Tản Viên Sơn Thánh – Bách Việt trùng cửu
Trong vòng 2 thế kỷ vừa qua đất nước Việt Nam đã trải qua một thời kỳ chiến tranh kéo dài, cộng với những biến động đột ngột của xã hội đã dẫn đến hàng loạt những đứt gãy trong các lĩnh vực văn hóa. Mối liên hệ giữa văn hóa truyền thống và hiện đại trở nên mong manh hơn bao giờ hết.
Sự đứt gãy văn hóa ấy có thể dễ thấy nhất là trong văn hóa vật chất như thay đổi hoàn toàn phong cách kiến trúc nhà ở truyền thống, trong hình thức quần áo xưa và nay đã thật khác xa nhau. Đó là đứt gãy mối liên hệ trong văn tự, khi mà chữ Nho tượng hình vốn là chữ viết sử dụng từ lâu đời của người Việt đã được La tinh hóa, dẫn đến thế hệ trẻ ngày nay không còn đọc được những gì cha ông mình để lại trong các văn bản, trong các di tích. Đứt gãy về tinh thần giữa quan niệm vô thần biện chứng của phương Tây bao trùm lên nền văn hóa đa thần lâu đời của người Việt. Đứt gãy về tổ chức xã hội, nơi mà cơ cấu làng xã truyền thống đã được thay bằng thể chế hành chính nhà nước từ trung ương xuống địa phương. Đứt gãy về lịch sử lại càng là vấn đề lớn, khi mà người Việt không biết mình là ai, từ bao giờ, từ đâu mà ra?
Trong bối cảnh ấy, để có thể xây dựng một nền văn hóa Việt đậm đà bản sắc dân tộc, chắc chắn cần tìm lại những gì mà cha ông chúng ta đã để lại, đó chính là các di sản văn hóa. Chỉ khi nhìn nhận đúng vai trò của di sản văn hóa, chúng ta mới có cơ hội nối lại mạch nguồn với quá khứ, để hướng tới một tương lai vững vàng và thịnh vượng hơn.
Chạm rồng nghê ở đền Vù (Vật Lại, Ba Vì)
Di sản văn hóa làng xã trước hết ngưng đọng trong các di tích thờ tự của làng xã. Ở mỗi một làng Việt xưa đều có một hệ thống các di tích của gồm đình, đền, miếu, chùa, có sự liên kết chặt chẽ với nhau thông qua tín ngưỡng đối với các vị thần được tôn thờ. Một trong những linh thần hàng đầu của tín ngưỡng làng xã ở miền Bắc đó là Tản Viên Sơn Thánh. Cho dù đây là vị thần quan trọng bậc nhất trong thần điện Việt, nhưng lại rất ít người biết đến và hiểu rõ. Phần lớn người Việt chỉ biết về Thánh Tản một cách sơ sài qua câu chuyện huyền thoại Sơn Tinh – Thủy Tinh. Trên thực tế tín ngưỡng thờ Sơn Thánh đã trải qua hàng ngàn năm lịch sử, để lại những di sản văn hóa đồ sộ vô giá ở rất nhiều làng xã người Kinh cũng như người dân tộc, miền núi cũng như đồng bằng trên miền Bắc Việt. Ý nghĩa của những di sản này không chỉ dành cho những người hoài cổ, mà vẫn đang sống động trong tâm thức làng xã và nhân dân. Đi sâu vào tìm hiểu những di sản của tín ngưỡng thờ Tản Viên Sơn Thánh cho ta một nhận thực đầy đủ hơn về giá trị của di sản văn hóa với đời sống hôm nay.
Trên hành trình di sản của Tản Viên Sơn Thánh, đầu tiên chúng tôi tìm về đền Lăng Sương ở xã Trung Nghĩa, huyện Thanh Thủy, Phú Thọ. Đây là nơi gắn với truyền thuyết bà mẹ họ Đinh đi cấy ruộng, gặp rồng vàng phun nước, đứng trên bàn đá mà sinh hạ Nguyễn Tuấn (Sơn Thánh) bên giếng. Lúc bà sinh nở, có hổ đến ngậm đá chèn bụng để giúp đỡ đẻ. Những di vật hòn đá dựa, giếng nước rồng, hổ thú đá nay vẫn còn ở trước sân đền Lăng Sương như những minh chứng xác thực cho sự tích này. Bà mẹ Thánh Tản sau trở thành bà chúa Thượng Ngàn cai quản Sơn Lâm Nhạc phủ. Còn Nguyễn Tuấn, một con người có thật đã ra đời, để rồi bước vào cõi huyền thoại của những trang lịch sử đầu tiên của người Việt.
“Tinh thần cốt cách ngọc Lăng Sương
Mở chốn Rồng thiêng xuống thế dương
Thái Thủy cũng là Thiên Thượng Mẫu
Hoài thai lâu lạ khác bao thường.”
Tảng đá quỳ nơi sinh Thánh Tản ở đền Lăng Sương
Truyện núi Tản Viên trong Lĩnh Nam chích quái kể Sơn Thánh có tên là Hương Lang, là người con cả trong số 50 người con theo mẹ Âu Cơ lên núi. Mẹ Âu Cơ quê cũng ở động Lăng Sương, tức chính là Đinh Phi Thánh Mẫu, người đã sinh ra Thánh Tản ở đây. Đền Lăng Sương là di tích cho thấy Tản Viên Sơn Thánh có nguồn gốc quê quán, có cha mẹ rõ ràng, không phải là sự thần thánh hóa tín ngưỡng thờ núi như quan niệm sai của nhiều người.
Di sản thứ hai mà chúng tôi tìm đến là đình La Phù nằm trong cùng huyện Thanh Thủy của Phú Thọ. Đình thờ Tản Viên Sơn Thánh cùng với Động Đình Tang Ma Thánh Mẫu họ Phan và người con thứ ba của Thánh mẫu. Hàng năm cứ vào ngày 12 tháng Giêng dân làng La Phù lại mở hội xuân. Đặc biệt trong ngày hội có trò cướp cây bông, diễn lại tích Tản Viên Sơn Thánh vào làng luyện quân đi đánh giặc Thục từ thời Hùng Vương. Di sản lễ hội này thật sôi nổi hấp dẫn, độc đáo, mang ý nghĩa rèn trí, luyện sức, đua tài, giúp gắn kết cộng đồng trong làng xã cũng như với du khách thập phương.
Làng La Phù cũng là nơi có bãi dâu gai (Tang Ma) hay bãi Trường Sa bên bờ sông Đà, là nơi cha Lạc Long và mẹ Âu Cơ đã gặp gỡ nhau trong truyền thuyết họ Hồng Bàng, mở đầu cho huyền sử Việt. Theo ngọc phả Lăng Sương thì đây cũng là nơi mà Tản Viên Sơn Thánh đã cứu sống con rắn thần, con của Long Vương Động Đình, để lại những lời thơ đầy lưu luyến tình cảm:
“Không gặp làm sao có kiếp sinh
Khi đi là nghĩa, về là tình,
Quay lên đỉnh Thứu, người còn vọng
Trở lại cung Rồng, khách chẳng đành
Một dải âm dương đôi tách ngả
Chín trời mây nước mộng ba canh
Tạm biệt cửa sông hai mắt dõi
Tương tư chốn ấy bởi xa tình.”
Trong những di sản văn hóa của tục thờ Tản Viên Sơn Thánh thì các thần tích và ngọc phả đóng một vai trò hết sức quan trọng. Số lượng các làng thờ Tản Viên Sơn Thánh có tới hàng trăm, mỗi làng lại có một cách kể sự tích Thánh riêng nên cũng có hàng trăm bản thần tích về Sơn Thánh. Bản thần tích dài nhất trong số này là ngọc phả của sách Tang Ma, tổng Phương Giao, huyện Thanh Thủy, Phú Thọ. Tuy nhiên ngọc phả này hiện chỉ còn lưu được bản sao trong các thư viện trung ương. Ngay địa danh “sách Tang Ma” trên thực tế đã được chia thành các xã khác nhau của huyện Thanh Thủy, không còn giữ tên xưa. Các ngôi đình cổ thờ Tản Viên Sơn Thánh và Đinh Phi Thánh mẫu ở các xã này đã bị tiêu hủy trong chiến tranh, nay mới được dựng lại một cách sơ sài.
Di tích đền miếu mất mát qua biến động của thời gian. Chữ viết tượng hình xưa dân làng nay không ai biết đọc. Mối liên hệ với tín ngưỡng làng xã trong quá khứ tưởng chừng như đã mất. Nhưng ngọc phả vẫn còn. Những câu chuyện hay, ý nghĩa về Thánh vẫn còn lưu truyền. Trong ngọc phả sách Tang Ma kể rất chi tiết về suy nghĩ và hành động của Thánh Tản báo hiếu 2 bà mẹ đẻ và mẹ nuôi của mình. Sơn Thánh nhờ lòng chí hiếu đó mà cảm động được thần tiên, được ban cho gậy thần mà trở thành Thần sư.
“Theo trời là Tiên, người là Thánh
Trung thần với nước, hiếu gia đường.”
Đình cổ Tường Phiêu
Hay được nói đến nhiều nhất khi kể về di sản làng xã là những ngôi đình cổ kính với những mái đao chồng diêm bay bổng và nghệ thuật chạm khắc gỗ tinh tế. Nhưng ít ai để ý rằng, những ngôi đình xứ Đoài (Sơn Tây) nổi tiếng nhất như đình Tây Đằng, đình Thụy Phiêu, đình Tường Phiêu, đình Quang Húc, đình Đông Viên… đều là những nơi thờ Tản Viên Sơn Thánh. Những bức chạm cá hóa rồng, voi lồng, hươu nai… thực ra đều gắn với sự tích của Thánh Tản. Chỗ là Thánh dậy dân cày ruộng, đánh cá, săn bắn, chỗ là dậy hát múa, hội hè… Đối với người dân xứ Đoài, Tản Viên Sơn Thánh là vị phúc thần đã mang lại những điều tốt đẹp nhất cho cuộc sống của họ, đúng như lời mong ước trong bản diễn ca sự tích Tản Viên Sơn Thánh của làng Vật Lại (Ba Vì) đã nêu:
“Ước nên thiên hạ bình an
Ước nên bốn bể phượng loan một nhà
Ước nên phong vũ thuận hòa
Được mùa bách cốc nhà nhà đủ no.”
Các tiên nhân trên núi. Chạm khắc đình Tây Đằng
Di sản của Tản Thánh không chỉ dừng lại ở xứ Đoài. Ngay ở đình Chèm, ngôi đình cổ kính tầm bậc nhất của Hà Nội cũng là nơi có sự tích gắn với Thánh Tản. Đình Chèm thờ một trong Tứ linh thần đất Việt “Hương Bổng Đổng Đằng”, mà thần Hương chính là Hương Lang hay Tản Viên Sơn Thánh. Đây có lẽ cũng là nơi mà vị “phong thủy vương” Cao Biền thời Đường đã chịu thảm bại trước Tản Viên Sơn Thánh, phải than rằng: “Linh khí ở phương Nam không thể lường được. Cái vượng khí đời nào hết được!”.
Không chỉ là các đình làng, di tích về Tản Viên Sơn Thánh còn là một hệ thống các đền thờ và nhất là các hành cung, tức là những di tích được lập tại những nơi mà Thánh đã thường ghé qua. Lớn nhất trong Ngũ hành cung Tản Viên là Đông cung đền Và ở thị xã Sơn Tây. Theo thần tích thì Đông thần cung là nơi các quan thần yết kiến Thánh Tản. Tại đây Tản Viên Sơn Thánh đã thực sự trở thành vị Vua tối cao của đất nước, nắm đại quyền thiên hạ.
Đền Và có thể coi là một di sản văn học bởi đền có rất nhiều những bức hoành phi, câu đổi cổ, tất cả đều cùng một chủ đề ca ngợi công đức và tôn sùng Tản Viên Sơn Thánh. Một câu đối rất hay của đền Và đã khái quát về Thánh như sau:
“Thần tôn là thiêng, đất tôn là thiêng, cũng người tôn mà thành thiêng, cung Đông trấn Tây cao ngất
Núi được thành thuật, sông được thành thuật, nay muốn được xem thành thuật, gậy thần sách ước diệu kỳ.”
Cái linh khí của bậc Tiên Thánh ấy là từ Trời, từ Đất và nhất là từ Con người, từ dân gian tôn mà thành thiêng. Di sản tín ngưỡng thờ thần thánh của người Việt bắt nguồn từ chính dân gian, từ chính làng xã Việt.
Tượng đá cổ Tản Viên Sơn Thánh ở đền Thượng Ba Vì
Nói về di sản văn hóa về Sơn Thánh không thể không nói đến núi Tản Viên, ngọn núi thiêng vào bậc nhất của nước Nam. Đền Thượng trên đỉnh Ba Vì là nơi chàng trai trẻ Nguyễn Tuấn ngày nào đốn củi, gặp được Thái Bạch Tử Vi Thiên Tướng, lãnh hội được cây gậy của thần mà trở thành vị thần đứng đầu Tứ bất tử trời Nam. Hiện cổ vật của đền Thượng là 3 pho tượng đá không biết có từ bao giờ, thể hiện Tản Viên Sơn Thánh, lão tiên Thái Bạch Kim Tinh và Tá Thánh Thiên Thần núi Ba Vì. Tư tưởng của Đạo Giáo về các tiên nhân phiêu du trên miền rừng núi được thể hiện rất rõ trong sự tích của Tản Viên Sơn Thánh.
Bài thơ về núi Thu Tinh, nơi có long mạch đã sinh ra Tam Vị Tản Viên Sơn Thánh, luận về việc này:
“Từ đế vương cùng muôn triệu dân
Quay về sẽ phải tụ tinh thần
Sự truyền khó luận chân hay ảo
Nhớ tên núi đó, lẽ như chân.”
Tín ngưỡng đối với Sơn Thánh đã không còn là chỉ là đền miếu dân gian mà đã đi vào kinh sách của Tam Giáo. Một trong những cuốn kinh về Tản Thánh của phong trào thiện đàn Tam Giáo thời nhà Nguyễn là Đại hóa thần kinh, với bài trùng đính ngọc phả Thánh Tản của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Lời của Đại hóa thần kinh ghi:
“Thượng Đế sắc phong [Thánh Tản] làm Nam Nhạc thần, nắm quyền Nam Tào Bắc Đẩu, là chủ của vạn thần nước Nam. Tất cả việc nối ngắt các triều đại, hóa sinh của người vật, không có gì là không thuộc quyền xét của Thánh, là đại diện phân xử chính. Đến nay việc ra vào đi đứng, ăn uống trang phục đều như lúc còn sống. Trong các thần bất tử nước Nam thì Tản Thánh ta là đứng đầu.”
Tín ngưỡng đối với Tản Viên Sơn Thánh như thế đã lên đến hàng đầu trong văn hóa bách thần nước Nam.
Trang bìa cuốn Đại hóa thần kinh in dưới thời vua Thành Thái
Một câu chuyện có thực về vai trò của di sản Sơn Tinh trong đời sống ngày nay từng xảy ở xã Đông Xuân, huyện Quốc Oai, Hà Nội. Nơi đây xưa vốn là xã Bằng Lộ thuộc châu Lương Sơn của tỉnh Hòa Bình, là nơi sinh sống của đồng bào người Mường. Trước đây tại đình làng Bằng Lộ người Mường thờ Quốc mẫu Vua Bà, là mẹ đẻ của Thánh Tản. Tuy nhiên, trong chiến tranh giặc Pháp đã phá đình lấy gạch đá để xây lô cốt. Ngôi đình hàng tổng xưa đã bị hủy trong gần trăm năm, nhưng người dân Bằng Lộ vẫn đau đáu muốn khôi phục lại tục thờ Quốc mẫu Vua Bà. Cho dù không còn gì để làm căn cứ chính thống, nhưng nhân dân xã Đông Xuân cùng với chính quyền xã đã “mạnh dạn” góp nhau cùng dựng lại một gian thờ ở chỗ nền đình xưa. Rất may, sau đó xã Đông Xuân lại tìm được bộ bản sao các thần sắc từ năm 1938 của làng Bằng Lộ lưu trong Thư viện Khoa học xã hội. Với căn cứ di sản là các sắc phong cổ, ngôi đình xưa đã được dựng lại một cách chính thức và công nhiên. Nhu cầu văn hóa tín ngưỡng được đáp ứng trong niềm hoan hỉ của người dân.
Những câu chuyện như ở xã Đông Xuân hiện nay không phải hiếm gặp trong các làng xã cổ. Rất nhiều trường hợp chỉ bằng những di sản như một bản thần tích, một đạo sắc phong, một tấm bia đá, một bức tượng gỗ… cũng đủ để làng xã khôi phục lại cả một công trình tín ngưỡng và lễ hội truyền thống. Di sản văn hóa lúc này là mạch nối giữa quá khứ với hiện tại, là chỗ dựa cho bản sắc văn hóa vật chất và tinh thần làng xã, cho tư tưởng tín ngưỡng của nhân dân và cho cả lịch sử chân xác hàng ngàn năm của dân tộc vẫn đang còn ẩn chứa trong dân gian.