Tết đến Xuân về gói bánh chưng – Nét đẹp truyền thống của dân tộc Việt
Ngày nay, dẫu nhịp sống hiện đại tuy có bận rộn hơn, mọi gia đình người Hà Nội ít tự tay gói bánh chưng tết nữa nhưng trên bàn thờ gia tiên ba ngày tết nhà nào cũng đặt ít nhất hai chiếc bánh chưng thờ cúng tổ tiên.
Bánh chưng xanh
Từ xa xưa, Tết cổ truyền và hình ảnh những chiếc bánh chưng xanh là nét đẹp truyền thống văn hóa dân tộc Việt Nam. Những ngày Tết trong bất cứ mâm cỗ tết của các gia đình người Việt, dù giàu hay nghèo đều không thể thiếu đĩa bánh chưng xanh. Một món ăn truyền thống vừa độc đáo, vừa ngon, bổ dưỡng và gắn liền với truyền thuyết lâu đời của dân tộc ta.
Để làm được một chiếc bánh chưng, nguyên liệu làm bánh không gì khác ngoài gạo nếp, đậu xanh, nhân thịt, lá dong. Lúa gạo thì tượng trưng cho nền văn hóa lúa nước, nhiệt đới, nóng và ấm, mang đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam, thịt lợn được coi là loại lành nhất, đậu xanh vừa ngon vừa bổ dưỡng. Mang tất cả thức đó kết hợp với nhau sẽ tạo ra một hương vị rất thơm ngon, đủ chất và bổ dưỡng.
Vì được gói bằng lá dong nên bánh chưng vừa xanh vừa đẹp. Thêm 10 tiếng đun nhỏ lửa khiến các nguyên liệu như thịt, gạo, đậu đỗ đủ thời gian hòa quyện với nhau, trở thành hương vị tổng hợp độc đáo, cũng mang một triết lý sống chan hòa, hòa đồng của dân tộc ta. Hương vị tổng hợp đó lại được đặt lên trên ban thờ gia tiên trong ba ngày Tết. Chẳng thế mà nhà văn Băng Sơn đã viết: “Bóc một chiếc bánh chưng đầu tiên đặt lên ban thờ thắp nén nhanh thơm, lòng thành kính con cháu mời tổ tiên đã thành nếp sống nhân ái, nghĩa tình. Chọn thêm vài chiếc bánh đẹp, bọc thêm lẫn lá dong hoặc chuối màu xanh, buộc sợi lạt giang cánh sen thắm hồng, đặt trên bàn thờ 3 ngày Tết là việc làm không thể thiếu trong phong tục cổ truyền dân tộc”… Đó là Tết, là Xuân, là đêm canh bánh chưng…
Bánh chưng xanh (Ảnh: Internet)
Thêm màu xuân thắm…
Với mỗi người Việt Nam, ngày đầu năm mới chính là ngày cầu mong may mắn. Có lẽ vì vậy mà tết đến, người ta thường dùng màu đỏ với ước muốn sẽ mang lại vận đỏ cho một năm mới đang đến gần. Nắm bắt được tâm lý đó, giờ đây người Hà Nội lại cho ra đời những chiếc bánh chưng gấc. Bánh chưng gấc, vẻ ngoài vẫn xanh như bánh chưng xanh, nhưng khi bóc ra ruột đỏ au. Giống như xôi gấc mà lại không phải xôi gấc vĩ gạo dẻo, nhuyễn (như bánh chưng), lại có vị mặn của gấc và nhân bánh gồm thịt nạc (thật nhiều), cùng với đỗ, đường và không nhiều thịt mỡ như bánh chưng thường.
Khi ăn, lớp mỡ quyện vào lớp đỗ, cắn một miếng khó mà rơi ra ngay được bởi vị ngọt ngọt, bùi bùi, béo mà không ngấy. Tất cả hòa quyện với nhau tạo cho người ăn cảm giác lạ miệng.
Bánh chưng gấc ngày Tết (Ảnh: Internet)
Làm bánh chưng gấc cầu kỳ và vất vả hơn nên ở Hà Nội số người làm bánh chưng gấc rất ít. Bánh chưng gấc có hai loại nhân: nhân chay và nhân thịt. Ngoài những nguyên liệu giống bánh chưng còn có trái gấc chín. Cuối tháng Mười Một âm lịch, trái gấc còn xanh, qua đầu tháng Chạp (tháng Mười Hai âm lịch), gấc bắt đầu ngả vàng chờ khi chín đỏ cũng là lúc những nhà gói bánh chưng gấc lại đổ đi mua thật nhiều về dự trữ. Để trữ gấc, người ta nghĩ ra cách mua thật nhiều gấc mang về, cắt ra, ruột hạt để riêng, nạo vỏ làm trước. Làm không hết thì trộn muối, bóp nhuyễn đưa vào tủ lạnh. Nếu tủ lạnh đầy thì họ lại cho gấc vào xào đóng bánh như chè kho. Bằng cách đó có thể để gấc ngoài trời 5 -6 tháng cũng không hề gì. Đặc biệt, khi gói bánh chưng gấc người ta lật dùng mặt trái lá dong để tránh màu xanh của lá sẽ át màu đỏ của gấc.
Trái gấc đỏ lủng lẳng trên giàn suốt tháng Chạp vẻ như chỉ đợi ngày nhuộm thắm mùa xuân. Gấc đã chín, chín thật đỏ cho nồi bánh chưng thơm sực trong cái lạnh cuối năm thoáng chút mưa phùn. Giờ đây, trên bàn thờ gia tiên lại có thêm những chiếc bánh chưng đỏ thắm. Bánh chưng gấc thay cho những ước nguyện đầu xuân. Ăn một miếng không chỉ để thưởng thức mà ăn như để vui, để lấy lộc đầu xuân bởi cái sắc đỏ ấy để rồi cùng thắm sắc xuân…