Tester là gì? Kiến thức và kỹ năng để trở thành Tester chuyên nghiệp

Tester là một khái niệm không quá mới trong ngành công nghệ thông tin nhưng vẫn có nhiều người chưa hiểu rõ về vị trí này. Giống như các vai trò khác, Tester cũng đóng vai trò rất quan trọng trong cả quy trình tạo ra sản phẩm phần mềm. Vậy để hiểu rõ hơn về vị trí này trong ngành IT là gì , hãy cùng tham khảo qua bài viết này nhé!

công việc của tester ngành it

I. Tìm hiểu về ngành Tester

1. Tester là gì?

tester là gì

Tester là một ngành nghề trong lĩnh vực công nghệ thông tin và phát triển phần mềm. Cụ thể hơn, Tester là người thử nghiệm, kiểm tra và tìm ra các lỗi phần mềm để báo lại cho nhóm phát triển sản phẩm. Công việc này nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm được hoàn hảo trước khi giao cho khách hàng. Có thể chia Tester thành các nhánh như QA, QC, Automation Tester và Manual Tester. Trong đó Automation và Manual Tester là 2 vị trí phổ biến hơn trong các công ty hiện nay.

Tìm việc làm, tuyển dụng IT có thể bạn quan tâm:

– Nhân viên Kiểm thử phần mềm Tester QC

– Nhân viên IT HelpDesk (Online)

2. Nhiệm vụ của một Tester

Trong thực tế, công việc mà một Tester đảm nhận là tìm kiếm bugs hay errors, nghĩa là những lỗi mà người sử dụng phần mềm có thể gặp phải. Sau đó, họ có nhiệm vụ ghi chú và báo cáo lại cho nhóm lập trình viên để cải thiện lỗi cũng như hoàn thiện sản phẩm. Nếu ở vị trí Automation Tester thì nhiệm vụ của bạn mỗi ngày là viết những đoạn code, hoặc sử dụng công cụ hỗ trợ có thể tự động tìm ra lỗi của các phần mềm. Còn đối với Manual Tester thì phải kiểm tra hoàn toàn thủ công mà không có sự hỗ trợ của máy móc. 

Tuy chiếm vị trí quan trọng và là một yếu tố quyết định đến chất lượng sản phẩm, nhưng phần lớn công ty thuộc lĩnh vực công nghệ và phát triển phần mềm của Việt Nam chưa có nhiều sự coi trọng dành cho vị trí này. Hãy tưởng tượng các nhà phát triển dành thật nhiều thời gian và công sức để tạo nên một phần mềm, ứng dụng cho khách hàng. Nhưng đến cuối cùng vì không kiểm nghiệm kỹ càng mà gây ra những lỗi không mong đợi. Việc đó vừa khiến khách hàng không hài lòng mà còn gây tổn hại cho danh tiếng cũng như tiền của của công ty. Qua đó, có thể thấy rằng vai trò của một Tester là không thể thiếu nếu muốn công việc được hoàn thiện một cách tốt nhất.

II. Lợi ích mà Tester mang lại cho doanh nghiệp

lợi ích tester mang lại

Có lẽ chúng ta cũng đã hiểu sơ qua được những lợi ích mà Tester có thể mang lại cũng như những rắc rối họ có thể giúp công ty tránh khỏi. Vậy hãy cùng phân tích rõ hơn qua các ý dưới đây nhé!

1. Hiệu quả về chi phí

Việc kiểm thử phần mềm, ứng dụng và đảm bảo không còn sót lỗi nào trước khi ra mắt hoặc giao cho khách hàng sẽ giúp tiết kiệm chi phí cho công ty. Vì sao? Đó là vì sau khi phát hành, nếu người dùng cuối gặp vấn đề nào đó không hay thì công ty phải thu hồi và sửa chữa. Việc gây vừa mất thời gian, và cũng ảnh hưởng đến công việc kinh doanh của cả khách hàng lẫn doanh nghiệp. Vì vậy, việc đảm bảo mọi thứ hoàn hảo từ đầu sẽ giúp tiết kiệm các chi phí phát sinh khi thu hồi sửa chữa nếu gặp lỗi sau này. 

2. Đảm bảo chất lượng sản phẩm

Uy tín của một công ty nằm ở chất lượng sản phẩm. Và công việc của Tester nhằm chắc chắn rằng sản phẩm không còn sót lỗi nào, đảm bảo ứng dụng hoặc phần mềm hoạt động trơn tru, không báo lỗi. Điều này sẽ giúp sản phẩm thực hiện chức năng chính một cách tốt nhất để phục vụ cho khách hàng và người dùng cuối. 

3. Yên tâm về vấn đề bảo mật

Bảo mật là một vấn đề nhức nhối đối với các phần mềm, sản phẩm công nghệ. Do đó, việc kiểm thử tất cả lỗi, bao gồm vấn đề bảo mật khi người dùng sử dụng sẽ khiến khách hàng yên tâm và tin tưởng chất lượng, uy tín của công ty.

4. Sự hài lòng của khách hàng

Mọi cố gắng đều hướng đến sự hài lòng của khách hàng. Và đương nhiên khách hàng sẽ cảm thấy hài lòng khi họ sử dụng ứng dụng, phần mềm một cách dễ dàng, không gặp một lỗi nào. Điều này sẽ khiến họ ngày càng tin tưởng và ủng hộ nhà phát hành cũng như công ty hơn.

III. Những yếu tố cần có của một Tester

Vậy nếu muốn trở thành một Tester giỏi trong ngành thì bạn cần phải có những yếu tố nào? Tất nhiên nó bao gồm từ kiến thức chuyên môn đến kỹ năng, kinh nghiệm và thái độ làm việc. Cụ thể hơn, sau đây là 10 yếu tố cần có của một Tester:

1. Nắm vững kiến thức cơ bản

Một Tester cần nắm vững kiến thức cơ bản của ngành IT như các ngôn ngữ lập trình Java, C++, AutoIT, Python,… Bên cạnh đó, họ còn cần học hỏi thêm về Database/SQL, các câu lệnh Linux để có thể làm việc với dự án có lượng dữ liệu lớn.

2. Trau dồi kiến thức chuyên ngành

Một số kiến thức chuyên ngành hoặc cách làm việc với các công cụ hỗ trợ là rất quan trọng. Có thể kể đến các công cụ như Test Management, Defect Tracking, Automation Tool/Framework: TestComplete, Ranorex, Selenium, Jmeter,… Thành thạo các công cụ này sẽ là một điểm cộng lớn cho một Tester.

3. Luôn không ngừng đổi mới, sáng tạo

Không chỉ riêng Tester, mà bất kỳ ngành nghề nào cũng luôn cần đến sự sáng tạo, đổi mới để không bị công nghệ tiên tiến bỏ lại đằng sau. Vì vậy, một Tester phải không ngừng cập nhật công nghệ và kiến thức mới để trở nên xuất sắc, nổi bật hơn.

4. Kỹ năng phân tích logic

Công việc của Tester đòi hỏi kỹ năng phân tích cao. Đặc biệt là Manual Tester trong bước Defect Management, càng cần phân tích kỹ để tìm ra các sai sót nhỏ nhất. Việc này sẽ rất tốn thời gian nếu bạn không có kỹ năng phân tích logic.

5. Khả năng học hỏi nhanh

Học hỏi những người đi trước và có kinh nghiệm sẽ giúp bạn tiến bộ rất nhanh trong công việc. Nếu học hỏi nhanh các quy trình và cách sử dụng công cụ testing thì bạn cũng sẽ tiến bộ rất nhanh, cũng như phát triển sự nghiệp hơn trong tương lai.

6. Kỹ năng giao tiếp, trình bày

Sau bước tìm kiếm lỗi là trình bày lại cho nhóm phụ trách phát triển sản phẩm, các lập trình viên. Vì vậy cần phải trình bày một cách rõ ràng, dễ hiểu để họ có thể tìm ra hướng cải thiện tốt nhất. 

7. Kỹ năng ngoại ngữ (tiếng Anh)

Như các bạn đã biết, tiếng Anh đặc biệt quan trọng trong ngành công nghệ thông tin với chung, và cả vị trí Tester nói riêng. Cải thiện kỹ năng đọc hiểu sẽ giúp bạn tìm hiểu sâu hơn về ngành qua các tài liệu tiếng Anh. Ngoài ra, tiếng Anh còn giúp bạn tăng cơ hội việc làm đối với các công ty nước ngoài đang tìm kiếm nhân lực tại Việt Nam.

8. Kỹ năng làm việc nhóm

Bạn không làm việc một mình trong quá trình kiểm tra, báo cáo. Vì vậy, cần trang bị những kỹ năng cũng như thái độ phù hợp để hợp tác với nhau. Giúp cho công việc chung được hoàn thành tốt nhất.

9. Tỉ mỉ, chi tiết và kiên trì

Kể cả khi dùng các công cụ hỗ trợ tìm lỗi tự động thì công việc này cũng mất khá nhiều thời gian. Nó đòi hỏi bạn phải tỉ mỉ từng chi tiết và kiên trì đến cùng để không bỏ sót một lỗi sai nào.

10. Cầu tiến trong công việc

Nếu những yếu tố trên giúp bạn thành thạo và tự tin trong lĩnh vực này, thì tinh thần cầu tiến sẽ giúp bạn nhanh chóng đi lên các vị trí cao hơn chẳng hạn như Test Leader. Bởi vì nếu bạn là một người cầu tiến thì bạn sẽ có những mục tiêu phát triển bản thân, có tinh thần không ngại khó để đạt được những thành tích tốt trong công việc. Điều này sẽ giúp bạn tiến xa trên con đường sự nghiệp của mình. 

IV. Các chứng chỉ trong ngành Tester

chứng chỉ trong ngành tester

Nếu bạn thật sự nghiêm túc và muốn thăng tiến nhanh trong nghề thì một yếu tố không thể thiếu đó chính là các chứng chỉ, bằng cấp do các viện và hiệp hội nổi tiếng cung cấp. Dưới đây là một số nơi cung cấp chứng chỉ chất lượng bạn nên sở hữu. Hãy tham khảo nhé!

– Viện quốc tế về kiểm thử phần mềm – CTM/CSTP/CAST

– Viện đảm bảo chất lượng – CMST

– Hội đồng Văn bằng quốc tế – CTFL/CTAL.

– Hiệp hội chất lượng Hoa Kỳ (ASQ) – CSQE/CQIA

– Hội đồng hệ thống thông tin thi cử – ISEB.

– Viện Đảm bảo Chất lượng (QAI) – CMSQ/CSQA/CSTE

V. Cơ hội nghề nghiệp Tester

Thế giới công nghệ ngày càng phát triển cho thấy cơ hội việc làm cho ngành IT nói chung và tại vị trí Tester nói riêng ngành càng rộng mở. Tuy nhiên thì mức lương hiện tại của một Tester thường thấp hơn một bậc so với lập trình viên, vì còn nhiều doanh nghiệp Việt Nam chưa đề cao vị trí này so với các vị trí IT khác. Nhưng trong tương lai, chắc chắn họ sẽ ngày càng nhận ra vai trò quan trọng của Tester trong công ty và trả mức lương cao hơn.

Nếu bạn chưa có kinh nghiệm thì có thể bắt đầu bước cơ bản nhất là trở thành thực tập sinh Tester. Sau khi đã có nhiều kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm thực chiến hơn thì bạn có thể tiến dần lên các vị trí như Tester, Senior Tester, Test Leader, cuối cùng là Test Project Manager của công ty. Vì vậy hãy cố gắng hết sức và học hỏi hết mình, chắc chắn bạn sẽ thăng tiến nhanh đến vị trí mà mình mong muốn.

VI. Những câu hỏi phỏng vấn Tester thường gặp

Những câu hỏi phỏng vấn Tester thường gặp

1. Tại sao bạn lại muốn làm Tester?

Với câu hỏi này, bạn có thể trình bày rõ ràng lý do tại sao bạn thích công việc này và ý nghĩa mà nó mang lại cho bạn. Ngoài ra, bạn cũng có thể rút ra những yếu tố và kỹ năng ở bản thân mà bạn tin rằng sẽ giúp bạn phát triển khi lựa chọn công việc này.

2. Theo bạn tố chất nào quan trọng nhất đối với một Tester?

Một Tester giỏi cần nhất là yếu tố về sự chăm chỉ và cẩn thận. Ngoài ra, bạn cũng có thể thêm một số tố chất như có trách nhiệm với công việc, có khả năng phân tích vấn đề, xử lý được các lỗi hoặc vấn đề lập trình cơ bản.

3. Theo bạn giai đoạn nào thì nên dừng việc thử nghiệm?

Với mỗi dự án khác nhau, việc dừng thử nghiệm cũng sẽ khác nhau. Chính vì thế, bạn hãy đưa ra những điều kiện sau để áp dụng vào từng dự án sao cho phù hợp. Một số điều kiện có thể đưa ra như: hết thời gian thử nghiệm, hết ngân sách, đã đạt các yêu cầu về test case và tỷ lệ bug, các lỗi được phát hiện trong quá trình thử nghiệm đã được fix hay người quản lý dự án đã quyết định tạm dừng thử nghiệm.

4. Bạn sẽ xử lý như thế nào khi dự án đã kiểm thử lại phát sinh lỗi?

Trong trường hợp này, các bạn hãy trả lời bình tĩnh và cho nhà tuyển dụng thấy cách xử lý của mình. Bạn có thể đưa ra những giải pháp khắc phục như tiến hành kiểm tra lại theo đúng quy trình để rà soát lỗi. Ngoài ra, bạn có thể cho bảo trì lại hệ thống để đảm bảo không có thêm lỗi nào phát sinh. 

5. Bạn sẽ làm gì khi không có cùng quan điểm với nhóm Tester của mình?

Khi xảy ra bất đồng với nhóm tester, hãy bình tĩnh lắng nghe ý kiến của từng người trong nhóm. Bạn có thể tiếp nhận ý kiến đóng góp của các thành viên và đưa ra ý kiến nếu nó chưa hợp lý hoặc sử dụng chúng nếu nó có ích cho công việc. 

6. Làm thế nào để biết mã code đã đáp ứng các thông số kỹ thuật?

Đây là một câu hỏi liên quan đến chuyên ngành của việc tester. Mỗi một dự án sẽ có những thông số kỹ thuật khác nhau. Do đó, khi được hỏi câu này, các bạn hãy bình tĩnh phân tích và đưa ra câu trả lời theo kiến thức của bản thân. 

7. Khi nào nên áp dụng kiểm tra tự động thay cho kiểm tra thủ công?

Đối với câu hỏi này, bạn hãy đưa ra điểm giống và khác nhau cũng như điểm mạnh yếu của việc kiểm tra tự động và kiểm tra thủ công. Từ đó, tùy vào từng trường hợp khác nhau mà nhà tuyển dụng đưa ra, bạn có thể có câu trả lời chính xác và phù hợp nhất. 

8. Mặc dù đã kiểm tra cẩn thận nhưng khách hàng vẫn phàn nàn thì bạn xử lý ra sao?

Trong trường hợp này, bạn hãy hỏi xem khách hàng không hài lòng ở điểm nào, muốn thay đổi như thế nào,… chứ không nên phản bác ngay. Từ đó, phân tích về nhu cầu của khách. Nếu việc thay đổi không mất quá nhiều thời gian, bạn vẫn có thể hỗ trợ để khuyến khích họ quay lại lần sau.

9. Khi bạn phát hiện ra lỗi nhưng lập trình viên lại không đồng ý với ý kiến của bạn. Bạn sẽ làm gì?

Khi gặp trường hợp này, các bạn hãy bình tĩnh trả lời. Nếu lập trình viên và bạn có bất đồng, hãy từ từ phân tích kỹ lại lỗi có trong dự án cho họ hiểu. Sau đó mà vẫn chưa tìm được điểm chung, bạn có thể nhờ bên thứ ba trong dự án kiểm tra lại cho đảm bảo tính công bằng và giải quyết bất đồng cho các bên. 

10. Kiểm tra có thể thực hiện bất cứ khi nào cũng được đúng không?

Cũng giống như việc dừng thử nghiệm, hoạt động kiểm tra có thể thực hiện tùy vào thời điểm khác nhau tùy theo mỗi dự án. Khi được đặt câu hỏi này, các bạn hãy dùng kinh nghiệm và kiến thức của bản thân để trả lời sao cho hợp lý và hiệu quả. 

Xem thêm:

>> Tổng hợp khóa học Tester, kiểm thử dành cho người mới

>> Top 15 chứng chỉ Tester nên có trong CV xin việc hiện nay

>> Kỹ thuật phần mềm là gì? Yêu cầu kỹ năng và cơ hội việc làm

Hy vọng bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về vị trí Tester cũng như các kỹ năng, kiến thức cần chuẩn bị nếu muốn theo đuổi ngành nghề này. Hãy để lại bình luận và chia sẻ bài viết nếu thấy nó có ích cho bạn nhé!

Nguồn tham khảo: https://vi.wikipedia.org/wiki/Tester