Tăng phụ cấp cho y – bác sĩ
Đó là nói về lương. Nhưng thực tiễn, lương chỉ mới phản ánh một phần trong thu nhập của người lao động, dù là phần rất quan trọng. Bởi cùng với lương, người lao động còn phải trông chờ vào các khoản thu nhập khác mới trang trải được cho đời sống.
Người làm trong hệ thống y tế công lập cũng vậy, cụ thể ở đây là đội ngũ y – bác sĩ, điều dưỡng… Ngoài mức lương đang cần cải cách như bối cảnh chung về lương ở nước ta thì phần trông chờ để có thu nhập thêm của họ chính là các khoản phụ cấp thực hiện theo Quyết định 73/2011/QĐ-TTg ban hành ngày 28-12-2011, quy định một số chế độ phụ cấp đặc thù đối với công chức, viên chức, người lao động trong các cơ sở y tế công lập.
Vì ban hành hơn 10 năm rồi nên các quy định trong Quyết định 73/2011/QĐ-TTg đã lạc hậu với thực tiễn. Có những mức phụ cấp khó thể tin là ít đến mức như thế. Chẳng hạn phụ cấp trực 24/24 giờ chỉ 115.000 đồng/người/phiên trực, tiền ăn 15.000 đồng/người/phiên trực đối với bệnh viện hạng I và hạng đặc biệt. Phụ cấp phẫu thuật cho ca mổ loại đặc biệt là 280.000 đồng/ca, ca mổ loại 1 là 125.000 đồng/ca cho phẫu thuật viên chính, cho dù có khi đó là một ca mổ kéo dài 8 giờ như phẫu thuật tim liên quan động mạch chủ…
Ca trực của những người trong ngành y gắn với áp lực căng thẳng của yêu cầu điều trị, nhiều chuyện bất thường phải xử lý, trong khi bệnh nhân luôn đòi hỏi phải nhận được sự chăm sóc tốt nhất từ phía các y – bác sĩ. Nghề y hiện không có phụ cấp thâm niên. Có những y – bác sĩ cấp cứu phải làm 3 ca 4 kíp, trực xong đáng lý được nghỉ ngơi nhưng vì yêu cầu công việc nên vẫn phải ở lại làm tiếp.
Đấy là chưa kể muốn bước chân vào ngành y, trước đó họ phải là những người học giỏi thực sự, chi phí đào tạo rất cao và mất nhiều thời gian hơn việc đào tạo kỹ sư của nhiều ngành nghề khác.
Cho nên, không lạ khi nhiều y – bác sĩ, điều dưỡng từ bệnh viện công phải bỏ thêm công sức làm ngoài giờ hoặc nhờ sự hỗ trợ của gia đình mới có thể trụ với nghề. Có người vì không chịu nổi áp lực nên chọn cách bỏ bệnh viện công sang làm cho bệnh viện tư hoặc tìm kiếm môi trường làm việc khác, bỏ luôn cả ngành nghề tâm huyết.
Tại buổi gặp gỡ cán bộ, nhân viên ngành y tế TP HCM vào sáng 5-8-2022, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên nói rằng người thầy thuốc khi chọn theo ngành y thì quan niệm sống gần như mặc định giúp người, cứu người nên không đơn giản tác động nào có thể làm họ thay đổi quan niệm này. Tuy nhiên, nếu dồn dập nhiều thứ cùng lúc thì sức con người có hạn, không vượt qua được.
Tăng phụ cấp đặc thù cho đội ngũ thầy thuốc là việc cần làm nhằm giúp họ giảm bớt áp lực về đời sống, để họ tập trung nhiều hơn nữa vào việc chăm lo sức khỏe cho cộng đồng. Dĩ nhiên, phụ cấp thì vẫn chỉ là phụ cấp, cũng không thể làm cho đời sống của đội ngũ thầy thuốc được cải thiện đáng kể. Nhưng đó là niềm vui, là sự trân trọng của nhà nước, của nhân dân đối với sự cống hiến thầm lặng mà cao cả của những người thầy thuốc.