 8h ngày 22/3
– Lễ tôn vương, lễ khai diên: diễn ra lúc 6h – 9h ngày 23/3
– Lễ dâng hương tạ mẫu: diễn ra lúc 23h – 24h ngày 23/3
– Hội thi rước nước và bày mâm ngũ quả dâng Mẫu: diễn ra lúc 10h – 15h ngày 23/3
– Múa bóng và hát văn diễn ra tất cả các ngày lễ hội.
NHỮNG QUY ĐỊNH CẦN NHỚ KHI ĐẾN THÁP BÀ PONAGAR
– Tháp Bà Ponagar không chỉ là điểm du lịch, mà nơi đây còn là thánh địa tôn giáo, tín ngưỡng văn hoá, lịch sử của người Chăm pa nên vô cùng linh thiêng. Chính vì vậy mà yêu cầu bắt buộc 100% phải ăn mặc kín đáo, lịch sự không được mặc quần ngắn hay váy ngắn nếu không bảo vệ sẽ không cho vào.
– Khi vào sâu bên trong điện để thắp hương phải để giày dép ở bên ngoài.
– Khi vào khu di tích không được nói to gây ồn ào, đặc biệt là cấm nói về những điều dung tục.
– Không xả rác bừa bãi, vứt rác đúng nơi qui định.