Thận trọng với làn sóng doanh nghiệp mua lại trái phiếu

TRÍ MINH

  –  

Thứ tư, 16/11/2022 10:00 (GMT+7)

Nhiều doanh nghiệp đã công bố về kế hoạch mua lại trái phiếu trước hạn. Hiện tượng này đang được nhìn nhận thận trọng cả ở phía cơ quan quản lý và các chuyên gia kinh tế.

Thận trọng với làn sóng doanh nghiệp mua lại trái phiếu
Bộ Tài chính cho biết đang có hiện tượng doanh nghiệp tăng mua lại trái phiếu. Ảnh: A.D

Ồ ạt mua lại trái phiếu trước hạn

Bộ Tài chính trong thông cáo mới đưa ra cho hay, sự phát triển nhanh của thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) thời gian qua dẫn đến một số tồn tại như có doanh nghiệp phát hành khối lượng lớn, lãi suất cao trong khi tình hình tài chính hạn chế, một số tổ chức cung cấp dịch vụ không đảm bảo chất lượng dịch vụ, một số nhà đầu tư cá nhân chỉ quan tâm đến lãi suất, không đánh giá đầy đủ đặc điểm, bản chất của TPDN, một bộ phận nhà đầu tư cố tình vi phạm để trở thành nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.

Trước các vi phạm của doanh nghiệp phát hành thời gian qua, trên thị trường xảy ra hiện tượng doanh nghiệp tăng mua lại trái phiếu, các nhà đầu tư cá nhân bán lại trái phiếu trước hạn do quan ngại doanh nghiệp không trả được nợ.

Ngày 15.11, báo cáo về tình hình thị trường, Bộ Tài chính cho biết, từ đầu năm tới nay có 46,48% TPDN riêng lẻ phát hành có tài sản đảm bảo; 53,52% không có tài sản đảm bảo, chủ yếu là trái phiếu của tổ chức tín dụng. Các tổ chức tín dụng là nhóm phát hành lớn nhất, chiếm 41,34% tổng khối lượng phát hành; các doanh nghiệp bất động sản, xây dựng chiếm lần lượt 28,87% và 7,8%. Khối lượng trái phiếu mua lại trước hạn là 152,5 nghìn tỉ đồng, tăng 49,6% so với cùng kỳ năm 2021. 

Gần đây, Công ty Chứng khoán Tân Việt (TVSI) đã công bố kế hoạch mua lại trái phiếu trước hạn của 5 doanh nghiệp, tổng giá trị hơn 2.000 tỉ đồng. Trong đó có thể kể tới như: CTCP Thương mại Công nghệ An Phát có kế hoạch mua lại lô 2 triệu trái phiếu phát hành ngày 30.12.2020 (đáo hạn ngày 30.12.2028), giá trị phát hành 200 tỉ đồng. Mục đích phát hành để cơ cấu lại các khoản nợ, bao gồm mua lại trái phiếu phát hành và thanh toán khoản vay tín dụng…

Nguồn tiền nào thực hiện mua lại?

Chiều ngày 15.11, trao đổi với PV Báo Lao Động, TS Châu Đình Linh (Đại học Ngân hàng TPHCM) đã có những chia sẻ về quan điểm xung quanh hiện tượng doanh nghiệp tăng mua lại trái phiếu. Theo chuyên gia này, việc này nên được khuyến khích bởi mua lại trái phiếu là tự chịu trách nhiệm trên khoản tín dụng của doanh nghiệp. Dựa trên những nguyên tắc hoàn trả gốc và lãi đúng thời hạn và sử dụng vốn đúng mục đích, nếu không thực hiện được những nguyên tắc này thì doanh nghiệp bắt buộc phải thu hồi, mua lại trái phiếu. 

“Vấn đề câu hỏi đặt ra nguồn tiền nào để thực hiện mua lại. Doanh nghiệp có nhiều phương án. Họ không chỉ sử dụng tiền mặt đâu” – TS Châu Đình Linh cũng cho rằng, một số doanh nghiệp mua lại có thể chia làm 3 nhóm: nhóm 1 có tiền mặt (từ nguồn vốn bên trong và bán bất động sản chiết khấu cao cho khách hàng) để mua trước hạn trái phiếu; nhóm 2 đổi trái phiếu sang sản phẩm là dự án bất động sản với mức chiết khấu cao và nhóm thứ 3 là đổi tạm thời và mua lại dự án bất động sản.

“Trừ những doanh nghiệp có tài chính tốt mua lại trái phiếu thì những nhóm trên có thể là giải pháp tình thế để kéo dài thời gian thanh toán và chờ đợi sang năm với hạn mức tín dụng mới” – TS Châu Đình Linh phân tích. 

Bên cạnh đó, chuyên gia này cũng nhận định, việc hoàn thiện hành lang pháp lý về TPDN cũng là một tác động lớn dẫn đến việc doanh nghiệp tăng mua lại trái phiếu, điều này nhằm hướng tới một thị trường phát triển minh bạch, bền vững. 

Trước đó, ngày 16.9, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 65/2022/NĐ-CP bổ sung các quy định để sàng lọc nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, hạn chế việc nhà đầu tư nhỏ lẻ không có năng lực tham gia thị trường; đây cũng chính là các quy định để hạn chế nhà đầu tư cá nhân tiếp cận những rủi ro của TPDN khi không có khả năng phân tích, đánh giá và cũng là các quy định để bảo vệ nhà đầu tư cá nhân nhỏ, lẻ.

Đồng thời, Nghị định cũng tăng cường trách nhiệm và nghĩa vụ của doanh nghiệp phát hành trong việc tuân thủ phương án và hồ sơ chào bán, yêu cầu chế độ công bố thông tin, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức cung cấp dịch vụ trên thị trường, hoàn thiện cơ chế quản lý giám sát và trách nhiệm thanh, kiểm tra của cơ quan quản lý.