Tết thiếu nhi ở Nhật Bản như thế nào?
Tại Việt Nam mùng ⅙ hàng năm là Tết thiếu nhi, với Nhật Bản thì đó là ngày 5/5. Nếu tới Nhật Bản vào đúng thời điểm này bạn sẽ cơ hội chiêm ngưỡng những chú cá chép sặc sỡ bay trên những cây sào treo trước nhà mỗi người dân Nhật Bản, đó là hình ảnh đặc trưng của ngày Tết thiếu nhi ở đất nước mặt trời mọc. Vào ngày này trẻ em sẽ được chơi đùa thỏa thích và nhận những điều tốt đẹp nhất từ mọi người.
Ngày Tết thiếu nhi ở Việt Nam
Tại Việt Nam, mặc dù là ngày Tết thiếu nhi nhưng các bé vẫn phải đi học, bố mẹ vẫn phải đi làm chứ không được nghỉ như các nước khác. Nếu rơi vào đúng ngày nghỉ cuối tuần thì cả gia đình sẽ cùng nhau tổ chức lễ kỷ niệm, hoặc những gia đình có điều kiện hơn thì sẽ đưa con đi cắm trại, đi các khu vui chơi giải trí và tặng quà cho các bé. Còn nếu ⅙ vào ngày trong tuần thì hầu hết mọi việc sẽ diễn ra như bình thường, buổi tối cả nhà sẽ cùng nhau quây quần ăn uống, tặng những món quà mà con thích và chúc con những điều tốt đẹp nhất.
Mặc dù ở Việt Nam ngày Tết thiếu nhi không phải là một ngày nghỉ chính thức nhưng ý nghĩa của nó rất quan trọng, là ngày cả nước dành sự quan tâm cho các con, cầu mong mọi điều tốt đẹp nhất sẽ đến với các bé – thế hệ mầm non tương lai của cả dân tộc.
Nguồn gốc Tết thiếu nhi tại Nhật Bản
Tết thiếu nhi ở Nhật Bản có tên gọi là Kodomo no Hi có nguồn gốc từ Tết đoan ngọ – Tango no Sekku tổ chức vào ngày 5/5 âm lịch hàng năm. Đây là ngày lễ văn hóa của các quốc gia châu Á có chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa như Hàn Quốc, Việt Nam, Hồng Kông, Nhật Bản,…
Tuy nhiên vào năm 1873, Nhật Bản bắt đầu chuyển sang sử dụng dương lịch vì thế Tango no Sekku được chuyển sang tổ chức vào 5/5 dương lịch. Ban đầu ngày lễ này có ý nghĩa riêng với các bé trai bởi bé gái đã có ngày lễ riêng vào 3/3 hàng năm. Nhưng bắt đầu từ năm 1948, sau chiến tranh thế giới thứ 2, Tango no Sekku được đổi tên thành “Kodomo no Hi”, được chính phủ Nhật công nhận là quốc lễ, với ý nghĩa mong muốn những điều tốt đẹp sẽ đến với cả bé trai và bé gái. Mặc dù vậy các tập tục liên quan tới Tango no Sekku trước kia vẫn được lưu giữ nguyên vẹn. Cho tới ngày nay, Tết thiếu nhi đã trở thành một trong 15 ngày nghỉ lễ chính thức tại Nhật Bản.
Những phong tục trong ngày Tết thiếu nhi tại Nhật Bản
Lá Shobu (菖蒲), bánh Kashiwa mochi (柏餅) và Chimaki (粽)
Tháng 5 ở Nhật Bản là lúc cây cối đâm chồi nảy lộc, tuy nhiên sự thay đổi của đất trời cũng dễ khiến con người ốm đau bệnh tật. Từ thời xa xưa, tổ tiên người Nhật đã biết cách sử dụng các loại lá đặc biệt làm thuốc phòng bệnh hoặc làm các loại bánh tốt cho sức khỏe của trẻ con. Bên cạnh đó, những gia đình quý tộc còn tổ chức cưỡi ngựa bắn tên để xua đuổi ma quỷ, cầu chúc những điều tốt đẹp nhất sẽ đến với con trai mình.
Thời nay các bé sẽ được tắm bằng nước đun từ cây xương bồ Shobu (菖蒲). Lá cây Shobu có hương thơm đậm, dùng làm nước tắm có tác dụng trừ tà, tốt cho sức khỏe. Điểm đặc biệt là lá Shobu có hình dạng như một thanh gươm, hơn nữa Shobu (菖蒲) đồng âm với Shobu (尚武) có nghĩa đề cao tinh thần thượng võ và đồng âm tiếp với Shobu (勝負) nghĩa thắng bại chính vì vậy mà việc tắm lá Shobu vô cùng phù hợp với sự mong mỏi của cha mẹ dành cho con mình, muốn có biết đấu tranh chống lại các ác, cái xấu để đạt được thành công.
Sau khi tắm lá các bé sẽ được ăn hai loại bánh gạo nếp đậu đỏ.
-
Một loại bánh được bọc trong lá sồi gọi là Kashiwa Mochi
-
Loại bánh còn lại bọc trong lá tre được gọi là Chimaki
Nói tới cây sồi và cây tre thì đây cũng là hai loại cây tượng trưng cho sự phát triển vững chãi và thành công của con người.
Búp bê võ sĩ – Musha Ningyo (武者人形 )
Từ năm 794 – 1185 là thời Heian, lễ “Tango no Sekku” hầu như chỉ được tổ chức trong các gia đình quý tộc. Tới thời Kamakura (1185-1333) tập tục treo vật dụng của Samurai trước cổng bắt đầu xuất hiện. Những vật dụng này bao gồm áo giáp, gươm, mũ sắt, cung tên, cờ lụa. Đây đều là những đồ vật tượng trưng cho sự dũng cảm của dũng sĩ trong các cuộc chiến đấu qua đó giáo dục các bé trai về sự dũng cảm, thành công của các Samurai.
Với gia đình thường dân, vật dụng của Samurai chỉ được mô phỏng lại bằng giấy sau đó treo trước cổng nhà. Về sau này chúng được thu nhỏ lại, đặt trên các gian thời Tokonoma ở phòng khách. Ngày nay bên cạnh các vật dụng của Samurai thì những búp bê Musha Ningyo biểu tượng cho các nhân vật anh hùng trong truyện thần thoại và câu chuyện lịch sử cũng được trưng bày một cách vô cùng trang trọng. Những nhân vật búp bê này là Momotaro (桃太郎) tượng trưng cho sự dũng cảm, Kintaro (金太郎) là cho sức khỏe phi thường và cuối cùng Shoki (しょうき) là sự chiến thắng ma quỷ.
Ý nghĩa của biểu tượng cá chép (Koinobori – 鯉のぼり)
Vào thời Edo (1600-1868), triều đại Tokugawa muốn tận dụng ngày lễ hội này để kích thích tinh thần thượng võ của người dân. Chính vì vậy là từ ngày hội chỉ dành riêng cho võ sĩ và giới quý tộc, “Tango no Sekku” đã được phổ biến trong khắp dân chúng cả nước.
Nhờ việc phổ biến trong dân chúng mà có rất nhiều ý tưởng thú vị đã được người dân nghĩ ra. Các gia đình thay thế cờ của võ sĩ bằng cờ có hình cá chép – Koi nobori. Trong tiếng Nhật “Koi” là con cá chép còn “nobori” là cây sào làm từ tre, trên đỉnh sào có gắn các vòng sắt đan cùng với sợi vải dài.
Tương truyền theo truyền thuyết cổ của Trung Hoa, những chú cá chép nhỏ bé nhưng lại ẩn chứa sức mạnh to lớn đã bơi qua dòng nước chảy xiết của con sông Hoàng Hà, vượt vũ môn thành công để hóa rồng. Chính vì vậy người Nhật lựa chọn hình ảnh cờ cá chép với ý nghĩa cầu mong cho bé trai trong gia đình có ý chí, sức mạnh, sự kiên cường vượt qua mọi thử thách trong cuộc sống.
Thông thường có 3 chú cá chép treo trên sào với màu sắc khác nhau:
-
Màu đen thể hiện cho mặt nước mùa đông vô cùng tĩnh lặng, nước cũng chính là ngọn nguồn của sự sống. Nó cũng chính là sắc màu tượng trưng cho người cho người cha – “magoi” (真鯉), người có tính cách kiên nhẫn, trầm tính.
-
Màu đỏ là màu của lửa, màu của mùa hạ và cũng là màu tượng trưng cho người mẹ – “higoi” (緋鯉). Vào mùa hạ vạn vật sinh sôi nảy nở, lửa làm cho mọi vật sinh trưởng dồi dào và nó cũng là tượng trưng cho sức mạnh trí tuệ.
-
Màu xanh là màu của cỏ cây hoa lá, màu của mùa xuân đâm chồi nảy lộc những mầm non, nó là biểu hiện sự phát triển của trẻ em.
Bài hát về Koinobori
Những chú cá chép có riêng một bài hát truyền thống được hát trong ngày Tết thiếu nhi. Từng lời bài hát, từng giai điệu trong bài đều tôn lên nét đẹp văn hóa và truyền thống của người Nhật Bản. Đặc biệt lời bài hát rất đơn giản và dễ nhớ giúp các bé có thể dễ dàng hát theo. Cứ mỗi đợt tới ngày Tết thiếu nhi, bài hát lại vang lên trong từng ngôi nhà, mang theo ý nghĩa, lời nhắn nhủ của cha ông tới những người dân trên toàn đất nước Nhật Bản.
やねより たかい こいのぼり
Cao hơn mái nhà là Koinobori
おおきい まごいは おとうさん
Cá chép lớn là cha
ちいさい ひごいは こどもたち
Cá chép nhỏ là con
おもしろそうに およいでる
Chúng đang cùng nhau bơi lội tung tăng
Như vậy trải qua bao nhiêu năm phát triển vượt bậc về kinh tế nhưng những giá trị văn hóa tinh thần của người Nhật vẫn luôn được lưu giữ và giữ nguyên giá trị truyền thống. Thông điệp mà cha mẹ và xã hội gửi gắm cho con cái trong ngày “Kodomo no Hi” và hình ảnh những chú cá chép Koinobori bay phất phơ trong gió đã trở thành nét riêng không bao giờ phai mờ trong tâm trí của mỗi người dân Nhật Bản.