Thành tựu nổi bật

Thành tựu nổi bật

 Sau 40 năm xây dựng và phát triển, với sự đóng góp của nhiều thế hệ lãnh đạo và tập thể cán bộ viên chức trong đơn vị, Viện Hóa học đã đạt được rất nhiều thành tích đáng tự hào.

I. Thời kỳ từ năm 1978 đến năm 1987:

Trong quá trình gần10 năm đầu xây dựng và phát triển, Viện đã vượt qua nhiều khó khăn thử thách, từng bước xây dựng và phát triển, hoàn thành tốt các nhiệm vụ.

Các hoạt động nghiên cứu và triển khai của Viện đạt nhiều kết quả, nhiều đề tài được ứng dụng trong thực tế đời sống, nổi bật là:

Nghiên cứu về tinh dầu hương liêu; tổng hợp một số chất thơm phục vụ cho ngành mỹ phẩm, chế biến thực phẩm và dược phẩm như hương sen, hương cà phê…

Điều tra sàng lọc phát hiện một số lớp chất steroit, steroit alcaloit, terpen, alcaloit,… từ nguồn thiên nhiên.

Nghiên cứu xây dựng một số phương pháp sắc ký và một số phương pháp cực phổ, đo quang có độ nhạy và độ chọn lọc cao để giải quyết việc phân tích các chất có hàm lượng nhỏ.

Nghiên cứu phương pháp phân tích các hợp chất cao phân tử, nghiên cứu sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên sẵn có như cánh kiến đỏ, cao su thiên nhiên, chế tạo nhiều sản phẩm từ nguyên liệu này như vecni, sơn và sơn cách điện, lô xay sát,….

Nghiên cứu xúc tác zeolit NaY, nghiên cứu tính chất hóa lý bề mặt của zeolit, khả năng trao đổi ion và hoạt tính xúc tác trong quá trình cracking, refoming, dehydrat hóa; nghiên cứu xúc tác hai chức năng, nghiên cứu biến tính xúc tác …. và hoạt tính hydro hóa của các hệ xúc tác này.

II. Thời kỳ từ năm 1987 đến năm 1992:

Các hướng nghiên cứu của Viện đã được định hình từ thời kỳ trước năm 1987 vẫn được duy trì, đồng thời mở ra một số hướng nghiên cứu mới như:

– Nghiên cứu các quy trình tách chiết Atimon, chì trong quặng

– Nghiên cứu quy trình phân tích và tách các nguyên tố đất hiếm trong quặng

– Nghiên cứu tái chế bản in opset và chuyển giao công nghệ cho một số nhà máy như dệt Nam Định, sư Hải Dương..

– Nghiên cứu làm tăng tuổi thọ acquy chì, tuổi thọ pin cácbon và bước đầu nghiên cứu pin Liti.

– Triển khai sản xuất một số sản phẩm như hydroxit nhôm, thiếc, hóa chất tinh khiết, nước giải khát..

III. Thời kỳ từ năm 1992 đến năm 2002

Các kết quả nổi bật của Viện theo các hướng nghiên cứu trong giai đoạn này là:

– Nghiên cứu các hợp chất có hoạt tính sinh học từ các loại thảo dược truyền thống của Việt Nam đặc biệt các loại thuốc chống sốt rét trên cơ sở artemisinin chiết xuất từ cây Thanh hoa hoa vàng và các dẫn xuất của nó, rutin từ hoa hòe làm thuốc tim mạch, huyết áp, rotudin từ củ bình vôi làm thuốc an thần. Một số chất có hoạt tính chống ung thư, hỗ trợ cai nghiện ma túy, các chất kháng sinh, các chất pheromom, diệt nấm, diệt côn trùng, điều hòa sinh trưởng thực vật… cũng được triển khai nghiên cứu và có kết quả quan trọng.

– Các loại tinh dầu, hương liệu dùng trong công nghiệp thực phẩm, mỹ phẩm và dược phẩm.

– Các hợp chất kích thích sinh trưởng thực vật, tăng hàm lượng đường trong mía, phân bón vi sinh và phân bón thảo mộc; các loại phân bón chậm tan;…

– Vật liệu cảm quang, nhựa bọc bịt dùng trong công nghiệp in, điện và điện tử, vật liệu polyme compozit có các tính chất đặc biệt , các công trình nghiên cứu về cao su thiên nhiên Việt Nam biến tính.

– Các loại xúc tác hóa dầu; vật liệu dùng cho tích trữ và chuyển hóa năng lượng vật liệu chế tạo điện cực biến tính; các loại vật liệu gốm có độ bền hóa và bền nhiệt cao; nghiên cứu công nghệ chế biến kim loại quý, đá quý.

– Xây dựng gần 70 quy trình phân tích cấp Quốc gia, trong đó 40 quy trình đã trở thành tiêu chuẩn Nhà nước được áp dụng rộng rãi trong phân tích, đánh giá, giám định, điều tra về tài nguyên thiên nhiên, môi trường, xuất, nhập khẩu…; nghiên cứu các hiệu ứng phân tích mới làm cơ sở để nâng cao độ tin cậy của các phép đo; ứng dụng tin học để chế tạo nhiều thiết bị điện hóa hiện đại.

– Phân tích, đánh giá sự ô nhiễm môi trường nước, đất và không khí. Nhiều công nghệ tiên tiến đã được nghiên cứu và ứng dụng có kết quả trong việc xử lý và bảo vệ môi trường như dây chuyền xử lý nước thải sinh hoạt của các khu dân cư, nước thải của các nhà máy dệt nhuộm, thuộc da, giấy… Công nghệ xử lý nước phèn ở đồng bằng sông Cửu Long, nước nhiễm mặn ở Quảng Bình.

Công tác đào tạo Sau đại học của Viện cũng đạt được những thành tựu đáng kể. Đến thời điểm này, Viện đã đào tạo được 1 TSKH, 20 tiến sĩ, 15 thạc sỹ, trong đó có 10 thạc sỹ trong một chương trình cho miền núi.

Trong giai đoạn này Viện đã tổ chức thành công 16 hội nghị, hội thảo quốc tế và quốc gia về Hóa học; hơn 250 công trình khoa học đã được công bố trên các Tạp chí khoa học trong nước và Quốc tế; gần 200 báo cáo khoa học tại các Hội nghị khoa học Quốc gia và Quốc tế; 9 bằng phát minh, sáng chế.

IV. Thời kỳ từ năm 2002 đến năm 2008

Trong giai đoạn này, Viện Hóa học đã tập trung vào lĩnh vực nghiên cứu cơ bản có định hướng và nghiên cứu cơ sở khoa học cho việc phát triển Công nghệ trong lĩnh vực hóa hữu cơ, hóa sinh, hóa vật liệu và hóa dược. Nhiều đề tài nghiên cứu khoa học cấp Viện KH&CNVN, cấp nhà nước, có dự án trọng điểm được triển khai và đạt kết quả tốt. Những đề tài, dự án nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của Viện đã bám sát các yêu cầu của thực tiễn đất nước, bảo đảm chất lượng khoa học cao theo xu hướng ngày cáng hội nhập với quốc tế. Hàng trăm bài báo khoa học được đăng tải các tạp chí hàng đầu của quốc tế và trong nước Các công trình nghiên cứu điều tra sàng lọc các hoạt chất từ thực vật Viện Nam; đã đóng góp cho kho tàng chất của thế giới hàng trăm chất mới, có cấu trúc lý thú, trong dó có những cấu trúc chưa từng được biết đến và hoạt tính sinh học tốt từ cây cỏ Việt Nam..

Nhiều đề tài đã được đưa vào ứng dụng trong đời sống, mang lại hiệu quả kinh tế xã hội, được các cơ quan, địa phương trong cả nước đánh giá cao, cụ thể:

– Nghiên cứu phát triển một số bài thuốc y học cổ truyền để chữa một số bệnh nhiệt đới và hỗ trợ điều trị cắt cơn nghiện ma túy; nghiên cứu xây dựng quy trình công nghệ, sản xuất thử chitin/chitosan dùng làm màng băng, màng sinh học, thuốc kem chữa bỏng, chữa nấm, thực phẩm bổ dưỡng, bảo quản thực phẩm…

– Đã nghiên cứu và tổng hợp được một số biệt dược (quy mô phòng thí nghiệm) dùng làm thuốc chữa ung thư như cyclophosphamid, taxol, taxoter, tamoxifen, thuốc tiểu đường (glibenclamid); thuốc sốt rét (piperaquin); thuốc chữa bệnh HIV/AIDS (stavudin); cúm gia cầm H5N1 (oseltamivir phossphat); thuốc kháng vi rút như acyclovir…

– Đã nghiên cứu và xây dựng quy trình công nghệ, sản xuất thử một số vật liệu mới trên cơ sở các polyme, polyme nanocomposit có tính chất đặc biệt, được sử dụng để chế tạo đệm chống và đập tàu biển, đế giầy, guốc hãm tàu hỏa, xử lý ô nhiễm dầu, giữ nước cho cây trồng, các sản phẩm trong công nghiệp in, điện và điện tử.

– Nghiên cứu các hiệu ứng, các chất tăng cường, điện cực biến tính, sensor điện hóa cũng như các phép đo hiện đại có sử dụng máy vi tính, xây dựng các phương pháp đo quang phân tử, đo quang nguyên tử, sắc ký và điện hóa hiện đại để xác định sự phân bố các nhóm chức, các dạng cấu trúc hóa học các chất vô cơ và hữu cơ trong các mẫu tự nhiên phức tạp với độ chính xác và chọn lọc cao.

– Đã xây dựng quy trình công nghệ chế tạo các vật liệu rây phân tử (Zeolit. AlPO4-n, M4IS) từ nguyên liệu trong nước đạt chất lượng cao dùng làm chất hập phụ và xúc tác cho lọc hóa dầu, xử lý môi trường và y tế.

Ngoài ra Viện cũng có nhiều đóng góp vào việc giải quyết các vấn đề bức xúc liên quan đến an ninh xã hội như vấn đề tái chế rác thải bệnh viện, vấn đề an ninh an toàn thực phẩm (rau nhiễm độc của Hà Nội, chất màu thực phẩm độc hại), vụ nhà tự cháy ở Quảng Nam, tự cháy ở Tây Ninh, chất ma túy mới ở vũ trưởng New Century..vv..

Về hợp tác Quốc tế, Viện Hóa học đã xây dựng, duy trì và phát triển tốt các mối quan hệ hợp tác về nghiên cứu, triển khai và đào tạo với nhiều nước và các tổ chức Quốc tế. Viện thường xuyên cử các cán bộ khoa học đi nghiên cứu, thực tập và đào tạo sau đại học tại các nước tiên tiến như: Đức, Ý, Pháp. Mỹ, Bỉ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada, Úc, Thụy Điển….

Đây là thời kỳ hoạt động Hợp tác Quốc tế được phát huy hiệu quả nhất trong quá trình xây dựng và phát triển của Viện Hóa học. Các dự án điển hình như:

– Dự án với Cộng Hòa Pháp CNRS về các hợp chất thiên nhiên có hoạt tính sinh học.

– Dự án với Hãng Tibotec, Vương quốc Bỉ về đa dạng sinh học và tổng hợp các hợp chất có hoạt tính sinh học.

– Dự án hợp tác đa dạng sinh học ICBG, Mỹ để nghiên cứu hoạt tính sinh học của cây cỏ tại rừng quốc gia Cúc Phương.

– Dự án bài thuốc cai nghiện Heantos VIE/96/033 với UNDP.

– Dự án với Hãng Bayer và Viện Sinh hóa thực vật Halle, CHLB Đức.

V . Thời kỳ từ năm 2008 đến nay:

1. Về nghiên cứu cơ bản:

Hàng năm, Viện Hóa học đã tham gia thực hiện hàng trăm đề tài các cấp và nhiều đề tài thuộc chương trình trọng điểm cấp Nhà nước như: Các đề tài thuộc chương trình Hóa dược, chương trình Tây bắc, chương trình Vật liệu, chương trình Tây nguyên 3, chương trình phát triển nông thôn miền núi, các đề tài thuộc Quỹ khoa học và công nghệ Quốc gia, đề tài độc lập cấp Nhà nước, nhiệm vụ Nghi định thư cấp Nhà nước và nhiều đề tài nhiệm vụ cấp Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

Đặc biệt, trong 5 năm gần đây (2013-2018), Viện Hóa học đã được giao thực hiện trên 500 đề tài, dự án nghiên cứu các cấp, công bố được 190 công trình trên các tạp chí Quốc tế SCI và SCI-E, 655 công trình trên các tạp chí Quốc gia, được cấp 2 bằng độc quyền sáng chế và 11 giải pháp hữu ích, xuất bản 4 giáo trình và sách tham khảo.

Hiện nay Viện Hóa học đang triển khai 03 hướng nghiên cứu chính thuộc 7 hướng ưu tiên của Viện Hàn lâm KH và CN Việt Nam.

* Hướng nghiên cứu về Hóa sinh Hữu cơ và Khoa học sự sống

– Điều tra, nghiên cứu nguồn tài nguyên sinh học trên mặt đất và dưới biển của Việt Nam. Phát hiện các chất có khả năng dùng làm thuốc chữa bệnh cho người, gia súc và cây trồng, các chất sử dụng trong ngành hương liệu,mỹ phẩm, nông nghiệp và đời sống.

– Nghiên cứu phương pháp tổng hợp các hợp chất có hoạt tính sinh học, nguyên liệu hóa dược. Hoàn thiện, nâng cấp các phương pháp tổng hợp từ qui mô nghiên cứu lên qui trình công nghệ như: metformin, glibenclamit, stavudin, celecoxib, taxol, taxotere, elotinil…

– Tổng hợp toàn phần, bán tổng hợp dẫn xuất mới của các hợp chất thiên nhiên nhóm triterpenoit, artemisinin, naphthoquinon, anthraquinon, isoquinolin, indenoisoquinolin, parthenin, ancaloit indol, hemiasterlin, diketopiperazin, combretastatin, diphenypyrazol, podophyllotoxin, benzothiazol,…

– Nghiên cứu chiết tách phân lập các hợp chất có nguồn gốc thiên nhiên. Hoàn thiện, nâng cấp các qui trình chiết tách, tinh chế từ qui mô nghiên cứu lên qui trình công nghệ: chiết xuất artemisinin, curcumin, rutin, isoflavonoit, thuốc điều hòa miễn dịch từ lá Chay, thuốc cai nghiện ma túy HEATOS, thuốc phong tê thấp Bà Giằng, chất mầu chlorophyl, phytosterols.

– Nghiên cứu cấu trúc các hợp chất hữu cơ bằng các phương pháp phổ hiện đại: H-NMR, 13C-NMR, COSY, HSQC, HMBC, NOESY, HRMS, MS/MS, HPLC, UPLC, IR, UV, ChemSpider database.

– Nghiên cứu tương quan giữa cấu trúc và hoạt tính (QSAR) cũng như động học và cơ chế của các hệ hóa học và sinh học.

– Thử hoạt tính sinh học: gây độc tế bào, kháng vi sinh vật kiểm định, chống oxy hóa (DPPH), phép thử tiểu đường (ức chế a-glucoridase), hạ cholesteron máu (HMG – CoA reductase), chống Alzeheimer (ức chế Acetylcholinesterase), ức chế enzim protease của virut viêm gan C (HCV),…

* Hướng nghiên cứu về Vật liệu tiên tiến

– Nghiên cứu các vật liệu mới có tính năng đặc biệt ứng dụng trong Y-Dược, Môi trường, Nông nghiệp và các ngành kinh tế kỹ thuật.

– Nghiên cứu về hoá học, biến đổi hoá học các hợp chất cao phân tử, vật liệu nanocompozit , vật liệu mới có tính năng đặc biệt, các vật liệu tiên tiến trên cơ sở polyme, polyme thiên nhiên để sử dụng trong trong y-dược, môi trường, nông nghiệp, công nghiệp, quang điện tử, vật liệu phòng cháy và dập cháy…

– Tổng hợp và nghiên cứu tính chất bề mặt, tính chất xúc tác – hấp phụ của các vật liệu alumilosilicat, aluminophosphat, vật liệu khung cơ kim, các hệ oxit có cấu trúc vô định hình, bán tinh thể, tinh thể chứa những hệ thống mao quản kích thước nanomet được sử dụng làm chất hấp phụ và xúc tác cho công nghiệp lọc hóa dầu và xử lý môi trường.

– Chế tạo vật liệu nano sắt từ sử dụng để xử lý asen trong nước sinh hoạt.

– Sử dụng các phương pháp phân tích hóa lý hiện đại và các phần mềm chuyên dụng để phân tích cấu trúc vật liệu; nghiên cứu tương quan giữa cấu đến tính năng cơ lý hóa và độ bền của vật liệu.

* Hướng nghiên cứu về Phân Tích – Môi Trường – Năng lượng

– Nghiên cứu góp phần làm sáng tỏ một số vấn đề học thuật trong phân tích dạng một số nguyên tố kim loại trong các đối tượng mẫu sinh học, địa chất và môi trường.

– Nghiên cứu tổng hợp các vật liệu nano tiên tiến bằng các phương pháp điện hóa và hóa học ứng dụng trong lĩnh vực chế tạo sensor, xúc tác và chuyển hóa năng lượng.

– Ứng dụng của các phương pháp phân tích trong lĩnh vực y sinh học, thực phẩm, địa chất và môi trường.

– Nghiên cứu các chu trình sinh- địa- hoá, xây dựng mô hình sinh thái môi trường để đánh giá ảnh hưởng của các hiện tượng tự nhiên cũng như hoạt động của con người đến chất lượng môi trường.

– Nghiên cứu cải tiến và chế tạo các thiết bị phân tích phù hợp điều kiện Việt Nam.

– Tổng hợp và nghiên cứu tính chất hóa lý và điện hóa của các hệ vật liệu tích trữ và chuyển hóa năng lượng để sử dụng trong nguồn điện hóa học.

– Nghiên cứu chuyển hóa rơm rạ thành biodiezen.

– Nghiên cứu chế tạo một số hệ xúc tác tiên tiến ứng dụng trong chế biến dầu mỏ.

– Tổng hợp và nghiên cứu chế tạo pin mặt trời hữu cơ và pin nhiên liệu.

2. Về ứng dụng và triển khai công nghệ:

Bên cạnh nhiệm vụ nghiên cứu cơ bản thì nghiên cứu triển khai các công nghệ hữu ích trong Hóa học để đóng góp vào sự phát triển của kinh tế – xã hội cũng được Viện xác định là một nhiệm vụ trọng tâm chiến lược. Với vai trò là một Viện nghiên cứu đa ngành trong lĩnh vực hóa học, Viện đã chủ động tìm hiểu, nghiên cứu và phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp giải quyết các vấn đề thực tiễn và thu được nhiều kết quả nổi bật.

– Nghiên cứu thành công quy trình công nghệ sản xuất thép và vật liệu xây dựng không nung từ bùnn đỏ trong quá trình sản xuất alumin tại Tây nguyên với quy mô công nghiệp trên 200 tấn bùn đỏ/mẻ, hiệu suất thu hồi sắt đạt 70%”. Sản phẩm thép thu được có thể chế tạo các loại thép cacbon hoặc thép hợp kim đạt tiêu chuẩn Việt Nam. Kết quả này có ý nghĩa quan trọng góp phần bảo vệ môi trường và phát triển ngành công nghiệp chế biến và khai thác bauxit tại Tây Nguyên theo hướng phát triển bền vững.

– Chế tạo thành công thiết bị phân tích hàm lượng siêu vết thủy ngân phục vụ quan trắc môi trường và giám sát an toàn thực phẩm, tổng hợpvật liệu xử lý nước nhiễm Asen và kim loại nặng,

-Nghiên cứu tổng hợp thực phẩm chức năng chống loãng xương, thiếu máu (trên cơ sở nano canxi, magie và sắt)

– Nghiên cứu thử nghiệm thành công chế phẩm thuốc thảo mộc trừ sâu khoang hại rau, trừ bọ trĩ hại nho và trừ nấm bệnh (bệnh thán thư, thối xám) hại rau quả, bước đầu đã được ứng dụng vào thực tiễn.

– Nghiên cứu và thử nghiệm thành công các vật liệu xử lý nước nhiễm Asen và kim loại nặng trên cơ sở oxit sắt từ kích thước nano trên chất mang Bentonit đã được ứng dụng trong công nghệ xử lý nước nhiễm Asen tại Việt Nam, quy mô hộ gia đình và trạm cấp nước tập trung công suất đến 240m3/ ngày đêm.

– Nghiên cứu và thử nghiệm thành công Phân Ure bọc Polyme: Đây là kết quả của dự án “Nghiên cứu và phát triển công nghệ sản xuất phân ure bọc polymer” do PGS.TS. Ngô Trịnh Tùng làm Chủ nhiệm được tài trợ bởi Tổng công ty phân bón và hóa chất dầu khí.

Sản phẩm phân nhả chậm ure bọc polymer đạt tiêu chuẩn của Hiệp hội lâm nghiệp – thực phẩm Mỹ (APPFCO), đặc biệt các mẫu phân ure bọc polymer có ty lệ bọc > 5% đều có kết quả nhả chậm sau 24h rất thấp < 15%.

Phân bón nhả chậm ure bọc polymer là giải pháp công nghệ làm tăng hiệu quả sử dụng phân bón: Cung cấp từ từ chất dinh dưỡng cho cây, giúp giảm chi phí lao động cho việc bón phân, phun thuốc, hạn chế ô nhiễm môi trường.

– Nghiên cứu và thử nghiệm thanh công Nano- bio bạc 400 SL, đây là kết quả nghiên cứu của ngóm cán bộ Phòng Polyme chức năng và vật liệu Nano

Sản phẩm Nano- Bio bạc 400 SL là chế phẩm phòng ngừa, phòng trừ các loại nấm bệnh, vi rút, vi khuẩn, vi nấm trên các loại cây trồng rất hữu hiệu, tăng khả năng miễn dịch, tăng kích kháng, phòng ngừa nấm bệnh, vi rút từ bộ rễ tới thân và tán lá cho cây trồng.

Chế phẩm có công thức đặc biệt, tính sát khuẩn cao có tác dụng tiêu diệt các vi sinh vật gây hại. Với kích thước hạt Nano bạc cực nhỏ chỉ từ 4-7 nm. Chế phẩm tan hoàn toàn trong nước, dễ dàng thẩm thấu qua màng tế bào tiêu diệt các loại nấm bệnh, vi sinh vật mà không gây ngộ độc hữu cơ cho cây, đất nông sản.

– Nghiên cứu thành công nanocurmin cung cấp cho công ty Dược phẩm CVI.

– Đã hợp tác sản xuất thành công sản phẩm NACUMIN (Curcumin siêu hòa tan): NACUMIN là sản phẩm của chương trình hợp tác nghiên cứu phát triển cây nghệ (Curcuma longa) tại Việt Nam giữa các nhà khoa học Vương quốc Anh và Việt Nam do Hội đồng Anh tài trợ. NACUMIN có chứa thành phần tinh chất nghệ Curcumin tự nhiên siêu hòa tan có kích thước nano được chiết suất từ củ nghệ vàng theo công nghệ hóa học xanh.

Sản phẩm Nacumin được Bộ Y tế cấp giấy phép sản xuất lưu hành và được Hội Khoa học Lương thực và Thực phẩm Việt Nam trao tặng giải thưởng “Sản phẩm uy tín chất lượng, an toàn vì sức khỏe người tiêu dùng”.

Ngoài ra, Viện Hóa học đã có những đóng góp quan trọng giải quyết các vấn đề xã hội phát sinh như: Tham gia phân tích, đánh giá nguyên nhân hiện tượng hải sản chết bất thường tại một số tỉnh ven biển miền Trung từ sự cố xảy ra trong quá trình vận hành thử nghiệm của của Công ty Formosa Hà Tĩnh, tham gia và góp phần quan trọng trong công tác giám định góp phần làm rõ nguyên nhân gây ra sự cố ý khoa đặc biệt nghiêm trọng tại bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình ngày 29/5/2017.

3. Về đào tạo sau đại học

Là một cơ sở đào tạo sau đại học có bề dày uy tín, Viện Hóa học đã góp phần đào tạo hàng trăm nghiên cứu sinh, học viên cao học cho các trường đại học, Viện nghiên cứu trên cả nước, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học và giảng dạy chất lượng cao. Từ năm 2015, chương trình đào tạo Tiến sĩ của Viện chuyển về Học Viện Khoa học và Công nghệ.

Trong 5 gần đây, Viện đã phối hợp đào tạo được 92 nghiên cứu sinh và 29 học viên cao học thuộc các chuyên ngành Hóa học khác nhau, trong đó 30 nghiên cứu sinh và 25 học viên thạc sĩ đã bảo vệ thành công.

4. Về hợp tác quốc tế

Trong những năm qua, Viện đã thường xuyên xây dựng, duy trì và phát triển các mối quan hệ hợp tác quốc tế với nhiều nước như: Anh, Đức, Pháp, Bỉ, Đan Mạch, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Canada, Tây Ban Nha, Hoa kỳ.., các tổ chức quốc tế: UNESCO, UNDP, UNOPS, WHO, NGOs, Hội đồng Anh và các công ty trên thế giới: Hãng TIBOTEC (Vương quốc Bỉ), hãng Bayer (CHLB Đức)… trong công tác nghiên cứu và đào tạo cũng như công bố quốc tế.