Thần đạo – một tín ngưỡng đặc biệt trong văn hoá Nhật Bản – Tour Nhật Bản – Du Lịch Nhật Bản
Nhật Bản là một trong những quốc gia trên thế giới có rất nhiều tôn giáo vậy nên các tín ngưỡng, phong tục tập quán cũng có những nét riêng. Tuy nhiên, tôn giáo bản địa của người Nhật là Thần đạo. Đây là một tín ngưỡng đặc biệt, đó không chỉ là một tôn giáo với những tín đồ riêng, mà còn giữ vai trò quan trọng trong việc hình thành nên văn hóa truyền thống của “xứ Phù Tang”.
Thần đạo là tôn giáo chính của Nhật Bản. Mặc dù tại Nhật Bản có rất nhiều các tôn giáo khác nhau nhưng Thần đạo được xem là đạo gốc của người dân “xứ Phù Tang”. Theo Nhật Bản Thư Kỷ (Nihongi) ghi chép lại, Phật giáo được truyền vào Nhật Bản năm 552 và phát triển cực kỳ mạnh mẽ. Tuy nhiên, Phật giáo đã giao thoa với Thần đạo và được gọi chung là “Thần đạo Shinto”.
Thần đạo có nghĩa là “con đường của Thần” (Kami no michi), tức là các linh hồn hay vị thần hiện diện ở khắp mọi nơi, có nguồn gốc từ quan niệm vật linh của người Nhật cổ. Thần đạo không hẳn là một tôn giáo theo đúng nghĩa của nó mà là sự tích hợp những tín ngưỡng và nghi lễ thờ cúng các vị thần Kami.
Kami bao gồm các vật linh thiêng trong thiên nhiên (mặt trời, mặt trăng, gió, mưa, sấm sét, núi, sông, đá đá, cây cối, chim muông,…) và hồn người chết (tổ tiên Nhật Hoàng, tổ tiên của gia đình, những anh hùng có công với nước). Kami chính là những linh hồn thiêng là những “vị thần” trong Thần đạo. Nam thần Izanagi và nữ thần Izanami được cho là Kami nổi tiếng nhất của Thần đạo. Truyền thuyết kể lại rằng, vị thần đầu tiên là Izanagi đã dùng ngọn giáo thần khuấy động đại dương, sau khi rút giáo lên, nước biển nhỏ xuống tạo thành một hòn đảo. Izanagi và vợ mình là nữ thần Izanami đã dựng một lâu đài và sinh ra 8 hòn đảo mới, gộp thành phần lớn nước Nhật ngày nay. Từ đó, người dân đã lập nên rất nhiều đền thờ trên khắp đất nước, các đền thờ tương ứng với những vị thần có quyền năng khác nhau. Đi cùng với đó là những lễ hội như một hình thức người Nhật dâng lên các đấng linh thiêng sự thành kính và lời nguyện cầu của họ.
Thần đạo xuất hiện từ xa xưa nhưng phát triển rất chậm và hầu như không có tên gọi vào thời kỳ đầu. Sau này, với sự xâm nhập của Phật giáo và Nho giáo, Thần đạo mới được đặt tên để phân biệt. Tuy nhiên, với tầm ảnh hưởng sâu rộng của Phật giáo, Thần đạo gần như bị lấn át, có thời kỳ còn bị hợp nhất với Phật giáo. Mãi đến thời Minh Trị (khoảng năm 1868), Thần đạo mới được tách riêng và được xem như là quốc giáo của Nhật Bản.
So với những tôn giáo khác, Thần đạo không có đấng tối cao, thay vào đó là rất nhiều vị thần. Người ta cũng không biết ai là người đã khai sinh ra Thần đạo, chỉ biết rằng nó đã có từ rất xa xưa và gắn với linh hồn của văn hóa Nhật Bản.
Thần đạo cũng không có kinh thư hay kinh thánh, không có các điều răn và không có điều luật để tín đồ phải tuân theo. Nó chỉ có những câu cầu nguyện, những câu khấn cổ là Norito (hay Norii), đã được truyền miệng từ hàng thế kỷ trước. Mặc dù không có những câu giáo điều, những điều buộc người theo đạo phải trung thành làm theo nhưng Thần đạo đem đến những giá trị, chuẩn mực và cách nghĩ mà dần dần thấm sâu vào cuộc sống của người Nhật. Một nhà học giả Nhật viết: “Chính là vì người Nhật thực sự đạo đức trong việc thực hành nên họ không cần đến lý thuyết đạo đức”.
Bên cạnh đó, Thần đạo cũng không có bất kỳ một nghi lễ nào cho tín đồ thực hành để được xem là đã chính thức gia nhập. Gần như cũng không có ai rao giảng hay thuyết phục người khác theo Thần đạo. Người ta sinh ra và lớn lên cùng với nó, như một truyền thống trong gia đình và tự ý thức rèn luyện để sao cho bản thân mình có lối sống theo đúng tinh thần của Thần đạo, mà nhìn theo một cách nào đó, cũng chính là tinh thần Nhật Bản.
Người theo Thần đạo không bao giờ quan tâm đến khái niệm kiếp sau. Họ cầu nguyện về những thứ rõ ràng như cầu nguyện cho được mùa, thực phẩm, hạnh phúc, lợi ích của quốc gia và bày tỏ lời cảm ơn.
Tín đồ Thần đạo không sử dụng hình ảnh của các thần mà sử dụng biểu tượng của các thần. Trên những bàn thờ thần có những bài vị hay những mảnh giấy ghi tên những vị thần mà họ muốn tôn kính. Một ngọn đèn được đốt lên và nếu có thể gia đình đặt hoa cùng một chút rượu vang hay bánh cốm hàng ngày. Những người Thần đạo thường duy trì nghi lễ cầu nguyện ngắn trước bàn thờ thần mỗi ngày.
Thần đạo đề cao sự sạch sẽ và thanh tẩy. Những nơi đặt các ngôi đền thờ Thần đạo thường có dòng nước chảy qua, như sông hay suối. Người Nhật theo Thần đạo cũng không lại gần nơi thờ cúng ở nhà hay nơi công cộng mà lại không tẩy uế trước. Chính vì thế, trước mỗi ngôi đền của Thần đạo, mọi người sẽ bắt gặp các máng nước để người đi lễ có thể dùng để rửa tay và xúc miệng. Chỉ sau khi làm cho chính mình trong sạch, người ta mới nghĩ mình đáng được hành lễ tại đền.
Đền thờ Thần đạo gọi là “Thần xã”. Phía ngoài đền thờ có cổng Torii bằng gỗ, thường được sơn màu đỏ son hoặc đỏ cam. Các Thần xã thường được xây trên đồi núi, từ dưới leo lên đến nơi rất mỏi chân và mệt, nhưng đó là cách để tỏ lòng thành kính. Đặc biệt, Thần xã Itsukushima nổi tiếng nằm trên nước được xem là di sản văn hóa quốc gia và được công nhận là di sản văn hóa thế giới.
Theo truyền thuyết, nữ thần Mặt Trời Amaterasu vì giận dỗi em trai mình đã trốn vào hang núi và không tỏa sáng nữa. Người dân Nhật đã dựng lên một cái sào bằng gỗ, để cho tất cả gà trống đậu lên đó và gáy ầm ĩ. Vì quá tò mò, nữ thần đã hé mắt nhìn qua hang động ánh sáng của mặt trời xuyên qua kẽ hang và người ta tìm thấy chỗ bà ẩn nấp. Cây sào trong câu chuyện chính là phiên bản đầu tiên của Torii, trong tiếng Nhật có nghĩa là nơi chim đậu, hay còn gọi là cổng “điểu cư”. Cấu trúc cơ bản của Torii gồm 2 cột thẳng đứng, 2 thanh ngang đóng sát nhau ở trên đỉnh, phía dưới nữa là một thanh ngang, Torii thường được sơn màu đỏ son. Theo truyền thống, Torii được dựng từ gỗ hay đá nhưng hiện nay người ta bắt đầu dung các loại vật liệu khác như thép và thậm chí là thép không gỉ. Theo thần đạo Nhật Bản, bước qua cánh cửa này nghĩa là bước từ chốn trần gian vào nơi linh thiêng. Cổng Torii càng gần chính điện lại càng thêm phần thiêng liêng. Vì tin vào sự linh thiêng của cánh cổng thiền, rất nhiều người thường xuyên bỏ tiền hiến tặng cổng cho đền, chùa. Ngôi đền Fushimi Inari có cả một dãy hành lang bằng cổng Torii xếp liền vào nhau. Mỗi cánh cổng đều có ghi tên người hiến tặng.
Các đền thờ Thần đạo là nơi thờ tự và là nhà của các Kami. Hầu hết các đền thờ tổ chức lễ hội (Matsuri) thường xuyên để cho các Kami có thể nhìn thấy thế giới bên ngoài. Các thần chủ Thần đạo thực hiện các nghi lễ và thường sống trong khuôn viên của đền thờ. Đàn ông và phụ nữ có thể trở thành thần chủ, và họ được phép kết hôn và sinh con. Các thần chủ được các vu nữ (Miko) hỗ trợ trong các nghi lễ và nhiệm vụ tại đền thờ. Miko mặc Kimono trắng, phải chưa lập gia đình và thường là con gái của các thần chủ.
Vì Thần đạo mang bản chất Nhật và không ép buộc người ngoại đạo tham gia, nên phần trăm người theo đạo này trên thế giới rất nhỏ và gần như tất cả đều sinh sống ở Nhật. Hiện nay, Thần đạo có khoảng hơn 100.000.000 tín đồ, hơn 80.000 ngôi đền Thần đạo trải dài trên khắp nước Nhật có thể nói lên sức ảnh hưởng của tôn giáo này đến cuộc sống và văn hóa của người dân nơi đây. Bao nhiêu ngôi đền cũng là bấy nhiêu lễ hội được diễn ra suốt cả năm, như là một chất gắn kết tinh thần của người dân với nhau, và với niềm tin, sự tín ngưỡng của họ.
Ngày nay, Thần đạo có mặt trong nhiều nghi lễ hay các dịp hệ trọng của người dân Nhật Bản. Một đám cưới truyền thống Nhật Bản sẽ được cử hành theo nghi thức của Thần đạo. Hay mỗi khi năm mới đến, gần như bất kỳ người Nhật nào cũng sẽ đến cầu nguyện tại các ngôi đền, họ mong một năm mới may mắn, mong được ban sức khỏe, mong đỗ đạt hay cầu duyên lành sẽ đến.
Nếu du khách muốn hiểu biết thêm về Tín ngưỡng Thần đạo, hãy thực hiện một chuyến du lịch Nhật Bản để có cơ hội khám phá và trải nghiệm nhé!