ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương: Trưởng khoa Nội soi Tiêu hóa, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương
ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương – Trưởng khoa Nội soi Tiêu hóa, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, Giảng viên Đại học Y dược TPHCM, Giảng viên Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, tham gia tư vấn trên Kênh truyền thông sức khỏe AloBacsi
“Bách khoa toàn thư” của Kênh truyền thông sức khỏe AloBacsi
Năm 2013, trong hành trình tìm kiếm chuyên gia giỏi, mời tư vấn cho bạn đọc, một mối duyên lành đã kết nối đội ngũ AloBacsi với ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương.
Câu hỏi nào cũng được BS Lưu Phương phân tách thành các vấn đề rõ ràng, trả lời thấu đáo, không chỉ riêng chuyên khoa Tiêu hóa – Gan mật mà bạn đọc có bệnh lý gì, ông cũng đều đưa ra hướng dẫn được. Cảm thấy vô cùng may mắn khi được cộng tác cùng một vị bác sĩ học rộng hiểu nhiều như vậy, Ban biên tập AloBacsi thương mến gọi ông là “bách khoa toàn thư”.
Còn với những khán giả lâu năm của AloBacsi, BS Trần Ngọc Lưu Phương để lại ấn tượng là một diễn giả hay ví von chuyện y khoa với nhiều sự việc gần gũi trong cuộc sống: “Ổ bụng phức tạp như một khu nhà ổ chuột nhiều thế hệ gia đình cùng chen chúc”; “Hở van dạ dày ở người Việt Nam rất nhẹ nên một số bác sĩ có kinh nghiệm mới nhận ra. Giống như trong tình yêu, nếu không tinh tế thì sẽ không biết được ai đó đang thầm yêu mình”…
Ông cũng ví các tế bào của hệ miễn dịch như một đội tài xế xe hơi chuẩn bị đua xe, chích ngừa là khóa huấn luyện học lái xe đua. Khi đã được huấn luyện rồi, họ trở thành những “tay lái lụa” chạy đúng đường, về đúng đích.
ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương tham gia một buổi tư vấn trực tuyến cùng AloBacsi, năm 2014
Đặc biệt, trong đại dịch COVID-19, người đăng đàn nói về virus gây bệnh này đầu tiên trên AloBacsi là ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương, trong buổi phỏng vấn chiều 30 tết Canh Tý.
Khi đại dịch ngày càng leo thang, những lúc ngặt nghèo, việc liên hệ với các bác sĩ nhiều chuyên khoa khác ngày càng khó khăn vì họ không thể nhận cuộc gọi trong bộ đồ bảo hộ bít bùng, “bách khoa toàn thư” Trần Ngọc Lưu Phương đã tả xung hữu đột với lượng câu hỏi ùn ùn đổ về AloBacsi.
Ông còn ra toa cứu nhiều bệnh nhân COVID-19 có bệnh nền phức tạp, vượt qua cửa tử một cách diệu kỳ.
Vị bác sĩ hay hỏi, ham hỏi, gì cũng hỏi
Khi thăm khám bệnh nhân, BS Lưu Phương thường hỏi búa xua. Có những câu hỏi của bác sĩ tưởng như bông đùa nhưng giọng nói và phản ứng nhanh chậm của bệnh nhân lúc trả lời chính là những tín hiệu hé lộ sức khỏe của họ.
Cũng vì muốn nhìn thấy bức tranh toàn diện về sức khỏe của bệnh nhân nên BS Lưu Phương khá là bực mình khi họ làm mất sổ khám bệnh. Tuy nhiên, trí nhớ trời phú của ông khiến nhiều người bệnh tròn mắt: ngay cả chuyện mình quên bẵng đi rồi mà ông bác sĩ này vẫn nói trúng phóc.
Mỗi ngày ngày BS Lưu Phương tiếp xúc khoảng 100 người bệnh, phòng mạch khoảng 60 người, áp lực phải khám nhanh hơn thì ông sẽ hỏi ít lại, đùa ít hơn. “Nhiều khi mệt mỏi, cũng có những lúc bực bội với bệnh nhân nhưng về nhà lại thấy hối hận” – BS Lưu Phương chia sẻ. Với tình huống ấy, ông sắp xếp thời gian, tìm cách liên lạc lại với bệnh nhân qua điện thoại.
“Thời đi học, tôi có quan điểm là phải giỏi về chuyên môn, tuy nhiên nếu chỉ giỏi chuyên môn thì là mọt sách. Tôi thích cảm giác được hỏi. Đây cũng là tính cách của tôi từ nhỏ” – BS Lưu Phương lý giải.
Vì vậy, không khó hiểu khi BS Lưu Phương bỏ ra nhiều giờ đồng hồ để tự mở fanpage mang tên mình, tìm hiểu kỹ thuật chụp ảnh đẹp, cách vận hành trang web… “Hồi trước tôi viết bản sơ khai đầu tiên về quản lý dữ liệu kết quả nội soi bằng Visual Basic cho Đại học Y dược TPHCM, các bản sau này cải tiến, hoàn thiện hơn từ bản sơ khai đó” – ông vui vẻ khoe.
Người thầy khó tính của sinh viên y khoa
Vốn kiến thức sâu rộng của BS Lưu Phương không chỉ đến từ những câu hỏi. Thời trẻ, chàng sinh viên Trần Ngọc Lưu Phương từng làm thêm rất nhiều việc để tự lập và tích lũy vốn sống chứ không phải vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, cũng không phải do áp lực học phí bởi thành tích học tập của anh thường nằm trong top 2, được miễn 75% học phí.
Năm 1996, BS Lưu Phương ra trường, được xếp hạng 11, về Bệnh viện Trưng Vương nhưng đậu nội trú vào năm 1999, quyết định học tiếp Nội khoa tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định và Bệnh viện Chợ Rẫy. Đến năm cuối nội trú, ông chọn đi sâu chuyên ngành Tiêu hóa – Gan mật (từ năm 2000).
Sau đó, ông học thêm Nội soi, là một nhánh không thể thiếu của Tiêu hóa – Gan mật. “Bác sĩ nội tiêu hóa muốn giỏi phải kèm nội soi và siêu âm, cũng như bác sĩ nội tim mạch phải làm được siêu âm tim” – BS Lưu Phương giải thích.
Năm 2004, BS Lưu Phương nhận được học bổng của Bệnh viện Đa khoa Singapore, đi tu nghiệp sâu về chuyên khoa Tiêu hóa – Gan mật và Nội soi trong 1 năm. Sau đó, năm 2005, ông về trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch giảng dạy và qua làm việc tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương theo sự phân công của trường.
Với sinh viên y khoa, BS Trần Ngọc Lưu Phương là một người thầy khó tính, ra đề thi luôn có nhiều câu hỏi khó nhằn, đậu được môn của vị thầy này cũng muốn bở hơi tai.
Phương châm của thầy Lưu Phương là luôn dạy học trò quan sát tổng trạng sức khỏe của người bệnh: “Tôi không đồng ý việc sinh viên chỉ tập trung vào chuyên khoa của mình”.
Dân ta có câu “phước chủ, may thầy”, theo BS Lưu Phương, câu này có phần đúng nhưng không hoàn toàn lệ thuộc vận may hay phước đức.
Từ “chẩn đoán” vẫn có chữ “đoán” trong đó, nhưng là sự suy đoán, suy luận dựa trên bằng chứng chứ không phải đoán mò. Tất cả mọi loại thuốc luôn có tỉ lệ thành công và thất bại. Không có phác đồ nào thành công 100%. Tuy nhiên, sẽ là “phước” nếu bệnh nhân gặp được người bác sĩ nhìn toàn diện các vấn đề sức khỏe, cộng thêm nếu bệnh nhân may mắn, không rơi vào những tai biến, tác dụng phụ của thuốc thì có thể gọi là “phước chủ, may thầy”.
Thầy Lưu Phương ra đề thi khó cũng là mong sinh viên của mình giỏi hơn. Ông đưa ra nhiều vấn đề hóc búa từ thực tế để khi sau này các bác sĩ gặp phải tình huống đó thì tránh xử lý sai.
Cái khó tính của thầy Lưu Phương được nhiều học trò nể trọng, quý mến. Đặc biệt, trong số đó có một nữ sinh viên, sau này là bác sĩ Sản khoa, cùng BS Lưu Phương về chung một nhà (năm 2005).
Vợ chồng cùng ngành y có cái thuận lợi là dễ bàn chuyện chuyên môn, nhưng cũng có cái khó trong việc chăm sóc con cái khi cả hai trùng lịch trực. Thế nhưng các cháu luôn ngưỡng mộ hai đấng sinh thành, tự hào vì có người cha giỏi giang như siêu nhân. Hai cháu thích đi khám bệnh từ thiện cùng cha mẹ và cũng có lần theo ba đi trực trong bệnh viện, như thuở nhỏ BS Lưu Phương đã từng.
BS Lưu Phương tham gia đoàn AloBacsi khám từ thiện cho hơn 600 bà con nghèo miền núi Ba Tơ, Quảng Ngãi, tháng 3/2015
Ra khỏi cái bóng của người cha
Thân phụ của BS Lưu Phương – BS.CK2 Trần Ngọc Bảo là một danh y, một người thầy đáng kính của nhiều thế hệ bác sĩ.
“Ba tôi là một người cẩn thận, từ tốn, phong cách nghệ sĩ, làm thơ hay. Tôi có những thuận lợi ban đầu từ ba của mình, được học trực tiếp từ ba, nhưng đó chỉ là thuận lợi ban đầu, không phải là tất cả”.
Nhà có ba là bác sĩ, cậu bé Lưu Phương hơn 30 năm trước đã quen với việc hằng ngày thấy ba khám bệnh, dạy sinh viên. Có những buổi cậu theo ba vào Bệnh viện Nhân dân Gia Định, ba đi cứu bệnh nhân, để cậu bé ở lại một mình trong phòng trực buổi tối một mình, sợ ma. Tuy vậy, cậu vẫn thấy đây là một nghề hay vì trị bệnh cho nhiều người khỏe lại.
BS Lưu Phương chia sẻ thêm: “Tôi lựa chọn chuyên khoa Tiêu hóa là vì yêu thích. Ba tôi có ảnh hưởng đến khuynh hướng này nhưng ông không can thiệp vào quá trình chọn lựa chuyên ngành của tôi”.
ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương và đồng nghiệp thực hiện một ca nội soi đại trực tràng, tháng 6/2022
Trong hơn 20 năm hành nghề, nhiều ca bệnh kinh niên được BS Lưu Phương chữa lành, nhiều ca thập tử nhất sinh được ông cứu sống, nửa đêm vẫn hân hoan bốc điện thoại lên khoe với bạn thân. Tuy nhiên, ông nhớ nhất là những ca không cứu được.
Có trường hợp ruột bệnh nhân loét, mỏng quá nên bị thủng khi nội soi.
Có bệnh nhân khoảng 30 tuổi, rất ham sống nhưng bị xuất huyết tiêu hóa nặng, nhiều lần cứu được nhưng lần cuối không cứu kịp.
Có cô bé 17 tuổi đang học lớp 12, bị bụng bự, tưởng lao ổ bụng nhưng sau đó phát hiện ung thư, sau 2 tháng di căn toàn ổ bụng. Có thể can thiệp hóa trị nhưng rất đau, y học bó tay, không thể làm gì hơn được.
“Đây là một trong những ca tôi nhớ nhất, nhớ ánh mắt mẹ của bé lúc đó. Còn những ca cứu được tôi rất hãnh diện nhưng không phải là ca nhớ nhất” – BS Lưu Phương trải lòng.
Việc điều trị luôn có tỷ lệ phần trăm tai biến, như mổ ruột thừa có 0,1% biến chứng. Bên cạnh đó, luôn có nguy cơ chẩn đoán sai, hoặc chẩn đoán đúng nhưng do tác dụng phụ nên không đạt kết quả như mong muốn.
Bệnh tiêu hóa chủ yếu là đau bao tử và đường ruột, nhất là người hay bia rượu. Về gan mật, gan nhiễm mỡ khá nhiều và dẫn đến xơ gan, tuy tỷ lệ ít nhưng số lượng mắc bệnh nặng cao hơn do bệnh này ban đầu ít có triệu chứng khiến mọi người lơ là.
Đó là điều khiến BS Lưu Phương trăn trở, cộng thêm khiếu văn chương nên ông tham gia truyền thông y tế, để góp phần đẩy lùi căn bệnh liên quan nhiều đến lối sống, hay tái đi tái lại này. Ngay cả trong thời gian hậu phẫu sau ca mổ tim, phải nghỉ ngơi hoàn toàn 2 tháng, ông vẫn tranh thủ viết bài đăng báo.
Một buổi “lên sóng” của BS Lưu Phương cùng Đài phát thanh VOH, tháng 11/2019
Buổi ghi hình của BS Lưu Phương cùng Kênh truyền thông sức khỏe AloBacsi, tháng 6/2022
Vượt qua định kiến về vẻ ngoài vật chất
Cơn bạo bệnh khiến BS Trần Ngọc Lưu Phương giảm cân nhanh, bạn bè và đồng nghiệp bất ngờ và lo lắng với dáng vẻ gầy ốm của ông, nhưng dần dần sức khỏe ông ổn định, trái tim sau phẫu thuật đã làm tốt nhiệm vụ của mình.
Người ta lại thấy chiếc xe máy cà tàng xuất hiện trước cửa phòng khám sau Bệnh viện Chợ Rẫy, cho thấy chủ nhân của nó – BS Lưu Phương đã trở lại công việc thường ngày.
Không phải nhà không có xe đẹp mà do BS Lưu Phương quan niệm: “Đi xe đẹp rất mệt đầu vì phải làm “nô lệ” của cái xe, nó chỉ là công cụ chuyên chở thôi mà. Tôi thường làm việc theo sở thích, cá tính riêng. Bà xã cũng có góp ý nhưng do hiểu tôi nên không phàn nàn nhiều”.
Sau vài dịp hết hồn khi gặp BS Lưu Phương diện quần ngố đi dự tiệc cũng như đến phòng mạch, đội ngũ truyền thông cộng tác lâu năm cũng dần quen với việc “ngài” mặc áo thun rực rỡ tham gia talkshow, trong khi các chuyên gia khác chỉnh tề với sơ mi cà vạt.
AloBacsi chúc mừng BS Lưu Phương, ngày Thầy thuốc Việt Nam năm 2017
Không chỉ bình dân trong phong cách mà trong công việc, BS Lưu Phương cũng quan tâm đến những người bình dân. Là chuyên gia đầu ngành được chào đón ở những phòng khám dịch vụ cao cấp nhưng ông từ chối, nhờ vậy những người bệnh dù không khá giả vẫn đến được với “bàn tay vàng” này.
Chẳng hay “hổ phụ” Trần Ngọc Bảo đa tài có hàm ý thế nào khi đặt tên con là Lưu Phương, nhưng “hổ tử” của ông chính là hương thơm quý hiếm để lại cho cuộc đời này vậy.
Phó giám đốc chuyên môn của AloBacsi – ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương, chuyên gia tư vấn về Tiêu hóa gan mật.
Thế mạnh:
- Điều trị các bệnh tiêu hóa, gan mật, các bệnh nội khoa
- Chuyên gia nội soi tiêu hóa
Quá trình đào tạo:
- Tốt nghiệp Bác sĩ y khoa năm 1996 tại Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch
- Bác sĩ chuyên khoa cấp 1 chuyên ngành Nội tổng quát, đại học Y dược TPHCM (2000)
- Bác sĩ chuyên khoa cấp 2 Chuyên khoa Tiêu hóa – Gan mật, đại học Y dược TPHCM (2013).
- Thạc sỹ y học, Đại học Y dược TPHCM (2006).
- Chứng chỉ nội soi tiêu hóa, Đại học Y dược TPHCM (2000).
- Chứng chỉ siêu âm tổng quát, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (2000).
Tu nghiệp nước ngoài:
- Tu nghiệp chuyên khoa Tiêu hóa – Gan mật và nội soi tại Singapore General Hospital (năm 2005).
- Tu nghiệp chuyên khoa Tiêu hóa – Gan mật tại CONCORD HOSPITAL, đại học Y khoa SYDNEY, Úc năm 2010.
- Đều đặn tham dự Hội nghị chuyên ngành Tiêu hóa – Gan mật tại Châu Âu và Hoa Kỳ nhằm cập nhật những kiến thức mới nhất trong điều trị các bệnh lý tiêu hóa – gan mật
Kinh nghiệm giảng dạy:
- Giảng dạy lý thuyết và thực hành chuyên khoa Tiêu hóa – gan mật cho sinh viên y khoa của trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch từ năm 2000 đến nay.
- Giảng dạy lý thuyết và thực hành nội soi cho các bác sĩ sau đại học tại Đại học Y dược TPHCM từ năm 2008 đến nay.
- Giảng dạy lý thuyết và thực hành chuyên khoa Tiêu hóa – gan mật cho các bác sĩ chuyên khoa cấp I và cao học của Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch từ năm 2010 đến nay.
Bài: Hồng Nhung – AloBacsiGioi.vn
Ảnh: Viết Hưởng, Lê Bình
THÔNG TIN LIÊN HỆ
Phòng mạch của BS Trần Ngọc Lưu Phương
Điện thoại đặt khám:
- Tổng đài 028.1080
- Tổng đài 1900 2805 của trang Youmed, hoặc tải app của trang này để đặt lịch.
Thời gian khám:
- Từ 16 -21g từ thứ hai đến thứ sáu.
- Sáng thứ bảy (dành ưu tiên cho bệnh nhân ở các tỉnh) từ 8g -12g trưa.
Địa chỉ: 164 Ngô Quyền, phường 5, quận 10, TPHCM (Gần sân vận động Thống Nhất)