Tạp chí ngôn ngữ và nỗi tủi hổ của người trong nghề

Quá khứ huy hoàng

Tạp chí Ngôn ngữ là tạp chí chuyên ngành, cơ quan ngôn luận và là diễn đàn để các nhà ngôn ngữ học công bố, trao đổi những kết quả nghiên cứu, những vấn đề lí luận và thực tế về các ngôn ngữ ở Việt Nam. Tạp chí Ngôn ngữ thuộc hệ thống các tạp chí chuyên ngành Khoa học xã hội và Nhân văn do Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam (HLKHXHVN) quản lí; cơ quan quản lí hành chính trực tiếp của Tạp chí (TC) là Viện Ngôn ngữ học, thuộc Viện HLKHXHVN.

TC ra số đầu tiên vào tháng 9 năm 1969, đến nay đã tròn 50 năm. Đã một thời gian rất dài TC Ngôn ngữ (giai đoạn 1969-2000) là TC chuyên ngành có uy tín cao. Đây thực sự là diễn đàn khoa học của các nhà khoa học nổi tiếng trong nước như GS Hoàng Tuệ, GS Nguyễn Tài Cẩn, GS Hoàng Phê, PGS Nguyễn Kim Thản, GS Đỗ Hữu Châu, PGS Cao Xuân Hạo, GS Hoàng Văn Hành, GS Lưu Vân Lăng và nhiều nhà khoa học khác, của các GS ngôn ngữ học quốc tế như A.G. Haudricourt, V. M. Sonltsev, S.E. Jakhontov, G. Diffloth, J. Edmondson… Các bài trong TC được giới nghiên cứu trong nước và quốc tế trích dẫn. Trên Tạp Chí Mon Khmer studies (Tạp chí quốc tế về các ngôn ngữ khu vực Đông Nam Á) thường có bài điểm sách, giới thiệu Tạp chí Ngôn ngữ.

Nhiều năm TC Ngôn ngữ được chỉ đạo bởi các Tổng biên tập uy tín cao, như PGS Nguyễn Kim Thản, GS Hoàng Tuệ, PGS Lê Xuân Thại. Bài đầu tiên của tôi đăng trên TC Ngôn ngữ số 1 năm 1973, đến nay đã 46 năm. Tôi cũng có hơn 10 năm tham gia Ban biên tập Tạp chí. Dưới sự chỉ đạo của Tổng biên tập, GS Hoàng Tuệ, Ban biên tập làm việc khoa học, có trách nhiệm. Bài vở luôn được biên tập một cách kĩ càng. Ban biên tập phân công nhau phụ trách từng mảng chuyên môn, có trách nhiệm khai thác nguồn bài và biên tập. Có những năm, từng số giao cho 1 biên tập viên phụ trách với quyền quyết định in ấn của Tổng biên tập.

tap chi ngon ngu va noi tui ho cua nguoi trong nghe Minh họa về công trình “tham nhũng học thuật” của bà Sao Chi

Hiện tại bẽ bàng, bi đát

Trong gần hai chục năm gần đây, TC Ngôn ngữ không còn giữ được truyền thống như xưa. Trước hết là chất lượng bài vở. TC không còn đề cập đến những vấn đề quan trọng về lí luận và thực tế các ngôn ngữ ở Việt Nam. Vắng bóng các bài của các nhà khoa học quốc tế. Chất lượng bài vở sút kém. TC dường như chỉ để đăng các bài của nghiên cứu sinh, học viên cao học, tác giả của các đề tài KH các cấp. Theo quy chế đào tạo cũng như quy trình bảo vệ thông qua các đề tài các cấp (với kinh phí từ vài chục triệu đến vài trăm triệu, có khi lên đến hàng tỷ tiền thuế của dân) của Viện HLKHXHVN, cần phải có 2 bài đăng trên TC Ngôn ngữ. Được đăng bài như lá bùa để có được bằng cấp và thanh toán hết tiền kinh phí khoa học, các tác giả phải tìm mọi cách “chạy”, và người phụ trách TC có quyền uy tuyệt đối. Chất lượng các bài này thường rất kém, sai về cơ sở lí thuyết, phương pháp nghiên cứu, tư liệu, kết quả nghiên cứu. Do vậy, TC Ngôn ngữ hầu như không còn được các nhà khoa học nghiêm túc, nhất là các nhà khoa học quốc tế biết đến, trích dẫn trong nghiên cứu của họ.

Đó là sự xuống cấp về chất lượng học thuật. Tệ hại hơn là sự xuống cấp về đạo đức nghề nghiệp, học thuật. Gần đây, trên một số báo, trong đó có Tầm Nhìn, xuất hiện các bài báo vạch trần các bài viết được gọi là công trình nghiên cứu khoa học, nhưng thực chất là “đạo văn” của người khác đăng trên TC Ngôn ngữ. Tác giả của các công trình khoa học này là Vũ Thị Sao Chi – chính là phó Tổng biên tập phụ trách TC Ngôn ngữ. Theo chứng cứ trưng ra trên các báo, việc đạo văn là rõ ràng. Đây là hành động phi đạo lí nghề nghiệp, phi học thuật.

Thật ra, sự kiện bà Sao Chi, phó TBT TC Ngôn ngữ đạo văn là sự tiếp nối “truyền thống đạo văn” của người từng phụ trách TC này và là người thầy kèm cặp để rồi “truyền ghế” Phụ trách TC cho bà Sao Chi, là ông Nguyễn Đức Tồn. Công luận đã từng sục sôi khi đọc hơn 150 bài báo đăng trên mấy chục tờ báo điện tử và báo giấy về vụ ông Tồn lấy những kết quả nghiên cứu của các nghiên cứu sinh, sinh viên, học viên đưa vào các sách – các công trình nghiên cứu khoa học của ông ta; sau đó ông Tồn đưa các công trình đó vào hồ sơ để đoạt chức danh giáo sư (thậm chí còn đòi đoạt Giải thưởng Hồ Chí Minh).

Hôm nay là đúng 365 ngày Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kí quyết định của Thủ tướng Chính Phủ yêu cầu Bộ Giáo dục & Đào tạo làm rõ vụ án “đạo văn” này. Tuy nhiên, vụ việc vẫn không được giải quyết, bất chấp quyết định của Chính Phủ. Đương sự tìm mọi kẽ hở trong các luật, quy định, quy trình để lẩn tránh, lấp liếm, chống trả. Ông Tồn cũng có nghề trong việc lợi dụng những sai lầm của một số người trong các HĐ Chức danh, người có trách nhiệm cao nhất để gây sức ép, kể cả cách mặc cả theo kiểu: “Trạng chết chúa cũng băng hà; Dưa gang đỏ đít thì cà đỏ trôn”, hòng trốn tội.

tap chi ngon ngu va noi tui ho cua nguoi trong nghe

Xin lưu ý 2 điều khi so sánh vụ đạo văn của ông Nguyễn Đức Tồn và của Vũ Thị Sao Chi. Thứ nhất, 2 vụ giống nhau về mục đích (đạo văn để mưu đoạt quyền cao, danh trọng), về cách thức đạo văn (chiếm đoạt của những người yếu thế là học trò/học viên/nghiên cứu sinh hoặc người cần được đăng bài). Thứ hai, cách thức 2 đương sự lẩn trốn tội trạng. Như đã nói ở trên, ông Tồn có nghề trong việc lấp liếm, trốn tránh tội đạo văn. Ngón nghề này cũng được bà Chi học lại. Cần nói ngay rằng, việc một số báo trong đó có Tầm Nhìn, điều tra phanh phui tội trạng đạo văn là để bảo vệ sự trong sạch của học thuật, lấy lại uy tín cho TC Ngôn ngữ. Là người trong nghề, nặng lòng với Viện Ngôn ngữ học và với TC này, tôi tỏ lòng biết ơn Tầm Nhìn. Được biết, bà Chi đang tìm mọi cách lấp liếm, trốn tội. Vẫn các con bài cũ của ông thầy của bà được dùng lại như lu loa, khiếu kiện kéo dài, chạy các giấy chứng thực mình vô tội.

Nếu vụ đạo văn của bà Chi không được giải quyết sẽ dẫn đến các hậu quả khó lường. Trước hết là uy tín của TC Ngôn ngữ, sau nữa là hiệu ứng đomino kéo theo sự xuống cấp về đạo đức nghề nghiệp, chất lượng trong đào tạo và nghiên cứu khoa học Ngôn ngữ học ở Học Viện KHXH và Viện Ngôn ngữ học. Như tôi đã nói, nhiều người sẽ lợi dụng sự xuống cấp về đạo đức và học thuật của TC để đăng bài nhằm bảo vệ hoặc thông qua các đề tài luận văn, luận án không có chất lượng. Hôm nay trên trang Facebook của một số người đăng lại bài báo của Tầm Nhìn về vụ đạo văn, một bạn viết Comment: “Mấy cơ quan khoa học với cả trăm nhà khoa học mà không làm nổi một cái việc làm mất dạy, có chứng cớ rõ ràng thì các nhà khoa học bị mất niềm tin đầu tiên chứ không phải là ai khác. Kẻ cắp đương nhiên bị khinh bỉ nhưng những người được gọi là chân chính thì cũng bớt đi rất nhiều uy tín”.

Là người trong nghề tôi thấy đau đớn và tủi hổ khi nghĩ về TC Ngôn ngữ trước kia và hôm nay, và càng tủi hổ hơn, khi đọc những dòng còm trên của bạn đọc. Tôi xin gửi lời nhắn nhủ của bạn đến nhiều người nghiên cứu ngôn ngữ học Việt Nam, trước hết gửi đến ban lãnh đạo Viện Ngôn ngữ học, Viện Hàn lâm KHXHVN là những cơ quan quản lí nhân sự và học thuật của TC Ngôn ngữ và gửi đến lãnh đạo Học viện KHXH, trước hết là Khoa Ngôn ngữ học, nơi có các nghiên cứu sinh, học viên cao học đã đang và sẽ bị bà Sao Chi tiếp tục tước đoạt các thành quả nghiên cứu!

GS.TS Nguyễn Văn Lợi

(Nguyên Phó Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học, nguyên Thư ký Hội đồng chức danh GS ngành Ngôn ngữ)