Tết Nguyên Đán: Rộn rã không khí nhộn nhịp của “nàng xuân” gõ cửa – Du lịch Hoàn Mỹ
Mấy ngày nay vào sáng sớm, khi cảm nhận rõ ràng cái không khí se se lạnh lạnh, trên loa phường ngân vang giai điệu nhạc Xuân quen thuộc, tôi biết Tết đã về thật gần. Như gia đình Chú Năm, Cô Bảy hàng xóm cũng vào mùa tất bận dọn dẹp, trang trí Tết cổ truyền cho ngôi nhà của mình.
Không khí rộn ràng trang trí đón Tết cổ truyền 2021 Tân Sửu
Bà tôi nói “Tết nhất nhà cửa có gọn gàng, sạch sẽ thì Ông Phúc, Ông Lộc mới ghé vào”, vậy nên chuyện dọn dẹp nhà cửa, trang trí Tết cổ truyền cần phải chuẩn bị thật kỹ. Chuyện lau chùi, quét dọn, trang hoàng,… nghe thì nhẹ nhàng nhưng cũng lắm công phu nên phải có những bí quyết riêng để đỡ mất thời gian, công sức.
Rộn ràng không khí xuân trước thềm giao thừa.
Từ mấy hôm trước, ba tôi đã mua về mấy hộp sơn để tô lại cho vách tường, cổng nhà. Năm nay ba tôi đặc biệt chọn gam vàng tươi tắn để đón may mắn, tài lộc. Lối đi trước sân nhà cũng được lấp lại mảng bong tróc, dọn sạch cỏ rồi rải thêm những viên sỏi sáng bóng, đẹp mắt. Vài hôm nữa, ba sẽ ra bến Bình Đông mua mấy chậu hoa cúc vạn thọ, mồng gà, đồng tiền để trang trí cho lối đi dẫn vào nhà, cạnh cửa sổ và mấy góc sân thêm bừng sắc Tết.
Câu đối đỏ, lời chúc đầu xuân là phụ kiện trang trí rất được ưa chuộng.
Năm nào cũng vậy, thời gian này cứ mỗi khi thức dậy là ông lại ra hiên nhà tỉa tót lại gốc mai già. Cội mai có tuổi đời gần nửa số tuổi của ông nhưng Tết nào cũng rộ hoa rực rỡ. Để mai nở đúng 30 Tết, ông tôi có những bí quyết riêng của mình. Tôi để ý thấy mỗi ngày ông đều tưới nước, đặc biệt là gần Tết, không được để gốc mai bị khô. Đến chừng mùng 10 tháng Chạp thì “xiết” nước – bỏ khô không tưới trong 3 – 4 ngày. Khi thấy 2 miếng vỏ ở phần ngoài của nụ đã rụng thì sẽ lặt, tuốt hết lá già rồi tưới nước lại, khi đó mai sẽ “tức” và bắt đầu bung hoa. Ông bảo “hoa mai có nghĩa là may mắn. Mai nở đúng Tết, vàng rực thì sang năm mới sung túc.
Bí quyết đánh bóng lư đồng trên bàn thờ gia tiên
Trong việc trang trí Tết cổ truyền thì lau dọn bàn thờ gia tiên là việc rất quan trọng, đòi hỏi phải thật tỉ mỉ, kĩ càng nên bà tôi sẽ là người phụ trách. Đầu tiên, đánh bóng lại bộ lư đồng, dọn bát hương chuẩn bị cho mùa Tết. Bộ lư đồng không biết có từ bao giờ chỉ biết nó rất cổ và được bà tôi xem như món đồ trân quý nhất.
Thay vì đem ra ngoài thuê người đánh bóng thì năm nào bà tôi cũng tự tay làm lấy. Bà cẩn thận tháo rời lư đồng ra khỏi chân nến, dùng khăn sạch lau nhẹ nhàng. Pha một chút giấm loãng với nước, ngâm lư đồng qua đêm, đến sáng thì dùng khăn mềm lau lại là chiếc lư đã sáng hơn rất nhiều. Việc dọn bát hương càng phải thận trọng.
Dọn dẹp lại bàn thờ gia tiên tươm tất để chuẩn bị đón Tết.
Sau khi dùng rượu gừng để rửa sạch tay và khấn xin tổ tiên thì lấy muỗng nhỏ, xúc từng chút tro hương ra ngoài rồi mới dùng khăn lau thật sạch quanh bát hương. Trong lúc lau, tuyệt đối không di chuyển bát hương vì như vậy sẽ không may mắn. Sau đó dùng 2 tay, rút tỉa từng chân hương một đến khi còn lại số lẻ. Bát thờ thần linh thì để lại 5 chân hương với ý nghĩa ngũ hành tề tựu. Những bát khác thì để lại 3 chân hương.
Mẹo dọn dẹp nhà bếp sáng bóng
Việc trang trí Tết ở khu vực nhà bếp sẽ do mẹ tôi đảm nhiệm. Nghe có vẻ nhiều nhưng với cả kho mẹo vặt bà ngoại truyền dạy lại thì việc dọn dẹp cũng không mấy khó khăn. Cho một ít cốt chanh vào nước rửa chén để làm sạch dầu mỡ và lấy lại độ sáng bóng của chén, dĩa. Bộ bàn, tủ gỗ mẹ sẽ dùng nước muối để lau đi bụi bẩn.
Những công dụng thần kỳ của chanh mà bạn có thể không ngờ đến.
Những chiếc gương thì chỉ cần cắt một lát khoai tây, chà xát rồi dùng tờ báo cũ vò nát để lau sạch là đã sạch bong. Những chỗ song sắt rỉ sét chỉ cần nhỏ lên một ít banking soda và giấm, sau 15 phút thì dùng khăn giấy lau sạch là được. Những vết bút màu vằn vện trên tường là tác phẩm của mấy đứa nhóc trong nhà cũng không làm khó được mẹ tôi. Bôi một ít kem đánh răng lên tấm vải ướt, chà xát đến khi vết màu không còn để lại chút tì vết.
Cách mua sắm chuẩn bị đón Tết
Mấy hôm nữa, mẹ sẽ đi chợ Tết để mua một số vật dụng chuẩn bị trang trí Tết cổ truyền như: chiếc liễng, chiếc chổi mới, nồi mới, cặp dưa hấu, vài hũ mứt, bánh, kẹo, gói trà long phụng,… Mẹ tôi nhất định cũng sẽ đem về mớ củ kiệu, củ hành cho bà tôi làm dưa món để dành ăn với tôm khô, thịt kho hột vịt. Riêng tôi, dù đã lớn ngần này tuổi vẫn nôn nao bộ quần áo Tết, vài phong lì xì đỏ chót đầu năm.
Chợ Tết tấp nập, nhộn nhịp với đa dạng các mặt hàng bánh mứt.
Trong niềm háo hức ngóng chờ và mơ về những món quà ngày Tết thì ngay bây giờ, tôi phải rời bỏ chiếc chăn êm ái, nhanh chóng đến công ty để hoàn thành cho xong mớ công việc đang dí sát lưng. Ngày chủ nhật tuần này, tôi sẽ lau chùi bộ bàn ghế được chạm khắc hình rồng phụng nổi bật mà tôi vẫn hay đùa rằng, để làm sạch chúng phải “tốn hết cả mớ thanh xuân”.
Tết là dịp để mọi người trong nhà cùng sum vầy bên nhau hạnh phúc.
Năm nay, do tình hình dịch bệnh, không thể đi chơi xa, không có những cái Tết náo nhiệt. Nhưng bù lại, người ta sẽ có nhiều thời gian hơn cho gia đình, người thân. Tối qua các cậu đã gọi cho bà báo rằng sẽ về nhà đón Tết từ ngày 28 âm lịch. Không biết có phải vì vui trong lòng mà bà tôi tươi tắn hơn hẳn. Ông tôi không nói gì, nhưng từ sáng sớm, sau khi thăm gốc mai già để chuẩn bị trang trí Tết cổ truyền, ông ra chiếc bàn đá trước sân ngồi nhấm nháp tách trà, chân khẽ rung nhịp nhàng, mắt lim dim theo nhịp điệu “tết, tết, tết đến rồi…” ngân vang từ chiếc loa phường trên gốc cột điện.
Du lịch Hoàn Mỹ