Tạp chí Giáo dục lý luận

Hiện nay, phát triển nông
nghiệp công nghệ cao là yếu tố đột phá, chuyển từ nền nông nghiệp “số lượng”
sang “chất lượng và giá trị”; tạo động lực cho sự phát triển nông nghiệp, nông
thôn bền vững; giúp tạo sự chuyển biến về chất đối với năng suất, chất lượng và
hiệu quả kinh tế trong nông nghiệp; chuyển dịch lao động nông nghiệp; khắc phục
việc sản xuất nhỏ lẻ, thiếu gắn kết, hướng tới một nền nông nghiệp có giá trị
gia tăng và tốc độ tăng trưởng cao, có khả năng cạnh tranh và tham gia vào
chuỗi giá trị toàn cầu. Với việc nhận định tầm quan trọng của nông nghiệp công
nghệ cao trong phát triển ngành nông nghiệp góp phần phát triển kinh tế đất
nước nhanh và bền vững, cùng với những lợi thế, tiềm năng sẵn có của Hòa Bình
hiện nay, đây sẽ là cơ hội thúc đẩy việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản
xuất nông nghiệp mang lại lợi nhuận kinh tế cao.

1. Khái niệm, nội dung phát triển nông
nghiệp công nghệ cao

Để phân
biệt với nông nghiệp truyền thống đã có nhiều kiểu và hình thức phát triển,
như: Nông nghiệp năng suất cao (Productive Agriculture); Nông nghiệp sinh học,
nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái (Biological, organic, ecological
Agriculture), nông nghiệp công nghệ cao (High-technical agriculture). Theo lý
thuyết của J.H. von Thunew (1986), cũng đã chỉ rõ: “Nông nghiệp công nghệ cao
là nơi hội tụ các thành tựu tiên tiến nhất về công nghệ sinh học, công nghệ vật
liệu, công nghệ thông tin và tự động hóa trong một hệ thống nông nghiệp tập
trung nhằm tạo ra một quy mô sản xuất và trình diễn công nghệ có tác dụng tích
cực tới thay đổi căn bản về phát triển nông nghiệp”[2].

Công nghệ cao được tích hợp ứng
dụng trong nông nghiệp công nghệ cao bao gồm: công nghiệp hóa nông nghiệp (cơ
giới hóa các khâu của quá trình sản xuất, thu hoạch, sơ chế, chế biến…), tự
động hóa, công nghệ thông tin, công nghệ vật liệu mới, công nghệ sinh học; các
giống cây trồng, vật nuôi năng suất, chất lượng cao…; các quy trình canh tác
tiên tiến, canh tác hữu cơ… cho hiệu quả kinh tế cao trên một đơn vị sản
xuất. Mục tiêu cuối cùng của phát triển nông nghiệp công nghệ cao là giải quyết
mâu thuẫn giữa năng suất nông nghiệp thấp, sản phẩm chất lượng thấp, hiệu quả
kinh tế thấp với việc áp dụng những thành tựu khoa học công nghệ nhằm hướng tới
đảm bảo nông nghiệp tăng trưởng ổn định với năng suất và sản lượng cao, hiệu
quả và chất lượng cao. Đồng thời, thực hiện tốt nhất sự phối hợp giữa con người
và tài nguyên, nhằm phát huy ưu thế tiềm năng và sử dụng nguồn tài nguyên đạt
hiệu quả, hài hòa và thống nhất lợi ích xã hội, kinh tế và sinh thái môi
trường. Phát triển nông nghiệp công nghệ cao có phạm vi rất rộng, bao gồm nhiều
lĩnh vực, tuy nhiên khái quát lại nội dung phát triển nông nghiệp công nghệ cao
tập trung chủ yếu vào các nội dung sau:

i) Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp: chú trọng ở một số khâu đột
phá như khảo nghiệm, ứng dụng giống mới và công nghệ vào sản xuất, các biện
pháp an ninh sinh học trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản… góp phần quan
trọng để nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích, rút ngắn chu kỳ nuôi
trồng, giảm thiểu dịch bệnh, ô nhiễm môi trường.

ii) Tổ chức
sản xuất nông nghiệp công nghệ cao:
Hoàn thiện tổ chức sản xuất đạt hiệu quả cao, đảm bảo chất lượng hàng
hóa hướng tới mục tiêu xuất khẩu, đồng thời có khả năng liên kết bình đẳng với
các chủ thể khác trong chuỗi giá trị nông sản và tham gia vào mạng sản xuất
toàn cầu.

iii) Sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao: là sản phẩm hàng hoá mang tính
đặc trưng của từng vùng sinh thái, đạt năng suất và hiệu quả kinh tế cao trên
đơn vị diện tích, có khả năng cạnh tranh về chất lượng với các sản phẩm cùng
loại trên thị trường trong nước và thế giới.

iv) Khu, vùng
sản xuất nông nghiệp công nghệ cao:
phát triển kinh tế vùng cùng với cơ chế chính sách và toàn bộ kết cấu hạ
tầng kinh tế, kỹ thuật đảm bảo cho các hoạt động kinh tế nông nghiệp diễn ra
thuận lợi.

v) Nguồn nhân
lực nông nghiệp công nghệ cao:
Đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đảm bảo trình
độ cao về tay nghề, có thể lực tốt và có ý thức tổ chức kỷ luật.

2. Thực trạng phát triển nông nghiệp
công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Hòa Bình trong thời gian vừa qua

Hòa Bình nằm ở vị trí cửa ngõ
vùng Tây Bắc Việt Nam, là khu vực đối trọng phía Tây của Thủ đô Hà Nội. Điều
kiện thổ nhưỡng và khí hậu phong phú đa dạng; đất đai có độ màu mỡ cao, diện
tích đất lâm nghiệp, đất sản xuất nông nghiệp và đất chưa sử dụng còn lớn là
điều kiện để phát triển đầu tư trong lĩnh vực trồng rừng, cây công nghiệp, dược
liệu và sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Từ những năm 2012 đến nay, tỉnh Hòa Bình đã đưa ra
nhiều chính sách và đề án nhằm thúc đẩy phát triển nông nghiệp công nghệ cao,
tính đến nay tỉnh đã thu được một số kết quả như sau:

2.1.
Kết quả đạt được:

– Về ứng
dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp:
Hòa Bình đã triển khai thực hiện nhiều đề
tài, dự án, nhiệm vụ khoa học công nghệ ứng dụng công nghệ sinh học hỗ trợ phát
triển sản xuất, đến nay đã khảo nghiệm cơ bản trên 300 giống, khảo nghiệm sản
xuất trên 40 giống lúa mới mỗi năm, lựa chọn từ 40 – 50 giống có nhiều đặc điểm
nông sinh học tốt. Xây dựng mô hình nuôi thử nghiệm và khẳng định một số giống
vật nuôi mới như cá tầm, cá hồi vân trên hồ Hòa Bình; nghiên cứu kỹ thuật sản
xuất giống cá bỗng, cá trắm đen; sản xuất giống lợn hướng nạc Yorkshie,
Landrad, Duroc, giống gà, vịt siêu thịt, siêu trứng, dê Bách Thảo và phát triển
mô hình các vật nuôi đặc sản của tỉnh như gà đồi Lạc Sơn, gà Lạc Thủy, vịt bầu
bến[7]. Những kết quả ứng dụng
trong lĩnh vực công nghệ sinh học đã góp phần đưa tăng trưởng ngành nông nghiệp
bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt 4,5%/năm, cao hơn bình quân chung cả nước
(3%/năm); giá trị sản xuất nông nghiệp năm 2019 đạt hơn 11 nghìn tỷ đồng; cơ
cấu kinh tế nông, lâm nghiệp và thủy sản chuyển dịch đúng hướng. Giá trị thu
được trên 01 ha canh tác đất trồng trọt tăng từ 81 triệu (năm 2013) lên 135
triệu (năm 2019); giá trị tăng thu nhập từ chăn nuôi đạt trung bình 5,5%/năm;
giá trị tăng thu nhập thu được thêm 01 ha mặt nước nuôi trồng thủy sản tăng từ
73 triệu (năm 2013) lên 175 triệu (năm 2019)[7].

– Về tổ
chức sản xuất nông nghiệp công nghệ cao:
tỉnh Hòa Bình có 310 HTX nông nghiệp; 206 HTX đạt đủ
tiêu chuẩn xếp loại, trong đó loại tốt 33 HTX chiếm 16%, khá 68 HTX chiếm 33%,
trung bình 91 HTX chiếm 45%, yếu 14 HTX chiếm 6%; bình quân gần 18 thành viên/1
HTX, có 87 trang trại, trong đó: 28 trang trại trồng trọt; 29 trang trại chăn
nuôi; 1 trang trại lâm nghiệp và 2 trang trại thủy sản; 29 trang trại tổng hợp[5].Trong đó, có 15 HTX,
doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực trồng
trọt/lâm nghiệp với công nghệ vệ tinh viễn thám bằng phần mềm FRMS theo dõi
diễn biến rừng trên địa bàn toàn tỉnh, công nghệ sinh học trong sản xuất giống,
xử lý bọc màng sinh học trong bảo quản sản phẩm, công nghệ tưới tự động. Trong
giai đoạn 2016 – 2020, trên địa bàn tỉnh có 16 dự án nông nghiệp công nghệ cao,
nông nghiệp sạch được triển khai thực hiện. Trong đó dự án chăn nuôi lợn giống
công nghệ cao quy mô 1.200 lợn lái, 2000 lợn thịt tại Lạc Thủy; dự án nuôi bò
thịt áp dụng công nghệ cao quy mô 10.000 con; công nghệ sản xuất giống và nuôi
thương phẩm giống trâu lai Murrah[4].

– Sản phẩm
nông nghiệp công nghệ cao ngày càng đa dạng:
Ứng dụng công nghệ cao song hành với chương trình
OCOP đã giúp tỉnh Hòa Bình có 100 sản phẩm được chứng nhận sản phẩm OCOP, gồm:
22 sản phẩm đạt 4 sao, 78 sản phẩm đạt 3 sao. Trong năm 2021 có 31 sản phẩm
được công nhận, trong đó 27 sản phẩm 3 sao và 4 sản phẩm 4 sao, tham gia quảng
bá, kết nối sản phẩm tại 3 tỉnh Yên Bái, Lào Cai và Lai Châu[6]. Đã triển khai và dán trên 7 triệu tem điện
tử truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm: Cam Cao Phong, cam Mường Động, bưởi đỏ
Tân Lạc, chuỗi cá sông Đà, chuỗi thịt lợn. Hỗ trợ hơn 242 nghìn tem điện tử
truy xuất nguồn gốc sản phẩm cho liên nhóm hữu cơ Lương Sơn và HTX nông sản hữu
cơ để dán trên các loại sản phẩm rau hữu cơ tại huyện Lương Sơn[1].


Về thiết lập các khu, vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao:
được quy hoạch tập trung ở ba vùng có lợi
thế về thổ nhưỡng và cây trồng thích hợp: (1) Vùng trồng cây ăn quả (cam, bưởi,
nhãn) và mía tím, tập trung ở các huyện Tân Lạc, Lạc Thủy, Cao Phong và Kim
Bôi, với quy mô năm 2015 khoảng 1.712 ha (trong đó cây ăn quả: 892 ha và mía
tím 820 ha), năm 2020 khoảng 2.350 ha (trong đó cây ăn quả: 1.120 ha và mía tím
1.230 ha); (2) Vùng trồng hoa, cây cảnh tập trung chủ yếu ở TP Hòa Bình và
huyện Cao Phong, với quy mô năm 2015 khoảng 
25 ha và năm 2020 khoảng 35 ha; (3) Vùng chăn nuôi trâu, bò thịt, nuôi
lợn, gia cầm (gà) và nuôi trồng thủy sản tập trung ở các huyện Đà Bắc, Lạc Sơn,
Yên Thủy, Tân Lạc, Lạc Thủy, Kim Bôi, Mai Châu và Cao Phong[4]; Quy hoạch khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao,
đã tiến hành xây dựng các mô hình 11 khu và triển khai trên 11 huyện thuộc địa
bàn của tỉnh (bảng 1).

Bảng 1: Các khu nông nghiệp
ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Hòa Bình

TT

Địa điểm

1

Xã Nhuận Trạch – huyện Lương
Sơn

2

Xã Phú Minh – huyện Kỳ Sơn

3

Xã Thống
Nhất và xã Dân Chủ

 – TP Hòa Bình

4

Xã Mãn Đức và Lũng Vân –
huyện Tân Lạc

5

Xã Đồng Tâm – huyện Lạc Thủy

6

Xã Vĩnh Đồng – huyện Kim Bôi

7

Xã Pù Bin và Noong Luông –
huyện Mai Châu

8

Xã Tiền Phong và Cao Sơn –
huyện Đà Bắc

9

Xã Thung Nai – huyện Cao
Phong

10

Xã Liên Vũ – huyện Lạc Sơn

11

Xã Lạc Thịnh – huyện Yên Thủy

Nguồn: Sở NN&PTNT Hòa Bình (2020): Báo cáo số
312/BC- SNN ngày 19/5/2020

– Nguồn nhân lực phục vụ cho nông nghiệp công nghệ cao: Hòa Bình đã tập trung xây dựng
tiềm lực cho khoa học và công nghệ và phát triển nhân lực cho toàn tỉnh nói
chung và ngành nông nghiệp nói riêng, quan tâm ban hành nhiều chính sách thu
hút và phát huy đội ngũ trí thức trên các lĩnh vực. Hiện có 20 tổ chức khoa học
và công nghệ, 10 doanh nghiệp khoa học và công nghệ. Tổng số cán bộ khoa học và
công nghệ là 673, chiếm 7,8% cán bộ khoa học và công nghệ/1 vạn dân[7]. Trong giai đoạn từ 2018 –
2020, các cấp hội nông dân trong tỉnh đã trực tiếp tổ chức 33 lớp cho 1.320 Hội
viên Nông dân; phối hợp tổ chức 89 lớp cho 3.560 lượt người cung cấp những kiến
thức theo chương trình đào tạo trình độ sơ cấp nghề và hướng dẫn thực hành của
giảng viên tại cơ sở sản xuất, trang trại, các mô hình tiêu biểu ở địa bàn nông
thôn. Ngoài ra, hằng năm tỉnh đã trực tiếp tổ chức hàng chục lớp dạy nghề và
cấp chứng chỉ sơ cấp nghề cho 526 lao động nông thôn với các nghề trồng cây có
múi theo VietGap, chăn nuôi gia súc, gia cầm và nuôi trồng thuỷ sản…, bên
cạnh đó, việc xây dựng mô hình chi, tổ hội nghề nghiệp cũng được triển khai.
Hiện, toàn tỉnh thành lập được 102 tổ Hội nghề nghiệp với 1.610 thành viên tham
gia, là tiền đề cho việc thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã, góp phần đổi mới
và thúc đẩy xây dựng các mô hình kinh tế, hình thức tổ chức sản xuất có hiệu
quả ở nông thôn, tạo thêm nhiều việc làm cho nông dân[3].

2.2.
Một số hạn chế, bất cập:

Mặc dù đạt
được kết quả đáng ghi nhận, nhưng trong nội tại phát triển nông nghiệp công
nghệ cao của Hòa Bình vẫn còn bộc lộ những hạn chế nhất định.

Thứ nhất, việc áp dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp vẫn chưa trở nên
phổ quát và mang tính lan tỏa. Những kết quả nghiên cứu, phát triển và ứng dụng
công nghệ sinh học vào các lĩnh vực sản xuất, đời sống hiệu quả chưa cao, chưa
tìm ra được sản phẩm công nghệ sinh học đặc thù và thế mạnh của địa phương để
góp phần đắc lực vào sự phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường.

Thứ hai, chưa có cơ chế khuyến khích, hỗ trợ hấp dẫn cho các doanh nghiệp, cơ sở
sản xuất tham gia đầu tư phát triển và thương mại hóa các sản phẩm công nghệ
sinh học. Số doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp còn ít, nguồn lực có
hạn trong khi chi phí cho sản xuất nông nghiệp bằng công nghệ sinh học cao hơn
so với phương pháp sản xuất nông nghiệp thuần túy truyền thống, do vậy sản phẩm
làm ra khó cạnh tranh trên thị trường.

Thứ ba, đầu tư khoa học công nghệ cho phát triển sản xuất nông nghiệp nông thôn
còn ở mức thấp, dàn trải, chưa đáp ứng yêu cầu, chưa tương xứng với vị trí, tầm
quan trọng và đóng góp của khu vực nông nghiệp, nông thôn trong quá trình xây
dựng, phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ cho
việc ứng dụng công nghệ sinh học còn thiếu và lạc hậu.

Thứ tư, nguồn nhân lực cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh Hòa
Bình còn thiếu và yếu, công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực còn hạn chế,
chưa đáp ứng được yêu cầu của nền nông nghiệp công nghệ cao, trong đó có những
vấn đề từ nguồn kinh phí khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện.

3. Một số giải pháp
thúc đẩy phát triển nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh Hòa Bình trong thời gian
tới

Một
là,
đẩy mạnh thu hút các nguồn lực
xã hội đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nhất là các doanh nghiệp
khởi nghiệp. Có chính sách khuyến khích, ưu tiên kêu gọi đầu tư phát triển kết
cấu hạ tầng, phát triển liên kết, hợp tác sản xuất theo chuỗi, phát triển công
nghiệp chế biến nông lâm thủy sản gắn với tiêu thụ sản phẩm. Chuyển dần việc
cung cấp một số dịch vụ công sang cho tư nhân và các tổ chức xã hội thực hiện;
phát triển các hình thức đối tác công tư, hợp tác công tư.

Hai
là,
nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, gắn đào tạo với nhu cầu sử dụng lao
động của các doanh nghiệp trong và ngoài nước nhằm tạo chuyển biến căn bản,
mạnh mẽ về chất lượng, trình độ của lao động nông thôn. Đổi mới phương thức và
nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề lao động nông nghiệp. Khuyến khích các tổ chức, doanh
nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước thành lập cơ sở dạy nghề, thực hiện chương
trình hợp tác đào tạo tại các Trung tâm, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để đào tạo, huấn luyện công nhân, kỹ thuật viên công nghệ
cao.

Ba
là,
cần tập trung phát triển hiệu quả mô hình liên kết 5 nhà (nhà nông – nhà
nước – nhà doanh nghiệp – nhà khoa học – nhà băng), tạo chuỗi liên kết giữa sản
xuất – chế biến – tiêu thụ sản phẩm. Khuyến khích tích tụ, tập trung ruộng đất,
tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất hàng hóa quy mô lớn, ứng dụng công nghệ hiện đại, đẩy mạnh cơ giới hóa. Chú trọng phát triển
thị trường nội địa, quảng bá, giới thiệu các mặt hàng truyền thống có sức cạnh
tranh với thị trường ngoại tỉnh, thúc đẩy tiêu thụ nông sản cho nông nghiệp
công nghệ cao.

Bốn
là,
xây dựng kế hoạch và giải pháp để thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao và
ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, ưu tiên ứng dụng công nghệ cao, các giải
pháp khoa học công nghệ mới tiên tiến. Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công
nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ gắn với thị trường tiêu thụ một cách hiệu quả, bền
vững. Triển khai kế hoạch thực hiện đề án khuyến nông trọng điểm trong năm tiếp
theo. Thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học, thử nghiệm, khảo nghiệm hậu
kiểm giống cây trồng vật nuôi, tiến bộ kỹ thuật mới.

Kết luận

Xây dựng và phát triển nền nông
nghiệp công nghệ cao đã và đang là một xu thế tất yếu của nhiều quốc gia trong
quá trình thực hiện công nghiệp hóa – hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Trong thời gian vừa qua, Hòa Bình có nhiều cố gắng phát triển nông nghiệp công
nghệ cao nhằm nâng cao giá trị gia tăng của ngành. Tuy nhiên, trong thời gian
tới, Hòa Bình cần phải quyết liệt hơn nữa trong tổ chức thực hiện kế hoạch và
chiến lược phát triển đề ra của tỉnh nhằm phát huy tiềm năng và thế mạnh của
mình trong xây dựng nền nông nghiệp công nghệ cao, đáp ứng được nhu cầu khắt
khe của thị trường trong nước và quốc tế.