Tết Cổ Truyền Trong Lòng Mỗi Người Dân Việt Nam Xa Quê

Tết cổ truyền của người Việt Nam là dịp mọi người được quây quần bên nhau tạm biệt năm cũ và chuẩn bị đón chào một năm mới. Nhưng với những người dân Việt Nam xa nhà, Tết luôn là nỗi niềm, là mong mỏi được trở về quê hương. Dẫu không về được quê nhà ăn Tết nhưng những cái Tết rất Việt, những buổi gặp mặt vẫn được tổ chức tại các nước có kiều bào sinh sống, nó làm ấm áp thêm tình quê hương, vơi đi phần nào nỗi nhớ nhà da diết của những người con xa xứ luôn hướng về đất mẹ thân yêu.

Tết cổ truyền Việt Nam

Tết cổ truyền Việt Nam

“Tết” là biến dạng phiên âm của “Tiết”, một thuật ngữ Hán Việt có nghĩa là “Chặng tre nối đuôi nhau” và theo nghĩa rộng hơn, là “đầu một năm”, ảnh hưởng văn hóa của Tết Âm lịch Trung Hoa và Vòng văn hóa Đông Á. Có nhiều Tết trong năm của người Việt là: Tết Trung thu, Tết mùng 5/5,… Nhưng quan trọng nhất vẫn là ngày Tết cổ truyền (Tết Nguyên Đán).

Ở Việt Nam, Tết cổ truyền còn được gọi là Tết Nguyên Đán. Đó là ngày Tết chính thức của Việt Nam, đánh dấu sự xuất hiện của mùa xuân dựa trên Âm lịch. Đây là lễ hội quan trọng và phổ biến nhất của người dân Việt Nam trong năm.

Tính theo âm lịch là chu kỳ vận hành của Mặt Trăng nên Tết Nguyên Đán của Việt Nam muộn hơn Tết Dương lịch (còn được gọi là Tết Tây). Do quy luật 3 năm nhuận một tháng của âm lịch, nên ngày đầu năm của dịp Tết Nguyên đán không bao giờ trước ngày 21/01 dương lịch và sau ngày 19/02 dương lịch, mà thường rơi vào khoảng cuối tháng 1 đến giữa tháng 2 dương lịch.

Tết cổ truyền Việt Nam được diễn ra vào khoảng cuối tháng Giêng hoặc tháng Hai theo lịch âm. Người Việt Nam có niềm tin phổ biến rằng có 12 con vật linh thiêng từ Hoàng đạo thay phiên nhau giám sát và điều khiển các công việc của trái đất. Như vậy, Giao thừa là thời khắc nhường lại công việc cai quản cho một con vật mới theo thứ tự 12 con giáp.

Ý nghĩa ngày Tết cổ truyền Việt Nam

Theo nghĩa Hán – Việt, Nguyên đán (Nguyên – cái đầu tiên, khởi đầu; đán là ánh mặt trời mới mọc) có nghĩa là ngày đầu tiên nhìn thấy mặt trời mọc hay còn gọi là buổi rạng đông của sự khởi đầu. Buổi sáng đầu tiên của một năm có ý nghĩa linh thiêng, đánh dấu sự khởi đầu tốt đẹp với những khát vọng, mong ước của con người về năm mới dồi dào sức khỏe, vạn sự an lành, hanh thông, may mắn.

Tết nguyên đán hay còn gọi là Tết cổ truyền, “Tết cái” của dân tộc diễn ra trong khoảnh khắc giao mùa, trong sự chuyển vần của vũ trụ. Đây cũng là thời kỳ nông nhàn khi mùa vụ đã thu hoạch xong, ngô lúa đã đầy bồ, con người quây quần bên nhau hàn huyên tâm sự, ôn lại chuyện năm qua, đồng thời bàn tính, hoạch định những công việc sẽ thực hiện khi năm mới bắt đầu. Khoảng thời gian từ 23 tháng Chạp (Tết ông Công ông Táo) cho đến ngày cuối cùng của năm cũ là thời điểm mọi người, mọi nhà rộn ràng không khí sắm Tết. Mọi người dọn dẹp sân nhà, trang hoàng nhà cửa; đi chợ Tết, sắm sửa quần áo mới, chọn mua cành mai, cành đào; gói bánh chưng xanh; cùng nhau đụng chung con lợn béo; dựng cây nêu để đón xuân sang.

Tết Nguyên đán diễn ra vào mùa xuân – một trong những mùa đẹp nhất trong năm, mùa của sự sinh sôi, nảy nở; đất trời, lòng người giao hoà. Và mục đích của ngày Tết cổ truyền của người Việt Nam là muốn tạ ơn các vị thần vì mùa xuân đến với muôn vàn loài hoa và cây cối khoe sắc sau một mùa đông khắc nghiệt và lạnh giá.

Ngày Tết cổ truyền Việt Nam là dịp đặc biệt để mọi người hành hương đi chùa, đền. Các thành viên trong gia đình sum họp để cùng nhau đón một năm mới, hy vọng một năm mới tốt đẹp hơn và tạm biệt năm trước. Vì đây là một trong những lễ hội quan trọng nhất đối với người dân Việt Nam, nên mọi thứ phải được chuẩn bị tươm tất nhất với mong muốn một năm mới an khang thịnh vượng, quanh năm đầy đủ ấm no.

Tết cũng là dịp mỗi người thiết lập thêm những mối quan hệ mới, thắt chặt tình thân, tình bè bạn; được du xuân khám phá cảnh quan thiên nhiên thơ mộng, trữ tình; nạp thêm cho mình những nguồn năng lượng mới để cống hiến và yêu hơn quê hương, Tổ quốc mình.

Không chỉ vậy, Tết còn là biểu tượng mang ý nghĩa linh thiêng trong tâm thức cộng đồng. Mỗi độ Tết đến xuân về, ở khắp mọi nơi, nhất là đối với những người dân xa xứ lại luôn trào dâng những cảm xúc bâng khuâng, niềm nhớ gia đình, quê hương, nơi có ông bà, cha mẹ người thân cũng đang chờ đợi giây phút được gặp lại những người con xa quê trở về.

Nhắc đến Tết là nhắc đến những kí ức đẹp đẽ của tuổi thơ, nhớ những chặng đường gian khó, những kỷ niệm buồn vui, những tháng ngày tươi đẹp của mỗi người, mỗi gia đình, thậm chí là những bước đường lịch sử của dân tộc. Vì thế Tết là sợi dây gắn bó, kết nối giữa quá khứ với hiện tại; là hành trình của thời gian, giúp con người trở về với cội nguồn.

Có thể nói, Tết cổ truyền bao chứa những giá trị nhân văn, nhân bản, những nét đẹp văn hóa truyền thống dân tộc, có tác dụng nuôi dưỡng, khơi dậy những cảm xúc đẹp, thánh thiện trong mỗi người. Và cũng chính không khí Tết thấm đượm tình người đã tiếp thêm nguồn năng lượng, sức mạnh tinh thần để dân tộc vượt qua những khó khăn, trở ngại; chống lại âm mưu đồng hoá, “xâm lăng văn hóa” của kẻ thù, bảo vệ và gìn giữ nền độc lập, tự do.

Sự khác biệt của văn hóa Tết cổ truyền Việt Nam xưa và nay

Văn hóa Tết cổ truyền Việt Nam

Thời gian thấm thoát trôi qua, con người, đất nước, mọi thứ dần thay đổi phát triển để thích nghi với hiện tại. Vì thế mà ngày Tết cổ truyền Việt Nam cũng dần thay đổi theo từng thời kỳ. Chắc hẳn bạn cũng muốn tìm hiểu qua vài nét khác biệt giữa Tết xưa và nay như thế nào.

Tết cổ truyền Việt Nam xưa 

Thời xưa, ngày Tết không chỉ là thời gian nghỉ ngơi mà quan trọng hơn quanh năm mọi người làm ăn vất vả, chỉ có ngày Tết mới được thưởng thức những món ngon. Do đó, việc chuẩn bị cho việc ăn Tết rất được chú trọng. Nào là nuôi lợn chuẩn bị thịt đón Tết, gói bánh chưng cũng được chuẩn bị từ rất sớm ngay từ đầu tháng Chạp.

Món ăn kèm dưa hành thời xưa luôn xuất hiện trong mỗi nhà dịp Tết, dưa hành đứng vào 6 loại phẩm vật đặc trưng của Tết cổ truyền Việt Nam xưa: “cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh, thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ”.

Không khí Tết bắt đầu từ ngày 23 tháng Chạp khi mọi nhà đều tiễn ông Táo lên chầu Trời. Từ ngày 24 Tết trở đi, không khí trở nên rộn rã, trẻ con rộn rã xem đốt pháo ì đùng ở sân đình. Người lớn thì đi tạ mộ ông bà, lau dọn bàn thờ tổ tiên, tổng vệ sinh nhà cửa,…Từ ngày 27 – 30 tháng Chạp, nhà nhà lo mổ lợn, gói bánh chưng, bánh tẻ, quấy chè lam, nấu kẹo lạc,…

Tết cổ truyền Việt Nam ngày nay

Cùng với sự phát triển đất nước, đời sống ngày càng đủ đầy nên việc ăn uống trong ngày Tết hiện đã không còn quá quan trọng. Nếu như xưa kia, cả năm chỉ đợi đến ngày Tết để được ăn miếng bánh chưng, thịt lợn, gà… thì nay bánh chưng được bán quanh năm ngoài chợ, thịt cá là những thức ăn hàng ngày. Do đó, đây không còn là những món ăn đặc biệt, cơ bản trong ngày Tết nữa. Nhiều gia đình vẫn duy trì việc gói bánh chưng nhưng chỉ là để vui, để cho có không khí ngày Tết.

Trong bối cảnh mới, nếp nghĩ mới của không ít người cũng đã và đang tác động trái chiều đến Tết cổ truyền. Là nước nông nghiệp nên vào dịp xuân về có hàng trăm lễ hội được tổ chức, diễn ra ở khắp mọi vùng miền, có lễ hội kéo dài suốt 3 tháng. Việc đón Tết cổ truyền diễn ra trong nhiều ngày, cùng với tâm lý “Tháng Giêng là tháng ăn chơi” có thể gây lãng phí, tốn kém về tiền bạc, thời gian, làm chậm nhịp phát triển kinh tế – xã hội.

Bên cạnh đó, mặt trái của nền kinh tế thị trường, tác động xấu của những luồng tư tưởng ngoại lai, các phương tiện truyền thông mới khiến không ít bạn trẻ hờ hững, thiếu mặn mà, quan tâm tới Tết. Với họ Tết cổ truyền là cổ hủ, nhiều nghi lễ thủ tục rườm rà, vì thế Tết là dịp để họ “giải phóng cá nhân” bằng những chuyến đi chơi xa cùng bạn bè thân hữu.

Cuộc sống số, xã hội số khiến không ít người lệ thuộc vào công nghệ, mải mê trong thế giới ảo với những mối quan hệ phức tạp mà lánh xa những giá trị văn hóa cổ truyền, hờ hững với cuộc sống thực tại. Họ “họp chợ”, mua bán mặt hàng Tết trên mạng, cúng Tết online, livestream, xem bói, gieo quẻ trên những trang facebook cá nhân. Phương tiện truyền thông có thể mang lại những hiệu ứng tốt trong chia sẻ thông tin, hình ảnh nhưng sự thái quá, nhất thời cùng những phát ngôn thiếu chín chắn của một số bạn trẻ về văn hóa truyền thống đang góp phần là nhạt đi không khí của Tết cổ truyền.

Tuy khác biệt về việc chuẩn bị cho Tết cổ truyền Việt Nam, nhưng chung quy lại thì người Việt vẫn ý thức được việc giữ gìn bản sắc dân tộc trong việc thờ cúng tổ tiên và quan trọng là các thành viên trong gia đình sum vầy, quây quần cùng nhau đón Tết.

Phong tục Tết cổ truyền Việt Nam

Các hoạt động trong Tết cổ truyền Việt Nam

Mặc dù Tết là quốc lễ của mọi người Việt Nam, nhưng mỗi vùng miền, tôn giáo lại có những phong tục tập quán riêng. Tết ở ba miền Việt Nam có thể chia thành ba tiết, gọi là Tất niên (Trước giao thừa), Giao thừa và Tân niên (Năm mới), lần lượt là những ngày trước, trong và sau Tết. Tất cả những phong tục này là để đón Tết ở Việt Nam.

Cúng ông Công, ông Táo

Theo truyền thống, ngày 23 tháng Chạp âm lịch là ngày ông Công, ông Táo lên thiên đình để báo cáo mọi việc trong nhà của gia chủ với Ngọc Hoàng. Chính vì vậy, tới ngày này các gia đình Việt Nam sẽ dọn dẹp nhà bếp sạch sẽ, mua cá vàng về cúng để tiễn ông Công, ông Táo về trời.

Tất niên

Tất Niên diễn ra vào ngày 30 hoặc 29 của tháng cuối âm lịch. Đây là thời điểm hoàn hảo để mọi người quây quần và thưởng thức bữa ăn cuối cùng của năm cũ bên gia đình, trong đó mọi thành viên sẽ chia sẻ những khoảnh khắc hạnh phúc và chỉ nói về những điều tốt đẹp.

Giao thừa

Giao thừa chính là khoảnh khắc năm cũ qua đi và năm mới tới. Mỗi gia đình sẽ chuẩn bị hai mâm cỗ – một mâm cỗ ngoài trời cúng Thần linh hoặc những vong hồn lang thang cơ nhỡ, mâm cỗ cúng tổ tiên trong nhà để cầu mong một năm mới sức khỏe, thịnh vượng và may mắn đến với mọi thành viên trong gia đình.

Đối với lễ cúng ngoài trời, một số thức ăn được chuẩn bị để cúng như đầu lợn hoặc gà luộc, muối, trầu cau, hoa quả, cơm rượu / nước và gạo. Trong khi mâm cúng gia tiên, một số lễ vật là bánh chưng, gà luộc, xôi, rượu gạo,…

Tân niên

Cũng tương tự như Tất niên, thì Tân niên thường được mọi người tổ chức tiệc họp mặt đầu năm. Họ dành cho nhau những lời chúc năm mới may mắn, tốt đẹp và mong muốn một khởi đầu mới đạt được sự thành công, tốt đẹp hơn năm vừa qua.

Tết cổ truyền của người Việt ở nước ngoài

Người Việt Nam chúng ta dù ở đâu thì mỗi dịp tết đến xuân về ai nấy đều muốn quay về quê hương, muốn cùng đón một cái tết thật đầm ấm với gia đình của mình. Nhưng có những ngoại kiều không thể về được thì mọi người đón tết như thế nào?

Người Việt sống ở nước ngoài nếu không có điều kiện về Việt Nam thì cũng tổ chức những hoạt động trong dịp Tết nguyên đán mang đậm truyền thống văn hóa Việt. Các quốc gia có cộng đồng người Việt sinh sống đông nhất phải kể đến là Mỹ, Úc, Canada, Pháp, Nga, Đức…

Người Việt đón tết ở nước ngoài với bánh chưng gói và bán sẵn, cũng như các món ăn được đưa từ Việt Nam sang như nước mắm Phan Thiết. Từ củ tỏi, củ hành, rau húng, rau thơm… Nhiều gia đình cũng lập bàn thờ Gia tiên, bàn thờ cũng có mâm ngũ quả, bánh chưng, mứt Tết, hương trầm, rượu, kim ngân,… Có gia đình treo cả câu đối, và một lọ hoa tươi giống như đón Tết cổ truyền tại Việt Nam.

Trong 3 năm qua, dù tình hình Covid-19 trên thế giới rất phức tạp, nhiều người Việt ở khắp nơi trên thế giới không thể trở về quê đón tết, nhưng họ vẫn rộn ràng đón Tết cổ truyền xa quê theo những cách riêng.

Tại Czech, cộng đồng người Việt rất lớn và khu chợ Việt cũng sầm uất với đầy đủ các mặt hàng truyền thống mỗi dịp Tết đến. Tuy nhiên, không khí đón Tết những năm gần đây trầm hơn mọi năm do ảnh hưởng của những quy định giãn cách vì Covid-19 và thời tiết lạnh giá, tuyết phủ trắng.

Tại Canada, đặc biệt ở tỉnh bang Prince Edward, cộng đồng người Việt khá đông và rất gắn kết. Các bạn trẻ này thường xuyên cùng nhau nấu các món ăn như xôi xéo, bánh chưng bán cho cộng đồng người Việt. Như một hoạt động nghề nghiệp tăng thu nhập và học kỹ năng xã hội. Tiệc đón mừng năm mới dành cho cộng đồng người Việt được Đại sứ quán Việt Nam tại Canada tổ chức mỗi năm, là dịp để bà con được gặp gỡ và san sẻ cho vơi nỗi nhớ quê hương. Nhiều kiều bào đã phải vượt chặng đường gần 6 giờ bay hoặc lái xe ô tô liên tục năm giờ liền để từ Vancouver, Quebec, Toronto… về dự “Tết”.

Toàn thể sứ quán cùng bà con Việt kiều, sinh viên Việt Nam đã cùng nhau thưởng thức các món ăn đầy hương vị quê hương tự tay làm, thưởng thức chương trình văn nghệ “cây nhà lá vườn” do tập thể cán bộ, nhân viên sứ quán và các lưu học sinh biểu diễn. Có Việt kiều đã xa quê hương, định cư hơn 20 năm ở Canada tâm sự lần đầu tiên tới dự gặp mặt đầu xuân đã được sống lại cảm giác đầm ấm của ngày tết truyền thống như được sống trong không khí ngày xuân quê nhà.

Đa dạng món Tết gợi nhớ quê nhà

Món ăn Tết cổ truyền Việt Nam

Các khu thương xá của người Việt, các khu chợ Việt như tại Little Saigon ở tiểu bang California. Hoặc Hackney (hay được gọi là “khu Việt Nam” tại Luân Đôn), và Cabramatta (còn gọi là Saigonmatta) ở Sydney, Úc… Cũng có bán các mặt hàng mứt, bánh chưng, hạt sen, lá dong tươi để gói bánh chưng,… và đa dạng các loại bánh tét, gạo nếp, xôi gấc, dừa khô, măng khô… Chợ hoa cũng có bán cành đào, cành mai, dưa hấu,… được nhập từ các nước châu Á sang để trưng bày trong nhà.

Tại Nga, khắp nơi trên đất nước Nga, nơi nào có người Việt sinh sống là nơi đó có những khu chợ chuyên bán những sản phẩm quê hương phục vụ nhà nhà đón Tết. Xét theo tiêu chuẩn Tết truyền thống “thịt mỡ dưa hành, câu đối đỏ” thì ở Nga người Việt ăn Tết cũng chẳng thiếu thứ gì. Có thể dễ dàng mua bánh chưng gói sẵn; hàng trăm quầy hàng khô được bày la liệt. Từ chai nước mắm nhãn hiệu Phan Thiết, cho đến củ tỏi, củ hành, rau húng, rau thơm…

Cùng đón mùa Xuân thật yên vui và hạnh phúc

Tại Úc, vào ngày Tết Nguyên Đán, đều có các cuộc diễn hành Tết . Và Hội Tết của cộng đồng người Việt tại khắp nơi mang đậm bản sắc văn hóa Việt. Như tại Sydney, Melbourne với hàng trăm ngàn người tham dự. Các hội tết cũng có các món ăn Việt, những trò chơi dân gian, cùng với những gian hàng chợ tết, bắn pháo hoa, múa lân, tái hiện văn hóa Việt xưa…

Tại Ai Cập, để giúp bà con cộng đồng người Việt phần nào vơi đi nỗi nhớ nhà, nhớ gia đình, quê hương, Đại sứ quán luôn có những món quà mang đậm hương vị Tết quê hương gửi đến bà con đang sinh sống, học tập và làm việc tại đây.

Chị Anh Thư, hiện đang sinh sống tại Singapore chia sẻ: “Tết với chúng tôi không chỉ là dịp đoàn tụ gia đình để cả nhà được gặp gỡ quây quần chúc nhau năm mới tốt lành, Tết cũng là dịp cho các cháu nhỏ sinh ra ở nước ngoài có dịp được tận mắt trải nghiệm và học hỏi để biết những phong tục tập quán của quê hương bản xứ.

Các cháu mong ngóng được về quê xem gói và luộc bánh chưng, háo hức đi chợ hoa, học cách bày mâm ngũ quả trên bàn thờ, cách sắp mâm cỗ Tết, nếm thử những vị mứt truyền thống của Việt Nam và vui nhất là quây quần bên họ hàng ngày mùng 1 Tết.

Bởi vậy, mọi năm dù bận rộn đến mấy, gia đình chúng tôi đều lên kế hoạch đặt vé về Tết từ 4-5 tháng trước cho chủ động. Năm nay do tình hình dịch bệnh COVID-19, chúng tôi không về nhà được và cũng không có ai bạn bè người thân đi du lịch để gửi đồ qua, nên phải tìm cách mua sắm đồ Tết theo đường khác và lên kế hoạch cùng nhau chuẩn bị Tết để các con các cháu vẫn cảm nhận được cái Tết truyền thống của Việt Nam.

Cũng may là dù hạn chế về đi lại du lịch nhưng hàng tuần Singapore vẫn có chuyến bay chở hàng qua lại từ Việt Nam nên chúng tôi có thể dễ dàng đặt mua những đồ dùng cần thiết từ Việt Nam như măng khô, rau thơm, gấc, bánh chưng, giò, mứt Tết để chuẩn bị đón Tết cho đầy đủ. Tiền cước vận chuyển hàng không hề rẻ nhưng ai cũng sẵn sàng chi để có cái Tết chu đáo và vơi bớt nỗi nhớ nhà.” 

Và còn nhiều người dân Việt Nam đang lưu trú tại nước ngoài luôn luôn mong muốn được đón tết cùng với gia đình của mình.

Tết đã trở thành nét văn hóa đặc biệt của người Việt Nam dù ở đâu và làm gì. Chính vì vậy việc giữ nét văn hóa đẹp ngày Tết luôn được bà con Việt kiều duy trì, nhất là truyền dạy cho con cháu thế hệ thứ hai thứ ba và hơn hết là lan tỏa nét đẹp văn hóa dân tộc.

Định cư các nước

  • , định cư Úc.VICTORY INVESTMENT CONSULTANTS tự hào là đơn vị tư vấn định cư chuyên nghiệp, tận tâm và có tỷ lệ hồ sơ thành công cao không chỉ riêng các chương trình định cư Canada mà còn tự hào là đơn vị dẫn đầu trong tư vấn định cư Mỹ, định cư Châu Âu và Caribbeanđịnh cư Úc.
  • Địa Chỉ: LM81-28. OT07, Tòa Landmark 81 Vinhome Central Park, 720A Điện Biên Phủ, Phường 22, Quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh.

  • Hotline: 090.720.8879

  • Website: www.dinhcucacnuoc.com