Thác Vũ Môn (Hương Khê – Hà Tĩnh): Điểm du lịch hấp dẫn cần được khai phá

VNHN – Hương Khê (Hà Tĩnh) nổi tiếng với những đặc sản riêng có của mình: Gỗ trầm hương – một loại gỗ có hương thơm đặt biệt; Bưởi Phúc Trạch – với vị ngọt khó quên nên “Năm 1938, bưởi Phúc Trạch đã được thưởng mề đay trong cuộc đấu xảo quả ngon toàn Đông Dương”; Cam Khe Mây – hương thơm, vị ngọt có tiếng vẫy gọi khách thập phương. Không chỉ như vậy, Hương Khê còn có những danh thắng tuyệt đẹp, những cảnh quan vô cùng hấp dẫn. Trong đó không thể không nói đến Thác Vũ Môn thuộc địa phận xã Phú G

Hương Khê, Hà Tĩnh nổi tiếng với những đặc sản riêng có của mình: Gỗ trầm hương – một loại gỗ có hương thơm đặt biệt; Bưởi Phúc Trạch – với vị ngọt khó quên nên “Năm 1938, bưởi Phúc Trạch đã được thưởng mề đay trong cuộc đấu xảo quả ngon toàn Đông Dương”; Cam Khe Mây – hương thơm, vị ngọt có tiếng vẫy gọi khách thập phương. Không chỉ như vậy, Hương Khê còn có những danh thắng tuyệt đẹp, những cảnh quan vô cùng hấp dẫn. Trong đó không thể không nói đến Thác Vũ Môn thuộc địa phận xã Phú Gia – một thắng cảnh được ví là Viên Ngọc giữa rừng xanh – Một địa danh gắn liền với truyền thuyết Cá Chép hóa Rồng: “Mồng Bảy cá đi ăn thề, mồng Tám cá về vượt thác Vũ Môn”…  Vẻ  đẹp và sự huyền bí của dòng thác thần không những được thể hiện qua thư tịch cổ mà còn ở trong tiềm thức của người dân Hương Khê với khát vọng “Viên Ngọc giữa rừng xanh” sẽ được tỏa sáng.

Thác Vũ Môn qua thư tịch cổ

Không quá chút nào khi nói rằng, Thác Vũ Môn là một kiệt tác mà thiên nhiên ban tặng cho con người, là một viên ngọc giữa rừng xanh, một phong cảnh “thiên đường”… Từ xưa đến nay, Thác Vũ Môn đã được nói đến trong rất nhiều tài liệu: Tron sách Nghệ An ký của Bùi Dương Lịch có viết: Núi khai trương cao ngất trời, trông như màn giăng. Một giải trắng nổi bật lên giữa màu lam xanh biếc, dài đến mấy trăm trượng, gọi là Suối Vũ Môn. Tục truyền đây là nơi cá Gáy hóa Rồng”. Trong các cuốn sách: Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú; Hoàng việt dư địa chí đời Minh Mạng; Đồng Khánh địa dư; Đại Nam nhất thống chí đều giới thiệu về suối Vũ Môn với nhiều tình tiết, nhưng có nét chung như: “Suối Vũ Môn ở Núi Vũ Môn trong dãy Giăng Màn, thuộc huyện Hương Khê, trên có thác ba bậc, mỗi bậc đến vài trượng, đứng ngoài mấy trăm dặm trông như một làn khói đứng sững trong núi xanh. Tương truyền hàng năm đến ngày Tám tháng Tư cá Chép vượt được suối này thì hóa Rồng, phường chài thì bảo nhau mấy ngày trước không bủa chài lưới, đúng ngày ấy thì chỗ này mây mù dày đặc, không ai dám đến gần”. Theo tài liệu “Vũ Môn – Cá Gáy hóa Rồng và một số địa danh lịch sử vùng Hương Khê – Hà Tĩnh” của ông Trần Văn Quý (nhà nghiên cứu Hán nôm- quê xã Hương Bình): Tên gốc của Suối Vũ Môn (tên cúng cơm) là Dòng Nước Thần (hoặc Suối Nước Thần)… Cho nên, khi nói đến vùng đất Hương Khê, không thể không nhắc đến Thác Vũ Môn kỳ thú.

Ảnh: (Quốc Bảo)

Vũ Môn trong tiềm thức của người dân Hương Khê

Trong tâm trí và tình cảm những người con của quê hương Hương Khê, Thác Vũ Môn vừa rất xa, nhưng lại cũng rất gần… Bởi, vẻ đẹp huyền ảo và những gì “tai nghe mắt thấy” thực tại hàng ngày luôn có sự hòa quyện với nhau, khiến cảm xúc thực vẫn có những lúc thăng hoa bởi vẻ đẹp của Thác, của thiên nhiên nơi này… Đã có rất nhiều người, cả chuyên và không chuyên, cả trong và ngoài Hương Khê, thể hiện cảm xúc và ước vọng của mình về Thác Vũ Môn qua những vần thơ, trang sách, những chuyến đi khảo sát thực tế để được đắm mình trong sự hùng vỹ, nên thơ của dòng Thác quê hương.

Ảnh: (Quốc Bảo)

Xin trích dẫn từ một vài bài thơ để minh chứng cho vẻ đẹp sơn thủy hữu tình đến nao lòng ấy: Trên đỉnh Giăng Màn một suối cao/ Tháng ngày dòng nước xối rì rào/ Đá bàn óng ánh màu hoa lệ/ Thác nước râm ran tiếng dạt dào/ Tạo hóa công lao từng sắp đặt/ Thần tiên cảnh sắc thú tiêu dao/ Mong ai khơi dậy nguồn thanh lịch/ Của Vũ hân hoan được đón chào…(Thơ: Nguyễn Xuân Lan – xã Lộc Yên). Cũng với cảm xúc đẹp đẽ ấy, khi về thăm quê, đến với Thác Vũ Môn, ông Đinh Song Bạt (quê ở Phúc Trạch) đã cảm tác: Đứng nhìn dãy Giăng Màn/ Xa xa một màu lam/ Những dải mây trắng nhẹ/ Quanh đỉnh núi chờn vờn… Hay những vần thơ giàu tính liên tưởng, nhưng cũng rất thực của tác giả Trịnh Ngữ được viết trong một chiều hè vãn cảnh Thác Vũ Môn:  Huyền thoại bao đời thác Vũ Môn/ Hóa rồng… cá gáy vượt dòng tuôn/ Trên Trìm trụt xuống không đường tắt/ Dưới Trụ trèo lên chẳng lối mòn…

Còn nhiều lắm và cũng thật khó mà kể đầy đủ được những xúc cảm và tình yêu quê hương của người Hương Khê, cũng như của du khách thập phương đến với Hương Khê, đến với danh thắng Thác Vũ Môn. Nhưng mà, mong ước thì vẫn còn đó, như tác giả Xuân Lan từng viết: Mong ai khơi dậy nguồn thanh lịch/ Cửa Vũ hân hoan được đón chào…

Một tiềm năng cần được đánh thức

Thác Vũ Môn nằm ở tọa độ: 1807 Vĩ Bắc; 105023 Kinh Đông; bên phải Thác cách biên giới Việt – Lào điểm gần nhất là 800m; điểm xa là 1.700m; Thác có 3 tầng nước với độ dài dòng chảy từ đỉnh thác đến hồ chứa nước ở chân Thác thứ 3 là khoảng 200m; trong đó:  Tầng 1 có độ dài khoảng 80m (dòng nước chảy thành 2 bậc); Tầng 2 có độ dài khoảng 70m (dòng nước chảy thành 2 bậc); Tầng 3 có độ dài khoảng 60m (phía dưới chân Thác tầng 3, có một cái hồ rộng khoảng 350m2, độ sâu khoảng 1-1,4m); Chân thác (hồ nước ở chân tầng 1) có độ cao là 1.035m so với mực nước biển. Đỉnh Thác (điểm đầu của Thác tầng 3) có độ cao là 1.280m so với mực nước biển; Ngay ở chân thác Vũ Môn có những tảng đá lớn gối lên nhau hình thành nên các hang hốc, từ chân thác chảy xuôi qua các khe đá, hốc đá tạo thành các vòng xoáy, vực nước tuyệt đẹp. Dưới chân thác còn có những phiến đá lớn; trong đó nổi bật là phiến đá rộng, phẳng, tương truyền được coi là “bàn cờ tiên”. Tại khu vực Thác, khí hậu mát mẻ, không khí trong lành, rất tốt cho sức khỏe. Vào những ngày đẹp trời có thể nhìn thấy thác từ khoảng cách hơn 15km. Xung quanh Thác đang còn rừng với nhiều loài cây khác nhau, trong đó có nhiều cây rất quí hiếm như: tùng, bách, táu; có những cây tùng có đường kính 1m. Trên đỉnh Thác là vùng đất rộng khoảng 500 ha; trong đó có khoảng 70ha đất bằng; đang còn rừng nguyên sinh; Bên phải thác là một dãy núi (nhân dân Phú Lâm gọi là Đỉnh trụt); Bên trái thác là một dãy núi đá (Nhân dân Phú Lâm gọi là lèn Bắc Thang). Nhiệt độ và không khí ở thác rất ôn hòa và dễ chịu, trong khi ở trung tâm thị trấn Hương Khê mùa hè có thể 37 – 400 C thì ở thác Vũ Môn chỉ khoảng 20 – 280C. Với nhiệt độ và vẻ đẹp như vậy của dòng suối thần, có thể nói, Vũ Môn ở Hương Khê như là một Sa Pa hoặc Đà Lạt tương lai của đất nước.

Trên đỉnh thác là dòng sông chảy hiền hòa, rộng khoảng 30m bắt nguồn từ đỉnh núi Giăng Màn có độ cao hơn 1.400m so với mực nước biển. Dòng sông này cung cấp nguồn nước cho Thác. Tung bọt trắng xóa, dòng chảy của Thác tạo nên tiếng reo, đứng cách Thác khoảng 2km vẫn nghe tiếng nước chảy. Ngay ở chân thác Vũ Môn có những tảng đá lớn gối lên nhau, nằm ở các vị trí không đồng đều, hình thành nên các hang hốc. Từ chân thác nước chảy về xuôi qua các khe đá, hốc đá tạo thành các vòng xoáy, vực nước tuyệt đẹp. Tại đỉnh thác ngược về thượng nguồn hướng về phía nước bạn Lào là một nhánh của sông Đá Trắng, hai bên đồi thoải, tương đối bằng phẳng, diện tích mỗi bên khoảng 70ha chạy dọc theo chiều dài đến cột mốc giáp với nước bạn Lào. Đứng từ bên này đồi nhìn sang, thác Vũ Môn tựa như một dải lụa mềm trắng vắt qua núi tuyệt đẹp và tiếng nước chảy ngân vang khắp một vùng. Ở đây không khí trong lành, nhiệt độ mát mẻ với cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ. Thác Vũ Môn đang là địa danh được nhiều người mong muốn tìm đến khám phá…

 Đoàn khảo sát của huyện trên đỉnh thác Vũ Môn.

Khát vọng  “Viên Ngọc giữa rừng xanh” sẽ được tỏa sáng

Để nhiều người đến được với Vũ Môn chiêm ngưỡng tuyệt tác thiên nhiên, được đắm mình vào dòng nước huyền thoại ấy và một tiềm năng không bị lãng quên, Vũ Môn cần được quan tâm đúng mức hơn. Nếu được đầu tư bài bản, Vũ Môn chắc chắn sẽ là một điểm đầy hấp dẫn của du khách thập phương; kết hợp với những di tích văn hóa trên địa bàn huyện như Đền Trầm Lâm, Thành Sơn Phòng-Hàm Nghi, Rôộc Cồn, Đền Ngàn Trụ,…đây sẽ là một tour du lịch lý thú, đa dạng, kết hợp giữa du lịch tâm linh và du lịch khám phá. Bên cạnh đó, với những thuận lợi về giao thông của huyện Hương Khê (cả về đường sắt và đường bộ), Thác Vũ Môn hoàn toàn có thể là một điểm đến trong các tour du lịch của Hà Tĩnh; góp phần tạo động lực phát triển kinh tế vùng biên giới, bảo vệ vững chắc chủ quyền Quốc gia Việt Nam.

Toàn cảnh Thác Vũ Môn, Ảnh: (Quốc Bảo)

Cùng với những chuyển biến của tỉnh Hà Tĩnh, huyện Hương Khê đã và đang nỗ lực phấn đấu để đạt chuẩn Nông thôn mới vào năm 2024. Trong quá trình đó, Huyện tập trung khai thác tiềm năng về đất đai, tài nguyên, về lợi thế giao thông; kết hợp với tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ; liên kết để phát triển mạnh các sản phẩm có lợi thế; đồng thời phát triển mạnh kinh tế vườn, kinh tế trang trại theo hướng nông nghiệp hữu cơ, gắn với chế biến và phát triển chăn nuôi nhằm nâng cao giá trị trong sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập của người nông dân. Đồng thời tích cực khai thác và phát huy hơn nữa những tiềm năng về văn hóa, lịch sử, môi trường sinh thái nhằm phát triển mạnh dịch vụ du lịch của Huyện… 

Với tâm huyết và kỳ vọng của chính quyền địa phương, nguyện vọng khát khao của Nhân dân Hương Khê, chúng ta mong và tin rằng, trong thời gian tới, các nhà đầu tư về du lịch sẽ quan tâm nhiều hơn vùng đất kỳ thú này, để Vũ Môn – “Viên Ngọc giữa rừng xanh” sẽ sớm được đầu tư, xây dựng và “dòng nước Thần” trở thành quần thể khu du lịch tầm cỡ và là một điểm đến hấp dẫn trong chuỗi du lịch Hà Tĩnh – Quảng Bình như Ông Xuân Lan đã viết: Mong ai khơi dậy nguồn thanh lịch/ Cửa Vũ hân hoan được đón chào.