Thánh Giá Chúa – Thập Giá đời – Hội Dòng Mến Thánh Giá Tân Lập

Thánh Giá Chúa – Thập Giá đời

Thập giá là một dụng cụ giết người hết sức dã man đã được đế quốc cổ Hy Lạp (thứ IV TCN), và đế quốc Roma sử dụng như một hình phạt dành cho những người dân thuộc địa với tội danh chính trị hay trộm cướp. Biết bao cây thập giá đã được dựng lên, biết bao con người đã phải chết, nhưng chỉ có cây gỗ treo thân Con Chúa Trời đã trở thành Thánh Giá mang lại ơn cứu độ cho con người.

Thiên Chúa đã biến sự tàn ác của con người thành dấu chỉ tình yêu, trở thành điểm quy tụ và là nguồn sống cho những ai nhìn lên Đấng Chịu Đóng Đinh và tin vào Con Người. Chúa Giêsu đã biến thập giá khổ hình thành Thánh Giá cứu độ, như một nấc thang đưa nhân loại bước vào sự sống vĩnh cửu trong Thiên Chúa.

Cũng chính từ khi Con Thiên Chúa được giương cao trên thập tự giá, Giáo Hội được khai sinh. Từ đó, người tín hữu không còn nhìn thập giá như một khổ hình nhục nhã nhưng là dấu chỉ mang ơn cứu độ. Dọc theo chiều dài lịch sử của Giáo hội, biết bao người đã nhiệt thành làm chứng và rao giảng về một Thiên Chúa làm Người, chịu đóng đinh và đã phục sinh. Thánh giá Chúa giờ đây không còn là “một điều ô nhục đối với người Do thái, một sự điên rồ đối với dân ngoại” (1 Cr 1, 22) nhưng trở thành niềm vinh dự cho các Kitô hữu.

Khổ hình thập giá đã không còn tồn tại trong thế giới hôm nay, nhưng thập giá vẫn còn nơi cuộc sống của con người. Thập giá ấy là vô vàn những khổ đau, khó khăn, thử thách… mà cong người chúng ta không thể chối từ. Điều chúng ta có thể làm là chọn lựa cách thức mang lấy thập giá đời mình. Chúa Giêsu đã mời gọi: “Ai muốn theo Tôi, hãy từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mc 8, 34). Thập giá tự bản chất là đau thương, là nước mắt nhưng chúng ta vẫn có thể tươi nét mặt để bước đi vì chúng ta tin rằng Chúa đang bước cùng ta và chính Chúa cũng đang vác cùng ta.

Trên đồi Canvê năm xưa, hai tên gian phi cũng chịu chung một khổ hình thập giá như Chúa nhưng thập giá ấy đơn thuần chỉ là một cực hình. Con Thiên Chúa làm Người cũng đã chấp nhận khổ hình ấy, nhưng thập giá của Chúa đã trở thành Thánh Giá mang lại ơn cứu độ cho con người. Chính nơi cái chết mà con người tạo ra, Chúa Giêsu đã khai sinh sự sống bất diệt. Cũng thế, tất cả những thập giá mà chúng ta gánh chịu trong cuộc sống cũng sẽ trở nên vô nghĩa khi chúng ta không biết liên kết với Thánh Giá Chúa. Cuộc sống dương gian, ta chẳng thể khẳng đinh thập giá của tôi nặng hơn thập giá của bạn, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể chắc chắn: nếu ta đón nhận thập giá cuộc đời vì tình yêu đối với Thánh Giá Chúa, mong muốn liên kết khổ đau đời mình với Đấng Chịu-Đóng-Đinh thì khi ấy thập giá đời tôi sẽ thực sự nở hoa.

Là tu sĩ bước theo sát Đức Kitô, Sequela Christi, đặc biệt là người nữ tu Mến Thánh Giá, chúng ta được mời gọi đón nhận thập giá đời mình. Thập giá ấy đôi khi đơn giản chỉ là những giới hạn của bản thân, những thiếu sót nơi cộng đoàn, những lao nhọc và cả những giọt nước mắt trên đường sứ vụ.

Theo tinh thần và gương mẫu của Đấng Sáng Lập, chị em mến thánh giá được mời gọi mang lấy những tâm tình của Chúa, đau nỗi đau của Chúa và trăn trở những điều Chúa trăn trở. Trong một bút tích, Đấng sáng lập để lại những tâm tình này: “Tôi được thôi thúc mãnh liệt dâng tiến, trao gởi và cống hiến thân xác tôi cho Đức Giêsu Kitô, để Người dùng mà thực hành những việc đền tội, hãm mình, để Người có thể tiếp nối sự hy sinh lao nhọc hằng ngày trong một thân xác có khả năng chịu đau khổ do chính Người mượn lấy và tuyển chọn cho mục đích đó.” (Bts I, 4)

Trong bối cảnh thế giới hiện nay của Đại dịch Covid và xung đột giữa Nga và Ukraine, chị em Mến Thánh Giá được mời gọi cùng với đồng loại mang lấy thương tích của biết bao con người đã chết, biết bao người đang ngày đêm chiến đấu không ngừng nghỉ, biết bao người phải di dời, bỏ lại tài sản…Xưa trên đỉnh đồi Canvê, Thiên Chúa cũng đã im lặng trước cái chết nhục nhằn của Người Con Duy Nhất của Ngài. Đây không phải là một sự thinh lặng vô nghĩa nhưng là một câu trả lời: “Vì Yêu” nhân loại. Ngày nay, trước những khổ đau của nhân loại, của bất công và chiến tranh, có lẽ rất nhiều người muốn Thiên Chúa lên tiếng, muốn Ngài ra tay thế nhưng Ngài vẫn im lặng. Trong cuộc tấn công bằng tên lửa của Nga vào nhà thờ chính tòa Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời ở Kharkiv, ngài Zelensky, Tổng thống Ukraina có bài phát biểu sâu sắc: “Họ thích thú với việc Thiên Chúa không phản ứng ngay lập tức. Nhưng Chúa thấy mọi sự… Không có hầm trú ẩn nào để trốn chạy trước phản ứng của Thiên Chúa…”. Thiên Chúa im lặng nhưng chắc chắn Ngài không dửng dưng trước nỗi đau thương của nhân loại.

Cùng với Giáo Hội, chị em Mến Thánh Giá hợp lời cầu nguyện cho nền hòa bình thực sự sớm ngự trị trên thế giới. Bằng kinh nguyện, bằng sự dấn thân trên những tuyến đầu chống dịch, bằng sự khổ chế hy sinh vì tình yêu. Trước tình hình khó khăn của đại dịch, của chiến tranh phải di dời tị nạn, của thất nghiêp, của khủng hoảng kinh tế….mỗi chúng ta cần sẵn sàng cho mọi chuyển biến chuyển và cần tích cực đóng góp  phần mình. Khổ chế nhờ giảm bớt thời giờ giải trí trên mạng. Khổ chế trong lời nói, thái độ thiếu yêu thương với tha nhân. Khổ chế trong cách sử dụng tiền bạc, của cải chung và riêng để hỗ trợ những người có hoàn cảnh khó khăn xung quanh mình. Khổ chế bằng việc bớt bỏ ý riêng của mình để ưu tiên cho những gì Chúa muốn. Khổ chế khi đón nhận phần thiệt, phần khó nơi mình. Nếu tình yêu đối với Người Tình Thập Giá đủ lớn, thì mỗi chị em sẽ có những sáng kiến để bày tỏ và minh chứng cho tình yêu ấy. Thập giá vẫn còn đó trong cuộc đời nhân loại nhưng chắc chắn thập giá đó sẽ nở hoa khi được tháp nhập với Thánh Giá Con Thiên Chúa.

Lạy Chúa Giêsu Kitô Chịu Đóng Đinh là Đấng con tôn thờ và yêu mến, là Đấng con nguyện ước bước theo, xin cho con vui vác thập giá mình trên đường Thánh Giá. Xin cho con cảm nhận được hạnh phúc khi được chia sẻ những đau thương của cuộc đời như gánh đỡ thập giá của Chúa khi xưa, và ước mong sao, lòng con có thể tự hào như tâm tình của Thánh Phaolô: “Tôi hoàn tất nơi thân xác tôi những gì còn thiếu trong các nỗi gian truân Đức Kitô phải chịu cho thân mình Người là Hội Thánh.” (Cl 1, 24)

Bùi Thu