Thai nhi bị giãn não thất

-Trả lời:

Kết quả đúng hơn là giãn não thất 2 bên. Ở đầu chúng ta, bên trong lớp xương sọ là não (bộ óc), thật ra bên trong não có những phần như hốc, xoang (gọi là não thất) chứa nước, các xoang này thông thương với nhau. Nước trong não gọi là dịch não tủy, do các màng não tiết ra, lưu thông qua các xoang và tái hấp thụ. Dịch não tủy có nhiều tác dụng khác nhau, trong đó có dinh dưỡng và mô đệm bảo vệ. Vì một lý do nào đó, lượng dịch gia tăng, không lưu thông tốt… sẽ tích tụ lại ở một hay nhiều xoang gây ra tình trạng ứ nước trong xoang và đưa đến giãn não thất.

Với những trường hợp này, khi giải quyết được nguyên nhân, não thất sẽ trở lại bình thường. Còn nếu không giải quyết được, các xoang ngày càng bị giãn, chèn ép phần thể tích trong sọ (là không gian phát triển của bộ não); có nghĩa là bộ não bị chèn ép không phát triển được. Nếu giải quyết chậm, bộ não bị chèn ép quá lâu, cũng sẽ khó hồi phục lại bình thường.

Ở trẻ em, xương sọ còn mềm, các khớp xương chưa liền, nếu bị giãn như vậy sẽ làm đầu ngày càng to, đưa đến tình trạng đầu nước (não úng thủy). Nếu đầu quá to, có thể không sinh thường được.

Với thai nhi bị bệnh, tùy mức độ giãn não thất nhiều hay ít mà có cách xử trí khác nhau (bỏ thai, chờ sinh xong giải quyết bằng mổ dẫn lưu dịch não tủy); tùy theo mức độ, thời điểm bị bệnh, tiến triển của bệnh. Bạn cần đến bệnh viện để bác sĩ xem để có cách xử trí thích hợp.

Bác sĩ Đặng Lê Dung Hạnh
(Bệnh viện phụ sản Hùng Vương, TP.HCM)