Tảo mộ – Nét đẹp tâm linh ngày Tết
Không biết tục tảo mộ có tự bao giờ, chỉ biết gần Tết Nguyên đán Cổ truyền dân tộc con cháu dù đi bất cứ nơi đâu cũng phải quay về tảo mộ ông bà, tổ tiên nhằm tưởng nhớ, tri ân những người đã khuất. Và đây cũng là truyền thống, nét đẹp văn hóa của người Việt trong những ngày Tết đến, Xuân về.
Phần mộ được xem là “nhà” của người đã khuất nên cuối năm thường được con cháu sửa sang sạch, đẹp để đón Tết bằng lễ tảo mộ. Lễ tảo mộ thường diễn ra vào cuối tháng Chạp nhưng chậm nhất là ngày 25. Tuy nhiên đối với dòng họ Nguyễn Đình tại Tp. Tân An được diễn ra sớm hơn vào ngày 22 tháng Chạp. Ông Nguyễn Đình Chính, ở xã Hướng Thọ Phú, TP Tân An cho biết: “Tảo Mộ thì được dòng họ Nguyễn Đình chọn ngày 22 tháng Chạp vì ngày đó có ngày giỗ của ông bà. Con cái các nhánh tụ hội về đây tưởng nhớ ngày mất của ông bà đông đủ nên từ mấy đời rồi, họ Nguyễn Đình chọn ngày đó thăm viếng và Tảo Mộ luôn”.
Dòng họ Nguyễn Đình quê gốc ở miền Trung, vào Nam khai hoang, lập nghiệp cũng đã tròn 200 năm. Dòng họ Nguyễn Đình có được cuộc sống hôm nay tất cả là nhờ những người đi trước có công khai hoang, lập nghiệp. Vì vậy, đến ngày tảo mộ dù làm ăn xa xôi hay bận bịu công việc cách mấy thì con cháu dòng họ Nguyễn Đình vẫn tề tựu về nơi an táng người thân của mình để thực hiện các nghi thức tâm linh. Và cứ thế hệ này, tiếp nối thế hệ khác, tục tảo mộ được dòng họ Nguyễn Đình đã duy trì qua 8 đời. Đây không chỉ là phong tục mà còn thể hiện lòng hiếu kính, sự biết ơn của con cháu với ông bà, tổ tiên, nhắc nhở con cháu về đạo lý “chim có tổ, người có tông”. Ông Nguyễn Đình Triều cũng là con cháu của dòng họ Nguyễn Đình hiện cư ngụ ở Phường 5, TP Tân An cho biết:”Nhà mình đẹp đẹp thế nào thì mồ mả ông bà cũng phải đẹp như thế ấy. Ngày Tết con cháu tụ hội về ăn Tết thì việc đầu tiên là đi viếng, chăm sóc mộ ông bà để thể hiện lòng tôn kính đố với ông bà tổ tiên đã xây dựng dòng họ”.
“Chúng tôi luôn luôn dẫn theo con cháu trong ngày tảo mộ để chúng nó biết cội nguồn, tổ tiên và cũng để cho chúng biết được mồ mả ông bà mà sau này tiếp nối và thay thế chúng tôi tới lui thăm viếng. Đối với chúng tôi, ngày tảo mộ là ngày rất thiêng liêng nên dù ở gần, ở xa hay làm bất cứ việc gì,ngày 22 tháng Chạp cũng phải tranh thủ có mặt để Tảo Mộ ông bà” – anh Nguyễn Đình Đang, người lưu giữ gia phả của dòng họ Nguyễn Đình ở xã Hướng Thọ Phú, TP Tân An nói.
Sau khi thăm viếng, thực hiện các nghi thức tâm linh tại mộ phần, các gia đình, gia tộc thường tổ chức lễ cúng vái ông bà tại nơi thờ cúng nhằm tưởng nhớ ơn tổ tiên, nhớ ơn công sinh thành của cha mẹ, ông bà. Đây cũng là dịp để con cháu sum họp để thắt chặt tình đoàn kết, gắn bó trong gia đình, dòng tộc./.
Duy Huệ – Võ Huy