Tết và một số phong tục độc đáo
Người Pu Péo hát thi với gà
“Đón giọng gà” hay “Cướp giọng gà” là phong tục rất độc đáo của người Pu Péo (Hà Giang). Bà con ở đây có quan niệm vào thời khắc giao thừa, ai hát to, át được tiếng gà thì năm mới sẽ mạnh khỏe, gặp được nhiều may mắn và hạnh phúc.
Người Pu Péo sống chủ yếu ở vùng cao cực Bắc Hà Giang như ở huyện Đồng Văn, Yên Minh, Bắc Mê… Với quan niệm, tiếng gà gáy vừa hay vừa thiêng liêng, đánh thức cả ông mặt trời dậy, vì thế, vào thời khắc giao thừa, người Pu Péo ở Hà Giang phải canh chừng mấy chú gà trống.
Thấy gà vừa vỗ cánh, chuẩn bị gáy, người Pu Péo đốt một quả pháo, ném vào chuồng gà. Lũ gà giật mình, nhảy lên thi nhau gáy. Ngay lập tức, mọi người hò nhau hát vang trời để át tiếng gà gáy. Ai hát át được tiếng gà thì sang năm mới sẽ hát hay, gặp nhiều may mắn, hạnh phúc.
Ngoài tục lệ nói trên, người Pu Péo còn có tục gói 2 loại bánh chưng: bánh chưng đen ăn vào tối 29 Tết để kết thúc năm cũ và bánh chưng trắng cúng vào tối 30 Tết để mừng năm mới. Một tập tục thú vị nữa là trong 3 ngày Tết họ sẽ không rửa bát đũa mà chỉ dùng giấy lau sạch sau mỗi lần sử dụng. Người Pu Péo quan niệm nếu ngày Tết mà rửa bát đũa sạch thì cả năm sẽ đói ăn.
Tục gọi trâu về ăn Tết của người Mường
Mấy ngày trước Tết, người Mường ở Hoà Bình chuẩn bị sẵn mõ để qua giao thừa đốt đuốc đi gọi vía trâu. Họ tin rằng, đó là cách trả ơn vật nuôi trung thành đã vất vả giúp gia chủ cấy cày.
Ngoài ra, người Mường ở đây cũng treo bánh ống lên các dụng cụ sản xuất như cày, bừa, đòn gánh để mời “những người bạn đồng hành” này về ăn Tết với gia đình. Họ quan niệm, con trâu hay cái cày cũng cần được nghỉ Tết sau một năm vất vả trên đồng ruộng.
Tết nhảy của người Dao
Đối với người Dao ngày đầu năm là chỉ lo vui chơi, thăm viếng và chúc tụng lẫn nhau. Mỗi nhà đều trang hoàng sáng sủa và dán nhiều câu đối bằng chữ Hán lên cột nhà hoặc trên vách tường để đón mừng xuân.
Người Dao đón Tết bằng Tết nhảy, gọi là “Nhiang chằm Ðao”, để rèn luyện sức khoẻ và võ nghệ. Tết nhảy bắt đầu trước Tết Nguyên đán khoảng vài ba hôm. Thanh niên phải tập các điệu múa, điệu nhảy, làm gươm đao bằng gỗ để múa. Tết nhảy, mỗi người phải nhảy múa đến hàng trăm lượt trong tiếng trống, tiếng thanh la giục giã…
Bà con vùng cao có nhiều tục lạ đón Tết.
Tục “niêm phong” bằng dán giấy đỏ của người Cao Lan
Công việc đầu tiên để chuẩn bị cho việc đón mừng năm mới của người Cao Lan là tục dán giấy đỏ (tiếng Cao Lan là “Chí dịt”). Theo đó, cứ khoảng trước Tết 2 ngày là ngày “niêm phong” cho tất cả những gì thuộc về gia đình. Từ cái cuốc, cái xẻng, con dao, cái cày, cái bừa, cây cối quanh nhà, đến chuồng trại cho trâu, cho gà… đều được dán giấy đỏ để các vật này được “nghỉ Tết”.
Nói chung, vào dịp Tết, ngôi nhà của người Cao Lan rực rỡ sắc đỏ. Theo quan niệm của bà con ở đây, giấy đỏ biểu trưng cho niềm vui, sự tốt lành. Dán giấy đỏ lên những nơi quan trọng là bắt đầu cho một năm mới với mong muốn an khang thịnh vượng.
Cũng theo phong tục dân tộc Cao Lan, ngày mồng 1 sẽ đi thăm họ hàng, mồng 2 là làng xóm. Món ăn đặc trưng trong ngày Tết là bánh vắt vai (bên cạnh bánh chưng, bánh rán bánh khảo như các dân tộc khác).
Gội đầu bằng nước gạo chua
Vào chiều 30 Tết Nguyên đán, người Thái trắng ở Sơn La có tục gội đầu để xua đi tất cả những gì không may mắn trong năm. Phụ nữ Thái còn chuẩn bị những bát nước gạo đã được ngâm cho chua rồi xối từ từ lên tóc, gợi lên mọi điều tốt đẹp cho ngày mai bước vào năm mới thật tinh khôi. Lễ gội đầu kết thúc là đến cuộc vui đua thuyền giữa nam và nữ…
Tết Nhô Lirbông của người Cơho
Người Cơho sinh sống chủ yếu ở Lâm Đồng, họ ăn Tết sau Tết Nguyên đán của người Kinh khoảng một tháng gọi là tết NhôLirBông (mừng lúa về nhà). Tết này thường kéo dài cả tháng.
Lễ cúng lúa thường được tổ chức tại kho lúa của mỗi gia đình và bắt đầu từ xế chiều với sự tham dự của già làng cùng nhiều gia chủ khác. Người ta lấy máu gà bôi lên vựa thóc sàn kho, các cửa lớn, cửa sổ. Sau lễ cúng cót thóc trong gia đình, người Cơ Ho rủ nhau đi từ nhà này sang nhà nọ để ăn uống, ca hát, nhảy múa chung vui.
Lễ bắt chồng của người Chu Ru
Khi Tết đến, đồng bào các dân tộc Chu Ru, Cil, Cơ Ho… ở Tây Nguyên vào mùa lễ hội bắt chồng. Lễ bắt chồng phải diễn ra ban đêm. Khi thích một chàng trai nào đó, cô gái về thông báo cho gia đình và dòng họ biết. Gia đình sẽ đến nhà trai hỏi dạm.
Nếu cả hai dòng họ đồng ý, cô gái sẽ đến đeo nhẫn vào tay người con trai vào một đêm đẹp trời. Trường hợp người con trai không thích có thể trả lại nhưng đến 7 ngày sau, cô gái lại chọn một đêm đẹp trời đến đeo nhẫn cho chàng trai và cứ thế lặp đi lặp lại cho đến khi chàng trai chấp nhận.
Trước khi cưới một ngày, buôn làng tổ chức một đêm hội gọi là “Đêm hội bắt chồng”. Trong đêm hội này, chàng trai và cô gái phải đọc một số câu luật tục riêng của đồng bào mình, có một số câu luật độc đáo như: “Tìm vợ, tìm chồng phải hỏi mẹ cha; ăn ruộng, ăn rẫy phải hỏi tai con trâu, con bò; làm bẫy phải hỏi thần núi; về với vợ như về với nước…”.
Ngày cưới chàng trai và cô gái rút nhẫn ra hôn nhẫn và đeo lại cho nhau. Sau lễ cưới 7 ngày, cô gái tháo nhẫn đưa mẹ chồng cất giữ và ngược lại nhẫn chàng trai do mẹ cô gái cất giữ.
Người Giẻ Triêng ném xôi lên mái nhà và Tết ăn than
Người Giẻ Triêng sống chủ yếu ở Quảng Nam và Kon Tum đón Tết cổ truyền với tên gọi là Cha Chả, nghĩa là ăn than. Vì trong ngày Tết người Giẻ Triêng quan niệm rằng ai dính nhiều tro đốt từ than thì nhất định sẽ may mắn và thu hoạch màu màng tươi tốt.
Để có thể dính tro than, trước Tết 3 ngày, các chàng trai cao to sẽ được cử lên rừng đốt củi thành những đống than lớn và mang về làng.
Ngoài ra, người làng cũng nấu xôi, vuốt lên cây giẻ khô rồi đốt lên thành tro. Hai loại tro này sẽ được hất tung lên cao và ai dính được nhiều tro nhất sẽ là người may mắn nhất. Người Giẻ Triêng cũng sẽ cầm một nắm xôi ném lên mái nhà, nắm xôi của ai dính lên đó sẽ năm mới người ấy sẽ có 100 gùi lúa.