Tân Phúc Âm Hóa Cuộc Sống Đời Thường – Chương Hai “Chán Sống” Trong Đời Sống Con Người – Giáo Phận Cần Thơ
CHƯƠNG HAI
“CHÁN SỐNG”
TRONG ĐỜI SỐNG CON NGƯỜI
-
Chán sống trong lịch sử nhân loại
Chán sống, tại sao? Chúng ta hãy bắt đầu bằng hai ý tưởng: Chán sống thường xuất hiện dưới hình thức buồn bã và chán nản.
Tiểu thuyết gia người Ý Alberto Moravia xem chán nản là động cơ của lịch sử: “Thoạt đầu là chán ngán, gọi một cách thông thường là hỗn mang, nên Chúa mới dựng trời đất, nước nôi, súc vật, cây cối rồi Adong Evà. Họ chán thiên đàng, ăn trái cấm nên Chúa đuổi họ ra khỏi vườn Địa Đàng. Cain chán Abel nên giết Abel. Ông Nôe quá chán nên sáng chế ra rượu. Chúa chán ngán vì con người tội lỗi, sa đọa nên đã cho lụt hồng thuỷ tiêu huỷ chúng… và cứ như thế…chán đa thần mới có độc thần; chán Công Giáo mới sinh ra Tin Lành; chán Âu Châu mới khám phá Mỹ Châu.
Triết gia Kierkegaard xem tình trạng chán nản là tình trạng liên quan với thân phận con người và ông xem nó liên hệ với lo âu: “Adong chán vì ở một mình, nên Evà mới được sinh ra. Từ lúc đó, tình trạng chán nản xuất hiện. (…) Adong và Evà chán nhau (…). Để giải trí, loài người nảy ra ý định xây một cái tháp cao thật cao (…) Sau đó, loài người phân tán đi khắp thế giới như ngày nay người ta đi du lịch ra nước ngoài, nhưng họ vẫn tiếp tục chán ngán”[1]
1.1 Chán sống thời cổ đại
Thật ra tình trạng chán sống xuất hiện từ rất sớm, chán sống còn được gọi là buồn bã, mệt mỏi phải sống, ngày nay người ta còn nói đó là suy thoái tinh thần. Thời Cổ Đại thường nhắc tới và Cựu Ước có cả một quyển sách nói về nó đó là sách Giảng Viên. Và người ta đã liên kết nó với một loại mất thăng bằng tâm lý, hơn nữa lại còn cho nó có nguồn gốc y khoa. Sức khoẻ thể xác và tâm lý con người tuỳ thuộc vào sự thăng bằng của bốn tính khí: bạch huyết (lạnh và ẩm), máu (nóng và ẩm), mật vàng (nóng và khô) và mật đen (lạnh và khô). Theo ông tổ y khoa Hippocrate, nồng độ mật vàng nhiều quá sẽ tạo lo âu và thường xuyên mệt mỏi. Mặt khác (có nên gọi đây là “bù lại”?) người ta thường đặt liên hệ tình trạng chán sống với trí thông minh. Đặc biệt triết gia Aristote nói rõ ràng: “Tất cả những người giỏi ngoại hạng về triết lý, chính trị, thơ văn hay các bộ môn nghệ thuật thường biểu lộ một tình trạng chán nản”. Người ta cũng nói đến tình trạng chán sống liên quan đến sinh hoạt tình dục, sinh hoạt này cùng một lúc vừa là lý do, vừa là thuốc chữa cho tình trạng chán sống. Aristote nói “đa số những người buồn bã là những người dâm ô.”[2]
1.2. Thời kỷ nguyên Kitô Giáo
Thật ra, từ kỷ nguyên đầu tiên Kitô Giáo, chán sống (còn được gọi là khô khan) đã gây tác hại rất nhiều trong các tu viện. Khô khan và buồn bã là một trong tám tội chính mà các tu sĩ thường vướng phải. Vào cuối thời Trung Cổ, tám tật xấu chính trở thành bảy tội chính. Buồn bã biến mất và nguội lạnh nhường chỗ cho lười biếng, dù hai tật xấu này không giống nhau. Đối với tu sĩ thời Trung Cổ, cơn khủng hoảng tuổi trung niên trước hết là cơn khủng hoảng của tình trạng nguội lạnh. Đặc biệt nó hoành hành lúc mặt trời nắng gắt, làm người tu sĩ không còn thích cầu nguyện và làm việc tay chân, tạo nên một loại chán nản trong đời sống tu trì.
Thánh Thomas d’Aquin nghiên cứu rất tinh tế tình trạng nguội lạnh và xác định đó là nhạt nhẽo, có nghĩa là chẳng còn hứng thú. Ngài xem đó như một lối sống không có ý nghĩa, làm yếu nhiệt tình và khả năng yêu thương: “Tình trạng nguội lạnh là một loại buồn bã nặng nề tạo ra tình trạng suy thoái tinh thần chẳng còn muốn làm gì, giống như mọi việc bị tình trạng chua chát gặm nhấm làm cho nó trở nên lạnh lùng. Do đó, tâm hồn bị nguội lạnh không còn thấy thích thú hành động. Có người còn nói tâm hồn nguội lạnh là một loại đờ đẫn về mặt tinh thần, ngăn cản mình làm điều tốt.” Thánh Thomas d’Aquin còn nói thêm tình trạng nguội lạnh ảnh hưởng nhiều nhất đến hoạt động của giác quan. Nó ít ảnh hưởng đến hoạt động trí tuệ vì khác với khoái cảm, hoạt động của trí tuệ thì vô tận và được làm mới hoài hoài. Ngược lại, theo thánh Tôma, người ngu chán nản vì họ không biết làm mới. Nhưng chúng ta ghi nhận điều này, bởi vì nó không hiển nhiên. Người ta có thể rất ngu, không đổi mới nhưng lại không bị chán nản.[3]
1.3. Thời hiện đại
Trở lại thời bây giờ, theo cách phân tích của trường phái Freud, chán sống còn được gọi là buồn bã và suy thoái tinh thần. Freud cho rằng nó liên hệ đến việc không còn hứng thú tình dục. “Về mặt tâm hệ, đặc tính của buồn bã thể hiện qua tính khí bị xáo trộn một cách sâu xa và đau đớn, một loại mất hứng thú với thế giới bên ngoài, mất khả năng yêu thương, ức chế mọi hành động, có mặc cảm tự ti biểu lộ qua việc tự trách mình, tự sỉ nhục mình”. Như thế, đối với Freud, buồn bã là dấu hiệu xác thực của vết nứt sâu xa giữa cái “tôi” và “lý tưởng về tôi”, giữa con người thật của mình và con người mình mơ ước. Và lý tưởng về tôi lúc đó được dựng lên để truy hại cái tôi.
Freud so sánh buồn bã với tang chế. Trong hai trường hợp, đây là cảm nhận mất mát tạo nên cùng một lúc tình trạng u buồn và chẳng muốn làm gì. Cũng như người đang có tang, họ cảm thấy “mất” người thân, người buồn bã cảm thấy mình “mất” tình yêu, mất hứng sống. Nhưng ông còn nói thêm, trong trường hợp buồn bã họ còn mất lòng tự tin. Thay vì đặt hứng thú tình dục vào một chủ đích để thay thế thì người buồn bã rút lui, thu vào tính tự mê dụ, họ vừa thấy khổ mà vừa thấy sướng trong việc rút lui này. Đúng ra, thu về mình là thu về nơi chốn mong manh may ra có thể bảo vệ mình để tránh việc bước qua hành vi tự tử. Karl Abraham, (nhà phân tâm người Đức 1877-1925) cho rằng người buồn bã sống cảm nhận mất mát này là lặp lại một biến cố gây chấn thương cho họ từ khi còn nhỏ: cảm giác “mất” mẹ khi mẹ xa mình. Và theo Abraham, điều này giải thích sự suy thoái tinh thần được xem như một loại “thoái lui” về các thái độ trẻ con.
Cũng giống như thời Cổ Đại, chúng ta vẫn còn xem buồn bã liên quan đến giới tính. Mất năng lực giới tính, cũng như sự kiện không đạt được mục đích đích thực của mình, sẽ làm nảy sinh chứng tâm thần tự mê dụ và có những ứng xử như thủ dâm. Trong nghĩa này, Viagra có thể xem như phương thuốc đầu tiên để chữa bệnh buồn bã.
Ngày nay, người ta cũng tiếp tục xem buồn bã liên hệ đến tính sáng suốt và năng hoạt trí tuệ. Freud ghi nhận người buồn bã “có một nhãn quan sắc bén về sự thật hơn là người không buồn bã.” Và ông khôi hài tự hỏi vì sao người ta phải bị bệnh mới thấy được sự thật về mình và về thế giới bên ngoài. Năm 1994, Kay Redfield đã chứng minh các mối dây liên hệ giữa suy thoái tinh thần và khuynh hướng nghệ thuật. Ngày nay các nghệ sĩ, thi sĩ, tiểu thuyết gia, soạn nhạc gia có tỉ số bị suy thoái tinh thần và tự tử gấp ba lần các khoa học gia và các thương gia.[4]
-
Nguyên nhân chán sống
2.1.Suy thoái về mặt thể lý
Trước hết là suy thoái về mặt thể lý trong việc sản xuất hai yếu tố chính trong việc giao chuyển các dây thần kinh: chất sérotonine và noradrenaline. Sự thiếu hụt này sẽ làm chậm chức năng não bộ. Mục đích các thuốc chống suy thoái tinh thần là để kích thích sự sản xuất này. Mặt khác, sự sản xuất chất cortisol – một chất được sản xuất khi bị stress – có thể gây nên tình trạng suy thoái tinh thần. Khám nghiệm tử thi những người tự tử, người ta thấy nồng độ chất cortisol-tropine cao một cách khác thường.
2.2.Mặc cảm tự ti về thời thơ ấu
Chán sống cũng có thể do không đánh giá đúng mức hình ảnh của chính mình mà nguồn gốc có thể phát sinh từ thuở thơ bé: cảm nhận không được cha mẹ đánh giá tốt, bị bạn bè anh chị em ruồng bỏ. Các sự việc này đưa đến tình trạng bất an.
2.3. Thiếu năng lực sống
Cảm nhận cô đơn có thể mang tính quyết định và cảm nhận này độc lập với tình trạng mình ở một mình hay không. Kinh nghiệm cho thấy các bất bình trong hôn nhân không tạo suy thoái tinh thần hoặc tự tử nhưng lại tạo nên một luồng năng lực. Chính sự đánh mất dục năng mới làm chán sống. Thánh Thomas d’Aquin đã có lý khi nghiên cứu hiện tượng khô khan trong khảo luận về đức ái. Theo đó, tình trạng buồn bã làm hỏng khả năng yêu. Làm mới lại tình yêu là phương thuốc chống lại suy thoái tinh thần. Nhưng, theo thánh Thomas d’Aquin, để tình yêu này thực sự hợp tác chống tình trạng chán sống thì nó không bao giờ được no thoả, nó phải luôn luôn là một cuộc tìm kiếm không ngừng. Cái sức ép hướng về…, mà cũng là một chú tâm có tính cách trí tuệ sẽ duy trì ước muốn và tỉnh thức. Như thế tình yêu vừa là cảm xúc vừa là trí tuệ. Điều này không còn nghi ngờ gì nữa vì theo các nghiên cứu của nhà thần kinh học Davidson, tình trạng suy thoái tinh thần là do hai bán cầu não thiếu nối kết với nhau, có nghĩa là mất thăng bằng giữa phần nhạy cảm và phần trí tuệ. Quá nhạy cảm dẫn đến tình trạng chán ngấy và nản lòng, còn quá trí tuệ thì dẫn đến tình trạng khô khan.[5]
2.4. Chán sống có thể được xem như một thứ phẩm của một nền văn minh chuộng hạnh phúc
Chán sống đụng đến cả người khổ lẫn người sướng hay đúng hơn những người “có dư để hạnh phúc”. Người ta có thể trẻ, đẹp, thành công, đầy tương lai, có một đời sống hạnh phúc nhưng lại có manh nha muốn tự tử. Chán sống có thể được xem như một thứ phẩm của một nền văn minh chuộng hạnh phúc. Từ đó, những gì người ta gọi là hạnh phúc sống (nhà có vườn, chồng có chức cao, con cái đàng hoàng) lại dẫn đến tình trạng suy thoái tinh thần, chán sống và đôi khi còn dẫn đến tự tử. Ngược lại, người ta ít tự tử hơn trong thời gian chiến tranh hay trong các cuộc xung đột vì họ ít chán hơn. Trong các trại tập trung, các tù nhân rất đau khổ nhưng họ không chán sống. Primo Levi không tự tử trong thời gian ở trại tập trung nhưng sau khi ra khỏi trại, sau những tổn thương đã chịu đựng, ông tự tử.[6]
2.5. Chán sống vì cho cuộc đời là phi lý
Và cuối cùng, điều quyết định phát sinh tình trạng chán sống là cảm thấy đời phi lý, không có ý nghĩa. Một cảm nhận phù du. Ông Gióp đã từng nói: “Ích gì để sống trung thành và đạo hạnh? Ích gì để phục vụ Chúa, bởi vì Chúa chẳng công bằng, chẳng thưởng, chẳng biết đến số phận của nhân loại, chẳng biết đến cố gắng của từng người? Chẳng có cái gì ích lợi cho cái gì cả. Phù vân vẫn hoàn phù vân, sách Giảng Viên đã nói như vậy. Còn sợ hơn cả sợ cái chết và cái không thể hiểu được là cái chết, đó là sợ sống và cái không thể hiểu được vì sao phải sống. Giống như triết gia Pháp Albert Camus đã nói “bắt đầu suy nghĩ là bắt đầu bị gặm mòn.” Và đối với một số người, chỉ có hai chọn lựa: “một là tự tử, hai là sống như người u mê”.[7]
-
Đi tìm nguồn gốc của chán sống
Chúng ta đã có một số mô tả liên tục về tình trạng buồn bã chán sống suốt quá trình lịch sử, bây giờ chúng ta đi tìm nguồn gốc và thử để tìm ở đó một ý nghĩa.
3.1. Đi tìm nguồn gốc của chán sống qua các thời đại
3.1.1.Về phương diện thể lý
Khi cho rằng tính khí thất thường là do mật đen, ông tổ y khoa đã xếp tình trạng buồn bã về phía thể lý. Hai mươi lăm thế kỷ sau, các nghiên cứu cận đại về khoa thần kinh học đã khiến các bác sĩ kê toa, trong trường hợp bị suy thoái tinh thần nặng, các thuốc có tác dụng trên não bộ và từ đó có tác dụng trên tư tưởng, cảm nhận, lối ứng xử, chúng liên hệ đến các suy thoái của chất trung gian lưu chuyển trong hệ thần kinh, đặc biệt là chất sêrôtônine. Các nghiên cứu về thần kinh và di truyền hiện đại chứng minh cho thấy có những người mà mức độ nhạy cảm với tình trạng suy thoái tinh thần nặng hơn người khác. Mức độ nhạy cảm này không giải thích toàn bộ tình trạng suy thoái tinh thần nhưng nó là một trong các yếu tố giúp giải thích được vấn đề. Tâm lý của từng cá nhân, các biến cố trong cuộc sống đương nhiên sẽ bổ túc thêm cho các yếu tố giải thích này. Các bác sĩ ngày nay thừa hưởng công việc của những người đi trước và đưa ra một số cách chữa trị khác nhau nhưng khoa tâm lý hay một nhận thức cuộc sống đúng cũng có thể thoa dịu khổ đau cho những ai vướng vào tình trạng này. Tuy nhiên, khoa thần kinh học hiện nay đang thuận buồm xuôi gió. Khi nhấn mạnh trên nguồn gốc não bộ cho tình trạng suy thoái tinh thần của chúng ta ngày nay, có nghĩa là thuộc thể lý, phần nào đó khoa thần kinh học đưa chúng ta về lại hai mươi lăm thế kỷ trước, khác là bây giờ khoa thần kinh học có được những phương tiện cụ thể để thoa dịu nỗi khổ đau.[8]
3.1.2. Về phương diện tâm linh
Nếu, đối với thời Cổ Đại và Phục Hưng, buồn bã có nghĩa là tâm hồn cất cánh bay đi thì quan điểm Kitô Giáo làm đảo ngược cái nhìn lạc quan này, họ cho nhịp bay này của tâm hồn và thể xác là công việc của ma quỷ. Ngày xưa các tu viện thời Trung Cổ ở Phương Tây bị ám ảnh bởi tình trạng buồn phiền, suy sụp, tâm hồn chán nản của các tu sĩ, họ cho cám dỗ của quỷ là nguồn gốc của tình trạng khô khan. Tình trạng khô khan như kết quả tự nhiên của cám dỗ nguyên thuỷ. Ngay cả tình trạng buồn bã cũng được xem như một trong tám tội chính, ngang hàng với bủn xỉn, dâm dục hay ghen tương. Nó chiếm một chỗ trọng tâm vì nó đụng đến tâm hồn một cách toàn diện khác với các tội khác.[9]
3.1.3. Về phương diện triết lý và tâm lý
Bên cạnh hai khái niệm về tình trạng buồn bã này, còn có một khía cạnh thứ ba, có được khía cạnh này là nhờ Aristote: khía cạnh triết lý và tâm lý. Trong Vấn Đề III, quan điểm của Aristote không còn xem tình trạng buồn bã dưới khía cạnh bệnh lý nhưng dưới khía cạnh tinh thần: “Lý do nào mà những người được xem là ngoại hạng về triết học, khoa học, văn thơ, nghệ thuật đều tỏ ra buồn bã, một vài người còn có vẻ như vướng bệnh, có phải mật đen là nguyên do?”
Aristote mở ra một con đường rộng lớn để khám phá mối dây liên hệ giữa tình trạng này và sức tưởng tượng, thậm chí có thể gọi đó là thiên tài. Một vài thế kỷ sau, vào thời Phục Hưng, đặc biệt là thời Phục Hưng ở Ý quay về nguồn thời Cổ Đại, đáng kể là các bài viết của Aristote và Platon. Tình trạng buồn bã là sáng tạo và là nguồn cho nhiều tác phẩm nghệ thuật đa dạng, triết gia người Ý thời đó, Marcile Ficin nói: mật đen nâng tâm hồn “để đến được sự hiểu biết những sự việc cao nhất”.
Năm 1514, bức điêu khắc nổi tiếng Melancholia của Dhrer đã làm cho tình trạng buồn bã trở thành một chủ đề mà sự hiểu biết về khoa học, tri thức và chiêm ngắm thoát ra khỏi mọi chuẩn mực của lý thuyết về tính khí. Một loại thời trang đích thực đã xâm chiếm mọi triều đình Âu châu. Người ta không thể tưởng tượng ra một nghệ sĩ có tài mà không ở dưới trướng của tình trạng buồn bã.
Để phản ứng lại, phái cổ điển và thế kỷ Ánh Sáng đã tạo nên một cuộc ly dị giữa tình trạng buồn bã và sức tưởng tượng hay thiên tài. Tình trạng buồn bã bị xem như một bệnh trở lại: nhân vật Alceste trong vở Misanthrope của Molière, nhân vật Horace của Corneille hay Andromaque của Racine khẳng định tình trạng buồn bã là một đau đớn và đôi khi còn bị khinh thường. “Horace thú nhận: Tôi xấu hổ vì đã để tình trạng buồn bã lộ ra quá rõ.” Nhưng hai thế kỷ sau, với giai đoạn lãng mạn, một phong trào tương tự như các triết gia Hy Lạp, đã nâng tình trạng buồn bã lên thành một loại thẩm mỹ của tuyệt vọng như Beaudelaire đã làm.[10]
3.2. Còn ngày nay thì sao?
Ngày nay tình trạng suy thoái tinh thần hay cái gọi là “tình trạng suy sụp trầm trọng” chiếm từ 5% đến 8% dân số và trong hai mươi năm sắp tới, có thể nó sẽ là nguyên do tử vong thứ nhì sau bệnh tim mạch. Làm sao giải thích sự kiện này?
Đáng ngạc nhiên là chúng ta tìm thấy bốn yếu tố lớn có thể giải thích được đã từng trải qua trong suốt chiều dài lịch sử của chúng ta.
3.2.1. Chán sống, suy thoái tinh thần vì tình trạng thể lý
Về mặt thể lý, như đã nêu trên, các mặt tiến bộ quan trọng của khoa thần kinh học đã làm lãnh vực này có một bước tiến đáng kể chưa bao giờ đạt được từ ngày khám phá ra cách chữa trị về mặt sinh lý cho bệnh suy thoái tinh thần ở giữa thế kỷ 20. Điều thú vị là ảnh hưởng của thuốc trên mặt thể lý lại thể hiện trên mặt tâm hệ đã đặt lại vấn đề một cách rõ ràng sự liên hệ giữa tâm-thân.
Nhưng chúng ta tạm ngưng vấn đề y khoa ở đây để tiếp cận đến hiện hữu, có nghĩa là cuộc gặp gỡ giữa đương sự và bối cảnh sống của đương sự. Chính ở đây, từ chỗ đứng của tôi, một sự thông hiểu về tình trạng chán sống dựa trên khoa tâm lý và phân tâm mới sáng rõ được. Phối hợp với các khía cạnh về mặt thể lý một cách không thể chối cãi, tình trạng buồn bã có những khía cạnh tâm lý phần nào giống tâm trạng của một người đang bị tang chế, hiểu theo nghĩa thông thường nhất, tâm trạng khi mất người thân yêu.
Tâm trạng buồn bã trong thời tang chế là có thể hiểu được vì nguyên do từ sự mất mát người thân, trong khi tình trạng buồn bã thì nguyên do ban đầu không giải thích bằng một thực tế có thể chứng minh được; như vậy người bệnh phải đi tìm một giải thích và một ý nghĩa. Một điểm khác biệt nữa là trong thời tang chế, đương sự sẽ dần dần đi về thực tế, người thân đã biến mất trong khi người có tâm trạng buồn bã thường không thực tế (những người chung quanh hoặc chính đương sự hay nói: “Nhưng họ/tôi có đủ mọi chuyện để hạnh phúc”). Sigmud Freud và Karl Abraham là các ông tổ trong việc giải thích tâm trạng buồn bã về mặt phân tâm học bắt đầu từ sự so sánh với tâm trạng người đang ở trong giai đoạn tang chế. Họ tóm tắt như sau: ngược với tang chế, tình trạng buồn bã xem tang chế là “chủ thể” vô thức cần khám phá, chủ thể không nhận biết động cơ cho tình trạng của mình và tê cứng trong kinh nghiệm đau đớn riêng của mình. Họ đặc biệt đau đớn vì tự mình kết tội mình, đánh giá mình thấp, có mặc cảm tội lỗi sâu xa và không giải thích được.[11]
3.2.2. Chán sống, suy thoái tinh thần vì tình trạng phóng chiếu
Hai ông tổ khoa phân tâm đưa ra lập luận thứ nhì: “Nếu kiên nhẫn nghe vô số lời than trách của người mang tâm trạng buồn bã than trách chính mình thì rốt cuộc người ta có cảm tưởng những lời trách cứ nặng nề nhất là những lời trách cứ về chính bản thân họ trong khi với một chút thay đổi chúng có thể ứng dụng nơi một người khác rằng người bệnh đang yêu, đã yêu hay sẽ yêu… Như thế, người ta nắm giữ được chìa khoá bệnh lý khi biết các lời tự trách là những lời chống một đối tượng yêu, nhưng lại đổ ngược lên chính bản thân mình.” Chính sự phóng chiếu lên mình, một khuynh hướng nền tảng đồng hoá hình ảnh người khác về mình mà trong khoa phân tâm người ta gọi đó là khuynh hướng tự mê dụ, giải thích kinh nghiệm có ý thức về việc tự đánh giá thấp mình và tự buộc tội.[12]
3.2.3. Chán sống, suy thoái tinh thần vì “không ai có thể giúp tôi”
Một lập luận thứ ba được đưa ra để giải thích tình trạng buồn bã tiêu cực: “không ai có thể giúp tôi”, và sự mê hoặc về cái chết của người bị suy thoái: cái chết không còn bị chối từ ở đây, giống như trong tang chế (không đúng, nàng/chàng không chết) cái chết không còn bị nghi ngờ hay tránh đi trong trường hợp chứng bệnh tâm thần lo âu ám thị hay ám ảnh, cái chết trở thành hình ảnh của mình bị mất đi trong một phản chiếu khai tử, nó ở trong tưởng tượng. Tác phẩm nói về chủ đề này, các “Phù Vân”, không làm chứng cho sự mê hoặc tưởng tượng về đề tài chết sao? Giống như Daniel Widlocher đề nghị: “Người bị suy thoái, khép mình trong sự ức chế tư tưởng của họ, đóng chặt trong tê cứng, họ không có khả năng hành động, phản ứng, họ sẽ tìm trong các mê hoặc buồn bã một hình thức thể hiện cái chết của họ về mặt tâm hệ.” Sáng tạo nghệ thuật hay văn chương nơi một vài người chứng tỏ cho thấy cách diễn đạt này. Như thế sẽ không ngạc nhiên khi tình trạng buồn bã lại có liên hệ với trí tưởng tượng và mê hoặc trong sáng tạo.
Quan điểm này có thể nào cho thấy vấn đề ban đầu đưa ra về việc thông hiểu tình trạng buồn bã như một mê hoặc trong sáng tạo hoặc đau đớn bị ức chế không? Một cách giải quyết tình trạng buồn bã sẽ tạo nên một loại tưởng tượng khác như sáng tạo nghệ sĩ cho phép không? Giống như sự kiện ông Daniel Wildocher nói trong một tài liệu về đề tài này, chúng ta đừng quên sự phát triển của các nghiên cứu có tính phân tích được dựa lên một cách nhanh chóng trên tâm bệnh của một hoạ sĩ: Freud với Léonard de Vinci, Karl Abraham với Giovanni Segantini, phối hợp khả năng sáng tạo – nếu không nói là thiên tài – với bệnh lý[13].
3.2.4. Chán sống, suy thoái tinh thần vì phải cố giữ lấy bản chất của mình
Có một số người, rõ ràng là không ở trong lãnh vực phân tâm, cũng giải thích gần gần quan điểm phân tâm về tình trạng chán sống hiện nay, nhưng dưới một cách khác. Nhà xã hội học Alain Ehrenberg có một định nghĩa như sau về tình trạng chán sống hiện nay: “mệt mỏi vì phải giữ bản chất của mình.” Theo phân tâm, định nghĩa này có làm cho người ta hiểu tình trạng chán sống dưới dạng các biến đổi trong thói tự mê dụ của nhân loại không? Ở đây, thói tự mê dụ không phải được định nghĩa như khoái nhìn mình trong gương nhưng như một loại phản ảnh các thể hiện khác nhau về bản chất con người, tin tưởng ở mình, tự trọng, khiêm tốn và quan hệ giữa mình với người khác.
Ngày nay có rất nhiều người tự hỏi về sự khó khăn để có một lòng tự tin hay tạo được một tin tưởng ở chính mình đủ để có một đời sống quân bình, chừng mực trong một thế giới mà mỗi người đều phải đối diện với việc tôn thờ thành công, phải có hiệu năng cao, phải tuyệt đối không có khuyết điểm, phải giỏi nhất và phải được thực hiện ngay khi còn bé. Một vài người còn bảo vệ cho ý tưởng theo đó chúng ta đang sống trong kỷ nguyên dân chủ hoá chuyện ngoại lệ, đó là việc đi tìm rằng mình chỉ là mình. Các khó khăn của cuộc sống, các bất toàn của con người, các hụt hẫng còn ở trong lòng có thể là nguồn của ước muốn nhưng cũng là sự hết ảo tưởng nếu chúng ta đặt cái tôi của mình ở tầng cao của cái tôi lý tưởng. Người ta cũng có thể tự hỏi trên sự kiện các giá trị của xã hội hiện đại quay về cái tôi lý tưởng hơn là quay về lý tưởng của một cái tôi lúc nào cũng trên đường đi tìm kiếm, nhưng hẳn qua quyết định, nó chẳng bao giờ đạt đến được. Như thế tại sao tình trạng chán sống lại có những đặc thù liên hệ đến thời hiện đại của chúng ta? Chính là bởi vì xã hội chúng ta trọng quá nhiều cái tôi lý tưởng và như thế tạo khoảng cách giữa cái mình nghĩ là như vậy và cái mình phải là trong lý tưởng. Các phương tiện truyền thông hiện đại đưa ra các hình ảnh hoặc là tai hoạ khủng khiếp, hoặc là các anh hùng, các siêu sao, siêu mẫu. Làm sao chúng ta sống giữa hai thái cực này? Đối với những người mong manh nhất, nhạy cảm nhất, họ sẽ có thể rất khó khăn khi sống giữa hai thái cực này.[14]
-
Một con đường dẫn đến suy thoái tinh thần
4.1. Chức năng của buồn bã trong cuộc sống
Chúng ta trải qua nhiều dạng mất mát trong cuộc sống. Cảm giác buồn bã khi chúng ta phải chia tay với ai đó hay với điều gì đó mà mình yêu thích là một cảm giác hết sức tự nhiên. Đây cũng là một cảm giác quan trọng và là một chức năng thích nghi. Cảm thấy buồn không có nghĩa rằng bạn là một người bất hạnh, chán chường và hay rên rỉ. Hành động này chỉ cho thấy chúng ta đang mất đi điều gì đó thực sự có ý nghĩa và chúng ta cảm thấy thoải mái cũng như an tâm khi cảm nhận nỗi buồn đó. Điều này cho thấy chúng ta có khả năng quan tâm và hình thành nên những mối quan hệ gắn bó. Đôi khi chúng ta tìm cách phủ nhận cảm giác buồn bã vì sợ bị cho rằng là một người “yếu đuối”.
4.2. Khi phải đối mặt với một sự mất mát, nghĩa là mất đi sự gắn bó sẽ làm chúng ta buồn bã
Khi phải đối mặt với một sự mất mát nào đó thì chúng ta nhất định sẽ cảm thấy buồn bã. Nếu thiếu cảm xúc này thì một người mẹ sẽ không biết mình đã mất đi đứa con. Tương tự như vậy, một con mèo con sẽ không biết kêu “meo meo” thật lớn để báo hiệu cho mèo mẹ rằng mình đang gặp nguy hiểm. Tạo hoá giúp cho mọi người biết đau buồn trước sự chia ly để nhờ đó chúng ta có thể tái hợp trở lại thật hạnh phúc. Một đứa trẻ sẽ không thể tồn tại một mình. Cả bố mẹ và con cái đều có một sợi dây tình cảm vô hình để gắn kết và yêu thương nhau. Hiện tượng này cũng xảy ra tương tự ở hơn 50% sinh vật sống theo bầy đàn, dù chúng là động vật có vảy, có lông, hay chỉ có da. Chim bay thành bầy, động vật có vú sống thành bầy, cá bơi thành đàn … là những minh hoạ rõ nét cho sự gắn bó để bảo đảm sự sống. Không cảnh tượng nào có thể buồn bã hơn hình ảnh một con thiên nga bơi lội một mình trong hồ nước, nơi mà nó đã từng vùng vẫy cùng với người bạn đời trong suốt cuộc đời. Cũng như hình ảnh đàn ngỗng phát ra những âm thanh báo hiệu cho những con chim lạc đàn ở phía sau là một trong những khoảnh khắc kỳ diệu nhất của thiên nhiên.
Nếu một ngày nào đó chúng ta không thể tạo dựng mối quan hệ gắn kết và có ý nghĩa, đó sẽ là ngày toàn bộ thế giới bị cô lập vì không còn điều gì có ý nghĩa nữa. Sẽ chẳng còn động lực nào để thúc đẩy chúng ta phải làm việc chăm chỉ, chăm sóc con cái, vun đắp tình yêu cho hôn nhân và hoàn thành thật tốt vai trò làm cha mẹ của mình. Sự gắn bó, cũng giống như tình yêu, là yếu tố khiến cho “cuộc sống có ý nghĩa”.
Các hình thức gắn bó nơi con vật: Nhà phân tâm học người Anh, Jonathan Bowlby, trong hội thảo bàn về quan hệ gắn kết, đã quan sát thấy khỉ con, gà con và trẻ con đều có những biểu hiện đau buồn giống nhau khi bị cách ly khỏi mẹ. Chẳng hạn như khi bị tách ra khỏi mẹ, một con gà con có thể kêu “chip chip” lớn tiếng hơn thông thường. Bowlby gọi đây là giai đoạn phản kháng. Nếu gà mẹ không trở lại thì gà con sẽ chuyển sang giai đoạn thất vọng và trở nên im lặng hơn. Nếu sau đó một thời gian, gà mẹ vẫn không quay trở lại thì gà con sẽ cho thấy những dấu hiệu của sự tái gắn kết với vật thay thế. Tất cả những “chiến lược” đề ra này đều nhằm mục đích bảo tồn sự sống.
Các hình thức gắn bó nơi con người: Nhà phân tâm học Johns Hopkins và Mary Ainsworth đã thực hiện một cuộc nghiên cứu về mối quan hệ gắn bó giữa người mẹ và đứa con. Trong cuộc nghiên cứu đó, cô đã phác hoạ được ba dạng quan hệ gắn bó: Bền chặt, Xa cách và Lo lắng phân vân. Ban đầu, cô bố trí một căn phòng với đồ chơi bên trong để hai mẹ con có thể phát triển mối quan hệ một cách thoải mái.
– Một đứa trẻ gắn bó dạng bền chặt sẽ vui vẻ chơi đùa khi có mẹ ở trong phòng. Khi người mẹ rời phòng, đứa trẻ này sẽ biểu lộ những dấu hiệu nhớ nhung và bắt đầu khóc khi thấy mình ở một mình. Lúc người mẹ trở lại, đứa trẻ liền ôm chặt chân của bà và rúc vào người bà như không thể rời xa.
– Một đứa trẻ dạng xa cách sẽ không cảm thấy căng thẳng lúc người mẹ bỏ đi, vẫn có thể tiếp tục vui đùa cùng với đồ chơi của mình. Khi người mẹ trở lại thì sẽ không có cảnh chào đón nồng ấm, đứa bé có thể phớt lờ hay lạnh nhạt với sự tiếp xúc của người mẹ.
– Một đứa trẻ lo lắng phân vân sẽ có những hành vi khác với hai dạng trên. Bé không hào hứng với đồ chơi, thể hiện rõ sự chán nản hay bày tỏ thái độ cáu kỉnh đối với mẹ. Dạng trẻ này luôn cho thấy sự căng thẳng mỗi khi người mẹ bỏ đi.
Hành vi của người mẹ rất khác biệt tuỳ vào sự phát triển của mỗi kiểu gắn bó. Ainsworth nhận thấy trong nhóm trẻ đầu tiên, các bà mẹ đã tỏ ra hoà hợp và rất nhạy cảm đối với nhu cầu của trẻ. Họ luôn nhanh chóng đáp ứng khi chúng tỏ ra cần đến mình và luôn duy trì mối quan hệ nồng ấm. Trong nhóm trẻ xa cách, mặc dù mọi thứ diễn ra có vẻ êm đẹp nhưng biểu hiện cơ thể của bé lại cho thấy một ý nghĩa hoàn toàn khác: Nhịp tim của chúng tăng cao mỗi khi sự chia cách diễn ra, chúng tỏ ra giận dữ đối với mẹ và thường bị căng thẳng với cả những cuộc chia ly rất ngắn ngủi. Các bà mẹ trong nhóm này nói rằng, họ không thích bị đụng chạm và thường la mắng con mỗi khi chúng muốn lại gần. Trong nhóm thứ ba, mặc dù các bà mẹ nói rằng họ rất yêu thương con cái và luôn chăm lo cho nhu cầu của chúng, nhưng dường như họ không phải là những người chăm sóc con cái tốt cũng như chưa đủ kỹ năng làm mẹ. Họ dành tình cảm đủ nhiều cho con cái có thể cảm nhận được điều đó, nhưng lại không mang đến cho chúng một cảm giác an toàn.
Kết luận: Như vậy, chúng ta có thể nhận thấy rằng, những ai có quan hệ dạng bền chặt sẽ dễ dàng cảm thấy tổn thương và buồn bã mỗi khi phải chia cách với ai đó mà họ gắn bó mật thiết. Khi con người mất đi ai đó mà họ có mối quan hệ dạng hai chiều, (gồm toàn những cảm xúc trái ngược và mâu thuẫn), họ sẽ có nhiều phản ứng phức tạp hơn đối với sự mất mát. Sự không quan tâm về mặt tinh thần hay những cảm xúc mãnh liệt có thể là những phản ứng mâu thuẫn hay nước đôi của họ. Ngoài ra, họ còn mang theo những cảm giác dai dẳng và khác thường về những tội lỗi, lòng hận thù hay sự ăn năn, (chẳng hạn như những mất mát khi ly dị sẽ phức tạp hơn những mất mát khi có người thân qua đời, vì bạn không thể tránh khỏi những cảm giác mâu thuẫn trong quá trình chia tay với người bạn đời).
Khi tiếp cận giai đoạn buồn bã của quá trình tha thứ, những dạng phản ứng này có thể làm nỗi đau khuây khoả đi hoặc phức tạp thêm. Những nỗi đau thông thường theo sau các giai đoạn được báo trước như vậy đã được Elisabeth Kubler Ross đề cập đến. Khi cảm giác mâu thuẫn luôn hiện diện bên cạnh sự kiện mất mát, những gì mà các nhà tâm lý học gọi là “sự tang tóc rắc rối” sẽ tồn tại lâu hơn và làm mọi chuyện trở nên rối rắm hơn. Chúng ta cần phải “để tang” cho không chỉ những gì mình đã mất mà còn cho những gì mình không bao giờ có cơ hội đạt được.[15]
4.3. Khi cố kìm nén sự buồn bã hay giận dữ sẽ đưa đến tình trạng suy thoái tinh thần
Chúng ta thường nhầm lẫn giữa suy suy thoái tinh thần và buồn bã. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của Titan Dayton, mọi người thường bị suy thoái tinh thần khi họ không thể biểu hiện sự buồn bã hay giận dữ, tức là khi họ bị kiềm chế. Trong quá trình giải quyết chứng suy nhược cho khách hàng trong nhiều năm qua, Titan Dayton nhận thấy suy nhược chính là một trạng thái khác của cảm xúc. Đó có thể là một cảm giác tê liệt, khi thế giới nội tâm của chúng ta và thế giới bên ngoài bị tách biệt với nhau. Đó cũng có thể là cảm giác bất lực khi không thể biểu hiện sự đau buồn trước mất mát. Chính điều này khiến cho nỗi đau vẫn còn âm ỉ trong nội tâm và không có cơ hội để biểu lộ ra bên ngoài.
Trong mọi trường hợp, điều này sẽ ảnh hưởng xấu cũng như gây tác hại trên những ai đã trải nghiệm điều đó. Cuộc sống vẫn trôi qua đều đều và bạn có thể cảm thấy thất vọng hoặc buồn chán, hoặc cũng có thể lẫn lộn giữa cảm giác kìm nén và tràn ngập bởi quá nhiều cảm xúc. Nỗi buồn rất quan trọng đối với cả cá tính của con người lẫn cảm xúc.
Nhưng thật không may, trong nền văn hoá “có vẻ là hoàn hảo” của con người, chúng ta cho rằng buồn bã là một khuyết điểm cơ bản. Tuy nhiên, nếu không thể cảm nhận nỗi buồn đích thực thì chúng ta cũng sẽ không nhận biết được niềm vui đích thực. Thêm vào đó, nếu cho rằng mình thất bại vì đã cảm thấy buồn bã và cố gắng che giấu cảm xúc, không suy nghĩ đến nó hay kiềm chế nó thì chúng ta đang tự làm cho bản thân mình trở nên hời hợt.
Một thí dụ điển hình cho sự ám ảnh về nỗi buồn ở Mỹ có thể nhìn thấy trong trường hợp người ta đối mặt với việc mất đi người bạn đời. Quá trình đau buồn vì mất đi người bạn đời có thể kéo dài ít nhất trong hai năm. Trong suốt thời gian này, chúng ta có thể cảm thấy buồn bã, giận dữ, mất mát, trống rỗng, cô đơn hay thậm chí là tuyệt vọng. Dù vẫn giữ được chừng mực trong một phạm vi nhất định, tuy vậy, chúng ta thường cảm thấy thất vọng với quá trình đau buồn kéo dài này. Chúng ta lo rằng mình sẽ không thể “bỏ được thói quen xấu” đó. Tuy nhiên, nếu người ta không thể vượt qua quá trình đau buồn đó, họ sẽ không thể thành công trong việc hoà nhập và tiếp tục tiến lên trong cuộc sống. Sau đó, bạn có thể tìm đến một mối quan hệ thay thế, vốn có khả năng mang lại nhiều vấn đề hơn. Nhưng nếu không đau buồn trước sự mất mát lúc ban đầu, bạn cũng không thể chọn lựa đúng cho mối quan hệ tiếp theo. Vì cảm xúc dành cho sự mất mát đầu tiên đã bị kìm nén, đã không thông báo cho suy nghĩ của bạn về sự lựa chọn tiếp theo. Hoặc cũng có thể, mối quan hệ mới sẽ phải mang theo những nỗi đau cũ.
Nếu không than khóc trước sự mất mát thì chúng ta sẽ không thể thoải mái để yêu thương lần nữa. Chúng ta vô tình giữ lại cảm giác sợ hãi trước một sự mất mát khác. Hơn thế nữa, chúng ta có thể mang theo cảm xúc quá mãnh liệt hoặc quá khô cứng và cả hai yếu tố đó sẽ làm cho mối quan hệ mới diễn ra không tự nhiên.
Quá trình đau buồn này cũng diễn ra trong trường hợp ly hôn, đối với cả vợ chồng lẫn con cái của họ. Dù mọi người vẫn còn tồn tại và hiện diện trong cuộc sống nhưng chúng ta đã mất đi một gia đình theo đúng nghĩa đen của nó. Do đó, nỗi buồn là một phản ứng thích nghi trong trường hợp này. Nỗi buồn giúp chúng ta trải nghiệm sự mất mát một cách đầy đủ để có thể xây dựng lại những quan hệ mới mà không bị đè nặng bởi nỗi đau xưa cũ. Nếu làm ngược lại, chúng ta sẽ mang theo những nỗi đau chưa được giải quyết vào trong các mối quan hệ tiếp theo sau. Điều này có thể được áp dụng đối với những hình thức mất mát khác.
Mất việc, mất đi tuổi trẻ hay phải dời đổi là những trường hợp khiến chúng ta cảm thấy buồn bã. Mức độ buồn bã trong những trường hợp đó tuỳ thuộc vào tầm quan trọng của sự việc đối với chúng ta. Việc giải quyết nỗi đau, mất mát và những cảm xúc liên quan là một yếu tố quan trọng để có thể sống tốt trong các mối quan hệ. Nếu không giải quyết nỗi đau, mất mát ấy có thể dẫn đến tình trạng suy nhược, từ đó dẫn đến tình trạng suy thoái tinh thần.[16]
4.4. Hậu quả của tình trạng suy thoái tinh thần
Titan Dayton quan sát thấy một số thân chủ bị chứng suy nhược đã có thể thực sự cảm nhận được sự giận dữ và nỗi buồn bã của mình, khi họ bắt đầu thay đổi nếp sống tích cực (chẳng hạn như tập thể dục, tiếp xúc ánh nắng mỗi ngày, ăn uống điều độ và nghỉ ngơi hợp lý). Khi đó, chứng suy nhược của họ bắt dầu thuyên giảm. Trước đó, sự suy nhược đã ảnh hưởng đến hầu hết những cảm nhận của họ đối với các tình huống xảy ra trong cuộc sống và còn làm mất đi lòng quyết tâm, cũng như động lực để thay đổi theo chiều hướng tích cực hơn. Hơn thế nữa, nếu bị tổn thương thì niềm tin của họ vào một ngày mai tươi sáng, khi mọi thứ xung quanh sẽ thay đổi tích cực, sẽ bị lung lay dữ dội. Những điều này cộng với ảnh hưởng tiêu cực của tổn thương trong hệ thống thần kinh cảm xúc phần nào sẽ ngăn cản quá trình làm mọi việc trở nên tốt đẹp hơn.
Ngoài ra, khi bị suy nhược, con người thường có xu hướng xa rời mọi người và những mối quan hệ. Họ ăn uống thất thường và không siêng năng vận động như trước. Nghiên cứu đã nhiều lần cho thấy, sự cô lập là một yếu tố tiêu cực ảnh hưởng đến rất nhiều vấn đề, từ việc giảm tuổi thọ cho đến gia tăng chứng suy nhược. Tập luyện thể thao là một trong những cách thức tự nhiên để khôi phục trạng thái dễ chịu và điều hoà những hợp chất trong cơ thể như dopamine và serotonine. Cô lập đồng nghĩa với việc chúng ta không muốn gần gũi với người khác, do đó những lợi ích của việc cộng hưởng cảm xúc giúp điều hoà các hợp chất trong cơ thể cũng sẽ không tồn tại. Hơn thế nữa, việc tách biệt mọi người còn khiến cho hợp chất giúp gắn kết, oxitocine không được sản sinh. Tất cả điều này càng khiến cho chúng ta lún sâu hơn vào vũng lầy của sự cô lập.
Người mắc chứng suy nhược thường rất khắt khe với bản thân; những cuộc đối thoại xuất hiện trong nội tâm của họ là không bao giờ tha thứ cho mình. Giúp họ cảm thấy thoải mái hơn và nhẹ nhàng hơn với bản thân, để tha thứ (không phải kết tội) cho những thiếu sót, cũng đồng nghĩa với việc giúp họ nhìn nhận bản thân bằng một cái nhìn trắc ẩn hơn.
Cortisol được xem là thủ phạm chính dẫn đến chứng suy nhược. Antonio Damasio đã nói: “Một trong những phát hiện thể lý đáng tin cậy nhất về chứng suy nhược là hiện tượng tuyến thượng thận sản sinh ra nhiều hormon gây căng thẳng cortisol hơn ở người bị suy nhược. Sự thật đơn giản này đã được khám phá nhờ vào một miếng gạc y tế có thấm nước bọt đã cho thấy mối liên quan giữa suy nhược và thể lý căng thẳng của con người”. Khi căng thẳng, mức độ tập trung của cortisol trong dòng chảy của máu tăng cao. “Trong thời gian đầu, những phản ứng căng thẳng rất có ích để giúp cơ thể đối phó được với tình huống nguy hiểm. Nhưng nếu tình trạng căng thẳng trở nên trầm trọng và kéo dài thì hậu quả sẽ rất khôn lường. Hệ thống tim mạch có thể bị tổn thương, các cơ bắp trở nên yếu ớt, cơ thể nổi mụn và chúng ta dễ mắc phải một số căn bệnh nhiễm trùng”.
Quá nhiều chất cortisol có thể được xem là yếu tố gây ra những vấn đề về trí nhớ. Chất này thường sản sinh ra nhiều ở tuổi già, đặc biệt đối với những ai gặp vấn đề về trí nhớ hay bị suy nhược.
Những câu hỏi đầu tiên đặt ra cho một bệnh nhân bị suy nhược không những liên quan đến cảm xúc hay tâm lý mà còn liên quan đến thể lý. Bởi vì đây chính là yếu tố hình thành nên cảm xúc để rồi hình thành nên tâm lý.
Một nhà trị liệu có thể hỏi rằng: “Giấc ngủ của bạn tối qua thế nào? Bạn làm việc quá nhiều hay quá ít? Bạn có những mối quan hệ gì trong cuộc sống và bạn đối xử với chúng ra sao? Đâu là những yếu tố gây căng thẳng trong thế giới riêng của bạn? Bạn có được sự hỗ trợ như thế nào? Hãy mô tả chế độ ăn uống. Bạn đang thực hiện những bài tập thể dục nào?” Khi phân tích danh sách này và nhận thấy thân chủ đang có một chế độ nghỉ ngơi hợp lý, ăn uống điều độ, có sự hỗ trợ thích hợp, đam mê trong công việc và tập luyện thể thao chuyên cần, nhà trị liệu sẽ sẵn sàng để chuyển hướng sang những vấn đề cảm xúc khác.
Tuy nhiên, tinh thần khi có sự “quá gắn kết” với thể chất đến mức phớt lờ những ảnh hưởng xấu của thể chất, nó luôn hy vọng rằng rồi mọi việc sẽ ổn mà không cần xác định những vấn đề thực tế. Đó là các vấn đề giảm cân, điều chỉnh chế độ ăn uống hợp lý hoặc các chương trình tập luyện thể dục. Nếu muốn bỏ lại chứng suy nhược sau lưng thì chúng ta cần phải xác định tất cả những vấn đề đó.[17]
4.5.Tình trạng suy thoái tinh thần nơi Mosê, ngôn sứ Elia và ông Gióp
Mặc cho di chứng cay đắng này, chúng ta vẫn phải bàn đến tình trạng chán sống, một cách đặc biệt là tình trạng suy thoái buồn bã qua ba nhân vật trong Thánh Kinh: ông Môsê, ngôn sứ Êlia và ông Gióp.
4.5.1.Tình trạng suy thoái tinh thần nơi ông Môsê
Tình trạng suy thoái đặc biệt nảy sinh khi Mosê cảm thấy không làm chủ được tình hình. Đầu hàng, muốn bỏ cuộc, muốn chạy trốn. Đó là tình trạng đã xảy ra cho ông Môsê. Nhưng trước hết, chúng ta cần nhắc lại trong bối cảnh nào mà tình trạng “suy thoái” này xảy ra.
Dưới sự dẫn dắt của ông Môsê, dân Do Thái rời Ai Cập, đi qua Biển Đỏ và đến sa mạc. Cả bốn chục năm đi trong sa mạc, cuộc hành trình gần như không lối thoát, Đất Hứa cuối tận chân trời. Không có tương lai. Dân bất bình và họ tiếc thuở nào ăn cá bên Ai Cập mà không phải trả tiền, rồi nào dưa gang, dưa bở, nào hành nào hẹ (Ds 11: 5). Ông Môsê nghe thấy dân tụm năm tụm bảy theo thị tộc mà kêu khóc tại cửa lều. Ông khổ tâm thưa với Đức Chúa: “Một mình con không thể gánh cả dân này được nữa, vì nó quá sức con. Nếu Ngài xử với con như vậy, thì thà giết con đi còn hơn – ấy là nếu con đẹp lòng Ngài! Đừng để con thấy mình phải khổ nữa!” (Ds 11: 10-15) 20
Ở đây chúng ta thấy các nét của sự suy thoái tinh thần. Một mặt, ông Môsê tuyệt vọng, không hy vọng, không dự trù, không tương lai, cả cho ông lẫn cho dân Do Thái. Mặt khác, ông cảm thấy không thể nào làm chủ được tình hình, thấy mình không đủ tầm vóc với sứ mạng và ông tự đánh thấp giá trị. Ông không đáp ứng mong chờ của dân tộc; ông mất hứng sống. Thường thường đó là trường hợp xảy ra trong các hoàn cảnh như vậy, tự thấy mình thiếu sót, không còn lối thoát. Nhưng nhận định của ông chủ yếu là nhận định thuộc về cảm xúc dù cho ông khai triển nó theo lối khách quan và lý tính. Câu trả lời của Chúa mang tính cách tâm lý: “Hãy tập họp lại cho Ta bảy mươi người trong số kỳ mục Israen, những kẻ ngươi biết là kỳ mục và ký lục trong dân. Ngươi sẽ đem chúng đến Lều Hội Ngộ, để chúng đứng đó với ngươi. Ta sẽ xuống đó nói chuyện với ngươi. Ta sẽ lấy một phần Thần Khí đang ngự trên ngươi mà đặt trên chúng, chúng sẽ cùng với ngươi gánh vác dân này, và ngươi sẽ không còn phải vác một mình nữa.” (Ds 11: 16-17) Chúa đúng là một nhà trị liệu tài tình. Người đặt con bệnh ở đúng vị trí của họ. Người hiểu rõ tình trạng. Người không nói: “Này, con rất mạnh, con đã thực hiện các công trình to tát; hãy lấy lại can đảm, hãy giương uy quyền.” Nhưng Người ở trong hoàn cảnh ông Môsê, trong tâm trạng ông Môsê và đề nghị một lối thoát khả dĩ thực hiện được: “Hãy đi họp lại các Kỳ Lão, những người con đã quen biết để họ cùng gánh vác trọng trách với con” làm như vậy, Chúa không giao trách nhiệm cho một cá nhân nào. Ông Môsê lo lắng vì ông nghĩ vấn đề này là của riêng ông, trong khi vấn đề là chính tự nó, không có người chịu lỗi cũng không có người chịu trách nhiệm. Giải pháp giao trách nhiệm cho các Kỳ Lão là một chiến thuật tài tình: họ vào cuộc, họ không còn là người chống đối, người công kích. Đối với Môsê, giải pháp này cũng giải toả cho ông về mặt tâm lý, nó không làm cho ông nghĩ có một cái gì quá sức ông, ngược lại nó còn phù hợp với cảm nhận yếu kém của ông. Nó khơi lên cái mà ngày nay người ta gọi là tình đồng đội. Nó không làm giảm giá trị của ông mà ngược lại, vì chính thần khí của Môsê được giao cho các Kỳ Lão.[18]
4.5.2. Tình trạng suy thoái tinh thần nơi ngôn sứ Êlia
Tình trạng suy thoái tinh thần có thể xảy ra khi mình cảm thấy bị các thế lực thù nghịch tấn công, bức hại. Đó là điều đã xảy ra với tiên tri Êlia.
Êia là tiên tri của Đức Chúa dân Israen. Ông đã chiến thắng các ngụy thần và đã bảo vệ được danh dự cho Đức Chúa. Nhưng nữ hoàng Ideven, vợ của vua Akháp là ông vua muốn dân thờ ngụy thần, giết các tiên tri để báo thù và muốn giết luôn tiên tri Êia. “Thấy vậy, ông Êlia trỗi dậy, ra đi để thoát mạng. Khi tới Bơeseva thuộc Giuđa, ông để đứa tiểu đồng lại đấy, còn ông thì đi một ngày đường trong sa mạc. Ông đến ngồi dưới gốc cây kim tước. Ông xin cho được chết và nói: “Lạy Đức Chúa, đủ rồi! Bây giờ xin Chúa lấy mạng sống con đi, vì con chẳng hơn gì cha ông của con.” Êlia đau khổ và đó là lý do ông chán sống, ông không còn khả năng để có quan hệ tốt với người khác, ngay cả với Chúa và cả chính ông. Ồng có cảm tưởng ông làm cái gì chăng nữa cũng chẳng được. Vậy mà ông vừa chiến thắng mang vinh dự đến cho Chúa nhưng với cái giá của một cuộc thảm sát (cái chết của các tiên tri xứ Baan). Cuộc chiến thắng này không vinh hiển gì. Hơn nữa, dân chúng cũng không biết ơn ông, nữ hoàng lại muốn giết ông. Còn Chúa thì im lặng. Êlia là “số không” trong nghệ thuật truyền thông và cổ động giao tiếp. Ông không biết cách đối phó. Tất cả đều quay lưng với ông. Chỉ có những quan hệ xung đột và hụt hẫng. Dù đã chiến thắng, ông cũng không thuyết phục được ai, ngay cả với chính ông.
Vinh dự, chiến thắng đều là phù du. Người khác không biết ơn, chính mình thì không tin mình đã làm điều tốt. Như chúng ta biết, sau một thành công, chúng ta có thể bị cảm giác chán nản và tỉnh ngộ xâm chiếm. Đó là một hình thức xuống tinh thần sau khi cố gắng vượt bực, căng thẳng tột độ. Tiên tri Êlia không còn muốn chiến đấu dù để bảo vệ cho các điều mà trước đây ông cho là tốt. Đủ rồi, quá đủ! Ông chỉ muốn trốn đi. Và, từ sự kiện này, ông cảm thấy mình hèn, mình không xứng đáng. Ông muốn sống một mình, ông bỏ cả tên tiểu đồng. Rồi ông đi đến giai đoạn không thể tránh được: tự đánh giá thấp hình ảnh của mình: “Con chẳng hơn gì cha ông của con.”
Như tất cả mọi người, trước cơn khủng hoảng, ông là con người mâu thuẫn, vừa tích cực vừa tiêu cực cả với chính mình. Và cũng có thể mâu thuẫn trong quan hệ với Chúa, vừa yêu vừa hận. Các mâu thuẫn nội tâm này bị cơn khủng hoảng và tình trạng buồn bã làm nặng thêm. Freud nói thực tế “các nguyên do làm phát ra tình trạng buồn bã (…) bao gồm các trạng huống mình phải chịu như sỉ nhục, đau khổ, thất vọng đưa đến trong một quan hệ hận thù, ngược với tình thương hoặc làm nặng thêm một tình trạng mâu thuẫn đã có sẵn”. Tiên tri Êlia bị bà Ideven bức bách, ông cũng cảm thấy mình bị Chúa bức bách vì thế quan hệ của ông với Chúa trở nên hung hăng. Với bà nữ hoàng: vừa muốn làm vui lòng bà vừa bức xúc vì biết bà ruồng bỏ mình. Với Chúa: vừa muốn phục vụ Chúa như một anh hùng, vừa bị sỉ nhục vì không được đền bù. Buồn bã, muốn chết, muốn bỏ trốn… Và ở đây, Chúa mượn thiên thần đến chữa trị cho ông. Trước hết là ngủ đủ, ăn đủ. Sau khi ngủ dậy, thì ông thấy ở phía đầu ông có một chiếc bánh nướng và một hũ nước. Đối với ông, vậy là đã lên tinh thần. Ông đi bộ đến núi Sinai, nơi của những lời hứa, những mạc khải của Chúa mà đời xưa, dù trong cơn tuyệt vọng tột cùng của dân Do Thái, Chúa cũng thể hiện Chúa là đường, là sự thật, là sự sống.
Êlia muốn đi lại từ đầu. Muốn xoá sạch quá khứ với các chiến thắng giả tạo, các thất bại cay đắng. Bắt đầu lại cuộc sống vượt lên các điều này. Trở về, làm trống rỗng với những gì mà trước đây trong quá khứ từng là nguồn của hứa hẹn, của sức mạnh và của quyền uy. Trở về với những gì mình tin tưởng trước khi cơn khủng hoảng xảy ra, trở về với những gì từng nuôi dưỡng mình. Có thể nói khi tiên tri Êlia đi đến nơi Chúa mạc khải là ông đã thoái lui. Freud nhấn mạnh đến sự kiện tình trạng buồn bã dẫn đến một tiến trình thoái lui. Nhưng sự thoái lui này là tốt. Nó hứa hẹn một bước khởi đầu mới. Tiên tri Êlia tái trở lại người Do Thái nguyên thuỷ.
Đức Chúa thể hiện cho ông qua tiếng gió hiu hiu (1V 19: 12). Không ai có thể thấy Chúa diện đối diện cũng không ai nghe tiếng Chúa trực tiếp nhưng điều rõ ràng là Chúa ở đó. Như sách Talmud nói: “Đức Chúa luôn ở bên cạnh người bị bức hại”. Tiên tri Êlia đã tìm lại được Đức Chúa của thời thơ ấu của ông, của lòng mộ đạo của ông, ông cảm thấy mình được gọi đi lại từ đầu. Ông xức dầu phong cho Khazaên làm vua Xyri, cho Giêhu làm vua Israen và cho Êlisa làm tiên tri kế vị ông. (1V 19: 15-16). Cao điểm của câu chuyện này là ở sự thoái lui của tiên tri Êlia, làm cho ông nhìn lại được dòng thời gian khi ông bị thử thách. Từ đó ông khởi đi từ dòng cuộc sống này. [19]
4.5.3. Tình trạng suy thoái tinh thần nơi ông Gióp
Tình trạng suy thoái thứ ba mô tả ở đây là tình trạng lo lắng đứng trước điều khó hiểu. Đó là kinh nghiệm của ông Gióp. Thật sự vấn đề của ông Gióp không phải là vấn đề đau khổ mà nguyên do của đau khổ. Ông không biết vì sao ông khổ. Đau khổ của ông là hình phạt vì một lỗi? Một hình thức giáo dục? Nhưng để làm gì? Nhưng đó có phải là kết quả của tình cờ và do tính độc đoán của một Thiên Chúa không giải thích được? Tất cả các giải thích đều được ông Gióp và ba người bạn của ông nêu lên “tôi đã có câu trả lời” theo truyền thống tôn giáo. Nhưng ông không chấp nhận một câu trả lời nào, ông phẫn nộ và than van chống Chúa. Ba người bạn muốn ông tự kiểm, ông tìm lỗi nào đó ông đã phạm để bây giờ bị Chúa phạt. Ông không thừa nhận ý đồ của họ và thẳng thắn kết tội Chúa phải chịu trách nhiệm cho nỗi lo lắng, bất hạnh, chán sống của ông. Ở đây, ngược với những gì đã xảy ra với ông Môsê và tiên tri Êlia, Đức Chúa không can thiệp. Nếu Chúa là trị liệu gia thì người dùng sự thinh lặng và vắng mặt của mình. Chính nơi ông và chỉ một mình ông là chỗ nương tựa cho ông. Và ông thực hiện qua phẫn nộ, nguyền rủa, quay lưng. Ông nổi dậy trước sự trống không. Ông đứng phía trống rỗng, ông đối diện với cái hư không của Đức Chúa. Ông chống chọi với một loạt chữ không! Không cần những an ủi giả dối. Không cần những ảo tưởng vuốt ve và ảo vọng. Không cần những lý thuyết thần học chẳng giải thích được gì. Ông Gióp là tiền thân của tất cả các nhà kích động lớn và các nhà phạm thượng. Nhưng phi lý và phẫn nộ không dẫn ông đến tuyệt vọng hay một hình thức vô thần cay đắng. Ông vẫn giữ quan hệ với Chúa dưới hình thức một cuộc chiến hệt như cuộc chiến của Giacóp với Thiên Thần. Nhưng ở đây Thiên Thần là Vắng Mặt, hoặc ít nhất là Điều Không Thể Hiểu Được.
Có thể ông Gióp là tiền thân của văn sĩ Camus. Quả vậy, Camus đã viết: “Tôi rút tỉa ra từ sự phi lý ba hệ quả, đó là sự phẫn nộ, sự tự do và đam mê của tôi”. Cái làm cho con người cao cả, cứu thoát con người là sự phẫn nộ. Con người là tạo vật duy nhất từ chối tình trạng nhân sinh của mình. Camus viết: “Như vậy phẫn nộ về mặt siêu hình không hẳn là vô thần như người ta nghĩ nhưng tất nhiên họ là người phạm thượng.”
Sự phẫn nộ làm biến đổi bộ mặt của chán sống và ý nghĩa của sự phi lý. Nó làm chán sống thành động lực. Nó cất đi những gì là u ám rên rỉ để làm bật lên tiếng hét và vùng dậy. Chắc chắn đó là cách Chúa làm cho con người qua sự vắng mặt và thinh lặng của Chúa. Chúa tạo một cái neo, một bàn đẩy Archimède ở bên ngoài cho cơn phẫn nộ của chúng ta. Người cho cơn phẫn nộ của chúng ta một điểm tựa hay đúng hơn một điểm tác động. Trên điểm tựa này, cơn phẫn nộ có thể tác động được thay vì nó chỉ gây ra tình trạng trì trệ, suy sụp và tệ hơn nữa là việc tự hạ giá chính mình.
Chán sống làm cho chúng ta không rơi vào tình trạng ủ rũ. Phẫn nộ làm cho chúng ta
khỏi rơi vào cảnh chán sống. Khỏi dùng Prozac, cứ phẫn nộ dù phẫn nộ chống Chúa. Ông Gióp chứng tỏ cho thấy cái hố ngăn cách không lớn lắm giữa hận Chúa và thú tội với Chúa. Chúa của ông Gióp cũng là Chúa của triết gia Kierkegaard. Camus sáng suốt một cách lạ thường khi mô tả Kierkegaard: “Qua cái mẹo dằn vặt, Kierkegaard cho (…) Chúa của mình những thuộc tính: bất công, tiền hậu bất nhất và không thể hiểu được.” Phi lý của thế giới này, độc ác vô nghĩa của kiếp nhân sinh không có nghĩa là sự phủ nhận của Trời nhưng đúng hơn phải hiểu như tấm gương phản ảnh một Thiên Chúa của thất thường, của tình cờ và của phi lý. Hơn cả hạnh phúc, cảm nhận cuộc đời phi lý dựng lên hình ảnh của Thiên Chúa và mời gọi chúng ta đứng lên một cách say đắm trước mặt Người. Làm như vậy chúng ta thoát được cơn buồn bã.[20]
[1] Alain Houziaux, Le mal de vivre, pourquoi? (Chán Sống, tại sao?) trg.11
[2] Alain Houziaux, Le mal de vivre, pourquoi? (Chán Sống, tại sao?) trg.12
[3] Alain Houziaux, Le mal de vivre, pourquoi? (Chán Sống, tại sao?) trg.13-14
[4] Alain Houziaux, Le mal de vivre, pourquoi? (Chán Sống, tại sao?) trg.15-16
[5] Alain Houziaux, Le mal de vivre, pourquoi? (Chán Sống, tại sao?) trg.16-17
[6] Alain Houziaux, Le mal de vivre, pourquoi? (Chán Sống, tại sao?) trg.18
[7] Alain Houziaux, Le mal de vivre, pourquoi? (Chán Sống, tại sao?) trg.19
[8] Alain Houziaux, Le mal de vivre, pourquoi? (Chán Sống, tại sao?) trg.46
[9] Alain Braconnier, Le mal de vivre, pourquoi? (Chán Sống, tại sao?) trg.47
[10] Alain Braconnier, Le mal de vivre, pourquoi? (Chán Sống, tại sao?) trg.47-48
[11] Alain Houziaux, Le mal de vivre, pourquoi? (Chán Sống, tại sao?) trg 49-50
[12] Alain Houziaux, Le mal de vivre, pourquoi? (Chán Sống, tại sao?) trg.51
[13] Alain Houziaux, Le mal de vivre, pourquoi? (Chán Sống, tại sao?) trg51-52.
[14] Alain Houziaux, Le mal de vivre, pourquoi? (Chán Sống, tại sao?) trg.52-53
[15] Tian Dayton, Phép màu của lòng khoan dung, trg.138-143
[16] Tian Dayton, Phép màu của lòng khoan dung, trg.148-150
[17] Tian Dayton, Phép màu của lòng khoan dung, trg.151-153
[18] Alain Houziaux, Le mal de vivre, pourquoi? (Chán Sống, tại sao?) trg.19-21
[19] Alain Houziaux, Le mal de vivre, pourquoi? (Chán Sống, tại sao?) trg.22-25
[20] Alain Houziaux, Le mal de vivre, pourquoi? (Chán Sống, tại sao?) trg.27-30