Tạo hình xé – cắt dán

Tạo hình xé – cắt dán

Tạo hình xé – cắt dán 

1. Khái quát chung và vai trò của xé – cắt dán:

a. Khái quát chung:

Tạo hình xé – cắt dán là một loại hình nghệ thuật ra đời khá sớm và được ứng dụng vào nhiều lĩnh vực trong cuộc sống. Chúng ta có thể thấy có nhiều thể loại xé – cắt dán từ thông thường phục vụ trong đời sống như: quạt giấy, diều, mặt nạ, ông phỗng, con thú… đến những đồ hàng mã cũng khá phong phú như: ngai, mũ, long bào, hài, các vật dụng và con vật đi kèm… cho đến những vật phẩm cao hơn như các đồ trang trí mỹ nghệ, con giống, người, tiến sỹ giấy… trong các nhu cầu sinh hoạt đời sống như đám cưới, ngày lễ tết, đình đám.. cho đến những tranh mang yếu tố nghệ thuật, được đầu tư và sáng tác mang ý tưởng, nội dung sâu sắc. Đặc biệt, đối với đối tượng thiếu nhi nói chung thì lĩnh vực này được các em rất thích thú và tận dụng trong các nhà trường rất nhiều, từ cấp nhà trẻ, mẫu giáo, tiểu học đến phổ thông cơ sở. Các giờ xé – cắt dán giờ thủ công nói chung vận dụng thực hành rất nhiều thứ, từ cắt dán những hình đơn giản và lắp ghép vào nhau đến các hình phức tạp hơn như tranh gà, tranh trâu, nhà cửa, cây cối, phong cảnh v.v… Nhìn chung, đó là một thể loại khá phong phú, vừa có tính nghệ thuật tạo hình vừa có tính nghệ thuật thủ công và tính dân gian.

b. Vai trò của xé, cắt dán đối với nghệ thuật tạo hình:

Trong nghệ thuật tạo hình nói chung, tạo hình xé, cắt dán có nét tương đồng với nghệ thuật sắp đặt, cả hai đều dùng kỹ thuật ghép nối mảng để tạo ra sự liên kết giữa các đối tượng với nhau – liên kết rời – vì nó mang tính nghệ thuật gián tiếp cao hơn là trực tiếp. Ví dụ: So sánh bức tranh vẽ và tranh xé, cắt dán thì tranh vẽ có thể sử dụng màu chồng chéo hoặc chuyển màu theo cảm xúc rất sinh động, còn tranh xé, cắt dán chỉ là ghép các màu hợp nhau dựa trên cơ sở các mảng màu bẹt có sẵn. Vì vậy sức truyền cảm trực tiếp bị hạn chế hơn nhiều.

Khi nói đến các tác phẩm nổi tiếng trong nghệ thuật tạo hình nói chung thì loại hình xé – cắt dán thiếu tác phẩm tầm cỡ, và ít tác giả sáng tác, có thể nói các tác giả chưa khai thác hết được vẻ đẹp độc đáo của nó. Song cũng có một số tác phẩm xé, cắt dán được đánh giá cao và ngang hàng với các dòng tranh khác như: Chiếc ghế của Picasso, Tĩnh vật với đĩa hoa của Braque, Nỗi buồn của vua của Matise, Tĩnh vật Tết của Nguyễn Gia Trí, Phong cảnh của Phạm Viết Hồng Lam v.v…

xe cat dan 1

Chiếc ghế của Picasso

xe cat dan 2

Nỗi buồn của vị vua

xe cat dan 3

Phong cảnh của Phạm Viết Hồng Lam

Xét về mặt tổng thể thì loại hình xé – cắt dán áp dụng vào các lĩnh vực thủ công và trang trí nhiều hơn là các lĩnh vực thuộc nghệ thuật tạo hình, do vậy có thể xếp nó vào loại hình nghệ thuật trang trí ứng dụng là chính.

2. Ngôn ngữ và đồ dùng, chất liệu của xé – cắt dán:

a. Ngôn ngữ: Loại hình nghệ thuật này sử dụng các phương tiện cơ bản của nghệ thuật tạo hình như: điểm, đường nét, hình mảng, màu sắc, sắc độ, tỷ lệ, bố cục … để diễn tả đối tượng trong không gian ba chiều và trên mặt phẳng hai chiều. Nhưng mức độ sử dụng các phương tiện có nét khác biệt so với các lĩnh vực vẽ. Nghệ thuật xé – cắt dán cần sự cô đọng, súc tích nhưng cũng thật đơn giản, mạch lạc.

Điểm và đường nét trong xé – cắt dán thường được ít sử dụng vì ngôn ngữ xé – cắt khó thể hiện các chi tiết nhỏ.

Hình mảng là ngôn ngữ diễn tả chính của loại hình này, là sự kết hợp liên hoàn giữa mảng hình nọ với mảng hình kia trong một chuỗi các đối tượng khác nhau. Sự ghép nối các mảng trong xé – cắt dán được coi là trọng tâm và quyết định sự thành công hay thất bại cho cách thể hiện của loại hình nghệ thuật này. Do vậy cần sự khéo léo khi xếp đặt các mảng và chú ý the một phong cách thống nhất, không thể chủ quan sắp xếp theo kiểu dàn trải, ngẫu hứng tùy tiện được.

Màu sắc cần rực rỡ, tươi sáng hoặc các hòa sắc có sắc độ mạnh mang chất dân gian vì loại hình này dùng giấy thủ công là chính (có giấy màu), không thể có đủ màu phong phú như màu vẽ được.

Về sắc độ cũng khó có thể chuyển tải được các màu đứng cạnh nhau theo kiểu tương đồng êm ái theo tông màu như vẽ. Vì thế tranh xé, cắt dán cần một sắc độ rõ ràng, mạch lạc, ranh giới giữa các mảng lắp ghép chỉ có tính chất tương đối nhưng cũng đủ độ cần thiết mà yêu cầu bày đặt ra.

Tỷ lệ của hình mảng khó có thể sao chép, thể hiện đối tượng ở mức độ chính xác như vẽ, vì chỉ cần ở mức độ tương đối, hoặc các đối tượng được đơn giản theo tỷ lệ thuận với tầm nhìn và sự kiểm soát của thị giác là được.

Về bố cục của tranh xé – cắt dán cũng phải có đầy đủ các yếu tố, nguyên tắc như: sắp xếp các hình mảng, màu sắc, đậm nhạt hợp lý với nhau để tạo nên sự thống nhất của sản phẩm, không có gì khác so với bài vẽ.

b. Đồ dùng: Để có thể tạo ra sản phẩm xé – cắt dán phải có dao, kéo, hồ dán.

c. Chất liệu: Mỗi thể loại nghệ thuật tạo hình có một chất liệu thể hiện riêng để nêu bật được nét đặc trưng của loại hình nghệ thuật đó. Xé – cắt dán cần một số chất liệu chính như: giấy, vải và chất liệu thiên nhiên.

Giấy có nhiều loại như:

– Giấy Double (đúp lếch) hoặc bìa cứng được sử dụng làm nền tranh, vì bản chất của giấy là dày và phẳng, thuận lợi cho dán giấy lên bề mặt. Nếu dán lên giấy mỏng, mặt tranh sẽ bị cong vênh, nhăn nhúm (đối với loại bài có kích thước to). Có thể sử dụng màu của giấy bìa làm nền (nếu như thấy hợp lý) hoặc dùng mảng màu nào lớn nhất trong bài (theo ý định của mình) dán kín hết khuôn khổ quy định.

– Giấy màu thủ công là loại giấy rất phổ cập và cũng là loại chất liệu chính cho xé – cắt dán nhưng về số lượng màu còn rất hạn chế.

– Giấy phẩm màu mềm và đẹp, dễ thể hiện nhưng sẽ bị phai màu theo thời gan. Có thể xử lý bằng cách xịt keo lên bề mặt để giữ màu của giấy.

– Giấy dó mỏng và dai tạo nên được chất xốp, đẹp hoặc dán đè lên màu giấy khác tạo được chiều sâu của tranh. Tùy khổ to, nhỏ và vị trí của mảng màu mà xử lý độ dày mỏng của giấy dó, vì giấy có nhiều lớp từ mỏng đến dày.

– Các loại giấy tạp như: giấy báo, họa báo, giấy ăn, giấy gói hàng, giấy màu đề can (nếu cần). Những loại giấy này chỉ lựa chọn lấy mảng màu là chính, không nên lấy mảng màu có hình ảnh.

– Vải cũng có rất nhiều loại và còn tùy vào mục đích sử dụng mà chọn màu vải cho hợp lý. Nhưng thường nên lấy loại vải nhẹ, mỏng và không có hình ảnh trang trí thì tốt hơn. Lấy thêm chất liệu vải để tạo độ ganh, óng ả là chủ yếu làm cho sản phẩm sinh động (không nên lạm dụng chất liệu này).

– Chất liệu thiên nhiên như lá cây, vỏ cây, cánh hoa, bẹ chuối, sọ dừa… cũng là những chất liệu rất phong phú ở tự nhiên, có thể sử dụng ở mức độ cần đủ, không nên lạm dụng. Vì sử dụng tràn lan sẽ gây ra sự nhàm chán, dễ dãi sản phẩm.

3. Cách xé – cắt giấy:

a. Cách xé – cắt giấy: Kỹ thuật xé – cắt là nhai cách hoàn toàn khác nhau. Kỹ thuật xé dùng tay là chính kết hợp giữa ba ngón tay: ngón tay cái, ngón tay trỏ và ngón tay giữa ở cả hai bàn tay để giữ giấy và xé giấy (tay phải). Kỹ thuật cắt có sự trợ giúp của kéo hoặc dao trổ nên cách làm khác hẳn: Ngón tay cái và ngón tay giữa cho vào vòng của kéo, nâng và hạ kéo xuống để cắt, ngón tay trỏ đỡ kéo và làm điểm tì. Dao trổ sử dụng để trổ hình nằm bên trong một hình khác. Tay trái giữ giấy, tay phải cầm dao: ngón cái và ngón trỏ ở trên là chính và điều khiển đường cắt, ba ngón phía dưới làm phần kê đỡ.

b. Các cách xé giấy:

– Xé rách: Là kiểu xé bình thường, mang tính chất nhẹ nhàng.

– Xé toạc: Là kiểu xé mạnh dứt khoát, không run tay.

– Xé mảng: Là kiểu xé có chú ý khoanh vùng lớn đã được định vị trên hình vẽ hoặc trong tưởng tượng.

– Xé lần: Là kiểu xé chậm, chắc chắn theo một đường hướng đã định.

– Xé vụn: Là kiểu xé nhỏ, xé chi tiết hoặc xé thêm.

– Xé theo hình vẽ: Là kiểu xé dựa trên hình vẽ đã vẽ sẵn. Hình có thể phác bằng chì, bằng màu.

– Xé theo hình châm kim: Là kiểu xé theo hình đã châm lỗ.

– Xé theo hình tưởng tượng: Là kiểu xé dùng trí tưởng tượng làm nền tảng để điều khiển đôi tay của người thể hiện đi theo một dạng hình nào đó.

Những kiểu xé trên đây chỉ mang mức độ khái niệm tương đối, để thể hiện một đối tượng còn phụ thuộc vào tính chất cụ thể mà có cách biến hóa và vận dụng linh hoạt khác nhau. Nhưng điều được coi là cơ bản và quan trọng nhất của kỹ thuật xé là phải tạo được xơ giấy trong quá trình xé. Có nghĩa là khi xé ngược tờ giấy không nên xé nét đều liền và mịn quá mà phải tạo được nét trắng thay đổi to nhỏ khác nhau do mặt trong của giấy không bắt màu tạo nên.

c. Cách cắt giấy:

– Cắt dải dài: Là loại cắt lấy chiều dài là chính, chiều ngang hẹp; có thể cắt thẳng hoặc uốn lượn tùy theo chủ đề.

– Cắt vụn: Là loại cắt dựa tên những hình cắt dải dài mà cắt nhỏ ra tiếp hoặc nhỏ dần từ một mảng lớn.

– Cắt theo hình vẽ: Là loại cắt khá phổ biến và thông dụng, đường nét cắt có chủ định và sự chính xác khá cao.

– Cắt theo hình tưởng tượng: Là loại cắt dựa vào trực cảm của thị giác, ảm giác một hình trong tưởng tượng như thế nào thì thị giác điều khiển hoạt động cắt đi theo hướng đó.

– Cắt theo trục gấp: Là loại cắt những hình ở dạng cân đối hai bên hoặc cân đối các hướng như: cắt theo hệ trục gấp đôi, trục gấp ba, trục gấp tư, trục gấp năm, trục gấp sáu, trục gấp tám.

4. Một số cách tạo hình cơ bản:

a. Tạo hình theo dạng hình hình học: Cách tạo hình này là quy tất cả các đối tượng ở tự nhiên như: nhà, cây, núi, nhân vật, con vật .. vào các dạng hình hình học: hình vuông, hình tròn, chữ nhật, hình trụ, hình chóp, hình chóp cụt, hình e-líp, hình đa giác… Có nghĩa là đối tượng đã được khái quát về dạng đơn giản và thông dụng nhất mà ai cũng có thể tạo hình ra được. Cách tạo hình này rất phù hợp với đối tượng mầm non và tiểu học.

b. Tạo hình theo dạng mô phỏng tự nhiên: Cách tạo hình này là sao chép lại đối tượng theo kiểu hình đồng dạng, có nghĩa là hình tự nhiên như thế nào ta thể hiện lại giống như thế nhưng lược bỏ các chi tiết nhỏ, vụn vặt, rườm rà không cần thiết. Ở đây cần quan sát khá chính xác hình dạng đối tượng để tìm ra cách thể hiện sao cho rõ, có nhịp điệu sáng tối.

c. Tạo hình theo dạng ấn tượng: Cách tạo hình này khó hơn hai cách tạo hình trên, đòi hỏi người sáng tạo phải có trí tưởng tượng phong phú và cách nhìn mang tính biểu tượng, được thể hiện bằng một trong hai cách.

Một số bài tập cắt dán của sinh viên

xe cat dan 5

Bài tập cắt dán hình bóng đường diềm

xe cat dan 5

Bài tập cắt dán hình trang trí hình vuông, hình tròn

xe cat dan 6

Bài cắt dán hình âm dương

Cách 1: Là nhìn đối tượng trực tiếp, nhưng thể hiện theo cảm nhận riêng theo cảm nhận riêng của mình. Cách này đòi hỏi tư duy biểu tượng rất cao, đối tượng trước mắt chỉ được coi là cái cớ để người sáng tác tạo ra một không gian và sự sáng tạo hoàn toàn mới, vừa thực vừa hư, nhưng đều thấy sự hợp lý hài hòa trên một tương quan chung.

Cách 2: Nhớ lại đối tượng để thể hiện. Cách này đòi hỏi trí nhớ và sự tưởng tượng rất cao. Quan sát một đối tượng hoặc một tập hợp đối tượng chỉ diễn ra trong tưởng tượng bằng các hồi ức về cái đã gặp, gợi cảm hứng mãnh liệt, sẽ là tiền đề để phác ra được các đối tượng cần diễn tả. Vì thế trí tưởng tượng được ví như đôi cánh đưa những tư liệu ở dạng hình ảnh lên thành hình tượng hội họa để hư cáu nên tác phẩm.

5. Phương pháp tiến hành bài xé – cắt dán:

Bước 1: Nghiên cứu nội dung chủ đề.

Bước 2: Tìm tư liệu để xây dựng bố cục.

Bước 3: Lựa chọn hình thức bố cục.

Bước 4: Sắp xếp bố cục đơn giản.

Bước 5: Thể hiện bài chính.

Để thể hiện được một bài xé – cắt dán cần trải qua các bước trên, giống như các bước vẽ tranh, có khác chỉ là ở chất liệu thể hiện (vẽ bằng màu và xé cắ giấy màu). Nhưng cũng cần lưu ý: đặc thù của loại hình nghệ thuật xé – cắt dán là cô đọng, súc tích, do vậy, cần đơn giản về hình, về màu và các chi tiết nhỏ, rườm rà.

Trước khi thể hiện, cần phải phác nhẹ hình trên giấy nền, các vị trí của các đối tượng. Tiến hành chọn màu cho các đối tượng và phác hình sát với hình phác trên nền rồi mới cắt hay xé theo. Xé cắt giấy thường có ngẫu hứng tức thời mặc dù đã có hình vẽ trước. Tuy nhiên trong quá trình chọn màu giấy xé – cắt nếu nảy sinh nhiều ý tưởng mới và sáng kiến hay hơn thì vẫn có thể thay đổi cho phù hợp.

Khi thể hiện cần xử lý giấy màu bằng nhiều phương pháp và kỹ thuật để tạo chất và thay đổi chất giấy, tránh sự giống nhau. Có hình phải vò giấy cho vỡ mặt màu tạo nên sự rạn nứt; Có thể dùng mặt sau có giấy, hay dùng giấy dó mỏng chồng lên màu khác… Khi xé hay cắt các mảng màu đối tượng, không nên dán ngay mà phải đặt chúng vào vị trí đã được phác hình cho khớp và điều chỉnh lại thêm hoặc bớt màu ở những chỗ nào còn vênh, khi nào cảm thấy đẹp và hợp lý thì mới dán để giữ mảng hình.

Một số bài tập cắt dán của sinh viên:

xe cat dan 7

 

Bài tập cắt dán trang trí con vật

xe cat dan 8

Bài tập cắt dán tranh con vật

xe cat dan 9

Bài tập cắt dán trang trí phông chữ

6. Cách xếp dán bài trang trí và tranh:

Xé – cắt dá giấy có nhiều bài tập ứng dụng tuy nhiên có thể lấy ba bài chính làm cơ sở diễn tả về mặt không gian như: không gian xa gần, không gian cạn, không gian trang trí hoặc không gian đậm nhạt. Vì thế phần viễn cảnh, tức là những gì ở sâu, ở xa phải được dán trước rồi mới đến phần trung và cận cảnh, hoặc các lớp nào ở bên trong phải dán trước rồi đến lớp giữa và trên bề mặt.

a. Dán bài trang trí:

– Nền dán trước, trên cơ sở của khổ giấy quy định và kích thước bài trang trí: nền có thể là giấy màu hoặc giấy trắng. Chọn màu giấy cho các mảng có tiết diện lớn nhất hoặc nhiều nhất của bài và dán theo thứ tự: lớp dưới dán trước, lớp trên dán sau.

– Phác hình lên nền.

– Họa tiết có thể được chia ra từ 1 đến 4 lớp vì thế mảng họa tiết nào ở dưới ta dán trước, rồi đến lớp ở giữa, sau đó đến lớp ở trên.

– Các họa tiết nhỏ ở trên bề mặt dán sau cùng.

b. Dán tranh phong cảnh:

Tương tự như cách làm bài trang trí nhưng ở bài tranh phong cảnh vì khác không gian nên khi dán hình cần chú ý:

– Trước tiên tiến hành dán nền theo kích thước quy định. Nền tranh có thể là giấy màu hay giấy trắng.

– Tranh phong cảnh có đặc điểm là đối tượng phải theo luật xa gần, vì thế những gì ở xa phải dán trước. Ví dụ: bầu trời hay biển, rồi đến các lớp mây sát mép trên của trah và các mảng mây trên nền trời, tiếp đó đến núi wor xa rồi đến núi ở giữa và núi ở gần nhất; sau cùng dán đến đường đi, cây, nhà và các nhân vật..

c. Dán tranh bố cục nhân vật:

– Cắt và dán một màu chủ đạo hay giấy trắng đúng kích thước lên khổ giấy và tiến hành phác hình lên giống với bài phác thảo.

– Mảng màu nào lớn nhất dán trước, rồi đến nền vừa, nền bé, nền bé nhất.

– Nhân vật nào ở sâu và xa nhất dán trước, tiếp đến dán những nhân vật ở giữa, những nhân vật cận cảnh dán sau cùng.

– Dán đến các đồ vật, đồ chơi, đồ dùng hoặc phụ cảnh đi kèm.

– Cuối cùng là dán các chi tiết nhỏ hoặc những chỗ có điểm nhấn.

xe cat dan 10

Phong cảnh có nhân vật – Tranh xé dán của sinh viên

xe cat dan 11

Bố cục nhân vật – Tranh xé dán của sinh viên

xe cat dan 12

Chân dung – Tranh xé dán của sinh viên

xe cat dan 13

Tĩnh vật – Tranh xé dán của sinh viên

7. Cách gấp, cắt chữ:

Khi gấp, cắt chữ mới đầu thường sử dụng kiểu chữ nét đều (nét chữ đều) để tiện cho việc so sánh tỷ lệ giữa các phần và để xử lý chữ một cách nhanh gọn cả về số lượng và thời gian.

Khi gấp, cắt chữ ta có thể tiến hành các bước sau:

– Tìm tỷ lệ của chữ (cao, ngang).

– Đếm số chữ cần cắt.

– Phân loại chữ theo các trục đối xứng.

– Tiến hành gấp: cần phải dựa vào đặc điểm cấu trúc mỗi chữ mà xác định trục gấp. Ví dụ: những chữ có thể gấp tư như các chữ: O, H, C, X, G, Q; những chữ gấp đôi: A, Y, T, V, K, M, D, Đ, R, P; những chữ phải kẻ cắt như chữ: L, N, S song chữ S cũng có thể gấp tư để xác định hai đầu của chữ sau đó mở ra xác định nét chéo ở phần giữa thân của chữ.

Tùy theo nội dung mà xác định độ dày của nét chữ.

Tùy thuộc vào nội dung mà lựa chọn 1, 2 hay 3 kiểu chữ và dùng 1 hay 3 màu

xe cat dan 14

xe cat dan 15

Cách gấp, cắt chữ

>>> Vẻ đẹp trầm mặc của tranh xé giấy

>>> Nghệ thuật xếp giấy (Origami)

>>> Hiện thực thăng hoa trog cách sắp xếp bố cục