Thẩm quyền cấp giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm cho hộ kinh doanh – Luật Hồng Phúc

Thẩm quyền cấp giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm cho hộ kinh doanh

Hộ kinh doanh là một trong số cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm phổ biến mà theo quy định của pháp luật phải đăng ký cấp Giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm. Vậy pháp luật về an toàn thực phẩm quy định như thế nào về thẩm quyền cấp giấy chứng nhận vệ sinh ATTP cho hộ kinh doanh? Bài viết sau đây, Luật Hồng Phúc xin được tư vấn cụ thể hơn về thẩm quyền cấp giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm cho hộ kinh doanh cho quý khách hàng.

Căn cứ pháp lý:

  • Luật an toàn thực phẩm năm 2010;
  • Nghị định 15/2018/NĐ-CP ngày 02 tháng 02 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm.

Giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm là gì?

An toàn thực phẩm là việc bảo đảm để các thực phẩm không gây hại đến sức khỏe và tính mạng con người. Theo đó, có thể hiểu Giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm là một loại giấy tờ được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho các hộ kinh doanh để tiến hành sản xuất, kinh doanh nhà hàng hay quán ăn. Việc chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm giúp các hộ kinh doanh chứng minh được khả năng đáp ứng các yêu cầu về an toàn thực phẩm, đồng thời tạo niềm tin cho người tiêu dùng cũng như đảm bảo tuân thủ đúng các quy định của pháp luật.

luat-hong-phuc-vn-tham-quyen-cap-giay-chung-nhan-ve-sinh-an-toan-thuc-pham-cho-ho-kinh-doanhluat-hong-phuc-vn-tham-quyen-cap-giay-chung-nhan-ve-sinh-an-toan-thuc-pham-cho-ho-kinh-doanh

Điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận vệ sinh ATTP

Hộ kinh doanh được cấp Giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm khi thỏa mãn đủ các điều kiện nhất định sau:

  • Có đủ điều kiện chung và riêng bảo đảm an toàn thực phẩm phù hợp với từng loại hình sản xuất kinh doanh thực phẩm: thực phẩm tươi sống; thực phẩm đã qua chế biến; thực phẩm trong kinh doanh phục vụ ăn uống; thực phẩm trong kinh doanh thức ăn đường phố;
  • Có đăng ký ngành, nghề kinh doanh thực phẩm trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

Thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm cho hộ kinh doanh

Theo quy định tại Điều 35 Luật an toàn thực phẩm năm 2010 thì thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm cho hộ kinh doanh sẽ thuộc Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương. Tùy vào tình hình và phương hướng quản lý của địa phương mà cơ quan cấp phép đối với giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm cho hộ kinh doanh là khác nhau:

  • Theo lĩnh vực mà sẽ do Sở Y tế, Sở Công Thương hoặc Sở Nông nghiệp tỉnh, thành phố cấp giấy phép;
  • Phòng y tế Quận Huyện nơi cơ sở đóng trụ sở chính;

luat-hong-phuc-vn-tham-quyen-cap-giay-chung-nhan-vs-attp-cho-ho-kinh-doanhluat-hong-phuc-vn-tham-quyen-cap-giay-chung-nhan-vs-attp-cho-ho-kinh-doanh

Hồ sơ và trình tự đăng ký cấp Giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm

Về thành phần hồ sơ, cần đảm bảo đủ các giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều 36 Luật an toàn thực phẩm năm 2010 như sau:

  • Đơn đề nghị cấp giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm theo mẫu.
  • Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hộ kinh doanh cá thể (02 bản sao công chứng)
  • Bản thuyết minh về điều kiện cơ sở vật chất trang thiết bị, dụng cụ bảo đảm điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền
  • Giấy xác nhận đủ sức khoẻ của chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm do cơ sở y tế cấp huyện trở lên cấp.
  • Bản chứng nhận tập huấn kiến thức về an toàn vệ sinh thực phẩm của quản lý và nhân viên trực tiếp sản xuất kinh doanh thực phẩm theo quy định của Bộ trưởng Bộ quản lý ngành.

Về trình tự đăng ký cấp Giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, hộ kinh doanh cần thực hiện các bước sau:

  1. Chủ sở hữu hộ kinh doanh cần chuẩn bị thành phần hồ sơ đầy đủ và đúng quy định;
  2. Hộ kinh doanh phải nộp hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp như kể trên;
  3. Khi tiếp nhận hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền sẽ kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ, sau đó giải quyết hồ sơ đăng ký;
  4. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra thực tế điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm tại cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm;
  5. Nhận kết quả. Nếu đủ điều kiện thì hộ kinh doanh sẽ được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm.

Lưu ý: Giấy chứng nhận VS ATTP là loại chứng nhận có thời hạn nhất định. Theo khoản 1 Điều 37 Luật an toàn thực phẩm năm 2010 thì Giấy chứng nhận này chỉ có hiệu lực tron thời hạn 03 năm. Do vậy, trường hợp vẫn tiếp tục sản xuất, kinh doanh thì hộ kinh doanh phải nộp hồ sơ xin cấp lại Giấy chứng nhận trước 06 tháng tính đến ngày Giấy chứng nhận hết hạn.

Trên đây là những thông tin về thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm mà các hộ kinh doanh cần biết khi phải đăng ký cấp Giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm. Nếu còn những thắc mắc về thủ tục này hay bất kỳ vấn đề pháp lý gì khác thì đừng quên liên hệ Luật Hồng Phúc để được giải đáp nhé.