Techcombank vẫn thanh khoản trái phiếu ổn định

Gia Miêu

  –  

Thứ tư, 12/10/2022 18:41 (GMT+7)

Việc Chính phủ đặt mục tiêu kiểm soát dòng tín dụng vào lĩnh vực bất động sản (BĐS) và giám sát chặt chẽ hơn về việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp là động thái cần thiết để lành mạnh hoá thị trường. Theo phân tích của Moody’s, Techcombank hiện tại là ngân hàng có mức độ uy tín cao nhất trong số các Ngân hàng tại Việt Nam, với các điểm mạnh nổi bật về vốn và khả năng sinh lời…

Techcombank vẫn thanh khoản trái phiếu ổn định
Nhiều nhà phân tích lo ngại khi Techcombank có khoản 32 nghìn tỉ trái phiếu đáo hạn năm tới.

Lo ngại khi thị trường vốn bị siết chặt

Công ty Chứng khoán SSI vừa đưa ra báo cáo dự đoán kết quả kinh doanh của một số doanh nghiệp trên sàn, trong đó có 10 ngân hàng. Xét về thứ hạng, Vietcombank là ngân hàng được dự báo sẽ có lợi nhuận cao nhất năm nay với 34.000 tỉ đồng lợi nhuận trước thuế và gần 27.200 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế, cách biệt khá xa so với các ngân hàng còn lại.

Techcombank vẫn ở vị trí thứ hai với dự báo lãi ròng hơn 21.500 tỉ đồng, nhưng đã bị đuối sức, tốc độ tăng trưởng giảm mạnh so với các năm trước do chi phí vốn tăng cao cũng như bị tác động bởi thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp. Riêng lợi nhuận quý 3/2022, theo dự đoán của các nhà phân tích SSI, với Techcombank, lợi nhuận trước thuế quý 3 tăng khoảng 20-25% so với cùng kỳ trước áp lực tăng chi phí vốn và nguồn thu nhập kém đa dạng hơn so với các kỳ trước. Tuy nhiên, Techcombank được dự báo tăng trưởng lợi nhuận ròng 25% so với năm 2021 nhờ NIM ổn định và tỷ lệ chi phí tín dụng giảm mạnh.

Trong khi đó, theo báo cáo cập nhật về Techcombank do Vndirect Research vừa phát hành thì trong nửa đầu năm 2022, khả năng sinh lời ROA và ROE vẫn duy trì vị trí dẫn đầu ngành, lần lượt là 3,6% và 22%. 

Cụ thể, đó là việc Chính phủ đặt mục tiêu kiểm soát dòng tín dụng vào lĩnh vực bất động sản (BĐS) và giám sát chặt chẽ hơn về việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) khi Nghị định 153/2020/NĐ-CP đang được sửa đổi nhằm đảm bảo tính minh bạch của thị trường vốn.

Theo Báo cáo tài chính hợp nhất soát xét 6 tháng đầu năm 2022, tính đến ngày 30.6.2022, tổng giá trị chứng khoán đầu tư sẵn sàng để bán của Techcombank đạt 97.227 tỉ đồng. Trong đó, trái phiếu do các tổ chức tín dụng khác là gần 25.435 tỉ đồng, chiếm hơn 26% tổng giá trị chứng khoán đầu tư sẵn sàng để bán; Chứng khoán Chính phủ ghi nhận 22.169 tỉ đồng, chiếm 22,8% và lượng trái phiếu doanh nghiệp tại Techcombank đạt 49.345 tỉ đồng, chiếm tới 50,7% tổng giá trị đầu tư. Theo Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), trong vòng chưa đầy 3 tháng từ tháng 4 đến tháng 7.2022, Techcombank đã hoàn tất phát hành 11 lô trái phiếu với tổng giá trị lên tới 11.950 tỉ đồng.

Thực tế trong những năm qua, Techcombank luôn là cái tên nổi bật nhất trong các mảng mua trái phiếu và mảng dàn xếp, tư vấn phát hành trái phiếu cho các doanh nghiệp. Báo cáo tài chính của Techcombank cho thấy, chỉ sau 4 năm, dòng tiền đổ vào trái phiếu tăng gần gấp đôi.

Tại thời điểm hết quý I/2022, chứng khoán nợ do các tổ chức kinh tế trong nước phát hành vọt lên mức 76.583 tỉ đồng, chiếm 12,4% tổng tài sản Techcombank. Trong khi đó, vốn chủ sở hữu của Techcombank theo dữ liệu tài chính cho thấy kể từ thời điểm 31.12.2021 cho đến 30.6.2022 giữ nguyên ở mức 35.585 tỉ đồng.

Áp lực với trái phiếu đến hạn thanh toán

Trong báo cáo cập nhật về ngân hàng mới công bố, các chuyên gia phân tích tại SSI Research đã chỉ ra một số rủi ro mà ngân hàng phải đối mặt trong thời gian tới.

Chuyên gia giả định rằng 21 nghìn tỉ đồng (tương đương 4,9% tổng tín dụng) trái phiếu doanh nghiệp sẽ đến hạn vào năm 2023. Do các công ty phát hành trái phiếu là những tổ chức lớn với danh tiếng tốt trên thị trường, SSI Research tin rằng các đơn vị này sẽ có các lựa chọn thay thế để huy động vốn, bất chấp những hạn chế về tăng trưởng tín dụng và những thách thức trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Nhóm phân tích cũng không loại trừ khả năng Techcombank sẽ bán một phần trái phiếu như đã thực hiện trong quý II/2022 để giảm mức tập trung vào trái phiếu của ngân hàng.

Bên cạnh đó, dư nợ cho vay chủ đầu tư bất động sản, xây dựng, vật liệu cao (126 nghìn tỉ đồng, tương đương 29% tổng tín dụng) là một quan ngại của SSI Research. Chuyên gia phân tích của đơn vị này cho rằng hoạt động này có thể gặp biến động tiêu cực trong ngắn hạn do hạn chế về nguồn vốn. Nếu giả định rằng chỉ 5% trong số các khoản vay này phải đối mặt với các thách thức về khả năng trả nợ thì 6.300 tỉ đồng (1,5% tổng tín dụng và 1,6 lần dự phòng) có nguy cơ trả nợ trễ hạn. Dù Techcombank có vốn hóa đủ mạnh để hấp thụ các cú sốc ngoại sinh, lợi nhuận vẫn có thể bị ảnh hưởng do áp lực tăng trích lập dự phòng.