Tết Đông Chí – Lễ hội – Ban Dân Tộc (Tiếng Việt)
Theo lịch cổ, Đông Chí là tiết khí khởi đầu bằng điểm giữa của mùa đông, nó là một trong hai mươi tư tiết khí trong nông lịch. Theo định nghĩa này, điểm bắt đầu của nó trùng với điểm đông chí tại Bắc bán cầu theo quan điểm của khoa học phương Tây. Tuy nhiên, theo khoa học phương Tây thì nó là điểm bắt đầu của mùa đông tại Bắc bán cầu và tương ứng là bắt đầu mùa hè ở Nam bán cầu, thời điểm mà Mặt Trời xuống tới điểm thấp nhất về phía nam trên bầu trời để sau đó bắt đầu quay trở lại phía bắc.
Theo quy ước, tiết Đông Chí là khoảng thời gian bắt đầu từ khoảng ngày 21 hay 22 tháng 12 khi kết thúc tiết đại tuyết và kết thúc vào khoảng ngày 5 hay 6 tháng 1 theo các múi giờ Đông Á khi tiết Tiểu Hàn bắt đầu. Đây là khoảng thời gian ngày có nắng yếu nhất và cũng là ngày ngắn nhất. Nguồn gốc của lễ hội này bắt nguồn từ triết lý âm dương và sự cân bằng và hài hòa trong vũ trụ.
Đặc biệt, theo truyền thống, lễ hội Đông Chí được xem là khoảng thời gian dành cho gia đình để sum họp với nhau. Một trong các hoạt động quan trọng trong thời gian này các thành viên gia đình tụ họp lại, cùng nhau làm và ăn chè trôi nước: đây là món ăn được làm từ những viên bột nếp được nhào nặn, vo tròn và nấu chín ăn với nước đường tượng trưng cho sự đoàn viên, hợp nhất nên Tiết Đông Chí còn có tên gọi là Tết Đoàn Viên.
Mỗi thành viên trong gia đình sẽ nhận được ít nhất một viên trôi nước lớn và thêm một số viên nho nhỏ. Theo truyền thống cổ xưa, người ta còn thường dùng các viên trôi nước dính chúng lên trước cánh cửa hoặc trên cửa sổ và bàn ghế để cầu chúc cho mọi điềm may mắn, hạnh phúc sẽ đến với gia đình.
Tại thành phố Hồ Chí Minh, tiết Đông Chí cũng là một ngày “tết” rất quan trọng trong năm, người Hoa quan niệm đây là một ngày quan trọng hơn cả Tết âm lịch hàng năm.
Vào ngày này, người Hoa thường tổ chức cúng tế Tổ tiên, ông bà, và đặc biệt, món ăn không thể thiếu được trong ngày này vẫn là món chè trôi nước truyền thống, tượng trưng cho sự đoàn viên, sum họp gia đình.
C.Minh (Tin / Ảnh)