Tạo không gian để học sinh yêu thích nghiên cứu khoa học
Cuối tuần qua, Sở GD-ĐT tổ chức Hội thảo Khoa học với chủ đề “Nghiên cứu khoa học và tổ chức Cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho HS trung học trong nhà trường”. Tại hội thảo, các đơn vị dẫn đầu về thành tích trong Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cho HS trung học đã chia sẻ bí quyết để gặt hái thành công.
Dự án “Giải pháp dùng cấu trúc hình học và kỹ thuật bánh đà để khai thác năng lượng đại dương” của HS Trường THPT Vũng Tàu (TP. Vũng Tàu).
Người thầy “truyền lửa”
Để hoạt động nghiên cứu khoa học kỹ thuật trong trường phổ thông được triển khai một cách mạnh mẽ và hiệu quả, các cơ sở giáo dục đều nhấn mạnh vai trò của người thầy trong việc chắp cánh cho các dự án nghiên cứu.
Thầy Đào Vĩnh Bộ, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Duy Tân, đại diện Phòng GD-ĐT TP.Vũng Tàu cho hay: “Trước hết, thầy cô chính là người tư vấn, định hướng cho HS trong việc xây dựng ý tưởng nghiên cứu. Ý tưởng nghiên cứu được coi là điểm xuất phát đầu tiên và quan trọng nhất để có một dự án thành công. Tư duy của các em từ 13-18 tuổi chưa đủ độ “chín” để có ngay một ý tưởng tốt. Do đó, cần phải có người hỗ trợ có chuyên môn để định hướng chọn các dự án có tính thực tiễn cao, giải quyết được một nhu cầu hiện hữu trong xã hội, phù hợp với khả năng của các em…”.
HS Trường THPT Nguyễn Trãi (huyện Châu Đức) với dự án “Thiết bị ép lò xo đa năng”.
Sau khi các em trình bày ý tưởng của mình thì các thầy cô cũng phải suy nghĩ và trăn trở về những ý tưởng đó. Thầy cô phải phác thảo quá trình triển khai thực hiện, dự trù những phát sinh, mâu thuẫn, kết quả đạt được… Trong quá trình thực hiện dự án, GV hướng dẫn là người đồng hành với HS trải qua rất nhiều bước, từ viết đề cương nghiên cứu, viết thuyết minh, thiết kế và tiến hành thí nghiệm… cho tới báo cáo kết quả nghiên cứu. Đặc biệt, thầy cô chính là người bạn, là nguồn động viên cổ vũ tinh thần cho các em HS.
Cũng khẳng định vai trò của người thầy, cô Nguyễn Thị Sen, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Vũng Tàu (TP.Vũng Tàu) nhấn mạnh, để khơi gợi, hình thành ý tưởng sáng tạo cho HS thì mỗi GV cần đổi mới phương pháp giảng dạy, tạo điều kiện cho các em HS tham gia những hoạt động trải nghiệm, thí nghiệm, thực hành trong các tiết dạy… Từ đó HS biết ứng dụng kiến thức vào việc hình thành, nảy sinh những ý tưởng sáng tạo.
Kế hoạch là sợi chỉ dẫn đường
Thầy Cao Ngọc Sơn, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Trần Văn Quan (huyện Long Điền) cho biết, để triển khai hiệu quả hoạt động nghiên cứu khoa học, nhà trường cần xây dựng kế hoạch cho từng năm học: “Kế hoạch này có vai trò như sợi chỉ dẫn đường, có tính linh động, chứ không phải là bất di bất dịch”.
Thầy Sơn cho hay, thông thường, vào khoảng tháng 4 hàng năm, Trường THPT Trần Văn Quan xây dựng kế hoạch trải nghiệm sáng tạo và nghiên cứu khoa học kỹ thuật cho năm học sau. Đặc biệt, nhà trường tích cực tổ chức cho HS tham quan, trải nghiệm tại KCN, nhà máy, nông trường, cảng cá, khu nuôi trồng thủy, hải sản, các trường nuôi dạy trẻ khuyết tật. Từ những hoạt động trải nghiệm này, HS sẽ tìm ra ý tưởng sáng tạo cho dự án của mình.
Sau kiểm tra học kỳ 2, nhà trường phát động phong trào “Cuộc thi ý tưởng sáng tạo khoa học” đến toàn thể HS, để các em tự nghiên cứu và tìm ra ý tưởng cho bản thân trong thời gian nghỉ hè. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ năm học, Ban Giám hiệu nhà trường giao nhiệm vụ cho GV chủ nhiệm tiếp tục tư vấn, phát phiếu thăm dò ý tưởng và câu hỏi tham khảo để giúp HS định hình ý tưởng rõ hơn qua những câu hỏi cụ thể như: Bản thân em yêu thích nhất lĩnh vực nào? Ý định bản thân sẽ nghiên cứu vấn đề gì? Dự kiến thực hiện ra sao?… Trong thời gian hè, HS tự suy nghĩ và tìm ra ý tưởng nghiên cứu và viết ra kế hoạch nghiên cứu ban đầu của mình.
Tiếp đó, đầu tháng 9, nhà trường tổ chức cuộc thi ý tưởng khoa học, kỹ thuật cấp trường, chọn ra những ý tưởng mới, có ý nghĩa thiết thực, có tính khả thi cao để thực nghiệm. Sau đó, nhà trường phân công GV hướng dẫn, hỗ trợ HS xây dựng đề cương nghiên cứu, lập kế hoạch nghiên cứu, xây dựng mô hình từng bước hiện thực hóa ý tưởng.
Tạo sự kết nối và lan tỏa
Theo cô Nguyễn Thị Sen, nhà trường cần tạo ra môi trường nghiên cứu sáng tạo khoa học để HS dễ dàng có điều kiện tham gia nghiên cứu. Có thể tổ chức những khóa kỹ năng hay hội thảo để các thầy cô có kinh nghiệm, các em HS từng đạt giải chia sẻ kinh nghiệm, kỹ năng.
Bên cạnh đó, cần lan tỏa những đề tài nghiên cứu có ý nghĩa bằng cách đăng tải trên trang web, Fanpage của nhà trường, tổ chức triển lãm… để giới thiệu tới HS toàn trường, tạo động lực thúc đẩy HS tham gia nghiên cứu. Đồng thời, có thể tổ chức nhiều cuộc thi, sân chơi trí tuệ, xây dựng CLB học thuật dành cho HS, dưới sự hướng dẫn của GV có kinh nghiệm.
Cô Lê Thị Hồng Nhung, GV Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn cho rằng, các nhà trường cần phối hợp với các cơ sở giáo dục ĐH, CĐ, các viện và trung tâm khoa học công nghệ, Sở KH-CN, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật trong việc hướng dẫn, đánh giá, tạo điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị cho HS thực hiện các dự án khoa học kỹ thuật.
Cô Nhung cũng đề xuất, các trường phổ thông có thể ký kết thỏa thuận hợp tác về đào tạo và nghiên cứu khoa học cũng như chuyển giao công nghệ với các Viện nghiên cứu hoặc các ĐH, CĐ để công tác phối hợp mang tính bền vững và thực chất hơn.
Bảo đảm tư duy sáng tạo độc lập của HS
GV là người đồng hành với HS nhưng phải bảo đảm tư duy sáng tạo độc lập của HS, tuyệt đối không làm thay các em. Cùng với việc gợi mở các vấn đề và hướng đi hợp lý, có tính khả thi, thầy cô cũng cần hỗ trợ HS tìm kiếm tài liệu, hướng dẫn phương pháp nghiên cứu, giải đáp băn khoăn, chỉnh sửa sai sót, rèn luyện cho HS kỹ năng tư duy, phản biện, phân tích tổng hợp…
Cô Nguyễn Thị Bích Hòa, Phó Hiệu trưởng
Trường THPT Châu Thành (TP. Bà Rịa)
Bài, ảnh: HOÀNG DƯƠNG