Thận trọng khi mua trái phiếu doanh nghiệp, bảo hiểm từ ngân hàng

Để giúp các bạn tìm hiểu kỹ hơn vấn đề này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với luật sư Trương Thanh Đức – người đã có hơn 35 năm kinh nghiệm luật sư chuyên nghiệp trong lĩnh vực doanh nghiệp, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm.

Luật sư Trương Thanh Đức - Chuyên gia trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng

Luật sư Trương Thanh Đức – Chuyên gia trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng

Phóng viên: Thưa luật sư, hiện nay pháp luật nước ta có quy định như thế nào về việc ngân hàng bán các sản phẩm liên kết với doanh nghiệp như trái phiếu và bảo hiểm?

Luật sư Trương Thanh Đức: Luật các tổ chức tín dụng và các văn bản quy định trong lĩnh vực ngân hàng thì có quy định rất cụ thể, rất rõ ràng việc ngân hàng là được cấp giấy phép thì sẽ hoạt động ngân hàng với 3 nghiệp vụ đặc trưng: huy động vốn, cấp tín dụng, thanh toán qua tài khoản. Ngoài ra thì ngân hàng sẽ thực hiện một loạt những hoạt động liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến lĩnh vực ngân hàng khi được Ngân hàng Nhà nước cho phép (có quy định hoặc cấp phép hoặc chấp thuận một cách cụ thể). Trên thực tế là ngoài những hoạt động chính của ngành ngân hàng là cho vay rồi hạch toán, làm dịch vụ ngân hàng thì ngân hàng còn làm nhiều sản phẩm khác như là bán bảo hiểm hay là bán trái phiếu, tư vấn tài chính, giới thiệu khách hàng… Về cơ bản là đều phải có sự cho phép của Ngân hàng Nhà nước hay là được ghi nhận trong đăng ký kinh doanh hay là trong điều lệ.

Phóng viên: Bộ Tài chính đã từng có khuyến cáo đến các nhà đầu tư đặc biệt lưu ý, cẩn trọng khi mua trái phiếu doanh nghiệp qua các tổ chức cung cấp dịch vụ như công ty chứng khoán hay ngân hàng thương mại. Luật sư đánh giá thế nào về khuyến cáo này? Liệu khuyến cáo này có phải là cần thiết?

Luật sư Trương Thanh Đức: Tôi nghĩ rằng là khuyến cáo đấy vừa cần thiết vừa không cần thiết. Bản thân trái phiếu có rủi ro ở mức độ khác nhau, chắc chắn là rủi ro hơn tiền gửi ngân hàng và đầu tư trái phiếu Chính phủ. Doanh nghiệp trực tiếp bán ra, hay là ngân hàng, tổ chức, đại lý, công ty chứng khoán bất kỳ nào bán ra… không khác nhau về mức độ rủi ro. Vấn đề ở chỗ ảnh hưởng đến tâm lý của nhà đầu tư. Nếu là doanh nghiệp trực tiếp bán ra, nhà đầu tư không hiểu lắm, không tin lắm, không có căn cứ. Nhưng nếu một ngân hàng đứng ra bán thì rất dễ là bằng cảm nhận vô tình hoặc đặc biệt trong trường hợp cán bộ ngân hàng nói thông tin không chính xác, đây là trái phiếu ngân hàng bảo lãnh, ngân hàng đã thẩm định, bảo đảm; mua trái phiếu thì an toàn cũng tương tự như tiền gửi ngân hàng…,ếu người mà không thông thạo, không hiểu biết rất dễ nhầm lẫn. Chẳng hạn như người ta nói ngân hàng bảo lãnh thực ra hoàn toàn không có tý giá trị gì cả. Đúng là ngân hàng bảo lãnh nhưng lại bảo lãnh phát hành trái phiếu, tức là họ bán xong là xong, hết trách nhiệm, chứ không bảo lãnh thanh toán. Còn người mua rủi ro hay không, được thanh toán hay không phải căn cứ bảo lãnh thanh toán, chứ bảo lãnh kia là bảo lãnh việc bán hết hàng cho doanh nghiệp thôi.

Phóng viên: Vâng, bản thân tôi khi nghe nói ngân hàng mà tôi đang sử dụng dịch vụ có bán những sản phẩm bảo hiểm nhân thọ hay an sinh xã hội thì tôi thực sự tôi thấy an tâm hơn là những sản phẩm được chào bán qua các nhân viên bán bảo hiểm của các hãng. Mặc dù đó cũng là sản phẩm bảo hiểm mà tôi đã từng từ chối. Thế nhưng việc mua bảo hiểm, mua trái phiếu từ ngân hàng không phải là chúng ta đang cho ngân hàng vay tiền mà là cho doanh nghiệp vay tiền, phải không thưa luật sư?

Luật sư Trương Thanh Đức: Nếu như mà vay tiền thì ngân hàng sẽ nhận tiền gửi, bán trái phiếu của ngân hàng, kỳ phiếu hay tín phiếu… rất nhiều hình thức mà ngân hàng huy động. Khi đó, quyền lợi người gửi tiền được bảo đảm. Khi ngân hàng không thanh toán được, hoặc thực sự phá sản, bảo hiểm tiền gửi là cơ quan của Nhà nước sẽ chi trả tối thiểu cho người gửi tiền là 125.000.000. Còn nhiều hơn thì phụ thuộc vào khả năng thu hồi, khả năng tài chính khắc phục của Ngân hàng. Đối với doanh nghiệp thì không có một cơ chế nào để bảo đảm việc thanh toán, bảo đảm an toàn. Nếu mà làm ăn tốt, duy trì được thì người ta sẽ trả đủ gốc và lãi. Nhưng nếu như mà họ không có khả năng trả nợ, họ bị phá sản thì họ sẽ không có trách nhiệm gì cả vì trách nhiệm của doanh nghiệp là trách nhiệm hữu hạn (chỉ chịu trách nhiệm trong số vốn mà cổ đông hay các thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn góp vào). Doanh nghiệp bị thua lỗ thì chủ nợ, tiền lương, tiền thuế… có nguy cơ không trả được.

Phóng viên: Đối với những ngân hàng có thái độ lập lờ, khiến khách hàng cho rằng việc mua trái phiếu doanh nghiệp cũng là một hình thức gửi tiết kiệm của ngân hàng thì có chế tài xử phạt gì hay không? Ngân hàng có phải chịu trách nhiệm khi khách hàng mất tiền vì mua trái phiếu mà ngân hàng bán ra?

Luật sư Trương Thanh Đức: Doanh nghiệp sẽ chịu trách nhiệm chính. Người bán hàng chỉ chịu tác động phần nào thôi. Trong luật pháp dân sự nói chung, kinh doanh nói riêng thì những người môi giới, các bên trung gian… phải có nguyên tắc là cung cấp thông tin trung thực, chính xác, không được lừa dối, không được gây nhầm lẫn, mập mờ để gây thiệt hại cho người khác. Về nguyên tắc nếu vì sai trái như thế mà khách hàng giao dịch thì cũng người môi giới, các bên trung gian có thể phải chịu trách nhiệm, bồi thường thiệt hại vì lỗi của mình. Thế nhưng điều đó còn phụ thuộc vào từng quan hệ và từng bằng chứng. Người bán chỉ thúc đẩy, chỉ nói rằng doanh nghiệp tốt theo cảm nhận của người ta (lúc đấy có thể nó tốt thật chứ người ta không nói sai hoặc là người ta cố tình). Thứ hai, quan trọng là làm sao chứng minh, có bằng chứng cơ sở nói rằng lúc đấy những nhân viên tư vấn bảo là cứ mua đi, ngân hàng chịu trách nhiệm hay là nó tốt lắm, yên tâm tuyệt đối? Lời nói gió bay. Khó quy trách nhiệm chỗ đấy.

Phóng viên: Như luật sư vừa nói thì hiện giờ chúng ta vẫn chưa có việc quy kết trách nhiệm cho những ngân hàng có thái độ lập lờ, khiến khách hàng gặp rủi ro khi mua trái phiếu do họ bán ra. Vậy theo luật sư, trong tương lai, chúng ta nên có những chế tài thế nào để hạn chế rủi ro cho khách hàng khi mua trái phiếu doanh nghiệp qua ngân hàng?

Luật sư Trương Thanh Đức: Bằng mọi cách thức thì Nhà nước, các cơ quan chức năng và bản thân các doanh nghiệp, những người tham gia giao dịch phải truyền đạt thông điệp đến nhà đầu tư đúng với bản chất của sự việc, rủi ro của loại hình sản phẩm trái phiếu, thông tin chính xác của doanh nghiệp. Hai là cần phải nói rõ hơn về trách nhiệm của tất cả các khâu liên quan (từ tư vấn phát hành, môi giới đến đại lý, bảo lãnh…) trách nhiệm đến đâu, được làm gì không được làm gì (ít nhất bằng văn bản đã). Còn thực tế thì phải tăng cường việc đốc thúc kiểm tra, đôn đốc giám sát, trong đó là một kênh rất quan trọng là chính người mua hàng, chính nhà đầu tư sẽ phản ánh cơ quan chức năng rằng họ được thông tin như thế này, đúng hay sai… Từ đấy mới có cơ sở để quy trách nhiệm cho từng con người hay ngân hàng, tổ chức đã bán như vậy. Còn trước mắt, kể cả lâu dài, thì có lẽ đấy là câu chuyện của thị trường quyền lực của người tiêu dùng.

Nhà đầu tư thực ra cũng là một dạng tiêu dùng. Họ sẽ phải phản ứng với những cái mất tín nhiệm, những cái sai trái. Nếu như mà họ cảm thấy không được cung cấp thông tin đúng, không có uy tín, không tin cậy thì họ sẽ không chấp nhận để sử dụng dịch vụ sau này nữa, không giao dịch, không ủng hộ những doanh nghiệp. Có lẽ đấy là cách phản ứng với thị trường có giá trị nhất. Chứ pháp luật thì nói thật là rất khó mà bao quát, chi tiết, đi vào hết ngóc ngách, giải quyết hết mọi vấn đề, đặc biệt là việc kiểm tra, xử lý, xử phạt được.

Phóng viên: Xin cảm ơn luật sư.

Mời quý vị và các bạn nghe toàn bộ phần trao đổi của phóng viên với luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty luật ANVI tại đây: